Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang là 1 chủ đề nóng hổi được nhắc đến trên mọi phương tiện thông tin truyền thông trong thời gian gần đây. Giới tài chính trong hay ngoài nước đều cố gắng đưa ra những phân tích, nhận định về cuộc chiến này để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chúng tôi, trong quá trình tìm hiểu của mình, cũng bắt gặp những hình ảnh được chia sẻ với nội dung như "Chiến tranh là 1 cơ hội để mua vào" hay có báo cáo sử dụng phương pháp thống kê dữ liệu quá khứ về các cuộc chiến trước đây để đưa ra kết luận tương tự. Liệu rằng đầu tư có dễ như vậy?
Trước hết, chúng tôi muốn giới thiệu đến độc giả khái niệm "Thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias)", là một hiện tượng tâm lí khi người ta đánh giá quá cao khả năng dự đoán của mình về một sự kiện. Thiên lệch nhận thức muộn có thể khiến một người tin rằng một sự kiện có thể dễ dự đoán hơn so với thực tế, và có thể dẫn đến sự đơn giản hóa về nguyên nhân và kết quả. Như vậy, việc thống kê lại dữ liệu lịch sử để cho rằng khi có chiến tranh là 1 cơ hội mua vào là 1 kết luận vô cùng ngây thơ, vì chúng ta không thể biết được liệu rằng cái kết quả mà chúng ta thấy đó, xác suất nó xảy ra là bao nhiêu, liệu rằng có bao nhiêu kịch bản khác có thể xảy ra và kết quả của những kịch bản đó với thị trường chứng khoán có thể là thảm khốc đến như nào. Chúng tôi cũng chưa đề cập đến mỗi cuộc chiến tranh lại khác nhau ở quá nhiều khía cạnh, từ 2 bên tham gia vào cuộc chiến, quy mô cuộc chiến, thời gian cuộc chiến, v.v...
Nhìn lại sự kiến COVID-19 bắt đầu, phải nói rằng chúng tôi rất khâm phục những ai có thể ra quyết định mua vào tại thời điểm đó, bởi có quá nhiều biến số mà không ai có thể dự phóng hết được, liệu virus nhanh hơn? Không kịp điều chế vaccine? Ảnh hưởng của virus quá nặng nề đến dân số hay các ngân hàng Trung ương cũng không thể làm gì để "cứu" thị trường? Có lẽ kết quả sau đó ngoài là phần thưởng cho sự phân tích chuyên sâu, cũng là phần thưởng cho sự may mắn cho những quyết định đó.
Trong bài phỏng vấn với Howard Marks về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-08, ông cũng nói rằng, việc quyết định mua vào cho quỹ của ông là 1 quyết định hết sức khó khăn, và quả thực ông cũng rất sợ, ông nói "Ai mà không lo lắng, không sợ hãi thì thật là ngu xuẩn". Thời điểm đó, ông đã giải ngân khoảng 1/2 tỷ đô-la trong 1 tuần trong 15 tuần liên tiếp và thị trường vẫn tiếp tục giảm trong thời gian ông giải ngân. Ông nói thêm: "Tại thời điểm đó, không ai dự báo được thị trường tài chính của toàn thế giới sẽ ra sao, vậy lý do mà chúng tôi mua những món nợ ưu tiên (senior debt) của những công ty mà nếu chúng chỉ đáng giá bằng một phần tư (1/4) hay một phần năm (1/5) hiện giờ, chúng tôi cũng đã hòa vốn".
Điều chúng tôi muốn gửi gắm lại trong những câu chuyện trên đó là việc thống kê các con số vô hồn hay phân tích thị trường với các trường hợp như này là gần như vô nghĩa. Những con số thống kê mà thiếu đi bản chất của hiện tượng thì sẽ không thể mang lại ưu thế gì cho bạn cả. Nếu bạn đã nghiên cứu kỹ doanh nghiệp trong danh mục của mình, tin tưởng vào lợi thế dài hạn của doanh nghiệp, thì điều logic nhất bạn có thể làm bây giờ đó là ngồi im!