Đố ai cắt nghĩa được tình yêu ?
Một vài góc nhìn triết học về tình yêu có thể giúp bạn có cái gì sâu hơn về tình yêu thật sự là gì ?
Tình yêu là gì? Bằng một cách nào đấy mà câu hỏi này đang lãng vãng trong đầu mình suốt vài ngày qua, nhiều tới mức đôi khi trong mơ mình còn thấy nó cơ. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu câu hỏi này xuất hiện trong đầu mình (thật ra mỗi khi bị tình yêu quật thì nó đều nảy lên), cơ mà đây có lẽ là lần mãnh liệt nhất. Mãnh liệt đến mức mà một đứa lười như mình phải lết xác lên google để tìm lời giải đáp cho bằng được.
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có khó gì đâu một buổi chiều Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu...
Tất nhiên, tình yêu luôn là chủ đề muôn thuở trong thơ, văn, nhạc, hoạ, ai ai cũng đều tự đề xuất ra một định nghĩa của chính bản thân họ. Cơ mà buồn thay là những định nghĩa từng khiến mình gật gù đồng ý lần này lại vô tác dụng. Có lẽ đã đến lúc bản thân nên tìm đến một cái gì đó khác hơn, mới hơn cho vấn đề này. Sau một hồi suy nghĩ thì mình quyết định sẽ để triết học giải quyết chúng. Cần phải nói trước, chuyên ngành của mình không liên quan gì đến triết, phần lớn nội dung bài viết được mình tìm hiểu trên mạng và tự viết lại theo cách hiểu của bản thân nên nếu các bạn phát hiện ra lỗi sai nào có thể feedback bên dưới, mình sẽ xem xét lại và chỉnh sửa. Thôi, dài dòng thế đủ rồi, còn giờ thì vào nội dung chính thôi.
Theo như mình tìm hiểu, các quan điểm triết học về tình yêu đã xuất hiện từ tận thời của các nhà triết gia lỗi lạc như Plato hay Aristotle cơ. Tuy nhiên, để dễ tiếp cận, trong bài này mình sẽ chỉ tập trung vào các quan điểm triết học hiện đại ngày nay mà thôi. Hiện này, các ý kiến triết học về tình yêu phần lớn sẽ xoay quanh 4 ý tưởng sau đây:
- Tình yêu như một sự hợp nhất (love as a union).
- Tình yêu như sự tập trung mạnh mẽ (love as a robust concern).
- Tình yêu như sự đánh giá người khác (love as valuing the other).
- Tình yêu như một loại cảm xúc (love as an emotion).
Ở mỗi ý tưởng sẽ xuất hiện rất nhiều những quan điểm triết học khác nhau nhưng để tránh bài viết trở nên quá dài và quá khô khan nên mình sẽ chỉ chọn một vài quan điểm ở mỗi ý tưởng để nêu ra ở đây.
1. Tình yêu như một sự hợp nhất (love as a union):
Đây là ý tưởng cho rằng tình yêu không phải là một thái độ mà là một mối quan hệ chặt chẽ, là sự kết hợp của 2 người để tạo nên một thực thể chung thứ ba gọi là “chúng ta”. Điều quan trọng là thực thể thứ 3 này có tầm quan trọng vượt trội và thậm chí còn vượt qua cả cái tôi cá nhân của từng người bên trong nó. Triết gia người Anh Roger Scruton khi phát biểu về tình yêu đã cho rằng: tình yêu tồn tại khi mà mọi sự khác biệt trong sở thích, các mối quan tâm giữa chúng ta được vượt qua. Ý tưởng này nhấn mạnh những gì mà mỗi cá nhân trong trong tình yêu làm không phải là vì lợi ích của tôi, cũng không phải vì lợi ích của bạn mà là vì lợi ích chung của “chúng ta”. Đồng quan điểm với Scruton, triết gia Solomon cũng cho rằng: thông qua tình yêu, những người yêu xác định lại danh tính của họ với tư cách là những người trong cùng một mối quan hệ. Kết quả là những người yêu nhau đến để chia sẻ sở thích, vai trò, các mối quan tâm,... những điều tạo nên bản sắc của 2 cá thể riêng biệt nay đã trở thành một bản sắc chung của hai người.
Một quan điểm khác về ý tưởng tình yêu là sự hợp nhất đến từ triết gia Hoa Kỳ Robert Nozick, ông cho rằng: tình yêu là mong muốn cùng tạo nên bản thể “chúng ta” và mong muốn được đối phương đáp lại tình cảm của bản thân. Ông cũng nhấn mạnh sự tồn tại của “chúng ta”, mối liên kết giữa những người yêu nhau, tạo nên một thực thể mới của thế giới và khiến họ không còn là hai cá thể tách biệt với nhau nữa. Mỗi người yêu sẽ có được một danh tính mới như là một phần của "chúng ta", những danh tính này được xác định bởi: Họ muốn được nhìn nhận công khai như là một cặp vợ chồng, họ tham gia vào cuộc sống chung của họ và họ chấp nhận một loại hình phân công lao động nhất định.
Tất nhiên quan điểm này nhận được khá nhiều sự chỉ trích. Tiêu biểu và dễ thấy nhất trong số đó cho rằng cái giá phải trả cho việc tồn tại một “chúng ta” vượt trội lên trên cái tôi là không gian riêng, là quyền riêng tư, cũng như là phẩm giá cá nhân. Chính điều này đã đánh mất đi sự tồn tại của cái gọi tính độc lập, tự chủ của mỗi cá nhân - điều đang càng ngày càng được nhấn mạnh trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, biện hộ cho vấn đề này, những người ủng hộ lý thuyết liên minh này cho rằng sự mất tự chủ có thể xem như là một hệ quả có thể chấp nhận được trong tình yêu.
2. Tình yêu như là sự tập trung mạnh mẽ (love as a robust concern):
Điều khiến ý tưởng này trở nên được chú ý là quan điểm cho rằng tình yêu là sự quan tâm đến hạnh phúc của người kia vì lợi ích của họ chứ không phải vì lợi ích của chúng ta. Theo triết gia người anh Gabriele Taylor: chúng ta yêu một người không phải vì người đó có những đặc điểm có lợi cho chúng ta mà là bởi vì chúng ta cho rằng người đó những đặc điểm xứng đáng được yêu và được trân trọng. Chúng ta yêu vì lợi ích của người ta yêu. Chính đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt với ý tưởng về “chúng ta” ở bên trên. Ủng hộ ý tưởng tình yêu này, Harry Frankfurt cho rằng: tình yêu không phải là vấn đề của cảm xúc hay của quan điểm mà nó xuất phát từ ý chí của chúng ta. Chúng ta yêu ai đó một cách mạnh mẽ bởi vì họ phù hợp với một tập hợp các quan điểm và sở thích của chúng ta. Ý tưởng này coi tình yêu được thúc đẩy bởi những động lực đến từ bên trong và những sở thích cá nhân. Chính điều này có thể sẽ tạo nên một sự mẫu thuẫn về logic:
Mục tiêu của chúng ta là hành động vì lợi ích của người chúng ta yêu nhưng liệu chúng ta có đang yêu khi hành động chống lại chính lợi ích tốt nhất thật sự của họ? Hãy tưởng tượng, người yêu chúng ta muốn làm một điều gì đó nhưng ta lại đánh giá việc đó sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ nên đã làm mọi cách để ngăn cản chuyện đó xảy ra. Việc làm như vậy tức là ta đang xâm phạm vào quyền tự chủ của họ và nhìn một cách tổng thể thì ta cũng đang làm tổn hại đến chính lợi ích của người ta yêu.
Một lo ngại khác được các triết gia nêu ra là việc chúng ta hành động theo những điều chúng ta cho là có lợi cho người chúng ta yêu có thể sẽ tạo nên một sự phụ thuộc mạnh mẽ giữa hai người. Đến một mức nào đó, tình yêu sẽ mang đến sự tổn thương dành cho người được yêu, trở thành sự khuất phục về mặt tự chủ và bản sắc của chính họ. Ngoài ra, ý tưởng này trong tình yêu cũng đặt ra một dấu chấm hỏi lớn về việc tại sao chúng ta vẫn tiếp tục yêu kể cả khi người chúng ta yêu đã chết hay mất tích (khi mà họ không còn ở trong tầm kiểm soát của chúng ta nữa).
3. Tình yêu như là sự đánh giá (love as valuing the other):
Trước hết cần phải làm rõ, từ giá trị ở đây không có ý nghĩa về mặt kinh tế học như giá cả của một đồ vật. Giá trị ở đây được đánh giá dựa trên phẩm giá của một người.
Ý tưởng về việc sự đánh giá được chia ra làm 2:
- Ý tưởng về thẩm định giá trị (bạn có giá trị, vì vậy tôi yêu bạn).
- Ý tưởng về sự ban tặng (tôi yêu bạn, vì vậy bạn có giá trị).
Yêu như một sự thẩm định về giá trị (love as appraisal of value):
Triết gia người Mỹ, ông J.David Velleman cho đã phát biểu rằng: tình yêu là phản ứng của một người đối với phẩm giá của đối phương, như vậy, phẩm giá của đối phương sẽ định nghĩa cho tình yêu của chúng ta. Khác với sự tôn trọng cũng phản ứng với phẩm giá của một người, tình yêu giải trừ sự bảo vệ cảm xúc của chúng ta và cho phép người khác ảnh hưởng và làm tổn thương chúng ta. Việc đánh giá tình yêu bằng phẩm giá có thể giải thích được lý do tại sao chúng ta không thể yêu nhiều người cùng một lúc vì phẩm giá của mỗi người là duy nhất và không thể quy đổi tương đương. Việc này cũng giải thích được chiều sâu của tình yêu so với việc thích đơn thuần. Tất nhiên, chúng ta không bắt buộc sử dụng tình yêu để đáp lại phẩm giá của một người hay để đánh giá phẩm giá của một người, cũng như phẩm giá cũng không bắt buộc đòi hỏi tình yêu. Tình yêu là phản ứng tối đa có thể nhận được đối với việc đánh giá phẩm giá của người khác. Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao chúng ta yêu người này mà không phải người khác ? Câu trả lời chính là nhờ vào sự phù hợp ngẫu nhiên về cách một số người thể hiện phẩm giá của mình đối với cách mà chúng ta phản ứng với chúng khiến chúng ta trở nên dễ tổn thương hơn. Cũng chính vì chúng ta đánh giá một người bởi chính bản thân họ nhiều hơn là một hay một số đặc điểm nhất định nên điều này cũng giải thích cho tính bền vững của tình yêu.
Tuy nhiên, giả thuyết này không phải là không có lỗ hổng. Những người phản đối cho rằng liệu chúng ta có thể từ chối một người có phẩm giá đáp ứng được với tiêu chuẩn của chúng ta không? Ngoài ra việc tình yêu được quyết định bởi phẩm giá cũng có thể gây ra một vấn đề về mặt logic về tính bền vững của tình yêu như sau:
Chúng ta hi vọng rằng người ta yêu sẽ tiếp tục yêu ta ngay cả khi chúng ta thay đổi trở thành một kẻ ngớ ngẩn nhưng đồng thời chúng ta cũng không muốn họ yêu một kẻ ngớ ngẩn vì những kẻ đó không xứng đáng.
Yêu như một sự ban tặng giá trị (love as bestowal of value):
Ý tưởng này cho rằng tình yêu có nguồn gốc bí ẩn, tồn tại trước và không phụ thuộc vào việc đánh giá một người. Mô hình này giải quyết được không chỉ vấn đề về tính chọn lọc của tình yêu (vì nó là sự ban tặng nên không cần quan tâm phẩm giá của người đó) mà nó còn giải quyết luôn vấn đề về sự bền vững (chính vì nó không cần bất kì lý do nào nên cho dù bạn có thay đổi thế nào thì người yêu bạn vẫn sẽ yêu bạn).
Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn tồn tại khá nhiều sự bất cập. Việc tình yêu có nguồn gốc không rõ ràng hay không cần một lý do chính đáng nào sẽ đẩy chúng ta vào một trạng thái rất bị động. Chúng ta sẽ có cảm giác như bị ép buộc bởi tình yêu khiến cho tình yêu trở nên thiếu tính thực tế. Ngoài ra, việc không có bất kì lý do nào cho việc yêu cũng sẽ khiến chúng ta bị nghi ngờ về tình yêu của bản thân: không biết khi nào nó sẽ bắt đầu hay kết thúc, hoặc liệu chúng ta có đang yêu ?.
4. Yêu như một loại cảm xúc (love as an emotion):
Đối với tình yêu có lẽ chúng ta đã quá quen với việc coi nó như là một cảm xúc mà chả cần có bất kì quan điểm triết học nào thuyết phục. Ở đây mình sẽ bỏ qua lý thuyết cho rằng tình yêu là một loại cảm xúc riêng biệt (love as a emotion proper) vì chúng ta ai cũng biết tình yêu mang nhiều cung bậc rất khác nhau nên việc diễn giải nó bằng một loại xem chừng khá vô lý. Thế nên ở đây mình sẽ tập chung vào quan điểm cho rằng tình yêu là một tổ hợp cảm xúc (love as emotion complex).
Quan điểm này cho rằng tình yêu là một thái độ tình cảm phức tạp của chúng ta đối với đối phương. Để hình thành tình yêu, Richard Rorty phát biểu: chúng ta không thể chỉ ra tại một thời điểm chính xác nào đó lúc tình yêu bắt đầu hay một điểm cụ thể ở đối phương khiến chúng ta yêu, tình yêu có tính lịch sử (historicity), tức là phải được xác định bởi một lịch sử tường thuật đặc trưng (characteristic narrative history). Nói một cách dễ hiểu, để yêu một người chúng ta cần trải qua một khoản thời gian tiếp xúc với người đó. Cũng theo quan điểm này, Baier cho rằng: Tình yêu không chỉ là cảm xúc mà con người cảm thấy đối với người khác, mà nó còn là sự ràng buộc tình cảm phức tạp mà 2 người cùng có với nhau. Nó là một dạng đặc biệt của phụ thuộc lẫn nhau về mặt cảm xúc. Sự phụ thuộc tình cảm này không chỉ là trạng thái đồng cảm đối với đối phương, ví dụ như cảm thấy buồn khi đối phương buồn, mà nó còn liên quan đến những phản ứng phù hợp của chúng ta đối với một số tình trạng khó khăn về mặt cảm xúc (emotional predicaments) của đối phương, ví dụ như việc chúng ta cảm thấy thích thú, buồn cười khi người ta yêu trở nên bối rối, xấu hổ.
Quay trở lại với tính lịch sử của tình yêu được Rorty nhắc đến, một đặc điểm của tính chất này được thể hiện qua việc tình yêu có tính “thẩm thấu động” (dynamically permeable). Tình yêu liên tục thay đổi những người ở bên trong nó. Tình yêu liên tục thay đổi danh tính chúng ta, đôi khi là theo hướng thúc đẩy tính liên tục của tình yêu vì chúng ta cũng liên tục thay đổi để đáp ứng với sự thay đổi của người kia. Việc này giải thích cho việc chúng ta vẫn yêu đối phương kể cả khi đối phương đã thay đổi. Tuy nhiên, việc tình yêu tiếp diễn ko phải là hệ quả bắt buộc của việc “thẩm thấu động” này mà đôi khi sự thay đổi này có thể dẫn đến những bất hoà và gây đổ vỡ trong tình yêu. Chính vì lý do này, triết gia Martha Nussbaum xem tình yêu như một rủi ro lớn vì cái cách mà tình yêu xác định danh tính của chúng ta có thể khiến chúng ta đánh mất đi bản thân khi đánh mất tình yêu đó.
Giả thuyết này xem ra phù hợp nhất với những gì chúng ta thường được nghĩ về tình yêu hơn nhưng tất nhiên nó không phải hoàn hảo và vẫn còn khá nhiều câu hỏi xung quanh. Một trong những câu hỏi còn tồn đọng là điều gì kết nối tất cả những cảm xúc đó lại và tạo nên một thứ gọi là tình yêu? Ví dụ tại sao việc chúng ta cảm thấy buồn cười khi nhìn thấy người yêu bối rối không được xem như một sự coi thường, thứ gần như tách biệt hẳn với ý nghĩa tình yêu ?
Trên đây là những gì mình tìm hiểu được về tình yêu trong vài ngày qua. Theo như các bạn đã thấy, cả 4 trường phái trên đều đúng theo một khía cạnh nào đó và đều có những vấn đề tồn động vẫn chưa thể giá quyết. Các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn bất kì mô hình nào kể trên để giải thích về tình yêu (hoặc thích thì chọn luôn cả 4 cũng được :D). Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn đâu đó có một cái nhìn rõ ràng hơn về việc yêu và định nghĩa được cái thứ cảm xúc rối rắm này !
Toàn bộ bài viết được mình tìm hiểu trên một số nguồn sau đây:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất