Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương
img_0

Quyển 12 (1)

1. Mọi thứ mà ta cố gắng đạt được - bằng việc cứ "đi vòng vo tam quốc" - ta hoàn toàn có thể có chúng ngay bây giờ, chính thời khắc này đây. Chỉ cần ta thôi đừng tự cản trở chính bản thân mình. Chỉ cần ta buông bỏ quá khứ, tin cậy giao phó tương lai cho Chúa/Thượng Đế, và hướng hiện tại vào sự sùng kính và công bình.
Sùng kính: để ta có thể chấp nhận bất cứ thứ gì được giao/ban cho mình. Tự nhiên muốn giao nó cho ta, và ta cho nó.
Công bình: để ta có thể nói ra sự thật, một cách thẳng thắn, không lẩn tránh, và hành động như ta nên làm - và như cách mọi người đáng được nhận.
Đừng để bất cứ điều gì làm ta nhụt chí: những hành xử không phải phép của người khác, hay nhận thức sai lầm của chính ta. Những điều mọi người sẽ nói (về ta), hay cảm xúc của cơ thể đang bao bọc ta (hãy để cái phần cơ thể bị ảnh hưởng tự lo cho những cảm xúc ấy). Và nếu, khi đến lúc rời bỏ cuộc sống, ta có thể dẹp tất cả mọi thứ sang bên trừ tâm trí mình và phần thiêng liêng trong ta ... nếu không phải việc chấm dứt sự sống là thứ ta sợ hãi mà là việc không bao giờ bắt đầu sống thực sự, sống đúng đắn ... thì ta sẽ xứng đáng với cái thế giới đã tạo ra mình.
Không còn là một kẻ xa lạ trên chính mảnh đất quê hương.
Không còn có thể bị kinh ngạc trước những sự việc xảy ra mỗi ngày - như thể chúng là những sự lạ chưa từng được nghe biết đến.
Không còn chịu sự định đoạt của cái này hay cái khác.  
2. Chúa/Thượng Đế thấy tất cả linh hồn chúng ta thoát khỏi thể xác chứa chấp nó, rũ sạch lớp vỏ, và tẩy sạch khỏi mọi bụi bẩn. Vì chỉ với trí tuệ của Ngài, Ngài nắm được tất cả những gì từ Ngài tuôn chảy vào chúng. Nếu ta học được cách làm tương tự, ta có thể tránh được rất nhiều lo phiền. Khi ta nhìn xuyên qua lớp vỏ bên ngoài bao bọc ta, chẳng lẽ ta vẫn còn có thể bất an vì quần áo, dinh thự, danh tiếng - những thứ sơn phết, những cái tủ chỉ để che phủ ấy hay sao?
Khi ta nhìn xuyên qua lớp vỏ bên ngoài bao bọc ta, chẳng lẽ ta vẫn còn có thể bất an vì quần áo, dinh thự, danh tiếng - những thứ sơn phết, những cái tủ chỉ để che phủ ấy hay sao?
3. Ba phần của ta: cơ thể, hơi thở, và tâm trí. Hai thứ đầu được ủy thác cho ta; chỉ có phần thứ ba là thực sự của ta mà thôi.
Nếu ta có thể tách biệt bản thân - ý ta là tâm trí - để nó tự do khỏi những gì người khác làm hay nói, hay khỏi chính những thứ ta làm hay nói, khỏi những thứ mà ta sợ sẽ xảy đến, sự phiền phức của cơ thể chứa đựng ta và hơi thở bên trong nó, và những gì mà sự hỗn độn quay cuồng từ bên ngoài cuốn vào, để tâm trí có thể được tự do khỏi số mệnh, để nó được thực sự minh triết, và sống cuộc đời theo cam kết của chính nó - chỉ làm thứ đúng đắn, chấp nhận bất cứ thứ gì xảy đến, và nói sự thật.
Nếu ta có thể tự do khỏi những khích động hay ấn tượng bám lấy tâm trí, tự do khỏi cả tương lai lẫn quá khứ - có thể làm mình, như Empedocles từng nói: "một khối cầu hân hoan trong sự tĩnh lặng của chính nó", và tập trung vào việc sống những gì có thể được sống (tức là hiện tại) ... thì ta sẽ có thể dành thời gian còn lại của đời mình trong thanh thản. Và lòng khoan dung. Và bình tâm với cái tinh thần bên trong ta.

4. Có một điều chưa bao giờ làm ta hết kinh ngạc: tất cả chúng ta đều yêu bản thân mình nhiều hơn những người khác, nhưng lại đặt nặng ý kiến của họ hơn là ý kiến của chính mình. Nếu một vị thần - hay một con người thông thái - xuất hiện trước mắt ta, và cấm ta không được giấu suy nghĩ hay tưởng tượng của mình mà phải ngay lập tức nói chúng ra, công bố chúng bằng lời rõ ràng, ta chắc sẽ chẳng thể sống hết một ngày. Điều đó cho thấy ta coi trọng ý kiến của người khác, thay vì của chính mình, nhiều đến thế nào.

5. Làm thế nào mà thần linh sắp đặt mọi thứ một cách tài tình như thế, quan tâm cho cuộc sống tốt đẹp của chúng ta nhiều như thế, mà lại có thể bỏ qua, không chú trọng đến một việc: rằng có những người - thực ra là những người ưu tú nhất, những đối tác thực sự của các vị thần, những người mà lòng sùng đạo và những công việc, hành động tốt đẹp của họ mang họ đến gần nhất với sự thiêng liêng của các vị thần - rằng những người đó, khi chết, lại chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của mình? Vĩnh viễn biến mất.
 Được, cứ cho là điều ấy đúng, ta có thể chắc chắn rằng họ đã muốn sắp đặt mọi thứ khác đi, nếu điều đó là có thể. Nếu đó là điều đúng đắn, họ chắc chắn đã làm thế, và nếu điều đó là tự nhiên, thì tự nhiên sẽ đòi hỏi nó phải xảy ra như vậy. Vậy từ sự thật rằng chúng không thể xảy ra – và bắt buộc phải như thế - ta có thể kết luận rằng điều đó là không thích hợp.
Chắc ta cũng nhận ra việc mình đặt ra nghi vấn ấy chính là đang thách thức sự công bằng của thần linh. Và tại sao ta lại đem công bằng vào đây, nếu không phải rằng các vị thần, thực ra, vô cùng công bằng, và luôn luôn như vậy?
Và nếu họ công bằng đến tuyệt đối như thế, thì làm cách nào họ có thể vô tình mà bỏ qua một thứ rất bất công - rất phi logic như thế - trong việc sắp đặt thế giới?
6. Hãy rèn luyện những thứ tưởng như không thể.
Tay trái gần như vô dụng với mọi thứ, vì thiếu luyện tập. Nhưng nó lại có thể cầm cương tốt hơn cả tay phải. Chỉ từ luyện tập mà thôi.
7. Tình trạng của linh hồn và thể xác khi cái chết đến với ta.
Sự ngắn ngủi của cuộc đời.
Sự vĩnh cửu của thời gian trước và sau đó.
Sự mong manh của số phận.
8. Tìm hiểu, vạch trần nguồn gốc của tất cả mọi thứ. Và mục đích của các hành động.
Đau khổ. Khoái lạc. Cái chết. Danh tiếng.
Ai là người phải chịu trách nhiện cho những tất bật lo toan của ta.
Rằng không ai ngăn cả ta.
Mà tất cả nằm trong cách ta nhận thức về sự vật sự việc.
9. Trong việc rèn luyện triết, ta cần phải giống như một người đấu quyền, chứ không như một người đánh kiếm.
Vũ khí của người đánh kiếm được chọn lựa, nâng lên rồi hạ xuống.
Nhưng vũ khí của người đấu quyền là một phần của anh ta. Tất cả những gì anh ta cần làm là nắm chặt tay lại.
10. Nhìn mọi thứ như chúng thực sự là. Vật chất, nguồn gốc (hay nguyên nhân), và mục đích của chúng.
11. Quyền tự do thực hiện chỉ duy nhất những thứ mà Chúa/Thượng Đế mong muốn ở ta, và chấp nhận bất cứ thứ gì Chúa/Thượng Đế trao cho ta.
11a. Nó được làm bằng thứ gì.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)