Bóng đá và bóng rổ, để tìm ra điểm chung giữa hai môn thể thao này  thật khó. Trong khi bóng đá được xem như môn thể thao vua của toàn thế  giới và quan trọng đối với những nền thể thao Châu Âu hay Nam Mỹ, thì  bóng rổ lại là môn thể thao quan trọng bậc nhất đối với Mỹ – quốc gia có  nền ảnh hưởng lớn nhất thế giới này chỉ xem bóng đá như một môn thể  thao thứ phụ của họ.
 Nhưng, có những con người mà ở mỗi môn thể  thao họ chơi, lại có những nét tương đồng đến lạ kì, đều là một trong  những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại ở bộ môn mà họ thi đấu. Nhưng  trên con đường để đạt được như ngày hôm nay, họ đã trải qua không ít  những khó khăn, thử thách của cuộc sống mới có thể bước đến “ngai vàng” ở  hiện tại. Và hai vị “vua” ấy, là LeBron James và Leo Messi.
 Ở  NBA hiện tại, LeBron là cầu thủ xuất sắc nhất, là một “vị vua” đích thực  giống như biệt danh của anh “KingJames”. Tuổi 33, anh vẫn đang ở trên  đỉnh cao của sự nghiệp và hoàn toàn có thể thi đấu đến 40 tuổi với thể  chất mạnh mẽ hơn người. Còn Messi, trong môn thể thao vua, ngoài đối thủ  truyền kiếp người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo, Messi thực sự không có  đối thủ. Dù đã bước sang tuổi “đầu ba”, nhưng tiền đạo của Barcelona vẫn  là nguồn sống của Gã khổng lồ xứ Catalunya, thậm chí lối chơi của anh  còn đa năng đến “đáng sợ” hơn xưa.
 Nếu như thời kì còn thi đấu  cho Miami Heat và Cleveland trước năm 2010, King James thi đấu như một  “gã quái vật” và có thể nuốt chửng bất cứ ai trong mỗi đợt tấn công hay  phòng ngự thì bây giờ, James đã hoàn thiện hơn, anh chơi đồng đội hơn,  nâng tầm đồng đội của mình tốt hơn và làm mọi thứ để đội bóng đi đến  thành công.
 Tương tự như vậy, ở khoảng thời gian vài mùa về  trước, Messi là một sát thủ đúng nghĩa. Chỉ cần đối mặt với anh, mọi hậu  vệ đều phải “cầu nguyện” hoặc buộc phải phạm lỗi để ngăn chặn tiền đạo  người Argentina ghi bàn. Với Messi, việc “solo” qua 5,6 cầu thủ đội bạn  là chuyện “dễ như cơm bữa”. Giờ đây, siêu sao của Barcelona đã dần lùi  xa khung thành hơn, anh chuyển sang làm một creative playmaker nhiều  hơn, kiến tạo nhiều hơn như để khỏa lấp khoảng trống của những Xavi và  Iniesta để lại.
 LeBron James và Leo Messi, giờ đây, cả hai đều là  những cầu thủ vĩ đại bậc nhất trong mỗi môn thể thao mà họ yêu, là một  trong số những vận động viên kiếm tiền top đầu thế giới. Nhưng, có ai  biết rằng, để có thể leo lên đỉnh cao như hôm nay, hai con người ấy đã  từng có những tuổi thơ “bất hạnh” nhường nào.
 LeBron chào đời vào  ngày 30 tháng 12 năm 1984, một ngày đông giá rét đến thấu xương khi mẹ  của anh, bà Gloria mới chỉ...16 tuổi. Cha của LeBron, à không phải, vì  thực chất anh chưa bao giờ nhận người này là cha, Anthony McClelland, là  một trong số những tên “đầu trộm đuôi cướp” khét tiếng. LeBron ra đời  là kết quả của những lần quan hệ tình dục giữa Gloria và McClelland chứ ở  họ không tồn tại thứ gọi là tình yêu, là thứ chỉ để thoả mãn nhu cầu  sinh lý. Sống trong những khu ổ chuột nghèo nàn của những người da màu  trên nước Mỹ, Gloria mang theo cậu bé LeBron mới chỉ ba tuổi lang bạc  khắp nơi trên các con phố ở Akron.
 Những đứa trẻ da màu như  LeBron sinh ra ở thập niên 80, không khó để thấy được những bất hạnh  tương đồng giữa họ, nhưng nó đủ để đánh gục ý chí của James để rồi có  thể biến anh trở thành một kẻ như người cha tồi tệ của anh vậy. Phải  sống cùng mẹ với phí trợ cấp xã hội, tài sản duy nhất chỉ là... chiếc ba  lô trên vai như LeBron từng kể lại, nhưng từng đấy chưa đủ để làm anh  gục ngã. Với thể chất vượt trội của mình, LeBron được làm quen với bóng  bầu dục để rồi sau đó, bóng rổ đã cứu lấy cuộc đời anh, biến anh trở  thành một trong những siêu sao thể thao hàng đầu thế giới.
 Lionel  “Andres” Messi lại hơi khác, anh được sinh ra trong một gia đình trung  lưu của Rosario, Argentina. Messi vẫn có gia đình, có bà cũng như bạn  bè. Nhưng, từ bé, với vóc dáng nhỏ hơn hẳn so với đám bạn đồng trang  lứa, Messi vẫn luôn dành một tình yêu mãnh liệt cho bóng đá. Cậu bé Leo  được bà hướng đi cùng trái bóng tròn, và sớm thể hiện được tài năng của  mình khi còn rất nhỏ. Nhưng, cậu bé Leo ngày ấy, mang trong mình căn  bệnh “thiếu hoocmon tăng trưởng”, nếu không được chữa trị, Leo sẽ chỉ  cao chưa đến 1m50 khi trưởng thành, và hơn nữa anh sẽ không thể chơi  bóng.
 Chữa bệnh, nghe có vẻ đơn giản, nhưng chi phí của những mũi  tiêm ấy thực sự đắt đỏ và dĩ nhiên gia đình của Messi không thể đủ điều  kiện. Newell's Old Boys, câu lạc bộ thiếu thời của Messi đã không chấp  nhận bỏ ra mức phí ấy, họ nói “không”. Cậu bé Leo ngày ấy như mất đi mọi  niềm hi vọng, đến nỗi cậu giả lấy bút chì tự đâm vào bắp chân rồi tưởng  tượng mình đang chữa bệnh. Và Barcelona đến, họ chấp nhận chi trả cho  Messi chữa bệnh, thế là, chỉ khi mới 12 tuổi, cậu nhóc Leo đã phải sống  xa nhà, xa bà, xa mẹ cùng các anh của mình khi đến xứ Catalunya bên kia  của Đại Tây Dương. Messi, cậu bé phải sống xa nhà từ khi còn nhỏ, hằng  ngày phải cắn răng chịu đau đớn để tiêm thuốc vào người, phải trải qua  sự cô độc khi hướng mắt về quê hương Rosario. Với nỗi đau đáu nhớ nhà,  không khó hiểu khi Leo yêu quê hương Argentina nhiều đến như vậy.
 Cuộc đời không bao giờ được trải bằng hoa hồng. Nếu như Messi trong màu  áo Barcelona chơi thăng hoa, giành được mọi danh hiệu vô tiền khoáng  hậu chừng nào thì Messi của Argentina luôn phải gục ngã trên bước đường  chinh phục các danh hiệu cấp đội tuyển quốc gia. James cũng như vậy, tài  năng, thể chất cùng sự thông minh tuyệt vời của mình nhưng ở quê nhà  Cleveland, Ohio, anh đã chẳng thể tìm được vinh quang cùng Cleveland  Cavaliers ở giai đoạn đầu, chỉ khi dứt áo quê hương sang Miami, hai  chiếc nhẫn vô địch NBA liên tiếp đều đến với chàng trai này.
 Nếu  Messi cô độc ra sao trong màu áo Argentina thì LeBron lại cùng nếm chịu  cảm giác ấy ở Cavaliers. Những siêu sao ấy buộc phải gồng gánh trên vai  những tập thể rệu rã và thiếu đẳng cấp để rồi khi đội bóng thất bại,  những người đầu tiên mà các mặt báo tìm đến là họ. Người ta cho rằng,  với khả năng của Messi và LeBron, họ có thể làm được nhiều hơn thế,  nhiệm vụ vô địch là "bắt buộc" trong mỗi giải đấu họ tham gia. Nếu  không, "mặc định" đó sẽ là thất bại cho dù những kẻ xung quanh chẳng thể  vươn đến đẳng cấp như hai người này. Nhiều người yêu nhưng cũng không  ít kẻ ghét, cả Leo Messi lẫn LeBron James đã quá quen với điều này, họ  thi đấu không để vừa lòng ai cả, chỉ vì tình yêu thể thao đã quá lớn  trong cả hai, bóng đá cũng như bóng rổ, những môn thể thao đã "cứu lấy  cuộc đời" của Messi cũng như LeBron.
 Messi trong màu áo của Gã  khổng lồ xứ Catalunya không khác gì LeBron James trong màu áo của Miami  Heat, họ chinh phục lấy mọi thứ từ đỉnh cao nhất. Còn Messi của  Argentina là nét tương đồng của King James trong màu áo Cleveland  Cavaliers (ngoại trừ chức vô địch mùa 2015/16), cô độc, lẻ loi nhưng  không bao giờ từ bỏ.
 Cả hai "vị vua" này đã từng có những "hoàng  tử" bên cạnh mình. Nếu như King James từng cùng Kyrie Irving chinh chiến  trong 3 mùa giải và giành chiếc nhẫn NBA ngọt ngào ở mùa giải 2015/16  thì Neymar đã có quãng thời gian 4 năm gắn bó với Messi và giành lấy mọi  thứ cao quý nhất cùng Barcelona. Nhưng, có lẽ tầm vóc của cả LeBron lẫn  Messi quá lớn nên những chàng "hoàng tử" ấy buộc phải tìm cho mình  những hướng đi mới, họ không muốn mình chỉ mãi là cái bóng dưới trướng  hai vị vua không biết bao giờ mới nhường ngôi. Và nhìn Messi lẫn LeBron  James mà xem, 31 tuổi và 33 tuổi, vẫn đang trên đỉnh cao của sự nghiệp  và chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại.
 Điểm chung giữa hai người đàn  ông này còn nằm ở chỗ, họ vẫn còn bị đánh giá thấp so với những người  vĩ đại đi trước. Nếu như Messi chưa bao giờ được xem vĩ đại hơn những  Pele hay Maradona chỉ vì họ có chiếc cúp vàng thế giới trong khi Leo lại  gần như không thể chạm tới dù đã rất gần, thì LeBron James với 3 chiếc  nhẫn vô địch NBA của mình vẫn chưa thể được xem ngang tầm với những  Michael Jordan (6 nhẫn vô địch NBA), và Kobe Bryant (5 nhẫn vô địch NBA)  [Dù bản thân người viết là một fan thực thụ của Kobe trong môn bóng  rổ]. Bị đánh giá thấp hơn những thế hệ đi trước chỉ bởi những danh hiệu  nhưng cả Leo lẫn LeBron đều chưa bao giờ cho thấy mình mất đi “sự vĩ  đại”.
 Có một chi tiết khá thú vị là trận đấu giữa Barcelona và  Girona thuộc La Liga sắp tới tại Mỹ sẽ được tổ chức tại thành phố Miami –  nơi King James đã từng đạt mọi thứ đỉnh cao trong màu áo Miami Heat. Và  nếu LeBron vừa mở một trường học “I Promise” là một phần của Quỹ từ  thiện gia đình LeBron James (Lebron James Family Foundation) để mang đến  cơ hội phát triển cho các trẻ em thiếu những điều kiện cơ bản trong  cuộc sống. Thì Leo Messi cũng có Leo Messi Foundation được liên kết với  UNICEF để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những trẻ em có hoàn cảnh  khó khăn. Cả hai người họ đã trải qua tuổi thơ không mấy vui vẻ, và giờ  đây họ hiểu mình cần phải làm gì để ươm mầm cho những thế hệ trẻ sau  này.
 Hai vận động viên thể thao này, trải qua những gian khổ khác  nhau của thuở thiếu thời, phải chịu lấy áp lực, những sự kì vọng lớn  lao nhưng ở họ, “bỏ cuộc” không bao giờ xuất hiện trong từ điển. Đạt lấy  những thành công, chinh phục mọi thứ và vượt qua mọi giới hạn, chỉ có  LeBron James mới đủ khả năng sánh bước “sự vĩ đại” cùng Leo Messi và  cũng chỉ Leo Messi mới đủ tầm vóc khi “so sánh” với LeBron James. Hai  “vị vua” của bóng đá và bóng rổ, hai con sư tử dũng mãnh ( “Leo” của  Messi và logo sư tử đặc trưng của LeBron) đã chinh phục những trái tim  của hàng triệu người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới. Những con người  thực sự vĩ đại!
Minh Tài.