Về một câu chuyện cũ

Cộng đồng Chúa Nhẫn ở bài viết này của tôi nói về cộng đồng sách chứ không nói cộng đồng phim. Điều này không phải do tôi kỳ thị những người xem phim, nghĩ họ có ít tri thức hơn hay kém tiếp thu hơn. Mà đơn giản bởi phim Nhẫn không cung cấp cho người đọc đủ dữ kiện để xét đoán, do đó họ đáng được thông cảm hơn.
Còn với cộng đồng sách, thật đáng buồn là sách tốt, bản dịch ổn, nhưng những người đọc thì chưa đủ tầm để đuổi kịp sách. Hoặc là họ đang hâm mộ một phiên bản Nhẫn nào đó do họ tự tạo ra bằng định kiến, rồi họ tự phong cho mình là phen ruột của Tolkien, trong khi sự thật thì hoàn toàn khác với ảo tưởng họ dựng lên.
Và bài viết này nhằm mục đích giải ảo những ảo tưởng của các phen ruột tự phong về bộ Nhẫn của Tolkien, và cả ảo tưởng về chính họ, để họ nhận ra mình hâm mộ Nhẫn gì đó của ai đó chứ tuyệt nhiên không phải Nhẫn của Tolkien.


Về bộ phim với rất nhiều giải Oscar

Bộ 3 phim Chúa Nhẫn, tôi đã xem nhiều lần và không thể phủ nhận nó rất hay với tôi, nhưng cho dù bạn xem phim bao nhiêu lần, hiểu phim sâu đến đâu đi nữa thì không có nghĩa là bạn hiểu được sách Nhẫn, và bạn thấy phim Nhẫn hay thì không có nghĩa sách Nhẫn cũng hay với bạn.
Muốn hiểu sách chỉ có cách: đọc sách. Muốn hiểu Tolkien: đọc Tolkien. Còn xem phim hiểu gì? Hiểu Peter Jackson, hiểu Orlando Bloom, Elijah Wood, Ian McKellen v.v… chứ dứt khoát không thể hiểu Tolkien hay sách Nhẫn ở đây được cả.
Khác biệt lớn nhất giữa phim Nhẫn và sách Nhẫn, đến mức mà nhiều người hiện nay vẫn nói Chúa Nhẫn không thể lên phim được, chính là ở tinh thần tác phẩm. Chúa Nhẫn là sử thi với cách kể chuyện tả cảnh nhiều thay vì tả nội tâm, các cuộc chiến được kể bằng thơ, bằng hát thơ, thay vì miêu tả cảnh đâm chém tàn khốc. Những điều đó hiển nhiên lên màn ảnh rất nhanh nhàm chán.

Peter Jackson, anh chơi rất cừ, từ một sử thi đậm chất văn chương anh lên màn ảnh thành bộ phim đậm chất hành động (và đậm kỹ xảo đối với bộ Hobbit). Kết quả mang lại cho anh nhiều giải thưởng chói lói, đi kèm một cú cạch mặt không bán bản quyền các cuốn khác nữa từ gia đình Tolkien, vì họ nghĩ anh phá sách của cha họ.
Dường như chưa đủ, anh tiếp tục để lại cho đời một bầy con rơi ảo tưởng không phân biệt được điểm khác nhau giữa Nhẫn-Jackson và Nhẫn-Tolkien.
Tài sản sau nữa anh để lại là những bài viết cố gắng chỉ ra điểm khác nhau mà bầy con rơi bên trên, thật chẳng may, đến giờ vẫn chưa phân biệt được.

Về tinh thần Chúa Nhẫn

Tolkien tuy đúng là người sáng tạo ra bộ sách Nhẫn, nhưng ông tiếp tục giả tưởng mình chỉ là một dịch giả dịch lại bộ Nhẫn, vốn do một người hobbit viết bằng Tây ngữ (ngôn ngữ Tolkien sáng tạo), sang tiếng Anh.
Tóm lại, Nhẫn là bộ sách được viết bởi một hobbit, dưới góc nhìn của một hobbit, viết bằng Tây ngữ (hay còn gọi là Ngôn Ngữ Chung). Do đó nên mọi cái tên được viết bằng NNC phải dịch ra sao cho tạo được liên kết gần gũi với người bản xứ (lúc này đang trong góc nhìn của người hobbit).
Cụ thể, NNC ông dịch sang tiếng Anh hiện đại; tiếng Rohan sang tiếng Anh cổ; còn các ngôn ngữ quá xa lạ với hobbit thì ông mới giữ nguyên không dịch, đó là tiếng Tiên, tiếng Người Lùn, Orc, Ngôn Ngữ Đen của Mordor. 
Bằng điều đó, Tolkien muốn người đọc nhập vai hoàn toàn vào dân hobbit, những thứ tiếng hobbit thấy thân quen, người đọc cũng phải thấy thân quen; những tiếng hobbit xa lạ, người đọc cũng thấy xa lạ theo.
Như thế này là phản hết, ngược lại hết tinh thần sách
Giả sử không dịch tên từ NNC ra mà để nguyên, hẳn nhiên người đọc sẽ xa lạ với tất cả mọi nhân danh, địa danh ở thế giới Trung Địa ấy. Điều đó là đi ngược ý chí của Tolkien.

Thế còn tên gốc?

Câu trả lời là không có. Tên gốc là một từ Tây ngữ, mà các tên ấy không được Tolkien công bố. Tiếng Anh cũng chỉ là tên dịch mà thôi, không phải tên gốc.
Và đây là vấn đề chính để bài viết này ra đời. Một ảnh bằng vạn lời, hãy trông kết quả bình chọn.

Về dân hobbit

Với đoạn trên ta biết được ý chí của Tolkien về dịch hay không dịch tên, đoạn sau đây ta sẽ biết về chuyện dịch theo sắc thái như thế nào.
Vậy thì cần nói qua về đặc điểm dân hobbit. Theo Tolkien xây dựng: hobbit là giống dân quê mùa, mù chữ, bảo thủ, tiểu nông. Vậy nên từ lời ăn tiếng nói cho đến cách đặt tên người, hobbit đều rất xuề xòa, bỗ bã.
Bilbo và Frodo Bao Gai là trường hợp cá biệt khi biết chữ, từng đi ra khỏi lũy tre làng, và có tâm hồn đẹp, cũng chính vì điều này mà họ bị các hobbit khác kỳ thị và xì xào đơm đặt chuyện.
Nói tóm lại, Quận là vùng đất rất xinh đẹp và bình yên, nhưng con người ở Quận là như vậy: quê mùa, tiểu nông, ngồi lê đôi mách. Chứ hobbit thông tuệ như Bilbo và cao quý như Frodo là cá biệt hiếm hoi.
Và những cái tên Bao Gai, Chật Nịt Quần, Hươu Bia Rum, đúng là xấu, nhưng hợp với tinh thần truyện.

Về độ lan man của văn Tolkien

Rất lan man, điều này ai biết đọc tiếng Anh cũng thấy. Như đã nói ở mục Phim, văn ông tả cảnh nhiều, thơ ca nhiều, miêu tả nội tâm ít, còn viết ra mấy câu triết lý thì tuyệt nhiên không. Tolkien rất dị ứng với điều này. Nên các bạn đừng lấy làm lạ khi đọc suốt 1500 trang sách mà không bói ra được câu nào coi bộ sâu sắc để đăng facebook kèm với tấm hình chụp.

Văn Tolkien rất khó hiểu, Chúa Nhẫn là văn chương hàn lâm?

Văn Tolkien rất dễ hiểu, nó chỉ đơn thuần là kể chuyện, không dùng các liên tưởng, ẩn dụ, chơi chữ, đa nghĩa, như Lolita chẳng hạn. Không! Tolkien viết thẳng tuột một nghĩa thôi. Nếu khó đọc có chăng là bởi những đoạn ông dùng tiếng Anh cổ, chỉ cần học về nó là có thể đọc trôi chảy.
Và một lần nữa tôi nhắc lại, Tolkien ghét lối viết ngụ ngôn, phóng dụ, như chia sẻ của ông ở Lời tựa ấn bản lần 2 (1965). 
Còn về bất kể ý nghĩa nội tại hay “thông điệp” nào, thì trong ý đồ của tác giả không có gì hết. Nó không ngụ ngôn phúng dụ cũng không thời sự đáng quan tâm. 
[…] 
Tôi chân thành ghét ngụ ngôn phóng dụ trong mọi hình thức, đã ghét kể từ hồi tôi đủ già để cảnh giác nhìn ra sự hiện diện của nó ở bất kỳ đâu. Tôi thích lịch sử hơn nhiều, dù chân thực hay giả cách, với khả năng áp dụng đa dạng lên suy nghĩ và trải nghiệm của độc giả. Tôi nghĩ là nhiều người nhầm “khả năng áp dụng” với “ngụ ngôn phóng dụ”; song một thứ là do lựa chọn tự do của người đọc, thứ kia lại nằm dưới sự thống trị có mục đích của tác giả.
Tất nhiên độc giả đọc truyện của ông xong có thể liên tưởng hay rút ra bài học, nhưng đó chỉ là vấn đề của họ, chứ không phải mục đích của ông khi viết. Quan điểm này của Tolkien làm tôi liên tưởng đến Oscar Wilde: nghệ thuật như bông hoa, hoa nở vì nó nở, không vì người xem có thích hay không, người xem có thể mang hoa đi bán nhưng nó không phải nhiệm vụ của hoa.

Điều thứ hai, Tolkien xây dựng tâm lý nhân vật cũng thẳng tuột theo kiểu truyện cổ tích, thiện là thiện, ác là ác. Đọc Nhẫn là như đọc một cuốn tư liệu sử, đừng cố gắng tìm những thứ mùi mẫn kiểu nội tâm của một con Orc, đấu tranh giằng xé trong Saruman, chuyện tình Người Lùn và Tiên nhiều trắc trở. Điều đó không xấu, nhưng hãy hy vọng tìm nó ở tác phẩm khác.
Số đếm đã ghi một, nhưng danh từ Elves lại chia số nhiều?
Giải trí cuối bài, cái fanpage này thường làm tôi buồn cười hơn là tìm hiểu thông tin về Nhẫn. Và đáng buồn, họ vẫn nghĩ họ là phen ruột Nhẫn-Tolkien.