Tôi thấy có rất nhiều người hiểu sai hoặc xuyên tạc các thuật ngữ kinh tế-chính trị. Có rất nhiều bài trên Spiderum có tựa đề "Tư bản(sản), "Cộng sản" hoặc"chủ nghĩa xã hội" hoặc ít nhất là liên quan đến các vấn đề này dùng sai thuật ngữ
1. Chủ nghĩa cộng sản(Communism)
Xã hội cộng sản là một xã hội không quốc gia, phi nhà nước, phi giai cấp, phi tiền tệ với năng suất biên vô hạn-tức nếu muốn tăng năng suất thì chỉ cần tăng thêm phương tiện sản xuất. "Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu"
Các đảng hoặc người gọi mình là Cộng Sản thì mục tiêu của họ là đạt được xã hội cộng sản.
Đường lối cách mạng: Làm cách mạng bạo lực giành lấy chính quyền và sau đó thay đổi quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới (nếu không có bước này thì nó sẽ là đảo chính chứ không phải cách mạng).Nhà nước là cái được dựng lên từ quan hệ sản xuất tồn tại trong xã hội đó, phục vụ giai cấp thống trị trong xã hội và cũng củng cố sự tồn tại của chính quan hệ sản xuất đó. Và Nhà nước tư sản sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích của giai cấp dựng nó lên nên bạo lực là cần thiết. Sau đó dựng lên nền chuyên chính vô sản để chống lại các thế lực bên ngoài.Người Cộng Sản tập trung vào mâu thuẫn giai cấp giữa tư sản và vô sản, và phản đối xung đột giữa vô sản với nhau như chiến tranh giữa các quốc gia, mâu thuẫn của tư sản nhưng người cầm súng lại là giai cấp lao động. "Vô sản toàn thế giới đoàn kết"
Nền chuyên chính vô sản: Là nhà nước của giai cấp vô sản(giai cấp thống trị), được tổ chức một cách dân chủ(trực tiếp hoặc gián tiếp) để quản lí phương tiện sản xuất và chống lại các thế lực phản động. Nền chuyên chính vô sản chỉ có thể hình thành trong một xã hội vô giai cấp( tức chỉ có giai cấp vô sản) và sẽ biến mất khi không còn cần thiết, tức theo con đường tự triệt tiêu.
Chưa có nước nào đạt đến xã hội Cộng Sản và cũng không đúng khi gọi các nước đó là Cộng Sản, không có quốc gia nào có thể là cộng sản vì xã hội CS phi quốc gia.
2.Chủ nghĩa vô chính phủ(Anarchism)
Người vô chính phủ định nghĩa nhà nước khác với người Cộng Sản. Theo những người vô chính phủ nhà nước là: một hệ thống phân cấp bậc(hierachy) hợp pháp hoá bạo lực cho một nhóm thiểu số, tức cho quyền nhóm này sử dụng bạo lực một cách hợp pháp trong xã hội. Và kể cả khi nhóm thiểu số hành động vì lợi ích của số đông thì nhà nước vẫn là một vấn đề.
Vấn đề của người vô chính phủ đối với nền chuyên chính vô sản: Nếu chúng ta lập ra một nhà nước cách mạng mà nó có luật pháp, cảnh sát, hệ thống nhà tù,... điều gì đảm bảo rằng nhà nước ấy sẽ không dùng chính quyền sử dụng bạo lực của mình chống lại chính giai cấp vô sản?
3.Chủ nghĩa xã hội(socialism)
Chủ nghĩa xã hội không gì khác ngoài một giai đoạn chuyển tiếp từ CNTB tới CNCS. Trong đó quyền sở hữu đối với phương tiện sản xuất là sỡ hữu chung, bãi bỏ quan hệ sở hữu tư nhân. Quyền sở hữu có thể là của nhà nước vô sản chỉ như thế mới thật sự không còn ai sở hữu bất cứ phương tiện sản xuất nào một cách tư nhân. Người lao động trực tiếp hoặc gián tiếp quản lí chính công cụ lao động mà họ sử dụng trong quá trình sản xuất. Muốn đạt được chủ nghĩa xã hội thì phải có một nền kinh tế công nghiệp hoá chứ một nước nửa phong kiến, nửa tư sản với 50% dân số là nông dân không thể gọi là chủ nghĩa xã hội được.
Chủ nghĩa xã hội không chỉ đơn thuần là nền chuyên chính vô sản với quan hệ sản xuất tập thể. Nếu muốn làm cách mạng thành công tiến đến chủ nghĩa xã hội thì phần lớn vô sản phải có ý thức giai cấp, và phải có đảng tiên phong(Vanguard party) bao gồm những người Cộng Sản được giáo dục tốt về giai cấp lãnh đạo. Về sau khi phần lớn vô sản có kiến thức, nền tảng tốt về giai cấp thì cho chính công, nông dân tham gia trực tiếp vào quản lí nhà nước, tạo tiền đề để xoá bỏ nhà nước.
Với định nghĩa ở trên thì người Cộng Sản cũng là người theo chủ nghĩa xã hội và đều hướng đến xoá bỏ quan hệ sản xuất tư bản và lập nên nền sản xuất mới.
4. Chủ nghĩa dân chủ xã hội(democratic socialism,DemSoc)
Người theo CNDCXH thay vì làm cách mạng trực tiếp lật đổ xã hội cũ thì họ muốn cải cách quan hệ sản xuất thông qua chính bầu cử dân chủ trong nền tư sản.Mục tiêu của khuynh hướng này cũng là phân phối của cải và tập trung quyền điều hành nền kinh tế vào trong tay công nhân thay vì tư sản . Ví dụ điển hình nhất là Salvador Allende của Chile từ 1970 đến 1973 thì bị đảo chính.
Vấn đề là kể cả dân chủ đến mức nào thì đó cũng là dân chủ của tư sản. Giai cấp tư sản là giai cấp thống trị về mặt kinh tế nên dẫn đến thống trị luôn cái kiến trúc thượng tầng bao gồm truyền thông và giáo dục. Nên việc chuyển dần sang chủ nghĩa xã hội mà không có cách mạng hoặc "thảm hoạ"(cả cái này thường đi chung) nào thì khó có thể xảy ra. Những người Cộng Sản Hungary sau chiến tranh thế giới thứ hai có thể lên nắm quyền thông qua bầu cử là do có chiến tranh. Cộng Sản là lực lượng tiên phong trong việc đấu tranh chống Phát Xít và giải quyết vấn đề hậu chiến tranh. Còn dưới thời của Horthy thì chẳng bao giờ có chuyện đó.
5. Chủ nghĩa tư bản(capitalism)
Chủ nghĩa tư bản đặc trưng không phải bởi thị trường mà bởi quan hệ sở hữu tư nhân đối với phương tiện sản xuất và lao động làm công ăn lương(wage-labor).
Hai cái trên đã có từ thời nô lệ và phong kiến nhưng không phổ biến và hiểu quả. Các chủ xưởng thủ công thời nô lệ có thể tuyển dụng người tự do(freeman) bị thất nghiệp, thường là do các chủ nô lớn chiếm đất, để làm trong xưởng, đổi lại là mức lương( có thể bằng hiện vật hoặc tiền). Nhưng sử dụng nô lệ vẫn rẻ hơn và hiệu quả hơn.
Thành tựu lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là xã hội hoá lao động đến mức cao nhất(không có khen mà đó chỉ là một bước phát triển tự nhiên và không thể thiếu trong sự phát triển quá trình sản xuất), tức phân công lao động theo các bước của quá trình sản xuất một hàng hoá. Ví dụ: Sản xuất một cái ghế thì một người chặt cây, một người cắt gỗ, một người mài gỗ, một người ghép thành cái ghế, một người nữa trang trí, tất cả các công cụ( phương tiện sản xuất) mà các người thợ làm đều thuộc quyền sở hữu của nhà tư bản thuê họ làm. Các loại hình phân công trước là phân tách giữa công nghiệp(chế tạo đồ thủ công phục vụ sản xuất) và nông nghiệp. Nông dân và người làm đồ thủ công sống dựa vào nhau, nông dân dùng công cụ sản xuất bởi công nhân và công nhân ăn lương thực và đồ ăn trồng bởi nông dân để sản xuất.Dưới chủ nghĩa tư bản, công nghiệp và cả nông nghiệp đều phân tách thành những phần nhỏ hơn, và các phần đấy thông qua trao đổi hàng hoá phụ thuộc lẫn nhau, không thể tách rời.
Chủ nghĩa tư bản làm quá trình sản xuất nói chung hoàn toàn tập thể nhưng nó không làm cho quyền lực chính trị, và lợi nhuận được phân bố đồng đều. Lợi ích của nhà tư bản và của vô sản đối nghịch nhau. Một bên muốn tăng lợi nhuận bằng cách giảm lương và khai thác được nhiều giá trị thặng dư hơn, bên kia thì muốn được nhiều lợi ích hơn, tức giảm giá trị thặng dư bị bóc lột. Tư sản thì luôn chiếm lợi thế do có nền chuyên chính tư sản( pháp luật, hệ thống đàn áp,...).
6. Dân chủ xã hội(social democracy,SocDem)
Dân chủ là chủ trương kinh tế cải cách chủ nghĩa tư bản thay vì chuyển đổi sang nền sản xuất xã hội. Dân chủ xã hội thấy rằng bình đẳng xã hội chỉ có thể đạt được khi có sự can thiệp nhiều của nhà nước vào nền kinh tế, nhiều phúc lợi hơn để tránh vô sản làm cách mạng. Các nước Bắc Âu theo tư tưởng dân chủ xã hội, áp dụng các chính sách phúc lợi xã hội, đánh thuế cao,...
Chủ nghĩa tư bản dù có cải cách như thế nào thì vẫn là chủ nghĩa tư bản, vẫn có những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Như đã giải thích ở trên, tư sản thống trị vô sản là ở chỗ quyền sở hữu đối với phương tiện sản xuất, và do đó người lao động chỉ sống dựa vào sự cần thiết của họ để sử dụng tư bản tạo ra hàng hoá cho nhà tư bản kiếm lời. Các sách phúc lợi của nhà nước dân chủ xã hội cũng vậy. Khi nhà tư sản không còn thấy mối đe doạ từ vô sản nữa thì các chính sách đó cũng biến mất. Đó là lí do tại sao từ khi Liên Xô và khối chủ nghĩa xã hội Đông Âu sụp đổ thì phúc lợi của các nước Bắc Âu nói riêng và chính sách phúc lợi của các nước tư bản nói chung lao dốc. Các đảng cánh tả mất dần quyền lực do các nhà tư sản không còn cảm thấy đe doạ từ phía Đông nữa. Có thể việc cải cách có thể mang lại kết quả tạm thời nhưng rồi mọi thứ vẫn sẽ quay về như cũ.