Gần hơn 1 năm trở lại đây, mình dành phần lớn thời gian để ở nhà. Vâng, ở nhà đúng nghĩa đen luôn đấy. Tạm gác lại chuyện học Đại học và những ngày tháng sinh viên đầy màu sắc tại kí túc xá. Vì một vài nguyên nhân nên mình đã rời TP.HCM và quay về quê.
Cả ngày của mình hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà và lặp đi lặp lại các sinh hoạt thiết yếu, học tập, phụ giúp ba mẹ và giải trí. Mình đã và đang duy trì cái thói quen này gần 1 năm. Mình hầu như không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào khác bên ngoài từ việc đi làm cho đến các chương trình ngoại khóa, mình đều say NO.
Đây không phải lần đầu mình trải qua lối sống như vậy. Thật ra gần 1 năm trước, khi TP.HCM bắt đầu bùng phát đợt dịch thứ 4, mình đã phải về nhà và thích nghi với lối sống này. Nhưng hoàn cảnh hiện tại khác nhiều với năm ngoái, khi hồi đấy mình còn mang trên mình cái mác “sinh viên”, ít ra hằng ngày mình còn cần phải kết nối với bạn bè trực tuyến để phục vụ cho việc học hay việc ở CLB. Tuy nhiên, khi đã tạm thời thôi gắn cái “nhãn dán” sinh viên ấy lên người, mình cũng mất đi lý do để kết nối với các bạn ở trường Đại học.
Vì nhiều lý do, mình bắt đầu tách mình hơn khỏi các vòng tròn quan hệ và rồi dành nhiều thời gian hơn để "ở nhà". Thế là cái thời gian biểu như trên mình đã đề cập chính thức được sản sinh từ đó.
Mình cứ nghĩ mình sẽ ổn, mình cứ nghĩ mình sẽ thấy vui và dễ dàng thích ứng được bởi vì mình đã quá quen với lối sống thế này gần 1 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Thế nhưng, "không", mình bắt đầu thấy chán, mình cảm thấy cuộc sống của mình quá nhạt nhẽo khi cứ lặp đi lặp lại những công việc giống nhau mỗi ngày, mình muốn vui vẻ hơn, mình muốn làm gì đó bức phá hơn. Mình tự hỏi liệu rằng cứ sống bình ổn lặp đi lặp lại thế này thì có quá là lãng phí cho những ngày tháng của tuổi 21 - những ngày tháng đáng lẽ nên được lấp đầy bằng những chuyến đi chơi, những cuộc vui, những thứ bất ngờ đầy thách thức hơn?

Và thế là mình bắt đầu đặt vấn đề và tự tìm cho mình lời giải đáp

Đầu tiên mình cho rằng việc mình thấy chán nản có thể là vì mình dành thời gian học quá nhiều. Vậy nên mình quyết định cho phép bản thân giải trí nhiều hơn, mình lướt mạng xã hội nhiều hơn một chút, xem các bộ phim để thư giãn. Mình cũng thử học những kỹ năng mới, tìm hiểu, đọc sách về các chủ đề mình chưa từng thử sức như chính trị, lịch sử, hay triết học. Thế nhưng mặc dù đã thử những cách trên, mình vẫn không thể thoát cảm giác chán nản với cuộc sống hiện tại. À đừng hiểu lầm là những cách thức đó không hiệu quả nhé. Thật ra là khi làm những điều đó thì thú vị lắm, nhưng đấy không là đáp án cho câu hỏi vì sao mình thấy lối sống hiện tại của mình quá bình thường. Đâu đó trong mình vẫn còn tồn tại nhiều thứ khiến mình thấy không thực sự thỏa mãn.
“Có phải vì áp lực việc học? Áp lực về tương lai? Những hoài nghi về sự giới hạn của bản thân?” Mình đã tự đặt ra và tự trả lời các câu hỏi trên nhưng mà "không", tất cả những vấn đề đó đúng là có tồn tại nhưng đó không phải là lý do chính dẫn đến những cảm giác bất ổn của mình về cuộc sống hiện tại.
Thế rồi, khi thật sự bình tĩnh và chịu khó dành thời gian để suy ngẫm lại mọi thứ, mình mới nhận ra bản chất và nguyên nhân của mọi thứ, nó đơn giản hơn mình tưởng tượng rất nhiều lần. 
Một điều cốt lõi hiển nhiên mà mình nghĩ đáng lẽ ra mình nên phát hiện sớm hơn đó chính là: cảm nhận của ta bắt nguồn từ chính những suy nghĩ của chính ta. Để mình giải thích rõ hơn nhé, trước giờ mình đã luôn trói bản thân vào trong “cái cột” suy nghĩ rằng việc mình ở nhà là một việc bình thường, là một việc hiển nhiên. Mình cứ nghĩ chỉ khi nào mình đi chơi, chỉ khi nào được đi đâu đấy và gặp một ai đấy đặc biệt, tham gia một bữa tiệc, một chương trình mới mẻ thì mọi thứ mới trở nên đặc biệt, chỉ có như thế mới khiến cuộc sống của mình không bị rập khuôn, nhàm chán. 
Mình nhận ra một điều rằng, không biết tự bao giờ trong mình lại tự lập trình lên một ý niệm rằng “ở nhà là bình thường”. Khi bạn bè hỏi về cuộc sống của mình thì câu trả lời của mình luôn là “Bình thường thôi. Toàn ở nhà”. Mình tự hỏi tại sao mình lại có những suy nghĩ như thế, đây có phải là suy nghĩ của riêng mình không hay đa phần giới trẻ - những con người một khi đã thoát ra khỏi vòng an toàn của gia đình và mỗi khi trở về nhà, họ sẽ xem đó là một nơi bình thường chỉ đơn thuần để ăn uống, nghỉ ngơi? Tại sao ở nhà lại bị gắn với cái mác là bình thường? Vậy thì trước khi 18 tuổi, trước khi cắp sách đến ngôi trường Đại học thì hầu hết chúng ta đều sống ở nhà, vậy thì có phải những năm tháng ấy đều quá đỗi bình thường, có phải chúng ta đang dần quên đi giá trị của những ngày tháng tưởng chừng như bình thường nhưng lại quá đỗi quý giá thế này? 
Trước giờ mình luôn tự dặn bản thân rằng hãy luôn biết trân trọng giá trị của những khoảnh khắc trong cuộc sống hiện tại, hãy biết trân quý những gì mình hiện có thế nhưng mình lại dần mặc định, bình thường hóa những điều mình đang có, tự bản thân mình lại tự "đóng đinh" những suy nghĩ của bản thân. Để rồi chính những suy nghĩ ấy khiến mình sản sinh những cảm giác chóng chán, mệt mỏi, xem thường đi mọi giá trị của hiện tại.
Nhà triết học Epictetus từng nói rằng:
“Điều làm cho con người ta khó chịu không phải là bản thân sự việc mà là đánh giá của họ về những sự việc đó”.
Vâng, đó chính là bản chất, nguyên nhân cốt yếu để lý giải cho những cảm xúc tiêu cực mà mình đang trải qua. Nếu ngay từ đầu mình không giữ những suy nghĩ, nhìn nhận như thế về việc mình ở nhà là bình thường thì có lẽ mình đã không tự tạo ra ra những cảm giác hoài nghi, chán nản với cuộc sống mình đang trải qua.

Vậy thì mình đã làm gì để tự giải quyết những vấn đề này? 

Chà, cách thức đơn giản cốt yếu mà mình nghĩ chắc ai cũng sẽ đoán ra được nếu đã đọc đến đây đó chính là trước tiên mình phải tiêu diệt những suy nghĩ, những định kiến của bản thân về cuộc sống hiện tại. Điều này không dễ dàng chút nào, bởi suy cho cùng đây là những suy nghĩ đã vô thức hình thành trong mình một thời gian, chúng không phải thứ mình có thể loại bỏ trong ngày một ngày hai. Thế nên mình phải tìm nhiều cách thức để thử nghiệm rồi dần dần loại bỏ đi chúng. 

Cách thức đầu tiên

Đó là mình học cách thay đổi những suy nghĩ bằng những suy nghĩ. Thay vì "bình thường hóa" việc ở nhà, mình lại xem đây là một trải nghiệm, một thử thách mới mình cần phải trải qua. Mình vẫn ở trong căn nhà đấy, căn nhà đã nuôi dưỡng và giáo dục mình từ bé, mình vẫn ở với những con người thân quen, những người vẫn luôn yêu thương mình, nhưng mình biết, mình của hiện tại đã có sự thay đổi với mình của những năm về trước. Không chỉ là sự khác biệt về vẻ ngoài mà phần hồn, phần cảm quan của mình về thế giới cũng thay đổi. Vậy nên, mình biết rằng để có thể hòa hợp một bản thể mới với môi trường cũ, đó cũng là một thử thách, một nhiệm vụ để test khả năng thích nghi của bản thân. Nếu không thể tự thích nghi với một môi trường thân thuộc từ trước đến giờ thì làm sao sau này mình có thể thích ứng với những môi trường mới khác nhau?

Cách thức thứ hai

Đó là mình tự học cách tìm niềm vui riêng cho bản thân mình từ những sự vật, sự việc diễn ra hằng ngày. Không phải mình sẽ tự phóng đại hóa mọi thứ để rồi gặp cái gì cũng phải vui, cũng phải cười, mình không tự bắt bản thân phải gồng như thế. Như thế dễ khiến mình rơi vào của cái hố "tích cực độc hại" lắm.
Chỉ là đối với mỗi thứ mình đặt cảm xúc, đặt cái tâm nhiều hơn vào chúng. Để mình ví dụ nhé, như việc ăn cơm với ba mẹ, trước giờ mình chỉ cố gắng ăn bu lu, bu loa cho xong nhanh thôi, nhưng mà giờ đây mình tập ăn chậm và mình thưởng thức món ăn mẹ nấu nhiều hơn, không những điều này tốt cho tiêu hóa mà mình còn có thể cảm nhận và trân trọng những món ăn mẹ nấu. Mình cũng tập quan sát cách ba mẹ ăn uống, nhớ những món ba mẹ thích, thói quen ăn, biểu cảm, từng cử chỉ nhỏ thôi nhưng mình tập ghi nhớ. Bởi vì mình biết những khoảnh khắc này sẽ không bao giờ kéo dài mãi mãi, mình nên biết trân trọng khoảng thời gian này, khoảng thời gian còn có ba mẹ và còn được ăn chung với ba mẹ thế này. 
Thế đấy, mỗi ngày mình tự tìm cho mình những khoảnh khắc riêng như thế để trân quý. Ngay lúc mình viết những dòng này thì vừa có một trận mưa lớn kéo đến, mình đã dành thời gian ngồi ngẫn ngơ trước nhà chỉ để ngắm mưa. Mưa - một thứ trước giờ có vẻ chẳng còn gì xa lạ với chúng ta. Nhưng không hiểu sao khi ngắm cái quá trình những hàng nước đua nhau chạm đến mặt đất rồi nổ tung thành những hạt bong bóng to tướng, rồi được lắng nghe tiếng rào rào như giận dữ, như gào thét của thiên nhiên. Mình như được đắm chìm vào trong một không gian vô cùng lãng mạn. Nơi chỉ có mình và mình mà thôi.
Mình biết mấy điều mình kể trên nghe bình thường thật nhỉ :)) nhưng nếu thử cảm nhận và đặt tâm quan sát chú ý hơn thì cậu sẽ thấy chúng đáng yêu lắm, và những điều bé nhỏ nhưng đơn giản ấy khiến mình thấy vui và bình yên hơn, nó không giống với cảm giác vui sướng tột cùng khi đi chơi xa, hay được trải nghiệm những thử thách giật gân đầy kích thích. Nó chỉ đơn giản giống như một đóm lửa nhỏ được thắp lên trong lòng mình, tuy chỉ là ánh lửa nhỏ nhưng chúng không lụi tàn, chúng cứ mãi cháy âm ỉ, vỗ vễ và an ủi mình.
Trong một podcast gần đây mình nghe được trên Vietcetera, với khách mời là nhà làm phim, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng thì bà có chia sẻ một quan điểm mà mình thấy khá thú vị đó là:
“Đừng bao giờ nhìn mà không thấy”
Bà đã đưa ra ví dụ rằng khi đứng trước một bông hoa, đừng chỉ chăm chú vào mỗi vẻ đẹp bên ngoài của nó. Hãy tìm liên kết của nó với môi trường, con người và những thứ xung quanh. Bằng suy nghĩ, trí tưởng tượng của chính mình, chúng ta có thể khám phá ra được sâu xa hơn những hình ảnh và những câu truyện xoay quanh bông hoa đấy.
Hãy thử áp dụng điều này để khám phá cuộc sống mà trước giờ các cậu vẫn cho là bình thường nhé.

Cách thức thứ ba

Một cách khác mình cũng áp dụng đó chính là mình thường xuyên chụp ảnh, ghi chép lại những sự việc trong ngày hơn. Việc viết nhật ký đã và đang là một thói quen khá lâu của mình rồi, viết nhật ký hằng ngày để ghi chép lại những sự việc diễn ra, lưu lại những cảm xúc trong những con chữ thật sự là một cách vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, mình nghĩ sẽ nói nhiều hơn về việc chụp ảnh hay quay video, bởi vì trước giờ mình là một người không thích chụp ảnh tí nào, mình thấy rằng khi thấy thứ gì cứ lấy điện thoại ra và quay quay chụp chụp thì thật mất thời gian.
Nhưng mà gần đây mình bắt đầu có thói quen chụp ảnh hoặc quay lại những thứ xung quanh hơn, những điều đơn giản thôi, như cảnh hoàng hôn, cảnh bình minh hay chụp hình mấy cái cây nhà mình trồng chẳng hạn. Mình nhận ra thỉnh thoảng khi lấy điện thoại ra và nhìn lại những hình ảnh cũ thì thú vị lắm, mình như yêu thêm những cảnh vật và trân trọng chúng hơn.
Thành thật thì nếu so sánh thì mình vẫn thích cái cảm giác được quan sát mọi thứ bằng toàn bộ giác quan hơn, nó mang cho mình sự trọn vẹn, thăng hoa trong việc tận hưởng. Nhưng mình nhận ra việc ngắm nhìn những điều đơn sơ, nhỏ bé hằng ngày trong một khung hình hay một chiếc video có thể mang lại cho mình cái gì đấy thật hoài niệm, một điều gì đấy vừa thân thương những cũng thật mới mẻ.
Như mình đã đề cập, những điều này sẽ chẳng thể tồn tại mãi mãi và mình cũng nhận ra dù mình có cố ghi nhớ thì mình cũng biết đôi lúc ta sẽ quên đi một phần những ký ức, vậy nên nếu các thiết bị công nghệ đã ra đời sao không tận dụng chúng tốt hơn nhỉ? À nói vậy không đồng nghĩa với việc mình ủng hộ cho việc cứ lạm dụng điện thoại đâu. Mình vẫn nghiêng về việc tự cảm nhận bằng toàn bộ giác quan của bản thân, còn sau đấy thì cứ thoải mái lưu lại những khoảnh khắc quý giá đó nhé. 
Thật ra thì mình vẫn còn áp dụng nhiều cách lắm như là học những kỹ năng mới, đặt cho bản thân những challenge nho nhỏ hằng ngày rồi tự vượt qua. Hay làm những điều quen thuộc bằng những cách thức khác nhau (Ví dụ là mình đã từng học cách sử dụng tay trái để làm một số công việc nhà và nó khá là vui :))) ). Cơ mà mình thấy mấy cái này còn phụ thuộc khá nhiều vào sở thích cá nhân của mỗi người nên các cậu cứ cân nhắc thôi nhé. Còn 3 cách thức trên chính là 3 cách thức mà mình khá tâm đắc, mình đã và vẫn đang áp dụng trong hiện tại.

KẾT

Cuối cùng mình nghĩ rằng chỉ cần đầu tư thời gian ra để suy nghĩ thật kỹ thì mỗi cá nhân chúng ta sẽ tự tìm ra những cách thức riêng để có thể tận hưởng những ngày tháng bình yên nhưng không bình thường của riêng mình. Lời khuyên duy nhất mà quay đi ngoảnh lại mình dành cho các cậu đó chính là tập quan sát, tập trải nghiệm, tập suy nghĩ và cảm nhận những sự việc, sự vật xung quanh bằng cả cái "tâm" của chính mình và rồi cậu sẽ nhận ra cuộc sống luôn ngập tràn những điều kỳ diệu đấy. 
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đấy ^^
Sẽ thật tuyệt nếu mình có thể nhận được những góp ý, chia sẻ góc nhìn của các cậu về bài viết. <3