Câu hỏi đó nhảy ra trong đầu mình trong một phút thẫn thờ giữa cuộc họp. Mình mới ra trường một năm, công việc chưa đâu vào đâu, nghĩa là mình còn phải đưa ra hàng trăm quyết định nghề nghiệp: sắp tới nộp hồ sơ xin việc vào công ty nào, mình sẽ chọn ngành gì, mình làm ở đây mấy năm, xong đó đến bao nhiêu tuổi thì nhảy sang lĩnh vực nào tiềm năng hơn, làm thế nào để thăng tiến? Thêm vào đó, mình mới 23 tuổi, tình yêu và hôn nhân vẫn là một ẩn số, nghĩa là mình có trăm thứ cần lựa chọn: yêu ai, lấy ai, nuôi dạy con cái ra sao, đối nội đối ngoại thế nào? Thế là hàng đống câu hỏi ập đến, khiến mình không khỏi thở dài: "Ôi sao đời dài thế, sao nhiều thứ để quyết định thế, sống kiểu gì cho hết đời?
Khi chúng ta mất định hướng, chúng ta cảm thấy mình không có chút động lực nào, không có điều gì thích thú thôi thúc khiến ta rạo rực và đầy năng lượng để tận hưởng mỗi ngày. Mỗi ngày trôi qua, không thiết tha làm gì cả khiến đời ta trở nên dài đẵng và chán chường. Sự loay hoay hụt hẫng này càng rõ ràng khi bạn rời ghế nhà trường, rời khỏi giai đoạn mà bạn luôn được định hướng sẵn: học xong mẫu giáo là tiểu học, rồi trung học, rồi đại học, rồi kiếm việc làm… Bây giờ, có quá nhiều lối đi, nhưng chẳng thật sự muốn đi đâu, và bạn sợ hãi và vô định. Bạn có thể lao vào với một mục tiêu nào đó thật vội vàng: Ồ đi làm nhưng vẫn thấy thiếu thiếu gì đó, chắc phải yêu đương và lấy chồng thôi. Ồ mình đang thấy đời mình vô nghĩa, chắc phải đề ra một mục tiêu để thấy đời có ý nghĩa như l kiếm được 100 triệu trong năm nay, đi du lịch 2 nước, lấy được chứng chỉ tiếng Nhật N3... Nhưng trong quá trình thực hiện mục tiêu, thì đầu óc bạn cứ căng thẳng, áp lực,và sau khi đạt được một mục tiêu nào đó, bạn lại tiếp tục trống rỗng, và đời bạn vẫn cứ lung lay. 
Em trai mình bảo, mình sống giống kiểu "trả bài" quá vậy. Trong giờ học thì mình để đầu óc bay đi đâu, mong ngóng giờ ra chơi mau tới. Nhưng đến giờ chơi, mình lại ...lôi sách vở ra học, hoặc lo lắng không biết tối sẽ ôn bài thế nào, vì rất áy náy lúc nãy đã không tập trung nghe giảng. Sống hôm nay nhưng lại lo lắng vì ngày mai và hối tiếc về hôm qua. Mình đã làm rất nhiều thứ xuất phát từ nỗi sợ, sự lo lắng, bất an, rằng nếu không cố gắng mình sẽ bị bỏ lại phía sau, nếu không chăm chỉ bằng mọi người, mình sẽ không tồn tại được ở  xã hội này. 
Mặc dù sự thực là, dù lạc quan về tương lai cỡ nào đi nữa, hãy thừa nhận "Cách mình sống ngày hôm nay, rất có thể là cách mình sống mỗi ngày trong suốt quãng đời còn lại". Nếu hôm nay mình lo lắng, bất an và căng thẳng với bản thân, thì điều đó sẽ lặp đi lặp lại cho đến cuối đời.  Vả lại, bạn biết đấy,  bạn "sống kiểu gì" mà chẳng hết đời! Kể cả khi bạn nói rằng, tôi muốn sống một cuộc đời rực rỡ và hết mình, tôi không thể nào chỉ tồn tại một cách nhạt nhòa và đối phó ngày qua ngày được . Ở thì, nhưng làm thế nào? Mỗi lần bạn nổi lên một khát vọng, một quyết tâm, thì câu hỏi "làm thế nào" chặn đứng bạn lại. Mình cũng chẳng biết làm thế nào, ngoài việc không ngừng tin tưởng.

"Khi người nào muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ chung sức lại để người ấy đạt được điều mơ ước." Mình tin vào sự dẫn dắt và những dấu hiệu của vũ trụ, tin vào bản thân mình đang phát triển qua từng ngày, tin rằng dù sao nhất định mình cũng sẽ hạnh phúc, tin rằng những bước chân nhỏ của ngày hôm nay là kiến tạo lớn cho hành trình ngày mai, tin rằng việc trân trọng những niềm vui nho nhỏ trong ngày là hôm nay mình đã sống trọn vẹn và ý nghĩa, tin rằng giữ những thói quen tốt như tập thể dục, đọc sách, viết lách là giữ cho mình không lạc lối. Tin rằng cứ từ từ rồi khoai sẽ nhừ, cứ bình tĩnh mà sống, cứ thổi từng ngọn gió nho nhỏ vào, rồi đời nó cũng phải rực rỡ và bùng cháy, chứ không thể nào nó cứ lập lòe le lói mãi được....
Đấy, "Sống kiểu gì cho hết đời?" 
"Sống bằng niềm tin!" 
Chứ còn gì nữa :)))