Drama Vinasun Kiện Grab: Hít Sao Cho Bổ Phổi
Một điều thú vị trong cuộc sống hiện đại hôm nay là chúng ta không có thiếu drama để mà "hít hà", giúp cuộc sống của chúng ta trở nên...
Một điều thú vị trong cuộc sống hiện đại hôm nay là chúng ta không có thiếu drama để mà "hít hà", giúp cuộc sống của chúng ta trở nên bớt buồn tẻ vì cuối cùng cũng có thứ để mang đi trà chanh chém gió, ra oai với mọi người về sự hiểu biết của mình.
Tuy nhiên có một điều cần biết rằng drama cũng cần phải biết cách hít, hít sai cách thì hỏng phổi, nhũn não, hít đúng cách thì phổi khỏe, não to ra.
Gần đây có sự kiện tập đoàn taxi Vinasun khởi kiện Grab với lý do rằng Grab đã làm ăn gian dối và do đó trực tiếp gây thiệt hại lớn đến hoạt động kinh doanh của Vinasun. Tòa án đã tuyên xử Grab phải bồi thường cho Vinasun 42 tỷ đồng.
Như mọi lần khi có drama lớn cỡ chục tỷ thế này hiện ra, chúng ta lại chứng kiến nhiều luồng dư luận khác nhau, và rồi xuất hiện những " đấng khai sáng", những người sẵn sàng đứng lên chửi thẳng và thật, cho người khác thấy họ đã ngu ngốc để cho bọn xấu "dắt mũi" như thế nào, và rồi đưa ra giải pháp trừng trị bọn xấu ấy.
Mình kiếm được hai bài viết "vạch trần bộ mặt xấu xa" của Grab được chia sẻ khá nhiều trên các trang Facebook.
Đây là bài 1: NỖI BỨC XÚC KHI GRAB MẶT DÀY GỬI TÂM THƯ
Đây là bài 2: Sự ngu dốt của cư dân mạng khi chửi Vinasun
(Bài 2 không có tựa đề, mình tự đặt dựa vào nội dung bài viết)
Mình quan tâm đến vấn đề này là vì nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) là một xu hướng gần như chắc chắn là của tương lai và cách chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan đến loại hình kinh doanh này hiện nay sẽ định hình xã hội Việt Nam trong các năm tới.
Bài viết này sẽ chỉ ra các lỗ hổng trong lập luận trong hai bài trên.
Ngoài ra mình không phải là một người học luật do đó bài viết sẽ có sai sót, những bạn nào rành hơn về luật pháp có thể đóng góp bổ sung kiến thức bên dưới.
Những điều mình không đồng ý trong hai bài viết trên
Vấn đề 1: Các quốc gia khác quản lý mô hình xe Uber, Grab như taxi truyền thống
Trong bài viết số 2 có đăng hình này:
Mình không nghĩ tác giả bài viết đăng cho vui, không ai bỏ công tìm bài báo, cắt tiêu đề rồi rồi nhọc công ghép lại để đăng cho vui cả, do đó mình nghĩ rằng í của tác giả là: "Các quốc gia khác cũng quản lý kiểu kinh doanh của Grab, Uber như là taxi truyền thống, tại sao Việt Nam làm theo mà lại chửi?"
Vấn đề nằm ở chỗ: cách các quốc gia tân tiến nhắc đến trong các bài báo, như Singapore, Đức, có luật quản lý xe taxi cực kì hiệu quả. Đây là một trong những quốc gia có chất lượng luật pháp cao hàng đầu thế giới. Do đó có thể hiểu luật áp dụng cho việc quản lý xe taxi ở các quốc gia đó áp dụng được cho Uber, Grab.
Điều này khác hoàn toàn Việt Nam nơi luật pháp còn rất yếu, chất lượng các bộ luật thuộc hàng kém. Thậm chí không phải nói quá khi nói rằng ngay cả các hãng taxi truyền thống ở Việt Nam còn không chịu nổi luật Việt Nam, đừng nói đến những mô hình tân tiến tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành như Grab. Phần này mình sẽ nói chi tiết ở phía dưới.
Mình có thể lấy ví dụ minh họa.
Trong bối cảnh lạc quan nhất, Spiderum trở thành diễn đàn tin tức online, nơi mọi người đóng góp công sức viết bài và thu lợi từ mô hình kinh doanh viết online này. Mô hình của Spiderum được lan rộng ra ngoài Việt Nam, sang Đức. Đây là mô hình viết mới và do đó cần phải được kiểm soát. Rồi một ngày chúng ta đọc hai bài báo với hai tiêu đề như sau:
"Chính phủ Đức quản lý Spiderum như mô hình báo chí truyền thống."
"Chính phủ Việt Nam quản lý Spiderum như mô hình báo chí truyền thống."
Hai điều này có giống nhau không? Hoàn toàn không. Ở Đức cho phép báo chí tư nhân hoạt động, do đó Spiderum được quản lý như một trang báo online tư nhân, và tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng phải làm kĩ về mặt giấy tờ hơn cũng như việc trả tiền công cho người viết. Còn ở Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân hoạt động, do đó Spiderum sẽ được truyền từ tay của admin hiện giờ để sang quản lý bởi....ừm...Ban Tuyên Giáo Trung Ương chăng? Lúc đó mình cũng không biết Spiderum ở Việt Nam sẽ hoạt động sao.
Như vậy việc người viết phải cố gắng lấy các dẫn chứng về việc các quốc gia khác quản lý Uber (và tương tự là Grab) như taxi truyền thống để làm tăng sức thuyết phục cho bài viết của anh ta cho thấy anh ta thực sự không nghĩ sâu vào vấn đề, chỉ cố gắng dùng dữ kiện gì thấy có vẻ có lợi cho mình.
Thật thú vị khi mỗi lần so sánh Việt Nam với các quốc gia khác mà thấy Việt Nam bất lợi, chúng ta hay thấy cụm từ: so sánh khập khiễng, mỗi quốc gia một khác, Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử khác. Nhưng khi so sánh mà có lợi, chúng ta thấy việc so sánh đó được sử dụng cực kì dễ dãi.
Vấn đề 2: Grab cố tình vi phạm luật để trốn thuế
Phần này sẽ là trọng tâm của bài viết.
Các tác giả khẳng định như sau (trích nguyên văn):
Trong bài viết 1:
"Grab đã lách luật bằng cách đội lốt một Công ty công nghệ nhưng bản chất là công ty kinh doanh lĩnh vực giao thông vận tải.
- Do đặc thù lĩnh vực lẫn xu thế thời đại, vậy nên Việt Nam chúng ta có quá nhiều ưu đãi và khác biệt dành cho một công ty công nghệ so với công ty kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Grab đã tự gắn mác cho mình là Công ty công nghệ, và đăng ký kinh doanh trên lĩnh vực Công nghệ song lại hoạt động theo bản chất, mô hình của công ty giao thông vận tải. Điều này ko còn là lách luật nữa mà là gian trá, gian dối.[...]Tóm lại là ông Grab mạnh miệng nói rằng: Tôi là công ty hoạt động trên lĩnh vực công nghệ, không phải hoạt động trên lĩnh vực Giao thông vận tải để lách hết các quy định. Ngoài ra còn trốn thuế, quỵt tiền thuế TNCN của tài xế, sai phạm đủ kiểu… Tóm lại là vi phạm pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam."
Còn ở bài số 2:
"Cần phải khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải (DNVT) nhưng đội lốt công ty công nghệ để giảm chi phí bằng các cách trốn thuế, trốn nghĩa vụ xã hội với người lao động… Bản chất của môi trường cạnh tranh kinh doanh là phải công bằng, thế nhưng từ khi khai sinh ra tới giờ Uber sau đó là Grab dựa trên nền tảng pháp lý còn lỏng lẻo và chưa theo kịp công nghệ để cạnh tranh một cách rất lưu manh, tôi sẽ dần dần vạch mặt bọn tư bản chơi xấu này. "
Tóm tắt lại thì hai tác giả đưa ra giải pháp rằng: bắt buộc Grab phải đăng kí hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải để cạnh tranh lành mạnh, đóng đủ thuế. Nói chung Grab hãy ngoan rồi mọi thứ sẽ ổn.
Còn mình thì tìm hiểu và kết luận như sau: nếu Grab đăng kí trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải, Grab sẽ chết. Lúc đó thì không có cạnh tranh lẫn không có thuế để đóng.
Mình sẽ đưa ra kiến thức hạn hẹp của mình về mảng luật pháp để giải thích cho suy nghĩ của mình. Đầu tiên hãy nhìn rộng một chút về mặt luật pháp.
Có vẻ như việc giăng các khẩu hiệu: "Sống và làm việc theo pháp luật" đã khiến chúng ta nghĩ rằng sống đúng luật thì không có gì khó: đi xe không vượt đèn đỏ, đi đúng làn, đổ rác đúng nơi quy định, đóng đủ tiền thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên ở quy mô doanh nghiệp triệu đô, tỷ đô, thì mọi thứ không dễ dàng thế. Khi tìm hiểu luật ở tầm vĩ mô như thế, chúng ta sẽ thấy, đặc biệt là ở các quốc gia nền tảng pháp luật còn yếu như Việt Nam, luật pháp "đôi khi là bạn, nhiều lúc là thù".
Ruchir Sharma là một nhà nghiên cứu kinh tế, phân tích thị trường của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. Ông đã từng được mời làm cố vấn kinh tế cho chính phủ nhiều quốc gia khác nhau, từng được Tổng thống Putin mời qua Moscow nói chuyện. Khi về quê nhà Ấn Độ và tìm hiểu về luật pháp ở đây, ông đã ghi lại trong quyển "Sự thăng trầm của các quốc gia" rằng Bộ luật Lao Động ở Ấn Độ nó phức tạp và tồi tệ đến mức bất kì công ty nào cố gắng thực hiện một nửa số điều luật trong bộ luật, thì sẽ tự động vi phạm một nửa số điều luật còn lại. Hầu như không công ty nào là không vi phạm luật.
Tìm hiểu tại sao Luật Lao Động ở Ấn Độ lại rắc rối như vậy tại đây:
Còn ở Việt Nam, nhìn chung luật pháp rất tệ. Một luật sư đã nêu ý kiến như sau:
[...] Luật sư Quách Tú Mẫn, Đoàn Luật sư TPHCM, nhận xét tình trạng ban hành văn bản QPPL (quy phạm pháp luật) chứa nội dung mâu thuẫn với luật khá phổ biến. Ông Mẫn viện dẫn không ít nghị định, thông tư có nội dung chồng chéo lên văn bản có giá trị hiệu lực cao hơn. Một số văn bản ban hành để quy định chi tiết thi hành văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn nhưng lại... sửa luôn nội dung của văn bản cao hơn. Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 chỉ rõ điều kiện miễn thuế là nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất khi chuyển nhượng. Song Thông tư 111/2013 do Bộ Tài chính ban hành vẫn đặt thêm một loạt điều kiện miễn thuế khi chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất, như: phải có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 183 ngày, phải chuyển nhượng toàn bộ nhà, đất ở… Nghiêm trọng hơn, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Nhà ở 2005 đều khẳng định đối với chuyển nhượng mua bán nhà ở, người bán là đối tượng khai thuế và người mua có quyền sở hữu nhà sau khi công chứng hợp đồng mua - bán. Trong khi Thông tư 111/2013 nêu rõ cơ quan quản lý bất động sản chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi người bán đã hoàn thành nghĩa vụ khai và nộp thuế. Dù văn bản trên tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thuế nhưng vi phạm trực tiếp quyền sở hữu hiến định của người mua nhà ở…
Rắc rối văn bản quy phạm pháp luật
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang ngày càng được phủ kín trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong nội dung và việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật cũng gia tăng. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?www.sggp.org.vn
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang ngày càng được phủ kín trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong nội dung và việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật cũng gia tăng. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?www.sggp.org.vn
Sau khi đã hiểu được việc doanh nghiệp tuân theo quy định pháp luật không phải dễ như là lái xe máy đúng luật giao thông, thì hãy tìm hiểu về luật quản lý taxi hiện nay.
Có thể nói các điều kiện kinh doanh doanh nghiệp (DN) vận tải ở Việt Nam rất là kỳ lạ, thực sự không rõ tại sao phải quy định vậy. Ví dụ theo nghị định 86/2014 thì có quy định là DN taxi phải có tối thiểu 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải là 50 xe. DN xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch cự ly từ 300km trở lên… phải có từ 10 xe trở lên nếu có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương và từ 5 xe trở lên ở các địa phương khác.
Grab có đủ điều kiện đáp ứng quy định này chứ? Hoàn toàn không bởi vì Grab không sở hữu bất kì xe nào cả. Ngoài ra nếu bạn nào rành luật có thể giúp giải thích tại sao phải quy định doanh nghiệp phải có tối thiểu bao nhiêu xe để được kinh doanh? Con số 10, 50 nêu trên là lấy ngẫu nhiên vì định kiến làm tròn (tức con người thích số tròn) hay là dựa trên nghiên cứu?
Ngoài ra theo quy định nhà nước còn can thiệp vào việc taxi tính giá cước như thế nào. Cụ thể là cơ quan nhà nước quy định taxi tính cước theo đồng hồ tính tiền (hoặc thông qua phần mềm) căn cứ vào quãng đường xe lăn bánh, thời gian chờ đợi... mà không cho DN tự quyết định. Trong khi đó các hãng hàng không lại được phép tự quyết định giá.
Chúng ta biết rằng Grab hoàn toàn tự quyết định giá theo các thuật toán tân tiến nhất, nếu tuân theo quy định này thì Grab không biết sẽ về đâu (về nước chăng?).
Mới đây nhất thì Bộ Giao Thông Vận Tải còn định quản lý Grab như sau, theo như báo An Ninh Thủ Đô đưa tin:
"Trước đó, GTVT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014, trong đó có quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống. Ở dự thảo lần này, Bộ GTVT loại bỏ hoàn toàn khái niệm “hợp đồng điện tử” đã nêu trong đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử (trong đó Grab và Uber tham gia) và các dự thảo trước. Dự thảo nghị định mới yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ)."
Các nước đã đưa xe Grab vào khuôn khổ như thế nào
ANTD.VN - Việc có nên đưa xe Grab vào mô hình quản lý như taxi truyền thống hay không đã trở thành vấn đề gây tranh cãi thời gian qua. Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương án này để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong nước, cũng như quy hoạch giao thông ổn định.anninhthudo.vn
ANTD.VN - Việc có nên đưa xe Grab vào mô hình quản lý như taxi truyền thống hay không đã trở thành vấn đề gây tranh cãi thời gian qua. Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương án này để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong nước, cũng như quy hoạch giao thông ổn định.anninhthudo.vn
Trong khi đó ở Trung Quốc, họ đã quản lý mô hình chia sẻ xe theo kiểu như sau, cũng từ bài báo trên:
"Cụ thể, vào tháng 7- 2016, các nhà quản lý Trung Quốc đã ban hành khung pháp lý điều chỉnh loại hình dịch vụ gọi xe của bên thứ ba này. Tại thời điểm đó, Didi Chuxing và Uber là hai hãng cung cấp ứng dụng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Chính sách quản lý dịch vụ gọi xe qua mạng này gồm những điểm chính sau:- Các tài xế phải có bằng lái xe chuyên nghiệp và tối thiểu 3 năm hành nghề lái xe, đồng thời không phạm tội hình sự, tội phạm về lái xe;- Dữ liệu người dùng phải được bảo vệ;- Dữ liệu người dùng phải được lưu trữ và sử dụng trong nước và lưu trữ tối thiểu 2 năm;- Tài xế phải ký hợp đồng lao động với nhà cung cấp ứng dụng, trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ các bên;- Phương tiện chở khách có niên hạn không quá 8 năm và không chạy quá 600 ngàn km.Bên cạnh các điều khoản chung, luật cũng nhường một số quyền hạn cho chính quyền địa phương quyết định như quyền khống chế giá tối đa."
Chúng ta thấy chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ chia sẻ xe hoạt động dù vẫn có thể đảm bảo sự quản lý là chặt chẽ.
Chính vì những điều này mà mình kết luận rằng Grab thà chấp nhận làm sai luật (do không thể làm đúng được) còn hơn là chết non khi vào thị trường Việt Nam.
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Có thể đến đây nhiều bạn đọc đã biết mình đang đi đến đâu. Vấn đề không phải nằm ở Grab hay Vinasun, vấn đề nằm ở các quy định pháp luật trong nước quá tệ.
Pháp luật được tạo ra để có hai mục đích:
-Giúp chính phủ quản lý xã hội tốt hơn.
-Giúp xã hội phát triển.
Tiếc thay không phải lúc nào hai mục đích này cũng nằm ở chung hướng. Với những quốc gia có trình độ làm luật kém, thiếu đi các cơ quan làm luật độc lập không bị chi phối bởi các mục tiêu chính trị, thì luật pháp thường nghiêng về việc giúp chính phủ "dễ thở" hơn trong việc quản lý xã hội, đồng nghĩa với việc làm dân "khó thở".
Tiêu biểu nhất là các quy định xoay quanh đến sộ hổ khẩu hay sổ đỏ, vốn đã gây rất nhiều phiền toái cho dân chúng mà không giúp ích được gì cho kinh tế nước nhà, ngoại trừ việc giúp chính phủ nhẹ tay trong việc quản lý. Ngay cả Bộ Công An cũng đã nói thẳng ra rằng bỏ đi sổ hộ khẩu và các thủ tục liên quan sẽ tiết kiệm cho quốc gia 1600 tỷ đồng mỗi năm mà không gây ra bất kì thiệt hại đáng kể gì về mặt kinh tế lẫn chính trị.
Vinasun hoàn toàn có lý do chính đáng để cảm thấy họ là nạn nhân bởi Grab, khi mà các doanh nghiệp taxi như họ phải è cổ chịu rất nhiều loại luật, quy định, thuế, trong khi Grab lại nhởn nhơ thích kinh doanh sao thì kinh doanh.
Còn Grab thì mình tin rằng đã chọn đăng ký là loại công ty công nghệ vì tuy đó không phải là điều tốt nhất để làm, nó tốt hơn rất nhiều so với việc chọn đăng kí là doanh nghiệp giao thông vận tải. Tuy nhiên Grab cần phải được quản lý chặt hơn.
Giải pháp mình nghĩ ở đây đó là thay đổi các khung pháp luật cho tân tiến hơn, công nghệ thì luôn đi trước pháp luật không có nghĩa là pháp luật không bao giờ quản lý được công nghệ. Thay vì kéo Grab xuống bắt Grab tuân theo những quy định ngớ ngẩn và lạc hậu, hãy đổi mới luật để giúp các doanh nghiệp như Vinasun, Mai Linh có thể cạnh tranh được với Grab.
Nhưng với trình độ làm luật ở Việt Nam hiện nay, điều này gần như là bất khả thi. Hậu quả là sẽ vẫn có những vùng xám, nơi không ai biết luật là gì và thế nào là không phạm luật, và vì có những vùng xám thế mà mới xảy ra tình huống chính phủ, công an "đôi khi là bạn, nhiều lúc là thù" của doanh nghiệp.
Đây là phần bên ngoài vấn đề kiện tụng giữa Grab và Vinasun.
Ôn lại kiến thức, kỹ năng tư duy qua hai bài viết "khai sáng"
Hai bài viết "khai sáng" ở trên lại là một trường hợp thú vị để chúng ta thấy lại các mô típ nội dung lạc hậu và lối tư duy sai lầm mà đã được nhắc rất nhiều đến trong các bài viết đã đăng ở Spiderum.
Tốt - Xấu/Trắng-Đen/Đúng-Sai: Chúng ta lại thấy mô típ quen thuộc: một tên xấu bị người tốt vạch mặt, tên xấu đó đã mê hoặc dân chúng để ủng hộ hắn, dân chúng ngu dốt bị mê hoặc đi chửi người lương thiệ, do đó cần phải ra tay nghĩa hiệp viết một bài cảnh tỉnh đám ngu ngốc kia, làm rõ chân tướng tên xấu xa.
Ở bài viết 2 thì tác giả cố gắng cân bằng hơn khi nói rằng người tốt kia (tức doanh nghiệp taxi nội địa) nhiều lúc cũng chơi xấu lắm, nhưng tên xấu xa kia còn...xấu xa hơn.
Tư bản/Không tư bản: Grab (và Sam Sung nữa) là bọn tư bản nước ngoài, đến chỉ để lấy tiền của dân Việt Nam, không tốt lành gì cả. Không có lợi cho chúng thì chúng không làm.
Đọc đến khúc vạch trần bộ mặt tư bản, mình nhớ lại một đoạn mình đọc trong tài liệu học lịch sử, đại ý như sau: "Sang thế kỷ 21, Việt Nam đã cởi mở hơn về mặc kinh tế và chấp nhận hợp tác với các quốc gia khác, tuy nhiên họ vẫn nhìn các vấn đề chính trị dưới góc nhìn Chiến tranh lạnh: vẫn còn phân biệt tư bản, cộng sản."
Grab và Sam Sung là bọn tư bản xấu xa chỉ biết có tiền thì Vinasun là gì? Doanh nghiệp xã hội làm vì lợi ích xã hội chăng?
Có một sự thật mà mình thất rất rõ ràng đó là tất cả các doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam đều là doanh nghiệp tư bản. Mình không cần biết bạn ghi tên doanh nghiệp gì ra trong phần bình luận, nhưng mình chắc chắn đó là một doanh nghiệp tư bản hoặc đang trên đường trở thành tư bản: Vinamilk, FPT, Viettel, VNG, Thế Giới Di Động, Vinaphone, VTV, Vietnam Airlines, VietJet, Đại học Ngoại Thương, Coop-Mart, VinCom, VinGroup, VinHolmes, VinMart, MoMo, Vietcombank. Cho dù doanh nghiệp đó có bị nhà nước nắm cổ phần (tức doanh nghiệp nhà nước) thì đó vẫn là doanh nghiệp tư bản.
Bởi vì tư bản là một khái niệm rất đơn giản,
Nếu trong một nền kinh tế :
a. Mỗi cá nhân hay tổ chức được phép sở hữu tài sản cho riêng mình
b. Họ được phép sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bằng cách sử dụng tài sản riêng của mình theo quy luật cung cầu trong xã hội chứ không phải bị ép từ trên xuống.
Thì đó là một nền kinh tế tư bản, và doanh nghiệp nào được phép làm hai điều trên thì đó là doanh nghiệp tư bản.
Do đó việc lý luận kiểu như Grab là doanh nghiệp tư bản xấu xa, không có gì tốt đẹp thực sự cho thấy người viết vô cùng nông cạn.
Kết luận ẩu/Tự tin là biết hết: Chưa có kết luận chính thức về việc Grab đóng thuế đủ hay không nhưng cả hai tác giả đều khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Grab trốn thuế, dựa vào đâu? Có thông tin nội bộ bên trong Grab chăng?
Kết luận
Hy vọng bài viết này đã cho mọi người thấy được sự tổng quan trong vấn đề Grab và Vinasun để hít drama sao cho bổ phổi. Một lần nữa chúng ta cần phải tránh tư duy "phải trái đúng sai" và nhìn mọi thứ như là một lát cắt mà nhìn chuỗi các sự kiện, cũng như phải đặt bối cảnh vấn đề vào. Không thể chỉ nói một câu đơn giản rằng Grab hãy tuân theo pháp luật Việt Nam thì sẽ giải quyết được vấn đề.
Mình thấy rằng vấn đề ở đây chính là pháp luật.
Chúng ta cũng phải cận trọng với lối suy nghĩ đọc tài liệu trên mạng là biết hết tinh thông của vũ trụ để đi khai sáng cho người đời. Sự dễ dàng tiếp cận với thông tin trên Internet đang khiến chúng ta lầm tưởng rằng đó là kiến thức.
Bài viết hẳn còn nhiều thiếu sót, những ai học luật và rành hơn về các vụ kiện tụng này có thể đóng góp bên dưới.
Ủng hộ tác giả
Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Các bài viết cùng chủ đề:
Sách có nhắc đến trong bài:
The Rise and Fall of Nations: Forces of Change in the Post-Crisis World: Ruchir Sharma: 9780393354157: Amazon.com: Books
The Rise and Fall of Nations: Forces of Change in the Post-Crisis World [Ruchir Sharma] on Amazon.com. *FREE* shipping on qualifying offers. International Bestseller
Quite simply the best guide to the global economy today. ―Fareed Zakaria Shaped by his twenty-five years traveling the worldwww.amazon.com
The Rise and Fall of Nations: Forces of Change in the Post-Crisis World [Ruchir Sharma] on Amazon.com. *FREE* shipping on qualifying offers. International Bestseller
Quite simply the best guide to the global economy today. ―Fareed Zakaria Shaped by his twenty-five years traveling the worldwww.amazon.com
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất