Do tóm tắt nội dung phim không phải là mục đích của bài viết này, nên mình sẽ lược phần cốt truyện của bộ phim. Mong bạn đọc có thể trải nghiệm từng giấc mơ trong Dreams một cách trọn vẹn.

Mở đầu

Dreams là bộ phim được chỉ đạo bởi cố đạo diễn Kurosawa Akira, ra mắt công chúng vào năm 1990 với tư cách là tác phẩm mở màn cho Cannes Film Festival. Bộ phim sau đó cũng đã gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi với giải Quả cầu vàng cho phim ngoại ngữ hay nhất và vô số giải thưởng khác được trao tặng bởi Viện Hàn lâm Nhật Bản. 
Mấy ai biết được rằng, đã từng có thời điểm quá trình sản xuất Dreams gặp khó khăn vì Kurosawa không thể tìm được tài trợ từ các Studio trong nước, bởi trong phim của ông có nhiều phân cảnh thể hiện quan điểm đối với năng lượng hạt nhân cũng như đối với môi trường. Sau đó, ông đã gửi kịch bản cho Steven Spielberg - người rất thích ý tưởng của bộ phim và cũng là người móc nối để Kurosawa Akira có được thỏa thuận tài trợ dưới cái tên Warner Bros. Cũng nhờ thế mà danh sách những kiệt tác Kurosawa Akira để lại cho hậu thế lại được tăng lên.
Như cố nhà văn Fyodor Dostoevsky đã từng viết:
“Dreams revealed men’s deepest thoughts, liberated in sleep.”
Những giấc mơ trong Dreams cũng đại diện cho những suy nghĩ thầm kín nhất trong con người của Kurosawa, đó là cách ông thể hiện cái tôi của bản thân mình, thông qua nhân vật và bối cảnh trong phim.
Dreams được tổng hợp từ 8 phim ngắn riêng biệt mà mỗi phần phim đều là một giấc mơ được Kurosawa Akira viết kịch bản và đạo diễn. Thực chất những giấc mơ này đều là những sự kiện mà cố đạo diễn đã trải qua, bằng ngôn ngữ cũng như phong cách nghệ thuật đặc trưng của mình, ông đã tạo nên một tác phẩm nơi con người, thiên nhiên và linh hồn tương tác với nhau. Dreams sử dụng nhân vật thay thế qua nhiều thời đại để kể câu chuyện của Kurosawa, từ những kỉ niệm thời thơ ấu tới một người đàn ông vui vẻ chấp nhận cái chết.
Những giấc mơ mà ông trải qua khi còn nhỏ rất màu sắc và huyền bí trong khi Kurosawa trưởng thành lại mơ về  nỗi sợ hãi của của con người như chiến tranh,thảm họa hạt nhân hay ô nhiễm môi trường. Mỗi giấc mơ đều đưa Kurosawa tiếp xúc một nhân vật kì ảo nào đó như: cáo Kitsune, người đàn bà trên núi tuyết, hồn ma của người lính, Vincent Van Gogh hay ác quỷ…đều truyền tải tâm ý và nỗi kinh hoàng của họ với ông qua các thời kỳ. Bằng cách nhìn vào những giấc mơ đó, chúng ta không chỉ hiểu thêm về đạo diễn Kurosawa mà còn cả những hy vọng và nỗi sợ đã định hình phần lớn người Nhật Bản trong thời hiện đại.

Sunshine Through The Rain - Vạt nắng sau mưa

“Vạt Nắng Sau Mưa” là giấc mơ mở màn cho bộ phim, là một giấc mơ mang đầy tính thơ mộng và huyền ảo. Trong giấc mơ này, một cậu bé bị phát hiện khi đang xem lén đám rước dâu của bầy cáo trong rừng, điều này đã khiến bầy cáo tức giận và cậu phải đi tìm và xin lỗi chúng mới được trở về nhà. Tuy nhiên cậu không hề lo sợ, mà vững bước đi trên con đường trải đầy hoa màu và cầu vồng. Mình nghĩ giấc mơ này thể hiện niềm tin của Kurosawa vào sức mạnh của nghệ thuật và trí tưởng tượng cũng như qua chi tiết cậu cầm chắc con dao đi về phía núi rừng cuối phim càng chắc chắn hơn cho sự trưởng thành trong tâm trí cậu bé, can đảm chấp nhận thử thách. Có lẽ nghệ thuật là niềm tin vững chắc để cậu bé ấy hay nói đúng hơn là chính Kurosawa mạnh mẽ, quyết tâm hơn với lý tưởng của mình.

Peach Orchard - Vườn đào

Tiếp theo, “Vườn Đào” là một giấc mơ đậm chất kịch. Nó thể hiện sự bất lực của trẻ em trước bi kịch và những quan niệm khó hiểu về cái chết và mất mát ở độ tuổi này. Thực tế rằng một trong những em gái của cố đạo diễn Kurosawa, Momoyo, đã qua đời đột ngột khi ông còn nhỏ. Trong hồi ký của mình, ông nhớ lại lúc chơi búp bê Hina với người em gái “đột ngột qua đời vào năm lớp 4 - như thể bị một cơn gió quái quỷ thổi qua”. Điều này cũng đã giải thích cho việc tại sao chỉ có cậu bé là nhìn thấy cô gái trong bộ kimono màu hồng nhạt ấy, đó chính là hiện thân của em gái ông. Qua đó thể hiện sự khó khăn trong việc chấp nhận cái chết và buông bỏ những người mà Takashi Koizumi - trợ lý đạo diễn lâu năm của Kurosawa - xác nhận, đạo diễn rất quý mến. Lập luận này càng được củng cố thêm qua hình ảnh cuối phim, cho thấy hiện thực về một khu vườn chết, trong đó tất thảy trừ một cây hoa anh đào đều bị đốn hạ. Ngoài ra, mình nghĩ đây còn là ngụ ý của đạo diễn Kurosawa về ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc, kèm theo đó là thiên nhiên. Một cách truyền tải đầy ẩn ý mà tự nhiên.

The Blizzard - Bão tuyết

Giấc mơ thứ ba “Bão Tuyết” theo mình thấy là còn ẩn chứa nhiều lớp nghĩa hơn việc nói về thiên nhiên và đối mặt khó khăn trong cuộc sống. Phải nói rằng, trong giấc mơ này các nhà leo núi đang đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khi phải tìm đường về nơi trú ẩn trước khi cơn bão lớn hơn. Đạo diễn Kurosawa còn đẩy tình huống lên cao điểm hơn khi gợi về ý niệm từ bỏ, tự sát bằng việc những nhà leo núi chán nản, ngã quỵ xuống nền tuyết lạnh, chỉ chờ cho cái chết đến với mình trong đó có cả nhân vật chính. Nói thêm rằng, đạo diễn Kurosawa Akira cũng đã từng có ý định tự tử vào năm 1971 khi gặp thất bại trong công việc. Điều này cũng có liên quan ít nhiều tới tình trạng của các nhà leo núi trong phim và nhân vật người phụ nữ tuyết bí ẩn xuất hiện giữ nhân vật chính lại dưới nền tuyết một phần thể hiện số phận bi thảm của những người leo núi đã nằm lại dưới lớp tuyết ngoài ra đó còn là biểu tượng của ý nghĩ muốn tự sát; ý nghĩ vang vọng khiến nhiều người tin rằng từ bỏ dễ dàng hơn rất nhiều so với nỗi đau khi tiếp tục.
Điều này lại nhắc về nỗ lực tự sát của Kurosawa người sau trải qua biến cố đã sẵn sàng vứt bỏ để đến với cái chết. Đây còn là một chi tiết đáng buồn liên hệ trực tiếp tới người anh quá cố của ông, Heigo, người đã tự tử năm 27 tuổi. Như ông đã viết trong cuốn tự truyện của mình:
“Cái chết của Heigo đã thay đổi cách nhìn của tôi về thế giới xung quanh, và nỗi buồn mất đi anh trai vẫn còn mãi”
Cuộc đời, nỗi buồn và sự mất mát người thân đã được vị đạo diễn, với rất nhiều cảm xúc, đã làm sống lại những kỉ niệm ấy thông qua phép màu của điện ảnh. Ông đặt những ký ức đau buồn của mình qua lăng kính, cho người xem thấy nhân vật sau những giày vò, đã chống lại cái chết, lê lết kéo đồng đội của mình khỏi đống tuyết, và sau đó là cảnh cơn bão tan, nơi trú ẩn hiện ra trước mắt. Phân cảnh này phần nào thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của Kurosawa, rằng sau khi tự sát bất thành, khát vọng sống và cống hiến cho đam mê càng nhiều hơn, thúc dục ông tạo ra những tuyệt tác cho nền điện ảnh thế giới.

The Tunnel - Đường hầm

Là cuộc đối thoại giữa viên sĩ quan đang trên đường về nhà và những người đồng đội đã ngã xuống của mình trong cuộc Thế Chiến II. Trong phần phim này,  cố đạo diễn Kurosawa đã thể hiện quan điểm của mình về sự sống và cái chết cũng như nói lên tiếng lòng của ông về sự vô nghĩa của chiến tranh, hay nói cách khác đây là Bài ca phản chiến được thể hiện thông qua lăng kính điện ảnh. Tuy nhiên, đây lại không phải là những kinh nghiệm thực tiễn của vị đạo diễn với chủ đề này mà nó lại dựa trên những quan điểm tiêu cực của ông về chiến tranh. “Không phải kinh nghiệm thực tiễn” là vì trong quá khứ ông đã bị quân đội Nhật Bản từ chối trong Thế Chiến II, dẫn đến việc ông phải nhập ngũ quá muộn và do đó không có cơ hội chiến đấu cho Quân đội Đế quốc Nhật Bản. 
“... Tôi thực sự muốn chết cùng các cậu
Tin tôi đi, tôi thà chết còn hơn
Tôi cảm nhận được nỗi buồn của các cậu
Họ gọi các cậu là “anh hùng”
Nhưng các cậu chết giống như những con chó…”
Đây là những gì viên sĩ quan đã nói với những người lính dưới trướng của mình, những người đã chết vì mệnh lệnh của ông. Mình nghĩ rằng đây là lời bộc bạch của chính đạo diễn Kurosawa, không chỉ đối với ông mà đối với bất cứ người thanh niên ở bất cứ quốc gia nào, việc không được đứng lên chiến đấu vì đất nước của mình là một nỗi thất vọng vô cùng lớn. 
Và đoạn thoại trước đó của viên sĩ quan có thể chính là lời chỉ trích của ông với cách xử lý của Chính phủ Nhật Bản trong những năm cuối của cuộc chiến, khiến cho hơn 2 triệu binh lính tử trận và tình trạng bất ổn tăng cao. 
“...Thật khó để nhìn mặt các cậu
Tôi đã đưa các cậu đến cái chết
Tôi thật đáng trách
Tôi có thể chịu tất cả trách nhiệm…
Về trận chiến ngu ngốc này
Nhưng tôi không thể đổ lỗi cho nó
Tôi không thể loại bỏ suy nghĩ của mình được.
Tôi đã sai lầm.”
Cuối cùng, những người lính cũng quay trở lại đường hầm. Tượng trưng cho hòa bình đã trở lại, những nỗi đau, bất bình xuất hiện trong cuộc chiến giờ đây cũng chỉ còn là quá khứ không thể thay đổi được, chúng ta phải chấp nhận nó và bước tiếp.
Thông qua điện ảnh, Kurosawa đã hồi sinh những giấc mơ và kí ức của mình, đau khổ, luyến tiếc, bất bình,.. những cảm giác ấy được ông nhân cách hóa qua từng khung cảnh, từng lời thoại trong tác phẩm. Cần phải biết rằng, khi thực hiện bộ phim này, đạo diễn Kurosawa đã ở tuổi 80 nhưng ông vẫn không ngừng nghỉ thể hiện lí tưởng của mình thông qua màn ảnh rộng, minh họa từng khung hình như một bức tranh đầy màu sắc và ẩn ý. Không chỉ qua Dreams mà qua rất nhiều tác phẩm khác của đạo diễn Kurosawa như Kagemusha (1980) hay Ran (1985) ta đều dễ nhận ra những khung cảnh màu sắc như tranh vẽ, điều này thực chất lại có liên quan tới cảm quan nghệ thuật của đạo diễn Kurosawa. Ban đầu ông đã muốn trở thành một họa sĩ  nhưng giấc mơ ấy đã tiêu tan vì lý do tài chính cũng như hạn chế trong thông điệp truyền tải, ông đã nói rằng:
... Tôi chỉ đơn giản không thể sống bằng nghề vẽ. Và tôi nhận ra rằng với tranh, tôi không thể nói hết những gì mình nghĩ. Có rất nhiều điều tôi muốn nói nhưng tôi không thể làm được điều đó với những bức tranh…
Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ hội họa, bằng cách này hay cách khác, điện ảnh của Kurosawa vẫn mang nét gì đó rất nghệ thuật. Ông đưa hội họa vào khung hình và trong khâu chuẩn bị, bằng cách vẽ tay từng phân cảnh cho Dreams cũng như nhiều tác phẩm trước đó, ông giải thích đó “như một phương tiện hữu ích để giải thích ý tưởng cho nhân viên của mình”
Điều này được thể hiện rõ nhất qua giấc mơ tiếp theo, Crows - Bầy quạ, lấy hình tượng người có ảnh hưởng trong cuộc đời của ông, họa sĩ Vincent Van Gogh.

Crows - Bầy quạ

Đây là giấc mơ mình ấn tượng nhất, không chỉ bởi gam màu tươi sáng, bắt mắt mà nó còn lấy cảm hứng từ những bức tranh của Van Gogh và vị đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese chính là người thủ vai Van Gogh trong giấc mơ này.
Akira Kurosawa, một người hâm mộ cuồng nhiệt của Van Gogh và các tác phẩm của ông, đã liệt kê ông trong cuốn tự truyện của mình là "một trong ba họa sĩ mà ông đã đề cập khi xin việc tại một công ty điện ảnh" và, khi nhắc đến cái chết bi thảm của anh trai mình, "một trong ba họa sĩ có những bức tranh đã thay đổi cách nhìn của ông đối với thế giới thực sau vụ tự sát của Heigo".
“ A scene that looks like a painting does not make a painting. If you take the time to look closely, all of nature has its own beauty. And when that natural beauty is there I just lose myself in it. And then, as if it’s in a dream, the scene just paints itself for me”
Mình xin phép không dịch đoạn thoại này vì mình nghĩ nó sẽ hay hơn theo cách hiểu riêng của từng người
Với "Bầy quạ", Kurosawa khơi gợi lại những ký ức đau buồn dưới hình thức của họa sĩ được yêu thích nhất nhưng lại đoản mệnh của ông. Ông bày tỏ tình cảm của mình và gửi lời chia buồn sau sự kiện đối với Van Gogh, người không chỉ là hiện thân của sự mất mát bi thảm của anh trai ông và bản thân người họa sĩ, mà còn là toàn bộ nền điện ảnh. Thông qua việc sử dụng Scorsese trong vai Van Gogh, Kurosawa bày tỏ lòng biết ơn đối với điện ảnh, phương tiện đã tạo nên sự nghiệp của ông, và cũng tôn vinh hội họa, niềm đam mê lớn nhất của ông. Trong Dreams, Kurosawa kết nối các dấu chấm trong tâm lý, cuộc đời, di sản của mình và bày tỏ sự tôn kính đối với những nhân vật, bộ phim và mối quan hệ đã khiến điều đó trở nên khả thi.

Mount Fuji in Red - Núi Phú Sĩ nhuộm đỏ

Ở giấc mơ này, ta được thấy một góc nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống hay nói kĩ hơn là về cái chết, thông qua ngày tận thế và vũ khí hạt nhân. Giấc mơ bắt đầu với cảnh đoàn người lũ lượt tháo chạy, đằng sau là núi Phú Sĩ đỏ rực chực chờ phun trào. Nhưng thực chất, đó lại là do nhà máy hạt nhân đằng sau núi phát nổ. Việc sử dụng ngọn núi Phú Sĩ - biểu tượng của Nhật Bản để che trước nhà máy hạt nhân có thể là dụng ý của đạo diễn Kurosawa để nói lên rằng đôi khi thứ chúng ta thấy trước mắt lại không phải điều thực sự đang diễn ra, thứ giết chết con người đôi khi lại chính là con người. Để nói kỹ hơn thì núi Phú Sĩ chính là linh hồn của Nhật Bản, Nhật Bản là núi Phú Sĩ và núi Phú Sĩ chính là Nhật Bản. Ngọn núi này đã xuất hiện rất nhiều trong thơ ca, văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây, bằng cách sử dụng một sự kiện nhân tạo phá hủy thứ tượng trưng cho cả một dân tộc, đạo diễn Kurosawa muốn nhấn mạnh về sự tồn vong hay tận thế đều do nhân loại quyết định.
Giấc mơ này cũng là một lời trách móc của đạo diễn Kurosawa với những người đã tạo ra hạt nhân hay nói cách khác là những người đã tạo ra kết cục bi thảm cho nhân loại nói chung và đối với người dân Nhật Bản qua 2 cuộc ném bom hạt nhân năm 1945. 
“...những đám mây đỏ đó. Đều là Uranium - 239. Một phần mười triệu gram có thể gây ra ung thư. Màu vàng là Strontium - 90. Khi nó đi vào cơ thể có thể gây nên bệnh bạch cầu. Màu tím là Caesium - 137. Gây ảnh hưởng tới hệ thống sinh sản và dị tật thai nhi.”
Đây là lời giải thích của ông tiến sĩ về những tác hại chết người của phóng xạ hạt nhân. Bằng cách giải thích cặn kẽ về tác động của phóng xạ, đạo diễn Kurosawa đã bộc lộ sự thất vọng của mình đối với loài người cũng như mong muốn dai dẳng đầu tư vào phát triển công nghệ hạt nhân. Cũng như cảnh ông tiến sĩ nhảy xuống vách núi tự sát phần nào thể hiện sự vô trách nghiệm của những người tạo ra nó, họ biết những hợp chất có trong nó sẽ gây hại gì cho môi trường nhưng bản thân họ thay vì kiềm chế nó lại tô vẽ cho nó những màu sắc để dễ nhận biết hơn, dễ nhận biết cái chết.
“...Loài người thật ngu ngốc! Phóng xạ thật vô hình, bởi vì chúng nguy hiểm nên người ta làm màu cho chúng. Và nó chỉ để cho mọi người biết rằng nó nguy hiểm, chỉ để báo hiệu rằng mọi người sắp chết mà thôi.”

The Weeping Demon - Quỷ than khóc

Đây có thể coi là giấc mơ nối tiếp của giấc mơ “Mount Fuji in Red” trước đó, khi phóng xạ đã lan ra khắp vùng và lúc này ta được thấy những người nhiễm phóng xạ dần mọc sừng và trở thành những con quỷ gớm ghiếc, thực vật cũng mang những hình thù kỳ dị. Đây chính là viễn tưởng về hậu quả của vũ khí hạt nhân mà đạo diễn Kurosawa muốn cho cả thế giới thấy, điều này càng quan trọng hơn khi Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra 4 năm trước khi bộ phim được công chiếu. 
Có một điều đặc biệt rằng những con quỷ trong giấc mơ này lúc nào cũng trong tình trạng đau đớn, do chiếc sừng mọc trên đầu chúng, càng nhiều sừng tức nỗi đau càng lớn. Cấp bậc của những con quỷ cũng được thể hiện thông qua những chiếc sừng chúng có, càng nhiều sừng, càng cao cấp, nỗi đau càng lớn. Phải chăng Kurosawa đang chỉ thẳng tay vào những người chịu trách nhiệm cho các sự kiện thảm họa đang diễn ra, vạch trần tội ác của họ và buộc họ phải cảm nhận từng chút nỗi đau, tội lỗi họ đáng phải chịu.

Village of the Watermill - Ngôi làng cối xay nước

Cuối cùng trong giấc mơ “Ngôi làng cối xay nước” Kurosawa kết thúc những lời than thở, suy ngẫm, ký ức và tất nhiên là cả những giấc mơ bằng một phần phim nhẹ nhàng. Sau khi vượt qua những thước phim dày đặc các tầng lớp nghĩa và hoạt ảnh màu sắc, “Ngôi làng cối xay nước” mở ra một lối thoát xuyên vào thiên nhiên. Đã bác bỏ ý niệm chúng ta không thể sống thiếu công nghệ, máy móc hiện đại. Thực chất, chúng ta đang quá quan tâm tới những phát minh và đổi mới mà không biết gì về vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.
Tuổi thọ của chúng ta trên hành tinh này là có hạn. Thậm chí còn có thể ngắn hơn bởi những vấn đề biến đổi thiên nhiên do con người tạo ra. Tuy nhiên, không phải là hết cách. Chúng ta vẫn có thể giảm tải sự phụ thuộc vào công nghệ và chấp nhận sự xuống cấp của thế giới xung quanh để tìm cách cải thiện nó. Suy cho cùng, không nên dựa vào công nghệ để khiến chúng ta hạnh phúc, mà hãy coi cuộc sống của chúng ta là món quà hạnh phúc nhất.

Thay cho lời kết

Bằng tài năng trời phú của mình, cố đạo diễn Kurosawa Akira đã gói gọn những ý niệm về cuộc sống và cả nhân sinh quan vào trong tác phẩm. Đúng với khái niệm phim ảnh phản chiếu tư duy sâu kín của con người, thông qua lăng kính điện ảnh, vị đạo diễn đã truyền tải những kìm nén ẩn sâu trong ông và cả những suy ngẫm trong tiềm thức cá nhân mỗi con người hay cả tập thể. Mình thật sự mong rằng mọi người có thể một lần trải nghiệm Dreams để biết nó tuyệt đến thế nào.