Lần trước mình có viết một bài về vũ trụ quan của Do Thái giáo tại đây:
Và mình cũng tìm hiểu thêm một chút về thế giới quan của các tôn giáo khác, trong đó có Phật giáo. Một điều bất ngờ là chùa Diên Hựu (nhân dân ta gọi là chùa Một Cột) ở Hà Nội được xây dựng theo tương quan vũ trụ của Phật giáo, ẩn chứa triết lí trong đó. 
Bài viết dưới đây là của tiến sĩ Trần Trọng Dương thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm, mình chỉ trình bày lại để mọi người dễ đọc hơn vì đây là một nghiên cứu rất hay ho, mình không dám múa rìu qua mắt thợ. Bài viết gốc các bạn có thể đọc ở đây.
Mỗi một tôn giáo bao giờ cũng tự xây dựng cho mình một hệ thống tư tưởng mà sở biểu của nó là hệ thống các biểu tượng (symbols) tương ứng. Phật giáo cũng vậy, ngoài việc xây dựng nên vũ trụ quan (một phần quan trọng của hình nhi thượng), tôn giáo này đồng thời cũng đã dựng nên vô số các biểu tượng đa trùng về thế giới trong đó phải kể đến bộ ba biểu tượng: mandala- núi Tu Di và Liên hoa tạng thế giới. Trong đó, núi Tu Di là một mã văn hóa tiếp thu từ Brahman giáo, nhưng đã có những biến đổi sâu sắc khi đi vào hệ thống kinh tạng Phật giáo. Bài viết này sẽ không chỉ đi vào giới thuyết về tính đa trùng, chồng lấn của các biểu tượng này, mà còn tiến hành phân tích các hình thức thể hiện của biểu tượng núi Meru/Tu Di trong văn hóa Việt Nam và Đông Á từ góc nhìn của lịch sử nghệ thuật và biểu tượng tôn giáo.


Giới thuyết chung về núi Tu Di


Trong Brahman giáo, Meru là một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh. Thần Vishnu tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần khác, tùy theo mức độ đẳng cấp, ngự ở những đỉnh núi cao thấp khác nhau trong dãy Meru. Mặt khác, theo người Ấn Độ cổ, ngọn núi vũ trụ này còn được đặt trên lưng một con rùa vũ trụ gọi là Kurma-avatara. Rùa Kurma là giá đỡ vững chắc của ngọn núi Meru khi thần Deva và Asura tiến hành đánh biển sữa để làm ra Amrita. “Chức năng chống đỡ, đảm bảo sự ổn định của thế gian ấy gắn nó với những vị thần cao nhất: ở Tây Tạng cũng như Ấn Độ, con rùa cõng vũ trụ là hiện thân, lúc thì của một Bồ Tát, lúc thì của thần Vishnu…”[1]

Meru là một biểu tượng có nguồn gốc trong văn hóa Hindu, sau đó ảnh hưởng đến Phật giáo Ấn Độ. Hình ảnh núi Meru, theo sự hoằng dương của hai tôn giáo này, mà truyền nhập khắp thế giới Đông Á, có mặt trong nhiều lãnh thổ quốc gia như Miến Điện, Thái Lan, Indonexia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Các hệ thống kinh sách cũng đã có nhiều cách mộ tả chi tiết khác nhau về ngọn núi huyền thoại này. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ nêu khái quát qua sự hình dung trong một số kinh sách Phật giáo cũng như một số tư liệu nghiên cứu hiện nay về Phật giáo như Pháp giới an lập đồ, Kinh A Di Đà và Phật tổ thống kỷ[2].

Cửu Sơn Bát Hải đồ

Tu Di (須彌) là tên một ngọn núi, tiếng Phạn là Meru hay Sumeru[4], còn có tên âm dịch là Tu Mê Lâu (修迷樓), Tô Di Lâu (蘇彌樓), Tu Di Lâu (須彌樓), Di Lâu (彌樓), Tô Mê Lô (蘇迷盧,蘇迷嚧), dịch nghĩa sang tiếng Hán là Diệu Cao妙高, Diệu Quang妙光, An Minh安明, Thiện Tích善積, Thiện Cao善高,… Núi này là trung tâm của một tiểu thế giới. Trong thế giới này, thấp nhất là phong luân, trên là thủy luân, trên nữa là kim luân (hay địa luân), tiếp đến là cửu châu bát hải, gồm các núi Trì Song持雙, Trì Trục持軸, Thiềm Thủy檐水 (Đảm Mộc擔木, Không Phá空破), Thiện Kiến善見, Mã Nhĩ馬耳, Chướng Ngại 嶂礙(Tượng Tỵ象鼻), Trì Biên 持邊(Trì Địa持地), các núi này cao bốn vạn hai ngàn do tuần, do thất bảo hợp thành. Đó là tám núi và tám biển vây chung quanh núi Tu Di, lấy Tu Di làm trung tâm. 
Hình: núi Meru (văn hóa Ấn Độ). Nguồn: Robert Beer[3]
Núi Tu Di chân cắm sâu xuống nước tám vạn do tuần, nhô lên khỏi mặt nước tám vạn do tuần, đỉnh núi cung điện của Đế Thích (cung trời Đao Lị) cũng rộng tám vạn do tuần[5], ngang sườn núi là các cung trời của Tứ Thiên Vương- bốn vị thần bảo hộ pháp giới. Vây quanh núi Tu Di có bẩy Hương Hải và bẩy Kim Sơn. Ngoài núi Kim Sơn thứ bẩy có Hàm Hải (biển mặn) rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, núi vây ngoài biển là Thiết Sơn. Một mô hình tiểu thế giới như vậy gồm tám biển và chín núi, gọi là “cửu sơn bát hải”. Tứ Đại châu (Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Bắc Câu Lô Châu và Nam Chiêm Bộ Châu- nơi chúng sinh cư trú) nằm ở bốn phương của Hàm Hải. Núi Tu Di cùng nhật nguyệt chiếu khắp bốn châu.
 “Thiên thế giới đồ”, sách Pháp giới an lập đồ.
Trên đây là hình dung về một Tiểu thế giới, hợp một nghìn Tiểu thế giới sẽ thành Tiểu thiên Thế giới (gồm nghìn mặt trời, nghìn mặt trăng, nghìn núi Tu Di, nghìn Tứ đại bộ châu, nghìn Tứ đại Thiên Vương, nghìn cung trời Đao Lị,…), họp một nghìn Tiểu thiên Thế giới sẽ là Trung thiên Thế giới (gồm trăm vạn mặt trời, trăm vạn mặt trăng, trăm vạn núi Tu Di, trăm vạn Tứ đại bộ châu, trăm vạn Tứ Đại Thiên Vương, trăm vạn cung trời Đao Lị,…), hợp một nghìn Trung thiên Thế giới sẽ thành Đại thiên Thế giới (gồm mười ức mặt trời, mười ức mặt trăng, mười ức núi Tu Di, mười ức Tứ đại bộ châu, mười ức Tứ đại Thiên Vương, mười ức cung trời Đao Lị,…). Vì thế Đại thiên Thế giới được gọi là Tam thiên Đại thiên Thế giới[6] (chiliocosm).
Đại thiên thế giới vạn ức tu di đồ, sách Phật tổ thống kỷ[7].
Bình đồ núi Tu Di- hoa sen trong hoa sen. Nguồn: Pháp giới an lập đồ.

Với những mô tả như trên, núi Tu Di trong kinh sách Phật giáo được mường tượng như là một đài sen nhô lên từ mặt nước (nhất hoa nhất thế giới). Nhìn trên bình đồ, mô hình thế giới với cửu sơn bát hải vây xung quanh được gọi là mandala, với hình ảnh hoa sen lại nở ra hoa sen, hàm ý Phật tính sinh sinh bất diệt, vô cùng vô tận. 
Theo Hoa Nghiêm kinh, núi Tu Di là pháp hội của thế tạng hay cõi nước Tịnh Độ của Phật Tỳ Lô Xá Na- chân thân của đức Thích Ca Như Lai. Kinh này cũng nói hoa sen lớn sinh ra từ hương thủy hải, trong hoa sen ấy lại hàm chứa các thế giới nhiều như vô số vi trần, cho nên gọi là Hoa Tạng Thế Giới Hải. Trên Hương Thủy Hải trồi ra đóa sen lớn ngàn cánh, trong đóa sen lớn chứa vô số những thế giới khác nhau nhỏ tựa bụi trần (vi trần), vì thế được định danh bằng tên Hoa Tạng Thế Giới hay Liên Hoa Tạng Thế Giới[8]. Các Đức Phật chứng được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, dùng tịnh thức chuyển biến ra các thế giới, vì thế cho nên gọi là thế giới chư Phật (tiếng Phạn là “ksetra”, nghĩa là “cõi” hay “cõi nước”). 
Hoa sen lớn ví như chân như pháp giới, được miêu tả với nghìn cánh hoa, mỗi cánh là một thế giới đức phật Tỳ Lô Xá Na hóa làm 1000 đức Thích Ca ở 1000 thế giới. Mỗi diệp thế giới lại có trăm ức núi Tu Di, và 1000 triệu thế giới, trăm ức cõi Nam Diêm Phù Đề (xem Phạm võng kinh)[9]. Hoa sen mọc trên biển là nơi chư Phật hội tụ được gọi là Liên Trì Hải Hội- tiêu biểu cho sự tập hợp của Phật A Di Đà, chư Bồ tát, các bậc thức giả, Thánh chúng, cùng các thượng thiện nhân đều hội nơi Tây Phương Cực Lạc. Gọi là Liên trì Hải Hội vì số Phật tham dự là vô số, trải dài ra như đại dương trong pháp giới.
(còn tiếp)
Phần tiếp theo: Ảnh hưởng của hình tượng núi Tu Di đến kiến trúc và hội họa các nước.