nguồn: internet
nguồn: internet
Khái niệm Tập đế:
+ Tập là chứa nhóm, dồn thêm mỗi ngày mỗi nhiều hơn lên.
+ Đế là sự thật vững chắc, đúng đắn hơn cả
=> Tập đế: Sự thật về nguyên nhân dẫn đến khổ đã tích trữ trong nhiều đời nhiều kiếp.
Tập đế
Tập đế
10 gốc căn bản của phiền não:
Phiền não của nhân gian thì có nhiều nhưng tựu chung lại có 10 gốc phiền não căn bản. Từ 10 phiền não này mà sinh ra vô vàn các phiền não ngành ngọn khác.
10 gốc phiền não bao gồm: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Tà kiến.
1. Tham: Tham ở đây không chỉ có nghĩa là tham tiền tài, vật chất mà rộng ra là sự tham cầu muốn tất cả mọi sự vật, con người, sự việc phải diễn ra theo ý muốn, mong muốn của mình.Tìm mọi cách, bất chấp tất cả để được như mình ý mình. Bảo chồng “hôm nay em thèm ăn món này, món kia. Mà nhất định phải mua tại hàng A mới được, mua hàng B về là sẽ không ăn”. Vậy đây cũng chính là tham (tham ăn ngon, ăn đúng quán đấy, đúng vị đấy). Nói như vậy không phải để lên án ai nhé, hành động mua đồ ăn đúng quán mà người thương thích cũng là cách để bày tỏ tình yêu thương. Nhưng quá mức hoặc khiến đối phương khó chịu thì nó lại trở thành nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn rồi.
2. Sân: Tham và sân thường đi cùng nhau. Tham muốn mà không đạt được thì sẽ chuyển sang sân. Khi gặp cảnh trái ý, nghịch lòng, tham không được toại nguyện thì sân lúc này sẽ nổi lên. Đi vấp phải ghế đau chân quay ra tức giận cái ghế ở không đúng chỗ chứ không phải do bản thân không để ý đường.
3. Si: nghĩa là si mê, mờ ám. Si như là một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí huệ của ta, làm cho ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, cái dỡ, cái tốt, cái xấu. Không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm. Nói một cách dễ hiểu hơn: Không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê. Nếu tham, sân nổi lên, mà có trí sáng suốt ngăn chặn lại, thì tham, sân từ đó mà mất đi. Khi ta nóng giận, ta biết ta nổi sân thì lúc đó sẽ tự ý thức phải ngưng nói, ngưng hành động mà điều phối thân tâm mình trước. Điều hòa hơi thở, giúp cái nóng giận biến mất rồi làm gì thì mới làm, hành động trong lúc nóng giận thường rất dễ gây sự hối hận. Không nói đến chuyện gây ra hối hận gì không, nhưng mỗi lần tức giận là tim đập nhanh, căng thẳng đầu óc, tức trong lồng ngực, thậm chí giận run người, vã mồ hôi,... ngần đó là thấy cũng giảm thọ đi chút ít rồi đấy.
Ba tính tham, sân, si này, Phật gọi là ba món độc; vì chúng mà chúng sinh phải chịu nhiều kiếp sinh tử luân hồi. Cõi ta đang ở gọi là cõi Ta Bà nghĩa là Kham nhẫn. Vậy nên chuyện bất ý nhiều vô số kể, có khi sáng mở mắt ra đã có sự bất ý rồi, bực dọc cả ngày, lại ôm theo sự bực dọc ấy vào trong cả giấc mơ. Vậy là ngày 24 tiếng, có được bao nhiêu tiếng tham, sân, si không tồn tại?
“sống bình thản khi đối diện trước những điều bất ý”
"sống bình thản khi đối diện trước những điều bất ý". Nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng cũng không thể vì khó mà không cố gắng tự điều tiết bản thân, nâng cao chỉ số EQ đúng không?
4. Mạn: nghĩa là tự nâng cao mình lên và hạ người khác xuống; tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; ỷ mình có tiền của, tài trí quyền thế mà dương dương tự đắc, mục hạ vô nhân, khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên. Vì lòng ngã mạn cho mình là hơn hết, nên không chịu học hỏi thêm, không nghe lời nói phải. Mạn có bảy thứ:
a) Mạn: hơn người ít, mà nghĩ mình hơn nhiều.
b) Ngã mạn: ỷ mình giỏi hơn mà lấn lướt người.
c) Quá mạn: mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà lại cho là bằng.
d) Mạn quá mạn: người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.
đ) Tăng thượng mạn: chưa chứng thánh quả mà cho mình đã chứng.
e) Ty liệt mạn: mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít.
g) Tà mạn: người tu về tà đạo, được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết được đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người.
5. Nghi: Nghĩa là nghi ngờ, không có lòng tin. “Nghi” để đặt câu hỏi, để tìm hiểu sâu vấn đề, để tăng được trí huệ, để tự bảo vệ là tốt, nhưng nghi quá thì lại thành dở. Người nghi ngờ quá mức không làm được việc gì. Ðối với người thân trong gia đình, họ không tin cậy giao phó công việc; đối với bạn bè, họ nghi ngờ tất cả mọi thiện chí. Ngay đối với mình, họ cũng không tự tin nữa. Ðã không tự tin, họ còn gây hoang mang cho người xung quanh, làm cho người thế gian ngã lòng, thối chí. Ðối với đạo lý chân chính, họ cũng không hăng hái tin theo. Những pháp tu giải thoát và các điều phước thiện, họ do dự không làm. Nghi có ba phương diện:
a) Tự nghi: nghĩa là nghi mình. Chẳng hạn đứng trước 1 cuộc thi tự nghi rằng “không biết mình có đỗ được không”. Nghi vậy rồi, thôi khỏi, không thi nữa, không cố gắng nữa.
b) Nghi pháp: nghĩa là nghi phương pháp mình tu. Rộng ra trong đời sống, là nghi phương pháp, cách làm này có đúng không? Nghi tới nghi lui, cuối cùng chỉ nghi chứ không hành động. Mà cuộc đời vốn dĩ là phương pháp thử sai, sai rồi thử lại cách khác. Ngồi 1 chỗ nghi ngờ thì mãi mãi cũng không thể tiến thêm bước nào.
c) Nghi nhân: nghĩa là nghi người dạy mình, nghi người xung quanh. Như có người dạy rằng: "Làm lành sẽ được phước, làm ác sẽ bị tội"; nhưng lại nghi rằng: "Chẳng biết người này nói có thật không ". Do sự nghi ngờ ấy mà không làm. Tóm lại, tính nghi ngờ làm cản trở sự tiến triển của mình, ngăn ngại mọi công tác hữu ích và làm cho cuộc đời không vượt ra khỏi cảnh tối tăm khổ sở.
6. Thân kiến: nghĩa là chấp cái thân này là của ta, ta là riêng biệt, đặc biệt, ta là độc nhất vô nhị, là 1 tấm thân quý báu. Từ đó mà sinh ra ba độc: Tham, sân, si. Rồi tự làm khổ mình, khổ người, chà đạp người khác để thỏa mãn cho cái thân của chính mình.
7. Biên kiến: nghĩa là chấp một bên, nghiêng về một phía, có một thành kiến cực đoan. Những người bị mắc vào Biên kiến thường là những người không tin vô thường và luật nhân quả. Biên kiến có hai lối chấp sai lầm lớn nhất là:
a) Thường kiến: nghĩa là chấp rằng khi chết rồi, cái Ta vẫn tồn tại mãi: người chết sẽ sanh ra người, thú chết sẽ trở lại thú, thánh nhơn chết trở lại làm thánh nhơn. Do sự chấp ấy, họ cho rằng tu cũng vậy, không tu cũng vậy, nên không sợ tội ác, không thích làm thiện. Lối chấp này, đọa Phật gọi là "Thường kiến ngoại đạo".
b) Ðoạn kiến: nghĩa là chấp rằng chết rồi là mất hẳn. Vì chết là hết nên giờ phải sống sao cho cái tôi được thỏa mãn, tiền bạc phải nghĩ cách kiếm thật nhiều, phải ăn thật ngon, mặc thật đẹp, ở nhà thật sang, không đủ tài chính thì đi vay, bất quá thì chết là hết. Họ đâu có ngờ rằng chết rỗi vẫn chưa hết! Lối chấp này, kinh Phật gọi là "Ðoạn kiến ngoại đạo". Nói vậy không phải lên án những người có điều kiện nhé. Lương 100 triệu tiêu 40 triệu thì vẫn còn dôi ra 60%. Lương 20 triệu tiêu 40 triệu thì là âm 20 triệu rồi (còn chưa kể lãi nữa).
Mở rộng ra trong cuộc sống ta không nên quá chấp vào 1 cái gì đó, chấp vào “kiểu bố thí này mới đúng” hay chấp vào “kiểu làm từ thiện kia mới đúng”, từ đó mà tranh cãi, nói xấu, hậm hực lẫn nhau. Nếu tùy điều kiện mà kết hợp cả hai thì sao? Đức Phật cũng chọn con đường trung đạo để đi, ngài không chọn làm Thái Tử sống cuộc đời xa hoa, nhưng con đường tu khổ hạnh ép xác cũng không thể giúp người ta thoát khổ. Cố gắng giữ tâm thế nhìn bao quát mọi sự, theo chiều hướng này thì lợi hại ra sao, theo chiều hướng kia thì có ưu nhược điểm gì. Đừng đặt cái tôi của bạn vào khi đánh giá 1 sự vật sự việc nào đó.
8. Kiến thủ: nghĩa là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình. Kiến thủ có hai phương diện:
a) Kiến thủ vì không ý thức được sai lầm của mình. Có nghĩa không hề biết bản thân mình sai. Nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình, tự cho là giỏi, ai nói cũng chẳng nghe.
b) Kiến thủ vì tự ái, vì cứng đầu. Có nghĩa biết mình sai nhưng vì tự ái mà không nhận, không thay đổi.
9. Giới cấm thủ: nghĩa là làm theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo. Mặc dù những sự răn cấm này nhiều khi vô lý, mê muội, không làm sao đưa người ta đến sự giải thoát được, thế mà vẫn có nhiều người tin và làm theo.
10. Tà kiến: nghĩa là chấp theo lối tà, không chân chánh, trái với sự thật, trái với luật nhân quả. Nói một cách khác, Tà kiến nghĩa là mê tín dị đoan, như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xâm, bói quẻ, coi sao, cúng hạn v.v... Nói rộng ra, cả bốn món chấp trên: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, đều thuộc vào Tà kiến cả.
Còn 1 phần nữa trong Tập đế là tính chất của 10 gốc căn bản phiền não, mọi người có thể tìm đọc thêm nhé. Đại ý, 10 gốc này có tính chất khác nhau, có cái dễ sinh dễ diệt, có cái khó sinh khó diệt, có cái lại dễ sinh khó diệt, có cái mạnh, cái yếu, cái nhanh cái chậm,.... bài đã quá dài rồi mà thêm phần nữa mình cảm thấy không cần thiết lắm, nên chỉ dừng ở nội dung của 10 gốc gây khổ đau.
Cảm ơn mọi người đã đọc đến tận đây!