Đẹp có phải là một nỗi đau?
Mấy ngày hôm nay chủ đề về cái đẹp được các nhà nữ quyền nhắc đến liên tục. Tôi, một người đàn ông đã có vợ, nhận thấy rằng bình đẳng...
Mấy ngày hôm nay chủ đề về cái đẹp được các nhà nữ quyền nhắc đến liên tục. Tôi, một người đàn ông đã có vợ, nhận thấy rằng bình đẳng giới là một thứ mà cả đàn ông và phụ nữ đều cần hiểu, thực hành, đấu tranh. Chủ đề về cái đẹp luôn là một chủ đề nhức nhối trong xã hội vì nó liên quan đến tất cả mọi người. Xét cho cùng thì thế giới này có thể chia thành hai loại người: ngoại hình đẹp và ngoại hình chưa đẹp. Vì chủ đề này thú vị và liên quan đến mọi người nên tôi cũng suy tư về nó. Các nhà nữ quyền thường đưa ra luận điểm rằng ngoại hình đẹp là do di truyền, không phải là một tài năng và vì vậy không nên coi nó là một phẩm chất để khen ngợi và đánh giá nhân phẩm của phụ nữ. Trong bài viết này tôi sẽ phân tích về những bất lợi của phụ nữ có ngoại hình đẹp và từ đó cho rằng đẹp đôi khi cũng là một tài năng.
Trước tiên để phân tích cái đẹp chúng ta cần làm rõ với nhau để cùng đánh giá vấn đề dưới chung một hệ quy chiếu: Thế nào là ngoại hình đẹp? Cá nhân tôi cho rằng đẹp là sự cân đối, hài hòa của toàn bộ các bộ phận trên cơ thể của một người gây cảm giác kích thích/thích thú trong mắt đối tượng nhìn vào và tạo ra các xung thần kinh báo hiệu đây là một đối tượng tiềm năng trong việc duy trì nòi giống (kích thích ham muốn tình dục). Vẻ đẹp có thể phân loại thành hai cặp chính: Đẹp về ngoại hình/thể chất – đẹp về tâm hồn/tính cách; đẹp phổ quát mà nhiều người công nhận – đẹp cá biệt mà chỉ đẹp riêng trong con mặt kẻ si tình. Bài viết không bàn đến vẻ đẹp về tâm tồn vì đây là một phạm trù riêng.
Từ định nghĩa trên ta cần làm rõ thêm khái niệm đẹp phổ quát về ngoại hình và đẹp cá biệt về ngoại hình. Chúng ta cần phân biệt bởi lẽ phụ thuộc vào con mắt của kẻ quan sát và những trải nghiệm cá nhân trên thì rất có thể một vẻ đẹp phổ quát không phải là thứ mà anh ta tìm kiếm. Vẻ đẹp phổ quát là những nét đẹp được cả một cộng đồng người thừa nhận. Tuy nhiên vẻ đẹp phổ quát của cộng đồng này đôi khi lại là những hủ tục và xấu xí ở cộng đồng kia. Vẻ đẹp phổ quát vì vậy sẽ biến đổi theo thời gian và không gian sống nhưng nó chắc chắn là đồng nhất ở một nhóm người cụ thể. Chẳng hạn như ngày trước ông bà ta có tục nhuộm răng đen và cho rằng đấy là thẩm mỹ. Đến thời con cháu chúng ta hiện tại răng sứ trắng tinh mới là chuẩn mực của cái đẹp. Mỹ nhân tiến vua thời phong kiến Trung Quốc bó chân bé như gót sen lại để đi vào một đôi guốc mộc rất bé được cho rằng là một nét đẹp thì ngày nay ta lại đi dày cao gót. Hiện tại, nước da mịn màng, môi đỏ, số đo ba vòng chuẩn 90-60-90, chân dài, mắt to tròn đều là một vẻ đẹp phổ quát trong các cuộc thi nhan sắc của thế giới được định hình bởi phương Tây. Tuy nhiên, có thể đấy không phải là cách mà các chàng trai trong những bộ tộc nguyên thủy, dân tộc thiểu số lựa chọn vợ. Với những chàng trai ở thế giới ấy đôi khi vẻ đẹp không nằm ở đôi chân dài mà nằm ở sự bền bì trong khả năng kiếm ăn và chăm sóc con cái. Cũng phải nói thêm, vẻ đẹp phổ quát hiện nay đang được định hình bởi thế giới phương Tây qua bá quyền mềm về văn hóa. Các nét đẹp của người Âu – Mỹ đang định hình rõ rệt thế giới của chúng ta qua ngôn ngữ, phim ảnh, truyện, các cuộc thi nhan sắc. Vì vậy nên có những vẻ đẹp mà chúng ta không được tự do thích thú và có những vẻ đẹp mà chúng ta thích thú nhưng không được thế giới công nhận. Điển hình là sống mũi của người Châu Á và Châu Âu, việc bán sống bán chết nâng cao sống mũi là hệ quả của quá trình trên. Tôi cho rằng mũi tẹt đôi khi không có gì xấu cả, nó là chỉ dấu của người Châu Á và có thể coi là bản sắc của chúng ta. Trừ trường hợp mũi bị dị dạng còn lại mũi chưa cao với tôi không có gì đáng sợ. Tất nhiên đấy là lựa chọn cá nhân tôi, còn lựa chọn của những người xung quanh thì tôi không thể can thiệp. Vẫn là câu nói cũ, chúng ta không tự do trong việc mình làm bởi vì chúng ta không tự do trong thứ mình ham muốn.
Trở lại với chủ đề ban đầu, bất lợi của vẻ đẹp phổ quát là một tư tưởng mà triết gia Alain de Botton đã viết và bàn luận. Bài viết của tôi giống như việc “rút ruột nhả tơ” của con tằm, học hỏi và phát triển các ý tưởng của ông. Alain cho rằng người đẹp cũng có nỗi khổ của riêng mình hay như Eka Kurnigawan còn cho rằng Đẹp là một nỗi đau (tác phẩm văn học). Vậy người có ngoại hình đẹp có nỗi niềm gì, chúng ta hãy cùng nhau khám phá.
Thứ nhất, ngoại hình đẹp đòi hỏi sự đầu tư nguồn lực cần thiết để duy trì cái đẹp. Trái với những tài sản khác như cổ phiếu, bất động sản có khả năng gia tăng giá trị theo thời gian, vẻ đẹp của người phụ nữ giảm dần theo thời gian. Vì vậy đa phần người phụ nữ đẹp luôn mong muốn tìm mọi cách để đóng băng sắc đẹp của mình hoặc giảm dần tốc độ lão hóa, điều này đặc biệt đúng với những người chỉ có duy nhất tài sản là vẻ đẹp. Để làm chậm tốc độ lão hóa của mình thì đương nhiên phải đầu tư vào việc chăm sóc nhan sắc. Những nguồn lực mà một người phụ nữ phải đầu tư vào quá trình trên thì có thể nói là vô kể trong cả quãng đời. Từ thời gian để chăm sóc cho đến tiền bạc để mua sắm các loại mỹ phẩm, tham gia các khóa học, đăng ký thành viên cho việc tập luyện, chế độ dinh dương khắt khe. Đấy là những nỗi đau đầu tiên mà người phụ nữ đẹp phải gánh chịu. Có bao giờ bạn nghĩ đến những người phụ nữ khác phải đau khổ khi nhịn ăn những món họ thích chỉ vì hôm đó họ đã ăn quá khẩu phần cho phép. Hay có bao giờ bạn chứng kiến những giọt mồ hôi của người phụ nữ đẹp trong phòng tập vì họ phải tập bù thêm do đã trót lỡ ăn thêm cái đùi gà chiên. Phụ nữ đẹp cũng có cuộc sống, công việc và có chung 24h một ngày giống mọi người. Vậy nếu như nhiều bạn nữ chạy deadline đến 10h tối, về nhà mệt quá tắm qua loa rồi đi ngủ thì người phụ nữ khác phải dành thêm cả 1 tiếng đồng hồ để chăm sóc cơ thể mặc dù mắt đã díu vào vì buồn ngủ. Nếu như nguồn lực trên của các bạn không đầu tư cho cái đẹp mà đầu tư cho kiến thức, sở thích, thú vui của các bạn thì họ phải gói gọn lại để tập trung cho ngoại hình. Tất nhiên, đầu tư vào ngoại hình sẽ dễ thu lại những kết quả trong công việc và cuộc sống hơn và không phải ai cũng có ngoại hình để đầu tư. Nhưng nếu chúng ta không có ngoại hình để đầu tư thì ta đầu tư cho kiến thức, đam mê, sở thích. Nếu như đầu tư cho kiến thức bạn cũng sẽ trải qua những ngày tháng gian khổ của việc tiếp thu tri thức. Nhưng bạn có chắc là việc học của bạn khổ hơn việc chăm sóc sắc đẹp của người phụ nữ khác không? Thật khó so sánh vì hai vấn đề không cùng một hệ quy chiếu.
Thứ hai, người có ngoaị hình đẹp nhiều khi gặp bất lợi vì quá chú tâm đến suy nghĩ của người khác về mình. Nếu như một bạn nữ bình thường không phải tâm điểm của sự chú ý thì những thay đổi cơ bản của cơ thể, của ngoại hình với bạn không là vấn đề hay đơn giản bạn tự do trong việc định hình bản sắc của mình. Nhưng với người phụ nữ đẹp họ được săn đón, được chú ý, được yêu thương, được quan tâm thì cái giá của họ là họ không được tự do trong việc định hình bản sắc của mình nữa. Có bao giờ bạn thấy một người phụ nữ lo lắng sau khi đứng lên trên bàn cân, mở to mắt ra và thấy mình tăng một kí rưỡi. Oimeoi, tăng cân, thay đổi vóc dáng, nếp nhăn, rụng tóc là một vài trong vô vàn những vấn đề họ phải quan tâm. Nếu như mình béo, liệu anh ấy còn thấy mình hấp dẫn không. Nếu như mình già đi liệu anh ấy còn thấy mình đẹp nữa không hay anh ấy lại tìm kiếm người trẻ hơn. Những câu hỏi trên mang tính ám ảnh mà bất cứ người phụ nữ có ngoại hình đẹp nào cũng ít nhất trải qua một lần. Bạn có bao giờ trải qua cảm giác lo sợ đó, bạn có bao giờ lo lắng khi tự nhiên sáng ra mặc quần thấy hơi chật một chút và cảm giác bản thân thật tồi tệ. Nếu như bạn có thể tự do trong việc định hình bản sắc bằng việc ăn uống thứ mình thích, mặc đồ mình thấy thoải mái thì đó chẳng phải là điều tuyệt vời. Bạn có bao giờ mặc cái quần mà nó bó đến mức muốn nổ nghẹt thở và đi đôi dày khiến gót chân đau nhức. Nếu như bạn chỉ nhìn và ước ao mình cũng giống họ thì đôi khi từ ước mơ đến hiện thực còn rất nhiều nỗi đau mà bạn cũng cần nếm trải. Nếu như bạn được tư do đăng hình trên MXH cùng bạn bè, chụp ảnh 10 kiểu lấy 1 rồi cười phớ lớ đăng lên mạng cùng lũ bạn chó chết thì nhiều người phải chụp cả trăm tấm, chỉnh sửa cả trăm lần chỉ để có được một tấm ảnh ưng ý. Vậy bạn có nghĩ rằng điều đấy là xứng đáng để đánh đổi cho việc duy trì sự kết nối với hàng ngàn người bạn ảo. Hay bạn cho rằng chỉ cần mình chia sẻ khoảnh khắc với những người xung quanh mà bạn yêu mến là đủ. Cả hai lựa chọn đều không sai, nó chỉ đi kèm với những cái giá riêng mà bạn phải trả. Bạn có nghĩ rằng người phụ nữ đẹp có đến hàng ngàn người like ảnh nhưng không người nào ‘chủ động’ gọi điện, hỏi thăm, an ủi, mua cháo hành khi bị ốm.
Thứ ba, người phụ nữ đẹp dễ trở nên tự kiêu, không có động lực phấn đấu và trau dồi tri thức và khơi dậy vẻ đẹp tâm hồn. Lí do là bởi vì đôi khi cuộc sống với những người phụ nữ đẹp dễ thở hơn so với nhiều người phụ nữ khác ở cùng trang lứa. Nếu như nhiều bạn nữ phải cố gắng hết sức để đạt được những mục tiêu thì đôi khi người phụ nữ đẹp có thể dễ dàng đạt được mục tiêu đó thông qua đàn ông. Khi mà cuộc sống của họ quá được chiều chuộng bởi những lời khen ngợi và dễ dàng được giúp đỡ từ đàn ông xung quanh đôi khi họ dễ sinh tâm lý kiêu ngạo. Họ có thể cảm thấy quá tự tin vào năng lực của bản thân và đánh mất động lực để tiếp tục trau dồi tri thức. Vì đơn giản vào thời điểm đó họ cho rằng tại sao mình phải học lái xe khi mà người yêu mình đã rất giỏi lái xe và sẵn sàng đưa đón. Tại sao mình phải làm hài lòng ai khi mà tất cả những người đàn ông xung quanh sẵn sàng quỳ gối trước mình. Nhưng ai biết được ngày mai, khi mà không có ai lái xe đưa đón, không ai giúp mình trong công việc, lúc đó họ có thể gặp khó khăn vì không thể tìm lại thời gian đã mất.
Thứ tư, người phụ nữ đẹp đôi khi cũng gặp bất lợi về mặt kỹ năng xã hội. Vì họ đẹp nên sự chú ý của đàn ông đổ dồn về phía họ. Họ không cần phải nghĩ xem mình làm thế nào để nắm bắt được tâm lý của đối phương, phải làm thế nào để người kia yêu quý mình. Công việc của họ đơn giản là lựa chọn ứng viên tiềm năng nhất về tài chính, năng lực, phẩm chất. Tuy nhiên việc không cần phải bỏ công sức để nghiên cứu tâm lý người khác, không cần bỏ công sức để làm người khác vui, không cần bỏ công sức để nói chuyện sao có duyên cũng chính là bất lợi. Vì núi cao sẽ có núi cao hơn, biết đâu sau này chúng ta lại cần đến việc thuyết phục người khác, cần đến việc làm vui lòng người khác, người mà chúng ta đã từng ở vị trí đó giống họ trong quá khứ. Nên nhiều khi nói chuyện với phụ nữ đẹp mà thiếu muối không phải hoàn toàn do lỗi của họ mà do cả những bất lợi sẵn có từ vẻ đẹp của họ. Tất nhiên phụ nữ đẹp và sâu sắc vẫn đầy rẫy ngoài kia, những để vượt qua những bất lợi trên thì người phụ nữ đẹp đó đôi khi cũng cần phải từ bỏ những đặc quyền của đẹp để đi sâu vào thế giới của phụ nữ chưa đẹp. Đó là cả một sự cố gắng và điều đó xứng đáng được khen ngợi.
Thứ năm, người phụ nữ đẹp dễ bị những người phụ nữ khác ghen ghét, đố kỵ và bị cô lập. Có một câu nói rất viral trên mạng là: “Khi mà em đẹp thì mọi chuyện đều rất dễ tha thứ”. Câu nói trên là điển hình cho việc thiên vị của đàn ông với phụ nữ đẹp. Thời đi học tôi cũng chứng kiến một vài bạn nữ xinh xắn hay đi học muộn nhưng thường được mấy ông thầy già thông cảm, lí do chỉ vì bạn ấy đẹp hơn các bạn khác. Nghe thì vô lí nhưng mà thực tế rất thuyết phục. Chính vì lí do trên nên việc này dễ nảy sinh sự đố kỵ và ghen ghét từ các bạn nữ khác trong cùng môi trường. Tại sao nó được tha thứ còn mình thì không là câu hỏi của các bạn nữ khác? Một ví dụ khác là 10/100 bạn nữ xinh nhất thì thu hút đến 90/100 các bạn nam. Vì vậy nên 90/100 các bạn nữ còn lại chắc chắn sẽ không hài lòng với việc trên. Và thế là chương trình bới lông tìm vết của hội chị em bắt đầu. Mọi nhất cử nhất động trong hoạt động đều bị chị em theo dõi. Những vấn đề trên đúng với cả trường học và công sở. Ở trường thì các bạn nam, ở công ty thì sếp và đồng nghiệp nam đều ưu ái. Đôi khi những người phụ nữ đẹp họ cũng muốn đối xử bình đẳng để tránh sự đố kỵ của các bạn khác. Nhưng không, ai bảo em đẹp hơn các chị khác, sếp cứ thích ưu ái em đấy, thì sao nào? Hehe, vậy nên đẹp đôi khi là một niềm đau. Và muốn duy trì được sự ưu ái của sếp và sự kính sợ của đồng nghiệp nữ khác thì cũng đòi hỏi cả 1 sự khéo léo. Cái này tôi không dạy được vì tôi cũng không biết.
Thứ sáu, người phụ nữ đẹp đôi khi làm hoảng sợ những người đàn ông chân thành nhưng nhút nhát. Đơn giản là vì em đẹp quá, liệu em có chú ý đến anh không? Câu chuyện chỉ đơn giản là bạn bè chứ chưa nhất thiết đi đến tình yêu và hôn nhân nhưng cũng có thể khiến nhiều bạn nam nản lòng. Quy luật chung vẫn là mây tầng nào chơi với mấy tầng đó nhưng điều đó không có nghĩa là phụ nữ đẹp không cần đến những người đàn ông giả định là dưới đẳng cấp của mình giúp đỡ khi cần. Và đời sống của con người phức tạp nên chúng ta cũng không thể cho rằng mọi vấn đề của phụ nữ đẹp sẽ được giải quyết bởi những người cùng đẳng cấp. Bởi đơn giản đàn ông có tài và tiền họ cũng có nhiều vấn đề của riêng họ. Thế nên đẹp chưa hẳn là lợi thế (tuyệt đối) trong môi trường của những người chưa đẹp.
Thứ bảy, đôi khi người phụ nữ đẹp khó mở lòng với người khác và cũng nghi ngờ sự chân thành của người đàn ông khác. Một nỗi sợ thường trực của họ là liệu anh có yêu em như một con người tổng thể hay yêu mỗi cấu hình bên ngoài của em? Người phụ nữ đẹp cũng giống những người khác, cần sự tin tưởng và chân thành. Liệu họ có dám thử sai quá nhiều với mọi người đàn ông. Vì vậy nên đôi khi họ khó có thể chân thành với người khác và cũng khó dễ dàng chấp nhận sự chân thành của người khác. Điều này chẳng phải là một điều đau buồn sao, khi ta sống mà cứ phải luôn nghi ngờ người khác?
Để kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh quan điểm của mình là đẹp là một tài năng nếu người đẹp muốn sống tốt trong môi trường sống có nhiều người chưa đẹp. Để nhận được sự yêu quý, quan tâm, giúp đỡ, tôn trọng của những người xung quanh, người đẹp vừa cần cố gắng để duy trì sự đẹp vừa cần khéo léo học hỏi, giao tiếp, xây dựng quan hệ và kết nối với mọi người. Tức là vẻ đẹp thì là cái mà trời ban (cha mẹ), nhưng sự tận dụng và duy trì những lợi thế của cái đẹp đôi khi lại là một sự phấn đấu để có được chứ không phải là những lợi thế cố hữu. Lần tới, khi ra đường gặp một người phụ nữ đẹp, hãy nhìn họ như một con người với đầy rẫy những vấn đề, khó khăn, nỗi niềm. Đừng thần thánh cái đẹp, hãy thần thánh những người đẹp mà đem cái đẹp đấy lan tỏa đến xã hội, truyền cảm hứng và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh xung quanh. Nhưng cũng đừng vì thế mà khinh thường cái đẹp, cho rằng họ chả có gì ngoài vẻ đẹp bởi lẽ như đã chứng minh, đẹp đôi khi là một tài năng.
P/S: Nếu ai hỏi tôi là thế như nào thì mới gọi là đẹp vừa đủ tức vừa đẹp vừa khéo léo. Tôi không biết trả lời sao, hãy cứ lấy vợ mình là ví dụ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất