<i>Đức thua 1-2 trước Nhật trong trận mở đầu World Cup 2022 của mình</i>
Đức thua 1-2 trước Nhật trong trận mở đầu World Cup 2022 của mình
Lần đầu tiên tôi xem bóng đá là vào năm 8 tuổi. Lúc ấy, tôi không biết những người đang chạy trên sân đóng vai trò gì, cũng không rõ cái gì là việt vị hay cái gì là phạt góc. Tôi ngồi cạnh bố mình, lẳng lặng quan sát các bóng áo trắng chạy thoăn thoắt trên mặt cỏ màu xanh. Tôi thấy những bóng áo trắng chạy nhanh rồi chậm dần, chạy đến sân bên kia rồi vội vàng chạy về đặc kín trước khung thành của mình. Đôi chân của những bóng áo trắng đượm vẻ mỏi mệt, theo từng giây trôi qua trên bảng led số phút thi đấu bù giờ còn lại. Bỗng nhiên, tôi thấy một bóng áo xanh vụt qua, mảnh lưới của những cầu thủ áo trắng rung lên vì trái bóng tròn. Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, những người đàn ông mặc áo trắng quỳ gục xuống sân, và phía sau họ là cả nghìn lá cờ 3 màu bay phần phật trong gió. World Cup 2006 kết thúc với Đức ngay trên quê nhà bằng 2 pha lập công của Fabio Grosso và Alessandro Del Piero từ Italy.
World Cup 2006 là điểm xuất phát của tình yêu tôi dành cho đội tuyển Đức, cũng là điểm khởi đầu cho một con đường vô tận. Tôi đã theo dõi đội bóng ấy đi qua bao niềm vui và nỗi buồn. Kỳ Euro 2008 trên đất Áo và Thụy Sĩ, Đức đã tiến sâu tới trận chung kết, đối đầu với một Tây Ban Nha toàn diện lúc bấy giờ. Tôi mới chỉ chờ đợi 2 năm, nhưng những người hâm mộ "cỗ xe tăng" khác đã chờ ngày Đức bước lên bục cao nhất của bóng đá châu Âu rất lâu rồi. Năm 2008 cũng là năm thế hệ vàng của bóng đá Đức nở rộ trọn vẹn nhất, mỗi một mảnh ghép trong đội tuyển đều tỏa sáng ở cương vị của mình. Những gương mặt từng chập chững ở năm tháng giao thời, nay đã trở thành rường cột vững chắc và nỗi dè chừng của đối thủ. Vậy mà, khi Torres ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết, Đức đã lại gục ngã trước cửa thiên đường. Euro 2018 khép lại, cũng là lần cuối tôi được trông thấy hình ảnh Michael Ballack đeo băng đội trưởng. Tôi đã òa khóc như một đứa trẻ bên cạnh bố mình (mà cũng đúng, khi đó tôi chỉ là một cô nhóc chưa lớn mà).
Niềm tin và hy vọng rằng một ngày nào đó Đức sẽ trở thành đội bóng xuất sắc nhất thế giới đã cùng tôi trưởng thành. Tôi đã cười và cũng đã khóc vì Die Mannschaft nhiều năm, khi đội bóng của tôi liên tiếp gục ngã tại bán kết World Cup 2010 và Euro 2012. Lối chơi gồ ghề, khô cằn ngày nào đã được trẻ hoá và uyển chuyển, quyến rũ hơn – cùng với đó là sự xuất hiện của những cầu thủ trẻ kĩ thuật tốt, có tính đột biến, sáng tạo và khao khát thể hiện mình. Huấn luyện viên Joachim Lowe đã thay đổi trong cách tư duy chơi bóng hiện đại hơn, kết hợp phòng thủ vững chắc với tấn công bùng nổ, sắc sảo. Lối chơi ấy đã củng cố thêm niềm tin trong tôi, rằng đội bóng mình yêu sẽ đạt được những thành công trong tương lai với lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng. Chúng tôi có trung phong Miroslav Klose, tiền đạo Lukas Podolski, tiền vệ Bastian Schweinsteiger, "nghệ sĩ thiên tài" Mesut Özil, siêu hậu vệ Philipp Lahm,...
Có lẽ, tôi không thích Đức vì lối chơi đẹp mắt hay cống hiến, mà tôi yêu cách các cầu thủ chiến đấu với tinh thần thép ngay từ những phút đầu tiên của trận đấu đến những giây cuối cùng hơn. Khi những thất bại khép lại, các cầu thủ trở về CLB rồi đợi ngày hội quân tiếp theo. Tích cực tập luyện, tích luỹ kinh nghiệm, kết hợp sức trẻ với những bài học thất bại của quá khứ, âm thầm tiến đến những giải đấu lớn. Mục đích duy nhất của cả đội là giành chức vô địch. Liên đoàn bóng đá Đức chú trọng đầu tư vào các lò đào tạo trẻ, và rồi thế hệ tài năng với những Toni Kroos, Ozil, Gotze, Muller, Neuer,... được gieo trồng từ lứa U18, U20 đã tạo nên câu chuyện của riêng họ cũng như của bóng đá Đức. Sau 10 năm chờ đợi kể từ khi bị loại ở vòng bảng Euro 2004 trên đất Bồ Đào Nha, Đức cuối cùng đã bước lên đỉnh vinh quang. Đức của World Cup 2014 có một cái gì đó lầm lì, chắc chắn nhưng không hề thực dụng, họ vẫn tấn công sắc sảo và đồng đều ở cả ba tuyến.
<i>Nhà vô địch World Cup 2014 - Die Mannschaft</i>
Nhà vô địch World Cup 2014 - Die Mannschaft
Nhìn lại các trận cầu quan trọng trong những giải đấu lớn trước kia, tôi thấy đội tuyển Đức thường thiếu bản lĩnh và đánh mất nhịp độ trong những phút quyết định. Sau nhiều năm dài tích lũy cái thiếu bản lĩnh ấy, Đức đã mang đến World Cup 2014 một khía cạnh ngông cuồng và một lối đá lạnh lùng hơn – mà những người hâm mộ lâu năm nói rằng rất giống với thế hệ vô địch World Cup trước, và cả thế hệ Đông Đức. Họ vào sân đầy lầm lì, bản lĩnh, mang tinh thần chiến đấu đích thực của những ‘‘cỗ xe tăng’’. Chức vô địch World Cup 2014 là một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội bóng, khi đã đánh gục các đối thủ mạnh khác để bước lên đỉnh cao bóng đá thế giới.
Giây phút Gotze ghi bàn thắng duy nhất trong hiệp phụ, tôi nghẹn ngào tới mức không hò reo nổi thành tiếng. Niềm hân hoan thiêu đốt trái tim tôi, cuốn sổ dày hơn 200 trang của tôi cuối cùng cũng có thể đóng lại sau 8 năm dài ròng rã. Phim tài liệu "We Are One" được phát hành ghi lại hành trình đến với danh hiệu vô địch World Cup 2014 của Đức.
<i>Khán đài từng tràn ngập niềm hy vọng...</i>
Khán đài từng tràn ngập niềm hy vọng...
Đó là một hành trình quyết tâm cao độ, chưa một lần nghĩ đến bỏ cuộc dù liên tục thất bại ngay sát thành công, luôn nung nấu ý chí và nuôi dưỡng quyết tâm để vượt qua những thời kì đen tối nhất. Đó là một hành trình không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, từ thành công lẫn thất bại, từ đối thủ lẫn chính đội bóng của mình. Đó là hành trình không ngừng ứng biến để linh hoạt thay đổi kịp thời trong mỗi trận đấu, họ chuẩn bị và dàn xếp sẵn mọi trường hợp để không gây nên sự xáo trộn đáng kể nào ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra. Đó là hành trình không ngủ quên trong chiến thắng và cũng không nằm lại trong thất bại.
Đó cũng là một hành trình được kết tinh bởi sự phát triển đan xen đa văn hoá, với sự đa dạng về nguồn gốc dân tộc và tính cách khác nhau của các cầu thủ. Không còn đơn thuần là thành quả của nền sản xuất công nghiệp sắt thép, mà thay vào đó là sự phát triển công nghệ thông tin. Lứa cầu thủ như Ballack, Matthaus,… dần thay thế bởi Lahm, Ozil,... Cuộc chuyển giao bóng đá luôn có những viên gạch nối giữa các thế hệ. Bóng đá Đức tuy đã thay đổi lối chơi, nhưng vẫn giữ bản sắc vốn có của mình. Die Mannschaft của thế hệ cầu thủ này là những chiến binh tuyệt vời, nơi trái tim chứa chất thép vốn có của người Đức. Bastian Schweinteiger đầu chảy đẫm máu và gần như kiệt quệ sức lực nhưng vẫn cắn răng gồng mình chiến đấu vì màu cờ sắc áo.
Đôi khi, bạn không thể nói trước được điều gì trong bóng đá, nhưng khi bạn đứng dậy sau thất bại, bạn sẽ càng trở nên đáng sợ hơn. Thành công trong bóng đá kéo theo ánh hào quang bên ngoài sân cỏ, đôi lúc thứ ánh sáng ấy lại bóp nghẹt chính đôi chân và bộ óc chạy trong sân cỏ. Có lẽ, khi nếm mùi chiến thắng sau cả thập kỷ thất bại, những người hùng bắt đầu mất dần nhiệt thành trên sân cỏ. Euro năm 2016, những cái tên kỳ cựu góp phần làm nên vinh quang năm 2014 lại trở thành những điểm yếu trong đội hình. Trận thua "oan ức" trước Pháp ở bán kết chính thức châm ngòi nổ cho những cuộc chiến liên miên ngoài sân cỏ. Thế hệ gạo cội năm 2014, người thì giải nghệ khi đã lớn tuổi, người thì sa sút phong độ liên tục mắc lỗi nghiêm trọng, người thì mải mê tham gia các chiến dịch đánh bóng tên tuổi, người thì rơi vào cuộc khủng hoảng dân nhập cư. Liên đoàn bóng đá Đức để ý đến các hạng mục truyền thông và chính trị nhiều hơn, cầu thủ liên tục thị uy để theo đuổi những "đòi hỏi" liên quan đến chính trị.
Thất bại tại World Cup 2018 đã gián tiếp tạo nên sự tan đàn xẻ nghé của đội tuyển Đức. Đội quân chung một ý chí đã không còn chia sẻ một ước mong, những cuộc tranh cãi ngoài lề sân bóng cũng mở ra sự giao thời giữa hai thế hệ cầu thủ. Lứa cầu thủ cũ lần lượt được thay thế bởi người mới, những cầu thủ còn non nớt kinh nghiệm và thiếu đi ý chí. Ngay cả khi được chơi chung cùng lứa cũ, cái ngọn lửa hừng hực của lứa cũ cũng đã lụi tàn. Die Mannschaft của năm 2018, và Die Mannschaft của năm 2022, đều mang cái xác của một cỗ xe tăng với sức tàn phá khủng khiếp, nhưng cái xác ấy lại không có linh hồn "cỗ xe tăng" đích thực.
Tôi như trở lại 8 năm chờ đợi năm xưa, vậy mà tôi lại chẳng tràn trề niềm hy vọng được như năm xưa. Năm ấy, dẫu biết phía trước là thất bại, mỗi một cầu thủ chạy trên sân vẫn chạy đến kiệt quệ và cố gắng bám trụ đến giây cuối cùng. Họ hoảng sợ khi bị dẫn trước, nhưng rồi rất nhanh lấy lại nhịp độ của mình để đuổi theo nhịp độ của đối thủ. Vậy tôi đã xem được gì trong trận mở màn World Cup 2022 của Đức đây? Đặt những vấn đề thiếu sót về đội hình sang một bên, tôi thậm chí không nhìn được hồn xe tăng trong đội bóng này. Họ rệu rã, họ mất phương hướng, họ dễ dàng buông xuôi, họ liên tục mắc lỗi, họ đánh mất chính phong độ của bản thân chứ chưa nói đến "chất Đức". Một đội bóng toàn người Đức, nhưng còn không mang nhiều nét tinh thần Đức như đội bạn! Mỗi lần nhìn thấy cảnh Manuel Neuer đứng gần khung thành đối thủ, nỗi tuyệt vọng luôn bủa vây tôi. Bởi tôi biết, cái bóng khác màu ấy chạy lên, cũng là dấu hiệu báo trước của một trận thua ê chề. Tôi ước gì, trận thua ấy đến vì đội bóng của tôi chơi không hay, thay vì đội bóng của tôi không muốn cố gắng như vậy.
Bóng đá đem lại những cảm xúc tuyệt vời, ngay cả nỗi thất vọng cùng cực cũng không thể đánh đổi được tình yêu bạn đã dành cho nó. Đã buồn, đã thất vọng, đã tức giận, đã đau lòng – nhưng sau khi đăng bài viết này, tôi vẫn sẽ mơ về một ngày đội bóng yêu thích của tôi giãy giụa đứng lên khỏi bùn lầy. Tôi sẵn lòng đợi thêm nhiều cái 10 năm nữa, để thêm một lần được òa khóc vinh danh đội bóng tôi yêu.
P/S: Cái tên "Die Mannschaft" đã bị "khai tử" vào giữa năm 2022, nhưng tôi gắn bó với cái tên ấy quá lâu để nói lời tạm biệt. Vậy nên, miễn là còn sẵn lòng yêu thích Đức, tôi vẫn sẽ gọi họ như vậy.