Tí tí bà lại quay ra hỏi trong túi này có bao nhiêu tiền ấy nhỉ, rồi chìa hai tờ năm mươi nghìn hỏi thế đây là bao nhiêu tiền. Giơ một tờ lên hỏi tờ này mấy đồng, hai tờ thì mấy đồng. Túi áo bà nhét một triệu ba rồi lấy ba cái kim băng to tổ chảng cài ngang cài dọc sợ ai móc mất. Rồi lại hỏi đây là mấy nghìn, hai tờ thì là mấy nghìn, y chang trò chơi tôi hay đố cháu mình ngày chúng tập nói. Nhưng 'trẻ con' lần này là đời cuối 2x, rụng sạch răng, tưởng chỉ ăn được cháo đặc ninh nhừ, hóa ra còn biết trệu trạo nhằn bánh gạo rồi vứt đầy vỏ xuống gầm giường.
Bà tôi chưa từng một mình đội cả trời nắng to đưa tôi ra đầu làng như trong bài hát ngày xưa. Những kỷ niệm xa xôi nhất là hồi tôi chưa đi học, bà mới hơn sáu mươi tuổi, với đôi quang gánh đi chợ, nhưng tôi chẳng biết rõ hồi ấy bà bán gì, chỉ nhớ khi trời trưa trên đường về bà tạt vào nhà chia quà cho lũ cháu. Năm cấp một tôi còn tự sáng tác một bài hát về bà, viết cả nốt nhạc các thứ. Son son đồ son rế... gì gì ấy.
Em yêu bà em lắm - Có mái tóc bạc phơ - Khi bà đi chợ về - Hay cho em nhiều quà.
Nhưng chưa từng hát cho bà nghe bao giờ.
Bàn tay bà có một ngón bị cong. Bà bảo hồi bà bị làm sao rồi trót ăn tôm nên nó mới cong như cái lưng tôm. Lúc tôi được vài ba tuổi ranh, ban ngày chỉ biết lân la ở nhà ông bà, ngôi nhà được xây từ năm một chín bảy mấy. Buổi sáng bà thường ăn cơm với muối trắng. Tôi chưa từng ăn ké cùng bà nhưng tôi nghĩ bà thấy nó ngon lành lắm, vì tôi biết cá tính của bà là chỉ cái gì ngon thì bà mới ăn.
Thực ra năm tám tư, bà bị bệnh phải phẫu thuật mổ bụng. Sau đó bà được mang về với không hy vọng nào, vì mọi người vẫn kể là chở theo quan tài về cùng. Năm tám tư thì tôi vẫn là một số âm, bố tôi lúc ấy còn choai choai. Kể tiếp chuyện sau đó, bà đã tiễn thần chết cúp đuôi, còn cỗ quan tài được bán lại cho một người bên thông gia vừa hay lại mất lúc đó. Xác suất cho những chuyện như vậy tôi thấy trong đời là rất rất nhỏ. Nếu lúc ấy bà không còn, có khi bố tôi lấy người khác và tôi lấy đâu ra mà có trên đời. Nghĩ cũng hay ho thực sự, vì năm sinh tôi là đảo ngược năm sinh của bà. Nên khi biết thế, tôi nghĩ mình có mối liên hệ đặc biệt nhất với bà, nhất của nhất luôn. Các anh chị em họ của tôi chưa bao giờ đủ tuổi mà đọ với tôi trong khoản này.
Lúc đang lớn, mỗi lần bị bố mẹ mắng mà cảm thấy đầy oan uổng, tôi thường có thói quen dỗi cơm nhà và lẩn vào nhà ông bà ăn cơm chực. Cơm bà nấu bằng bếp củi nồi đúc toàn cố tình đổ nhiều nước để nó nhão cho dễ nuốt, tôi thường cạo mỗi cháy cơm mà ăn. Mấy người vẫn bảo ăn cháy cơm thì học dốt, còn tôi nhủ được ăn ngon thì đành chấp nhận học dốt thôi, ngán gì đâu.
Hồi bà tám mươi tuổi, có người hỏi bà là tên của bố bà là gì, bà chịu không nhớ nổi. Thế mà bà lại nhớ hồi bà còn trẻ vẫn đi vào tít trong núi để cắt cỏ mới tài. Những năm mà kênh todaytv hót rần rần, trên ấy hay chiếu mấy phim bộ Thái Lan về gia đình, bà ngó mặt sát màn hình rồi phán, mấy con đĩ hạch, suốt ngày tranh vợ cướp chồng. Nghe xong tôi như giác ngộ, chẳng bao giờ xem mấy kiểu phim như vậy nữa.
Vài năm trước tôi mua tặng bà bộ quần áo hoa, biết bà khó tính nên cố chọn họa tiết nền nã và màu sắc thật giản dị. Ai dè bà chê mạnh, bà bảo bà già rồi mặc gì mấy loại này, đem về mà mặc hoặc cho mẹ mày mặc. Tôi cũng hơi hơi dỗi. Thôi lần sau nghỉ khỏe bà nhé.
Ảnh lụm trên mạng, cảm ơn tác giả :x
Ảnh lụm trên mạng, cảm ơn tác giả :x
Giờ bà đã hơn chín chục nồi bánh chưng rồi, đôi khi có trái tính làm mấy việc ngang ngược, khiến ông tôi hơi đau đầu, nhưng lạ cái là tôi chưa từng lần nào được chứng kiến các tiết mục kiểu đó của bà. Mỗi khi gặp bà toàn đang ở trạng thái nằm co quắp trong phòng như con tôm, có khi như con mèo già ngán ngẩm cuộc đời, nhưng lại tương đối sợ chết.
Khi viết về bà, tôi còn nhớ ra những câu chuyện nói về sự khắc nghiệt của bà khi làm mẹ chồng. Nhưng đó là vấn đề giữa bà với các cô con dâu có độ tuổi từ 5x tới 7x, chứ với cháu gái 9x là tôi bà chưa từng quát mắng một câu. Bà cũng chẳng dạy dỗ tôi điều gì. Chỉ sống theo cách của riêng bà, tự sống cuộc đời độc nhất của bà. Bà chưa bao giờ hỏi tôi có người yêu chưa hay nhắc tôi lấy chồng. Nên khi nhớ đến bà, cảm xúc tôi thăng bằng ổn định, không có lấy một đoạn cao trào. Tôi thích trong mắt bà tôi vẫn mãi là đứa trẻ mỗi sáng hay được bà gọi dậy đi học.
Tôi cứ ngắm nhìn, nghe ngóng, hỏi han, tự nhủ cái thân tôi sau này có sống được tới lúc già khọm như bà không nhỉ. Haiz, làm sao biết được cơ chứ. Nhưng thấy mình càng lớn càng giống bà, mỗi ngày mỗi gầy đi, tóc còn mỗi một nhúm, chỉ muốn lăn lóc ngủ cả ngày, thích ăn cháo cho đỡ phải nhai, thích sự tĩnh lặng. Tôi không mong sẽ được trải nghiệm giống như bà hồi năm tám tư chút nào. Có khi đó là một thách thức của số phận, một cửa ải trong đời bà phải vượt qua, mà các cụ đúc kết thành câu chết hụt sống dai cấm sai tẹo nào. Tôi giờ cũng quan trọng gì mấy đâu việc mình sẽ sống bao lâu. Ngẫm nghĩ một hồi thấy bà cũng có tinh thần khắc kỷ ra phết. Mặc kệ xung quanh ý kiến gì, ta vẫn cứ là ta thôi.
Tôi chẳng thần tượng gì bà cả. Cảm giác thường trực nhất đối với bà là nhớ. Nhớ như nhớ về tuổi thơ ngốc dại, nhớ tuổi trẻ thăng trầm, tuổi nào cũng còn bà. Khi tôi già, tôi đoán hàng năm tôi sẽ nhẩm xem hồi tầm tuổi tôi thì bà như nào, bà thường làm gì, ôi bà ơi, còn từng nào năm nữa thì con già bằng bà nhỉ? Lẩn thẩn như thế.
Như một cội cây già, lẳng lặng vẫy vẫy những chiếc lá nhuốm màu thời gian vằn vện những đồi mồi dưới bầu trời cuộc đời với đủ mưa nắng gió giông. Bà nội ấy điếc đặc, không biết chữ, cũng không biết đi xe đạp (nhưng lấy được chồng trẻ hơn bốn tuổi) của tôi.