<i>Nguồn: Netflix</i>
Nguồn: Netflix
Bình thường mình khá ngại review phim/truyện, vì không tự tin hiểu được hết dụng ý mà tác giả & đạo diễn & biên kịch & diễn viên & ... muốn truyền tải, cũng như không đủ tinh tế để 'bắt' được hết mọi tình tiết đắt giá trong phim. Nhưng hôm nay, sau khi xem xong 6 tập D.P., mình được thôi thúc viết gì đó. Phần nhiều vì sợ rằng chính mình sau này rồi sẽ quên những suy nghĩ và cảm xúc đặc biệt của bản thân ngay lúc này, và thú thật cũng muốn một lần thử sức nghiêm túc viết ra đôi điều cho một tác phẩm xứng đáng.
Mình tìm đến D.P. vì Jung Haein đóng chính (đang đà mê muội mất ăn mất ngủ mấy hôm nay), cũng do em trai quảng cáo là "đỉnh lắm, coi liền đi". Thì sau khi xem xong, đúng là như nó nói thật, nhưng một từ 'đỉnh' có lẽ chưa đủ. Không thể nào đủ.
Lạc đề một chút là mình đem lòng yêu Jung oppa từ những bộ melodrama anh đóng trước đây. Từ hình tượng 'trai trẻ' tinh nghịch, lém lỉnh mà cũng cực kỳ bản lĩnh đàn ông, dám nói dám làm dám chịu trách nhiệm trong "Chị đẹp mua cơm cho anh", cho đến chàng trai với nhiều vết xước quá khứ, tù tội nhưng mang một trái tim chân thành, hướng thiện, man mác vẻ u buồn trong "Tune in for love",... thì ở D.P., mình được thấy Haein ở một khía cạnh rất khác - cũng ôm đầy đau thương, cũng bản lĩnh, cũng chân thành tình cảm - nhưng cương nghị rắn rỏi hơn rất nhiều. Vì ở đây, anh vào vai người lính. Hay nói đúng hơn là D.P. - chuyên truy bắt lính đào ngũ - như tên phim vậy đó.
Về nội dung có lẽ mình không nên bàn nhiều, một phần để tránh spoil cho những ai vô tình đọc được bài này, một phần mình cũng không thật sự rành về quân đội Hàn Quốc và quân đội nói chung. Mình chỉ biết đó là nơi cực kỳ cực kỳ khắc nghiệt. Nơi mà con người ta đối xử với nhau bằng quyền lực, trên dưới, nắm đấm, bạo hành,... ma cũ bắt nạt ma mới, binh nhất chà đạp binh nhì, kẻ từng bị hiếp đáp sau này rồi sẽ lại đi hiếp đáp kẻ khác,... mà có lẽ đã ăn sâu đến mức trở thành một nếp sống, một nét văn hóa mang tên 'quân ngũ'. Cái này chỉ có thể hoàn toàn đắm mình vào bộ phim mới cảm nhận hết được. Có nhiều phân cảnh mình nhập tâm đến nỗi thấy cổ họng nghẹn ứ tới mức đau nhói, phẫn uất ức chế chỉ muốn nhào lên đấm thằng đang đấm người khác kia một cái cho đỡ tức (tưởng tượng vậy thôi chứ sao được, ý là tức tới vậy luôn đó). Nhưng đáng buồn hơn cả, nó là hiện thực. Mình chẳng thể tự nhủ "thôi kệ dù sao cũng là phim thôi mà", vì dù mình không rành, nhưng đã từng xem tin tức báo đài, và mình biết nó chính là hiện thực. Chỉ là phim quá giỏi trong việc phơi bày nó ra trước mắt người xem, một cách trần trụi.
Thế nhưng nếu nó chỉ u ám như thế thì đâu thể nào thành một tác phẩm hay.
Trong bối cảnh tàn khốc đó, vẫn tồn tại những con người với trái tim hướng thiện, chỉ là cách họ biểu lộ ra với thế giới thì khác nhau. Có ông hạ sĩ Han Hoyeol cà rỡn nhây bựa nhưng làm việc đến nơi đến chốn, ông trung sĩ Park Beomgu hay bị tắc sỏi tiết niệu như bông sen giữa đám bùn, và nhất là cậu binh nhì Ahn Junho với đầy thương tích tinh thần từ người cha bạo hành nhưng vẫn giữ một trái tim quả cảm và thuần khiết,... thế nên mới có chuyện để xem.
Nhưng nhân vật ám ảnh mình nhất, có lẽ là Cho Sukbong.
Trước khi chết, ta thường hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời mình từ khi sinh ra mới chập chững biết đi cho đến nhiều năm sau đó, và gần nhất là những chuyện dẫn ta đến với cái chết đang cận kề này - tất cả hiện ra trước mắt như một thước phim tua nhanh. Thì đối với nhân vật này, mình cũng có cảm giác đó. Từ khi còn là một thầy giáo dạy vẽ, một otaku chìm đắm trong thế giới truyện tranh, một tuyển thủ Judo quốc gia, cho đến khi nhập ngũ được vào lực lượng đặc biệt, cho đến lúc mọi sự đã hóa cay nghiệt thế này... Cuộc đời từ bé đến lớn vẫn luôn hiền như cục đất, tới mức người ta đặt cho biệt danh là Bongdhi (Bong Gandhi). Thế rồi những chuỗi ngày trong quân đội, cậu ta bị bắt nạt. Bắt nạt nghe có vẻ vẫn nhẹ quá. Phải là hành hạ, đày đọa, đối xử như một con vật. Đi lính là để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước, trớ trêu thay doanh trại đã biến chất thành một nơi không khác gì địa-ngục-trần-gian. Những gì mà Sukbong phải chịu đựng, không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả nữa. Đôi lúc mình thật sự muốn khóc cho nhân vật này, nhưng đến cả nước mắt cũng là chưa đủ để đồng cảm. Có câu tận cùng của đau khổ không phải là nước mắt, mà là không cảm xúc. Giống như với cơn đau vật lý của cơ thể con người, còn đau là thần kinh còn hoạt động, đến khi 'kết liễu' dây thần kinh đó, ta chẳng cảm nhận được gì nữa. Cả cuộc đời Sukbong luôn sống trong nỗi đau 'tê liệt' đó, để rồi đến một ngày cậu ta hoá điên. Có một tình tiết mình thấy ấn tượng, là khi Sukbong đã tóm được kẻ bắt nạt mình trong quân đội - kẻ gieo rắc cho phần lớn đau thương cả về thể xác lẫn tinh thần (bên cạnh những người-không-xấu-đứng-làm-ngơ), kẻ biến doanh trại thành địa ngục đối với cậu - thì Sukbong vẫn tỏ ra sợ sệt trước hắn. Kể cả đã sẵn sàng đào ngũ để trả thù, chuẩn bị đầy đủ hung khí để "xử" hắn, bất chấp mạng sống chỉ để hắn phải trả giá bằng cái chết dưới tay mình, thì khi đối diện với hắn, Sukbong vẫn run rẩy. Đủ thấy tên kia không còn là một con người, mà dần dần đã trở thành một bóng ma ám ảnh tâm trí Sukbong đến mức điên loạn.Sau đó là phân cảnh Sukbong tay cầm con dao, vừa chạy vừa cười với vẻ sung sướng và luôn miệng reo lên "Tên đó giờ đã sợ mình rồi", "Tưởng hắn ghê gớm thế nào, cuối cùng cũng sợ mình rồi". Thật sự mình lặng người đi khi xem đến đó, không biết phải nghĩ gì nữa...
Cái kết phim mình vẫn chưa rõ lắm, có lẽ là kết mở để mào đầu cho phần 2. Hình ảnh Junho đứng ngược hướng với một tiểu đội đang xếp hàng rồi sau đó quay lưng bước đi, cuối cùng là chạy thật nhanh về phía nào đó, mình vẫn chưa hiểu ý nghĩa là gì... Nhưng thật sự có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được bộ phim này. Nó thật như chất văn của Haruki Murakami, trần trụi như hiện thực tàn khốc rợn người vẫn đang diễn ra, nhưng cũng quá đỗi 'con người', chạm đến phần sâu nhất trong tim mình. Viết ra như vậy chắc là vẫn chưa đủ để bày tỏ hết dòng cảm xúc và suy nghĩ của mình xuyên suốt thời lượng phim cũng như ngay lúc dư chấn này, còn rất nhiều câu chuyện, con người, hình ảnh khác trong phim mình muốn nhắc đến, chẳng hạn như cậu sinh viên đại học danh giá với trí thông minh hơn người lại chọn nhập ngũ đương lúc học hành dang dở để 'tự ngăn mình không làm việc xấu', rồi sau đó vượt tường trốn khỏi doanh trại, đi bộ hơn 10 cây số trở lại khu nhà mình từng sống cùng bà, trà trộn làm công nhân xây dựng, chấp nhận tự tay đập đi từng viên gạch của nhà mình chỉ để được trông thấy bà mỗi ngày và dùng vài đồng tiền công ít ỏi đó đưa người bà đãng trí không ai chăm sóc vào viện dưỡng lão; hay như cậu lính mới chỉ vì chứng ngủ rũ và ngáy to mà bị đánh đập đến nỗi phải trốn chạy;... nhưng khả năng có hạn ^^ nên chỉ đến đây thôi. Mỗi người xem sẽ tự có những suy nghĩ và cảm nhận riêng của bản thân. Đối với mình đây là bộ phim 'phải xem mới thấm', review có bao nhiêu câu từ cũng không thể nào lột tả hết được.
Mình chỉ có thể nói rằng: đây thật sự là một bộ phim để đời.
P/S:
Một phần không kém quan trọng mà mình thấy thích ở phim là: tính kịch tính.
Các nhiệm vụ truy bắt lính đào ngũ ở mỗi tập khá giống trinh thám chút xíu, từ phân tích tâm lý kẻ đào ngũ, cho đến phán đoán động cơ, rượt bắt, đón đầu, nhiều pha hành động xem khá là mãn nhãn.
Bài toán Monty Hall mình chưa tìm hiểu nhưng có vẻ thú vị. Và những câu chuyện ẩn đằng sau mỗi cú nhảy vọt qua tường gai để trốn thoát khỏi doanh trại, có nhiều nỗi xót xa ngậm ngùi và đồng cảm... Nói chung là nhìn nhận khách quan theo kiểu mỳ ăn liền thì: - yếu tố 'trinh thám, phá án': hợp logic - hành động: hay, đủ gay cấn - thông điệp: sâu sắc, nhân văn - hình ảnh: quá chân thực sắc nét- màu phim: đẹp, giống màu phim điện ảnh - diễn viên: cực kỳ cực kỳ thực lực, chỉ biết nói vậy thôi. nó ở một cái tầm khác hẳn với các phim đại trà nổi tiếng khác của Hàn Quốc (ý kiến chủ quan)
Cảm ơn vì một bộ phim vượt ra khỏi khuôn khổ giá trị của phim ảnh, với mình nó nhiều hơn như vậy rất rất nhiều...