Nên đặt tiêu đề gì đây nhỉ, tôi đã nghĩ sẽ đặt là "Điều khiến tôi không hài lòng trong giáo dục ở Việt Nam" nhưng như vậy có vẻ hơi nặng nề quá, và có lẽ cũng chưa nghiêm trọng đến vậy.
Sau đây tôi sẽ nói vì sao tôi lại có suy nghĩ này.
Đời học sinh mà, lắm chuyện lắm, vui có buồn có, áp lực thì lại càng nhiều. Nhiều người nghĩ đi học thì có gì áp lực đâu chứ, vâng đó là đúng khi so sánh với những ai đã đi làm và họ nhìn lại khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường của mình. Còn với những học sinh như tôi của hiện tại thì áp lực là điều diễn ra thường ngày, từ gia đình, từ bạn bè hay người ta còn gọi là Peer pressure,...những thứ áp lực này đôi khi chỉ là vô hình nhưng thật sự gây ra tác hại to lớn.
Nhưng hôm nay tôi sẽ nói về áp lực từ phía thầy cô giáo, sẽ chẳng có gì để nói nếu chuyện ngày hôm qua không xảy ra, bởi với tôi áp lực là điều khiến tôi trưởng thành hơn, và giữ ý chí quyết tâm với những gì mình đang làm để đạt được mục tiêu, sống mà không có áp lực thì có vẻ cũng hơi buồn chán, vì chẳng biết mình cần làm gì!
Điểm kiểm tra của tôi lần đầu tiên thấp kỉ lục như vậy ở môn học này, cứ cho là những năm khác thầy cô chấm nhẹ tay hơn nhưng lần này thì thật sự không như vậy. Bài kiểm tra 15 phút, tôi đã làm y như trong vở cô cho ghi nội dung, và thêm một vài ý kiến cá nhân của mình (đây là việc mà trong bài kiểm tra môn văn ở năm học nào tôi cũng làm, và đã có sự tra cứu tìm hiểu trên mạng vì tôi sẽ ghi lại những điểm bổ sung mà cô nói hoặc những điểm hay của các bài văn mẫu), và rồi khi điểm quá thấp khiến tôi vô cùng thắc mắc, câu trả lời tôi nhận lại là:
"Em làm sai rồi, không giống của cô cho ghi."
"Em phải nói cho cụ thể nhé, không ghi chung chung."
Và cũng không có gì để nói nếu trong tiết học cô không ngừng nói giảm nói tránh nhưng đều là chỉa mũi về tôi:
"Khi các em đặt câu hỏi thì phải suy nghĩ cho kỹ chứ đừng có nhắn tin với thầy cô để rồi mình không nhận lại được gì."
Trong tiết học cô còn đặt ra một câu hỏi mà tôi nghĩ chính cô nên là người tự trả lời: "Bạn này học giỏi mà, kiểm tra được 9 điểm mà câu này không trả lời được à?" (một người bạn trong lớp của tôi). Trong khi, tôi là đứa mà cô cho điểm gần như thấp nhất trong lớp thì cô hỏi rất nhiều câu trong một lần (điều chưa từng có trong tiền lệ), những câu hỏi đó cô hỏi với giọng điệu rất khó chịu, liên tục gọi tên tôi trong khi tôi đang chuẩn bị trả lời, cứ một chút lại nói "Bạn M này, cô đang hỏi em đấy", tôi tưởng chừng như cô hỏi như vậy để tôi không trả lời được rồi cô sẽ nói về việc tôi đã thắc mắc với cô về điểm số.

Vậy vấn đề tôi muốn nói ở đây là gì?

Đặt câu hỏi giữa giáo viên và học sinh?
Tôi nhớ rất rõ mình đã xem video Tiktok của một người nước ngoài sống tại Việt Nam, chủ đề đó là những điều tôi thấy lạ ở Việt Nam (nếu tôi nhớ không sai). Trong đó có một nội dung là người Việt không dám đặt câu hỏi, khi giáo viên hỏi học sinh có hiểu bài hay không, dù chưa hiểu thì họ vẫn nói đã hiểu rồi!
Bạn đã gặp tình huống này chưa, hay đã từng như vậy chưa? Tôi chắc chắn là rồi! Bởi chính tôi cũng như vậy. Nhưng tôi luôn cố gắng thay đổi điều này, khi có thắc mắc tôi sẽ không như ngày trước nữa mà sẽ suy nghĩ xem mình nên đặt câu hỏi như nào cho formal rồi gửi nó cho giáo viên.
Tôi đã gửi rất nhiều câu cho rất nhiều giáo viên, và may mắn thầy cô đều trả lời rất nhiệt tình và thân thiện, còn khuyến khích tôi nên đặt câu hỏi những khi có thắc mắc nào đó. Điều này cũng khiến tôi "đỡ sợ" hơn khi hỏi điều gì đó.
Vậy nếu như ai cũng như những thầy cô ấy thì quá tốt rồi đúng không, nhưng nếu như giáo viên dạy văn trên kia thì sao ạ, thật sự cũng có nhiều trường hợp như vậy chứ không phải chỉ duy nhất giáo viên này. Nhưng chính vì vậy mà việc đặt câu hỏi, tìm câu trả lời từ giáo viên cho thắc mắc của mình đã trở nên vô cùng khó khăn, và dần cũng không ai dám hỏi nữa.
Tôi cảm thấy đây là một điều rất cần suy nghĩ.