Điện ảnh trước đây thường được coi là thứ giải trí dành cho tầng lớp thượng lưu, giống opera và nhạc cổ điển vậy. Hãy nhìn lại khởi nguyên của kịch nghệ: sân khấu kịch ở thành Athens, nơi những buổi diễn đóng vai trò như nghi lễ kết nối với các vị thần. Rồi với điện ảnh, nếu lục google sẽ thấy hình ảnh trong quá khứ về những rạp phim với ánh đèn neon xếp thành chữ tên phim, những cặp đôi mặc tuxedo và váy dài đi xem phim, trông như chuẩn bị dạ tiệc. 


Đọc thêm:

Vì điện ảnh là một môn nghệ thuật tốn kém về cả chi phí sản xuất lẫn chi phí thưởng thức, nên theo thời gian nó phải thay đổi để thích ứng thời đại, để lôi kéo nhiều khán giả ra rạp hơn. Tuy vậy, mỗi người đều có một cuộc sống với sự ưu tiên riêng và thời gian biểu khác nhau, trong khi lịch chiếu phim thì cố định, và số lượng ghế thì có hạn, tất nảy sinh việc cùng một bộ phim có người xem trước có người xem sau. Review phim ra đời cũng 1 phần vì lẽ đó, là để những người đã xem giới thiệu phim cho người chưa xem. Càng ngày điện ảnh càng dễ tiếp cận, cũng là lúc càng nhiều người tự cho mình cái quyền nhận xét về một bộ phim và giới thiệu nó đến người khác.
Vì nhẽ đó, việc review phim không cần đến những thứ sau đây:
- Kể lại toàn bộ plot, hay đặc biệt là spoil: Một bộ phim bao hàm một trải nghiệm tổng thể của kịch bản - hình ảnh - âm thanh mà chỉ có thể nắm bắt được khi xem. Nó không phải là một câu chuyện để đọc, thế nên đừng viết plot ra bắt người khác đọc rồi gọi đó là review. Review phim nghĩa là giới thiệu, không phải là phá hoại trải nghiệm của người khác. 
- Đưa cảm xúc cả nhân, quá nhiều: Xin nhắc lại, điện ảnh là trải nghiệm cá nhân. Bạn không thích phim? Kệ bạn. Bạn không thích diễn viên nữ vì không hợp gu? Kệ bạn luôn. Bạn không rút ra được điều gì? Chẳng ai quan tâm. Hãy vứt những thứ đó vào bài viết mang tên “cảm xúc cá nhân sau khi xem phim ABC XYZ”. Xin nhấn mạnh vào chữ cá nhân. 
Đến đây sẽ có phản bác thế này: ô hay, tôi viết gì thì kệ tôi chứ. Đúng, bạn viết gì kệ bạn. Nhưng viết về cảm xúc của mình sau khi xem phim thì là việc bạn đang chia sẻ về trải nghiệm cá nhân hôm nay xem phim thế nào, chứ không phải là giới thiệu một bộ phim cho người khác xem. Đừng nghĩ chỉ vì mình xem một bộ phim và có cảm xúc về nó, có nghĩa là mình được quyền nói bất kỳ điều gì về phim và gọi đó là review phim. Rất nhiều người đọc review phim để biết có nên xem 1 bộ phim hay không, thế nên việc spoil và nói về cảm xúc cá nhân quá đà là 1 tội ác.

Đọc thêm:

Tiếp đó, lại nảy sinh vấn đề khác về hiểu biết điện ảnh: Có rất nhiều bộ phim hay nhưng người viết review không cảm nhận được nó, hay phim dở nhưng người viết không biết. Vấn đề này là do hiểu biết và cảm nhận về điện ảnh khác nhau. Một người làm phim, một nhà phê bình hay người xem phim phổ thông sẽ khác nhau trong vấn đề lựa chọn phim, đánh giá phim. Bản thân những người xem phim so sánh với nhau hay những người làm phim so sánh với nhau cũng đã có nhiều quan điểm khác. Vậy phải làm sao cho đúng?
- Hãy nghĩ về việc giới thiệu một bộ phim: không phải nó đem đến cho bạn cảm xúc gì, mà là nó kể câu chuyện gì? nó kể câu chuyện đó như thế nào? Không phải bài học được rút ra là gì (các ông các bà không phải đang viết tập làm văn hồi đi học đâu mà viết giá trị nhân văn nhân đạo của bộ phim ở đây làm gì), mà là nó đặt ra vấn đề gì và suy ngẫm gì cho cá nhân. Nếu phải kể plot, hãy tóm gọn và hạn chế nhất có thể.
- Đừng vung tay quá trán: cái này tôi nói thật đấy (đặc biệt là với các fan Nolan). Như đã nói ở trên, kiến thức điện ảnh mỗi người một khác. Hãy nhắm vào đối tượng tương đương với mình để review những phim mà mình thực sự nắm được. Tuy nhiên đa phần những người chưa xem nhiều phim lắm thì lại hay nghĩ rằng mình xem những phim có ít người xem. Buồn cười là tôi có mấy người bạn mà xem phim của Vương Gia Vệ với Nolan thôi cũng nghĩ là mình sâu sắc với cả khác người lắm.
- Đọc review chuẩn: có 2 trang http://www.rogerebert.com/ và  http://www.tasteofcinema.com/ . Thật ra rogher ebert thì nên đọc những bài của Ebert viết, giờ sau khi Ebert chết trang đó có một số người khác giữ quyền, nhưng viết không tốt bằng. Taste of cinema thì không phải trang tốt nhất, nhưng khá dễ tiếp cận cho người bắt đầu.
- Nhận thức được rằng điện ảnh là cá nhân: cái này là đối với cả người đọc và người viết. Điện ảnh xuất phát từ điểm nhìn (vision - họ hay dùng từ này) của người đạo diễn và hướng đến nhiều người khác. Vậy nên khi xem phim hay review phim, ta nên bỏ đi một thứ gọi là định kiến. Điện ảnh không nhất thiết tuân thủ đạo đức, pháp luật, văn hóa, hay phải tuân theo định kiến của một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia. Nó không cần phải có logic của thế giới chúng ta đang sống. Nó có một logic của riêng nó, một thế giới của riêng nó. Nó là một vật thể sống, một thể tồn tại. Vậy một người review phim có tâm, chính là là người biết mở ra thế giới đó cho những người khác.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài này mình viết phải gần 2 năm trước, nay đăng lại trên đây. Thời gian tới mình sẽ viết bài mới, vẫn với tiêu chí cũ của page là chỉ viết phân tích chứ không viết review. Các bài dài sẽ được đăng trên Spiderum, bài ngắn hơn sẽ được đăng trên fanpage Thích làm màu trên facebook.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Về Thích làm màu: Thích làm màu là blog điện ảnh cá nhân, ghi lại quá trình học/đọc/xem film nói riêng và điện ảnh/kịch học nói chung của mình dưới tư cách một người phê bình và một người làm phim độc lập trẻ. Các bài viết sẽ thể hiện góc nhìn diễn giải và phân tích của một người phê bình phim và góc nhìn cá nhân cực đoan trong tư duy điện ảnh của một người làm phim.