[Dịch nháp] Emil Cioran - Phả hệ của Lòng cuồng tín
Bản thân mọi ý tưởng đều trung lập, hoặc nên thế; nhưng con người lại thổi hồn vào ý tưởng, đưa ngọn lửa và những khiếm khuyết của...
Bản thân mọi ý tưởng đều trung lập, hoặc nên thế; nhưng con người lại thổi hồn vào ý tưởng, đưa ngọn lửa và những khiếm khuyết của hắn vào đó; vấy bẩn, biến chất thành đức tin, ý tưởng có chỗ đứng của mình trong thời gian, chuyển biến thành sự kiện: quá trình hoàn tất, từ logic đến cơn động kinh... Qua đó khởi sinh ý thức hệ, học thuyết, những trò chơi chết người.
Bản năng là những kẻ ưa tôn sùng, chúng ta chuyển những đối tượng trong mộng tưởng và yêu thích của mình thành thứ Lịch sử Vô điều kiện vốn chẳng là gì ngoài hàng dài của những điều Tuyệt đối giả hiệu, hàng dãy đền đài viện cớ mà dựng lên, một sự xuống cấp của tâm trí trước điều Không có thực. Ngay cả khi quay lưng với tôn giáo, con người vẫn phục tùng nó, dốc lòng dựng lên những thượng đế giả, rồi với lòng nhiệt thành, hắn ôm ấp chúng: sự thiết tha của hắn với những điều hư cấu, của huyền hoặc trước sự thật hiển nhiên và những điều hoang đường tương tự. Sức sùng bái của hắn là nguồn gốc của mọi tội ác hắn gây ra: một kẻ yêu chúa quá đáng buộc người khác phải yêu chúa của mình, sẵn sàng xuống tay với kẻ khác nếu bị từ chối. Không có một hình thức thiếu khoan dung nào, một hình thức cải đạo hay sự không nhượng bộ về ý thức hệ nào không làm lộ rõ bản chất đầy thú tính của lòng nhiệt thành. Một khi một người mất đi năng lực bàng quan của mình, hắn trở thành một kẻ sát nhân tiềm năng; một khi hắn biến ý tưởng của mình thành một vị chúa, hậu quả sẽ không thể nào đo đếm được. Chúng ta giết chóc chỉ dưới danh nghĩa của chúa hoặc những giả dạng của hắn ta: những thái quá bị kích động bởi nữ thần Lý tính, bởi khái niệm quốc gia, giai cấp hay chủng tộc cũng tương tự như những gì thuộc về Toà án dị giáo hay Cải cách Kháng Nghị. Thời đại của lòng nhiệt thành chưa bao giờ thiếu đi những vụ tắm máu: một Thánh Teresa chỉ có thể cùng thời với giàn thiêu, một Luther chỉ có thể sống trong thời đàn áp của Nổi dậy Nông dân. Trong mọi cơn bột phát tôn giáo, tiếng kêu than của nạn nhân luôn đi kèm với tiếng rên khoái lạc.... Đoạn đầu đài, ngục tối, nhà giam chỉ thịnh trong bóng tối của đức tin - của nỗi tha thiết với niềm tin đã vĩnh viễn đục khoét tâm trí. Quỷ dữ chẳng là gì khi đứng cạnh kẻ sở hữu sự thật, sở hữu sự thật của hắn. Chúng ta đã quá khắt khe với một Nero, một Tiberius, họ không phải là người nghĩ ra khái niệm dị giáo, họ chỉ là những kẻ tha hóa mộng tưởng tình cờ thấy vui thú trước cảnh giết chóc. Bọn có tội thực ra là những kẻ thiết lập khái niệm chính thống ở cấp độ tôn giáo hay chính trị, những kẻ phân biệt giữa sùng đạo và ly giáo.
Khi chúng ta không chịu thừa nhận khả năng các ý tưởng có thể thay thế cho nhau, máu sẽ chảy. Lòng rắp tâm rút dao, mắt ngùn ngụt ngọn lửa báo trước cuộc tắm máu. Không một tâm trí dao động nào còn đang run rẩy trước nỗi ngờ vực của Hamlet có thể tạo tai ương: nguyên tắc của cái ác nằm ở độ căng của ý chí, ở tâm không tĩnh lặng, ở cái ngông cuồng của Prometheus của một giống loài luôn chờ chực vỡ tung những lý tưởng, bùng nổ lòng rắp tâm, và đó, khi từ bỏ hoài nghi và lười nhác - những thói xấu còn cao cả hơn mọi đức hạnh - đã đi vào con đường trầm luân, vào lịch sử, thứ hỗn hợp tởm lợm của tầm thường và tận thế... Ở đây thừa mứa cái chắc chắn: kìm giữ chúng, tốt nhất là kìm giữ những hậu quả của chúng, và anh sẽ tìm lại thiên đường. Sa ngã còn là gì ngoài việc theo đuổi một sự thật và chắc chắn rằng mình đã tìm được nó, niềm đam mê một thứ giáo điều, đặt bản thân vào một thứ giáo điều? Kết quả là lòng cuồng tín - khiếm khuyết chính khiến người ta thèm muốn tính hiệu quả, thèm muốn đề xướng, thèm muốn niềm kinh hãi - một thứ phong hủi thi vị mà hắn dùng để làm ô uế tâm hồn, khuất phục chúng, nghiền nát hay nâng đỡ chúng... Chỉ có những kẻ hoài nghi (hay những kẻ nhàn rỗi hoặc ưa cái đẹp) tránh được điều này, vì họ chẳng đề xuất gì, bởi vì họ - những kẻ thiện tâm đích thực của nhân loại - hủy hoại mục đích của lòng cuồng tín, mổ xẻ cơn cuồng loạn của nó. Tôi cảm thấy an tâm với một Pyrrho hơn là với một Thánh Paul, vì một trí tuệ hóm hỉnh vẫn hòa nhã hơn lòng sùng đạo vô độ. Trong tâm sục sôi anh luôn tìm thấy một con thú săn mồi đang ẩn mình, không có sự bảo vệ nào là đủ trước nanh vuốt của kẻ đề xướng... Một khi hắn cất giọng, dù là nhân danh thiên đường, nhân danh thành phố, hoặc viện cớ nào đó, chạy ngay đi: là kẻ phá quấy sự tĩnh mịch của anh, hắn sẽ không để anh yên nếu làm phật ý sự thật của hắn và những cơn phấn khích của hắn; hắn muốn anh chia sẻ cơn cuồng loạn của hắn, cái đủ đầy của hắn, hắn muốn áp đặt điều đó lên anh, và qua đó bóp méo anh. Một người bị ám ảnh bởi đức tin mà không hào hứng truyền giảng chúng tới kẻ khác là một hiện tượng dị thường không thuộc trái đất này, nơi nỗi cuồng điên với chuyện cứu rỗi của chúng ta bóp nghẹt cuộc sống. Cứ nhìn quanh anh đi: đâu đâu cũng là những bóng ma rao giảng; mỗi viện diễn giải một sứ mệnh; tòa thị chính mang trong mình điều tuyệt đối ngang ngửa với những đền đài; công vụ, với những quy định của nó - một môn siêu hình dành cho loài khỉ... Ai cũng cố sửa chữa cuộc đời của ai: ngay cả những kẻ ăn mày, ngay cả những kẻ mắc bệnh nan y đều khao khát nó, lề đường và bệnh viện của thế giới nhung nhúc những nhà cải cách. Niềm khao khát trở thành nguồn cơn của những sự kiện tác động lên mỗi người như một chứng rối loạn tâm thần hoặc một lời nguyền đáng khao khát. Xã hội - hỏa ngục của những nhà cứu thế! Thứ Diogenes đang kiếm tìm với chiếc đèn của mình là một kẻ bàng quan...
Đã quá đủ để tôi nghe một kẻ thành thật nói về lý tưởng, về tương lai, về triết lý, nghe hắn cao giọng “chúng ta” đầy quả quyết, nghe hắn viện dẫn “những kẻ khác” và tự cho mình có khả năng diễn giải những người này - tôi coi hắn là kẻ thù của mình. Tôi thấy ở hắn một tên bạo chúa thất bại, một tên đồ tể lỗ mãng, đáng khinh chẳng kém một tên bạo chúa đệ nhất, một tên đồ tể thượng thặng. Mọi đức tin đều thực hành một hình thức khủng bố nào đó, càng tồi tệ hơn khi “thuần khiết” là tác nhân của nó. Chúng ta hồ nghi những kẻ xảo trá, những tên bịp bợm, những tay cợt nhả; vậy mà chúng ta cũng không thể quy cho họ là kẻ gây ra những cơn kinh thiên động địa trong lịch sử; chẳng tin vào điều gì, họ không phải là kẻ lục lọi trái tim của anh hay những động cơ mờ ám của anh; họ mặc anh với sự lãnh đạm của anh, với nỗi tuyệt vọng hay sự vô dụng của anh, nhân loại nợ họ chút khoảnh khắc thịnh vượng nó từng biết tới; chính họ cứu những người bị kẻ cuồng tín tra tấn và “những kẻ lý tưởng” huỷ hoại. Không chủ nghĩa, họ chỉ nghĩ đến lợi ích và những ý tưởng bất chợt, mang trong mình những thói xấu dễ chịu hơn gấp cả nghìn lần so với những tàn phá mà thứ chuyên quyền đầy nguyên tắc gây ra; vì mọi tà ác của cuộc sống đều đến từ một “khái niệm về cuộc sống.” Một chính trị gia lão luyện nên tìm cho mình những nhà nguỵ biện cổ đại và tham dự những giờ học về thuật hùng biện - và về cách tham ô...
Mặc dù kẻ cuồng tín không thể bị mua chuộc, nếu hắn giết chóc dưới danh nghĩa một lý tưởng, bản thân hắn cũng có thể chết vì một lý tưởng; dù là trường hợp nào, tên bạo chúa hay kẻ tử vì đạo, hắn là một con quái vật. Chẳng có ai nguy hiểm hơn những kẻ khốn khổ vì một đức tin: những kẻ tàn bạo bậc nhất được chiêu mộ từ những tên tử vì đạo đầu chưa kịp lìa khỏi cổ. Thay vì dập tắt lòng thèm muốn quyền lực, nỗi khổ khiến cơn ham muốn trầm trọng hơn; vì thế tâm trí cảm thấy thoải mái hơn trong xã hội của những kẻ ba hoa hơn là xã hội của những kẻ tử vì đạo; và chẳng có gì đáng tởm hơn điều đó ngoài cảnh tượng chết dưới danh nghĩa một lý tưởng... Ghê tởm trước đỉnh cao tuyệt diệu và trước cảnh đầu rơi máu chảy, tâm trí mơ về một nỗi buồn chán tỉnh lẻ ở tầm vũ trụ của một Lịch sử mà sự tù đọng đã lớn đến mức ngờ vực dường như một sự kiện và hy vọng ngỡ là một tai ương...
(Nguyễn Văn A dịch từ bản dịch tiếng Anh A Short History of Decay của Richard Howard, có tham khảo bản gốc tiếng Pháp Précis de décomposition)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất