Grand Master Hoàng Tính Hiền (1910 -1992)
Giới thiệu về Hoàng Tính Hiền tiên sinh:
Hoàng tiên sinh nguyên quán tại tỉnh Phúc Kiến, từ nhỏ theo học Vĩnh Xuân Bạch Hạc Phúc Kiến, đạt được thành tựu rất cao. Năm 1947, ông di cư sang Đài Loan để tránh cuộc nội chiến, tại đây ông thụ giáo Trình Mạn Thanh tiên sinh là cao đồ của Dương Trừng Phủ. Năm 1956 ông lại di cư qua Singapore và mấy năm sau chuyển sang Mã Lai sống trong cộng đồng người Hoa tại đây. Có thể nói, Hoàng tiên sinh là một trong những đại biểu đẩy mạnh nhất phong trào tập luyện Dương thức thái cực quyền ra toàn thế giới, và dành trọn thời gian phát dương quang đại ( cùng với 8 vị đồng môn khác) môn phái. Thậm chí ông chấp nhận lời thách đấu của một nhà vô địch đấu vật vào năm 60 tuổi và chiến thắng tuyệt đối 26 - 0, chính những cố gắng như thế đã góp phần đưa Dương thức trở thành dòng thái cực quyền có đông người theo học nhất thế giới. Cá nhân mình rất ấn tượng với khả năng giũ lực ra ngọn rất tự nhiên của tiên sinh, đường tay tuy mang phong cách về Hình của VX bạch hạc, nhưng tốc độ chậm lại thể hiện sự kiểm soát tỉ mỉ và tinh tế của Dương thức TCQ
Dưới đây là video trận thắng trước đô vật vào năm ông 60 tuổi:
Chi tiết bài phỏng vấn
Câu hỏi 1: Có phải có nhiều trường phái Thái Cực khác nhau?
Thái Cực chứa đựng những kiến thức toàn diện, được phát triển và truyển lại bởi các bậc tiền bối với những nguyên tắc huyền bí và kiến thức triết học vô cùng sâu sắc. Các động tác của Thái Cực rất khoa học, cũng như các nguyên tắc của Thái Cực dựa trên nền tảng khoa học. Các bậc tiền bối của chúng tôi phát triển môn võ để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, làm chậm quá trình lão hóa, tăng tuổi thọ và để tự vệ. Điều đó có lợi cho con người và cho xã hội. Giúp hoàn thiện nhân cách. Việc những người luyện tập thấm nhuần tư tưởng Đạo( triết học về cách sống) sẽ đóng góp tích cực vào việc quản lí đất nước và hòa bình thế giới. Thái Cực không phải là một phương tiện võ thuật dùng để khoe khoang hay đối kháng. Người luyện tập Thái Cực phải hiểu các nguyên tắc và kiến thức triết học của môn võ. Không nên xa dời các nguyên tắc và triết học. Các động tác có thể được phát triển và điều chỉnh nhưng các nguyên tắc thì trường tồn. Những hình thức bên ngoài có thể khác nhau đối với mỗi người nhưng các nguyên tắc là chuẩn mực và không thay đổi. Vì thế, không có sự khác nhau giữa các trường phái. Thay vào đó, tinh thần của một gia tộc sẽ chiếm ưu thế. Nên có một thái độ cởi mở, luôn ghi nhớ mong muốn truyền bá triết học của Thái Cực trên toàn thế giới nhằm nâng cao sức khỏe con người của người sáng lập môn võ và các bậc tiền bối.
Câu hỏi 2: Chúng ta nên luyện tập Thái Cực thế nào cho đúng?
Khoảng cách về thành tựu giữa tập đúng và tập sai là rất lớn. Hãy nhớ lời dạy của sư phụ Wang Tsung Yueh: Cơ thể phải được cân bằng 1 cách tự nhiên theo chiều dọc. Luôn nhớ nguyên tắc phải thật thoải mái, cân bằng và chú ý đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Trong quá trình tập luyện các động tác, người tập phải thật cẩn thận, tỉnh táo, chú ý quan sát và cảm nhận chuyển động của mình. Nếu không, việc luyện tập sẽ chỉ có hình thức bên ngoài mà không có thực chất sẽ đánh lừa mọi người. Để đạt được sự chuẩn xác, phải có phương pháp luyện tập đúng tuân theo các nguyên tắc của Thái Cực. Cần phải có một người thầy giỏi cộng thêm sự nghiên cứu không ngừng của học trò. Phải học một cách tuần tự, trước tiên phải có nền tảng vững chắc trước khi chuyển sang bước tiếp theo. Những yêu cầu cá nhân cũng rất quan trọng để tập Thái Cực. Người tập phải thật quyết tâm, tin tưởng, kiên trì và có động lực tập luyện. Phương tiện sống được đảm bảo, môi trường sống bình thường, sự chuyên tâm, học và luyện tập liên tục và sự hiểu biết rõ ràng về các nguyên tắc – tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc luyện tập đúng. Điều này trái ngược với những người muốn học nhanh, chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài và những người luyện tập không thường xuyên. Những người này hy vọng tập trước, tập đúng sau mà không nhận ra rằng như thế còn không bằng một người mới tập. Những người khác coi nhẹ hay hiểu một các thiển cận về các nguyên tắc của Thái Cực, coi Thái Cực không khác gì thể dục hay khiêu vũ. Tất cả những điều này chỉ mang lại cái hình thức mà không có thực chất. Cơ thể của người tập phải được liên kết như một bộ máy hoàn hảo – bộ máy mà nếu có một bộ phận riêng lẻ bị hỏng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nó. Người sáng lập Thái Cực đã nói: “Đắc đạo là quan trọng, đạt được kĩ năng võ thuật chỉ là thứ yếu; không học đạo, không phải là học trò của tôi”. Cũng vì thế, sự thật thà, ngay thẳng hay tư cách đạo đức tốt cũng rất quan trọng.
Câu hỏi 3: Có rất nhiều hình thức Thái Cực khác nhau, liệu các nguyên tắc có khác nhau?
Tổ sư khai phái sáng tạo ra môn võ. Nhưng qua năm tháng, hình thức của Thái Cực cũng thay đổi: có bài 24 động tác lại có bài 37 động tác, có bài bao gồm 64 động tác lại có bài 72 động tác, thậm chí là 108 hay 124 động tác. Có bài trường quyền và đoản quyền. Có những động tác mở rộng, cũng có những động tác nhỏ và hẹp. Một vài bài nhấn mạnh vào những tư thế cao, những bài khác lại nhấn mạnh vào các tư thế thấp. Có những bài được tập nhanh và có những bài được tập một cách tương đối chậm. Tất cả những sự khác nhau này được con người tạo nên. Điều quan trọng là các nguyên tắc vẫn không thay đổi. Các sư phụ khác nhau với khí chất khác nhau đã tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong suốt nhiều năm. Họ không ngừng luyện tập và nghiên cứu. Họ xem xét và phát triển môn võ cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng - khi mà các hình thức biến mất, chân tay không còn quan trọng, không còn lực thô, không còn sự căng cứng mà thay vào đó là lỏng hoàn toàn. Đạt được sự trẻ trung và trường thọ. Rất dễ dàng để làm chủ các bài tập bên ngoài khi mà Khí và các nguyên tắc bên trong đã trở nên hài hòa. Giữa các phần trên, giữa, dưới của thân và giữa bên phải và bên trái cũng đạt được sự hài hòa. Để làm chủ các bài tập cũng rất khó khăn nhưng vẫn dễ dàng hơn so với việc đạt được các kĩ năng của môn võ. Điều này là bởi vì trong luyện tập, có những bộ phận không nhận biết được theo cách thông thường của cơ thể - những bộ phận rất khó kiểm soát về tốc độ,thời gian, nhịp điệu, và sự cân bằng. Vì thế, rất khó để đạt được những kĩ năng của môn võ. Nhưng người sáng lập môn võ đã nói: “Hiểu một phần của Thái Cực có nghĩa là đã được khai sáng về tất cả mọi phần của Thái Cực. Khi đó thì tất cả các trường phái đều là một”
Câu hỏi 4: Tập Thái Cực nhiều tốt hơn hay ít tốt hơn?
Không có gì là quá trong Thái Cực. Điều cốt yếu nằm ở phương pháp luyện tập. Nếu phương pháp luyện tập không đúng thì chẳng khác gì tập những thứ thông thường, tốn nhiều thời gian mà lại không có nhiều thành tựu. Vì thế, câu hỏi ở đây không phải là tập ít hay tập nhiều mà là tập đúng. Tập đúng có nghĩa là sự cân bằng tâm phải được duy trì. Mỗi động tác phải được rèn luyện để tư thế của người tập duy trì cân bằng theo chiều dọc. Các nguyên tắc vẫn không thay đổi; có các đường thẳng trong một đường cong và ngược lại. Phải có sự học tập liên tục, hiểu được các nguyên tắc và những điểm còn chưa rõ ràng. Làm được những điều trên thì sẽ đạt được kĩ năng của môn võ một cách tự nhiên. Vì thế, câu hỏi ở đây không phải là luyện tập quá nhiều hay quá ít mà là luyện tập sao cho đúng.
Câu hỏi 5: Tập nhanh đúng hay tập chậm đúng?
Trái đất quay liên tục ở một tốc độ nhất định. Tương tự, không nên tập quá nhanh hay quá chậm mà nên tập một cách thoải mái. Cơ thể phải chuyển động một cách tự nhiên, nếu không sẽ phát sinh những yếu điểm. Nếu tập quá nhanh, hơi thở bị ảnh hưởng dẫn đến việc hít thở không đều, khó thở và tim đập quá nhanh. Nếu tập quá chậm, chân tay và các khớp sẽ cứng nhắc. Phải thả lỏng cơ bắp, các bộ phận cơ thể phải thật tự nhiên, không căng thẳng. Không thể nói tập nhanh là đúng hay tập chậm là đúng bởi vì nhanh hay chậm phụ thuộc vào trình độ của người tập. Người tập phải luyện cho đến khi toàn bộ cơ thể thả lỏng, cân bằng 1 cách tự nhiên, thoải mái. Khi đã đạt được sự hài hòa cả bên trong (ý thức, suy nghĩ) và bên ngoài thì việc tập nhanh hay tập chậm không còn quan trọng nữa. Ở cảnh giới này, người tập sẽ cảm thấy phần trên của cơ thể như một đám mây trôi và phần dưới giống như dòng nước đang chảy. Ý thức là liên tục và ý thức hài hòa với chuyển động của chân tay. Tất cả các bộ phận của cơ thể thật tự nhiên và trở nên thống nhất. Khi đó, không còn thắc mắc cho việc tập nhanh hay tập chậm nữa.
Câu hỏi 6 : Khi luyện tập, tư thế cao đúng hay thấp đúng?
Thái Cực không phân chia tư thế dựa vào cao hay thấp. mà dựa vào sự cân bằng.
1. Cân bằng trong độ rộng của tư thế hay động tác.
2. Tất cả các bộ phận của cơ thể phải đạt được sự chuẩn xác
3. Trong các chuyển động hay các động tác xoay, cơ thể phải cân bằng
4. Phải thật đều, đặc biệt là trong các chuyển động
Phải cố gắng đạt được sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài, làm sao để trung tâm tuyến không bị nghiêng. Dùng ý thức giúp cơ bắp thả lỏng. Khớp phải được mở, cơ và dây chằng phải thả lỏng, thoải mái nhưng vẫn được liên kết với nhau. Cơ thể thẳng đứng và thật thoải mái. Ý thức được sử dụng để truyền các nguyên tắc của Thái Cực đến các bộ phận trong cơ thể. Khi đã đạt được bốn nguyên tắc cân bằng và 8 nguyên tắc ổn định thì câu hỏi về tư thế cao hay thấp đã được trả lời.
Câu hỏi 7: Làm thế nào để phân biệt hư và thực giữa các phần trái và phải, trên và dưới của cơ thể?
Cơ, xương và dây thần kinh là những phần khác nhau của cơ thể. Khi tập các động tác của bài quyền, việc sử dụng ý thức để chìm và làm cơ thể thư giãn là rất quan trọng. Chuyển trọng tâm trong khi vẫn giữ đường trung tâm tuyến thẳng đứng. Việc tập trung vào sự ổn định, tĩnh lặng, thoải mái và vững chắc là rất quang trọng. Chuyển động phải liên tục, không gián đoạn. Nội lực được tạo ra bởi những chuyển động xoay. Sau một thời gian dài, cơ thể sẽ trở nên cân bằng. Nguyên tắc: dùng suy nghĩ để điều khiển chuyển động là rất quan trọng. Phần trên – phần dưới, phần phải – phần trái của cơ thể phải phối hợp với nhau. Tất cả các phần của cơ thể hợp thành một hệ thống nhẹ nhàng, linh hoạt, vững chắc, uyển chuyển, kể cả hô hấp, luân phiên như các phần của biển. Khi một phần của biển chuyển động thì tất cả các phần còn lại chuyển động. Các chuyển động được điều khiển bởi ý thức và được điều khiển một cách chính xác giống như chuyển động của sóng biển.
Câu hỏi 8: Phải luyện tập các bài quyền thế nào để chúng có thể được sử dụng một cách hữu ích nhất?
Lấy 5 bài tập thả lỏng làm ví dụ. Những bài tập này dựa trên các nguyên tắc của Thái Cực. Khi luyện tập, người tập phải tập trung cao độ bởi vì bất cứ sự sao nhãng nào sẽ làm cho bài tập mất tác dụng của nó. Luôn nhớ 3 điểm bất động: Đầu gắn với thân, tay không được di chuyển tự do, lòng bàn chân phải bất động và bám chặt xuống đất. Bước chuyển được thực hiện mà không làm cơ thể di chuyển. Những động tác xoay bắt đầu từ eo và hông, tay được đẩy từ eo và hông kết hợp với nguyên tắc: tất các các chuyển động bắt nguồn từ eo. Phải hiểu các nguyên tắc, không một chuyển động nào không tuân theo nguyên tắc. Một khi đã hoàn toàn “lỏng”, người tập có thể thay đổi theo từng hoàn cảnh và vì thế, có thể trung hòa được lực đẩy vào mình. Khi đó, người ấy đã đạt đến trình độ “vô ngã”, trình độ mà toàn bộ cơ thể là vũ khí, tay không còn được sử dụng như tay bình thường nữa. Nếu như môn sinh không thể áp dụng một cách hữu ích các động tác của 5 bài tập thả lỏng thì môn sinh đó vẫn chưa hiểu được bản chất của 5 bài tập này. Nếu không thể hiểu cái bản chất của bài tập thì cũng không cần thiết phải nói gì về việc ứng dụng của nó nữa.
Câu hỏi 9: Đâu là tinh thần cốt lõi của Thái Cực
Các đại sư nổi tiếng dạy mọi người giống nhau nhưng người tập sẽ học theo những cách khác nhau bởi vì mỗi người có tư chất và thể chất khác nhau. Thành tựu thực sự của môn võ không chỉ là làm chủ các bài tập với hình thức bên ngoài mà còn thấu triệt các nguyên tắc và triết học. Người tập phải là 1 người có lí do để học tập, luyện tập và hiểu môn võ thành công. Anh ta áp dụng các nguyên tắc và triết học của Thái cực vào đời sống hàng ngày. Anh ta sẽ không vụ lợi hay ích kỉ. Anh ta toàn tâm toàn ý với Thái Cực. Anh ta, giống như người sáng lập môn võ có tinh thần cố gắng phấn đấu vì sức khỏe của con người cả về mặt thể chất cũng như tinh thần. Đây sẽ là tinh thần thực sự của Thái Cực quyền.
Câu hỏi 10: Nhiều môn sinh đã tập Thái Cực trong nhiều năm nhưng vẫn chưa ổn định. Tại sao lại có điều này?
Rất nhiều môn sinh đang học sai và tập sai. Các môn sinh phải bắt đầu bằng việc hiểu về đạo, sau đó là các nguyên tắc , sử dụng các nguyên tắc đúng và bắt đâu bỏ công sức tập luyện. Họ cũng phải hiểu mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh (hay vũ trụ), và sử dụng phương pháp khí để tập luyện. Họ phải luyện tập liên tục và thật khiêm tốn. Chậm, tập từ gốc sẽ mang lại kết quả và sẽ hiểu được phương pháp tập luyện. Hiểu các nguyên tắc và chú ý đến những khía cạnh khó nhận thấy, không rõ ràng – những thứ làm chậm quá trình đạt kĩ năng của môn võ. Việc có gốc và có nội lực không thể được quan sát từ bên ngoài. Những điều này (có gốc và có nội lực) có thể đạt được thông qua phương pháp đúng. Trong khi luyện tập chuyển động và nội lực, các khớp phải được thả lỏng mà vẫn liên kết với nhau. Cả cơ thể thả lỏng mà không bị đẩy 1 cách dễ dàng bởi đối thủ. Phân biệt được hư và thực. Cố gắng linh hoạt và mềm dẻo như một con rắn – đuôi của nó sẽ giúp đầu khi đầu bị tấn công và ngược lại, đầu và đuôi sẽ giúp khi phần giữa bị tấn công. Hãy luôn tuân theo ý thức thì sẽ đạt được cái tĩnh và cái mềm dẻo. Nâng một cái gậy nặng 200 catties sẽ dễ hơn nâng một đoạn xích chỉ nặng 100 catties. Điều này minh họa cho nguyên tắc hoàn toàn thả lỏng các khớp. Môn sinh cũng phải hiểu việc ứng dụng học thuyết âm dương vào chuyển động và các bài tập đẩy tay. Học thuyết Âm Dương trong Thái Cực bao gồm toàn bộ vũ trụ, các động tác dù phân chia theo phần trên, phần dưới của cơ thể; phải - trái; trước – sau; trong – ngoài không được tách ra khỏi nguyên tắc hư và thực. Động và tĩnh luôn thay đổi liên tục. Phải thấu hiểu những nguyên tắc này khi luyện tập các động tác. Rèn luyện cơ thể cũng như tính cách khi học đạo và võ. Đạo tượng trưng cho Âm còn võ tượng trưng cho Dương. Âm phát triển đến tận cùng là Dương. Thoải mái, tĩnh lặng, vững chắc là những biểu hiện của Âm.Nếu có thể trung hòa lực, ta sẽ không phải dùng một chút sức nào cả. Cái tĩnh giống cái tĩnh của một ngọn núi. Bất động nhưng có khả năng thay đổi nhiều thứ. Người sáng lập môn võ từng nói: “Đạo là cái bản chất, võ là biểu hiện của đạo”. Vì thế, người tập cần hiểu Đạo bằng cách tập không chống lại lực, chỉ có thế thì sau này mới dễ làm chủ cơ thể. Trong tấn công và phòng thủ, phải hiểu phương pháp để đạt được cái “không” và sự bình thản. Chỉ khi đó thì phòng thủ mới vững vàng. Tấn công cũng sẽ thành công nếu người tập thoải mái, tự nhiên. Khi tập xô đẩy, môn sinh phải học cách không chống lại lực và học cách bám dính. Khi đã có thể bám dính, môn sinh có thể trung hòa lực. Khi tiềm lực đã đủ, khả năng trung hòa lực sẽ được áp dụng cùng với việc sử dụng nội lực 1 cách vô ý.
Câu hỏi 11: Môn sinh nên duy trì quan hệ thế nào với thầy của mình?
Ngày nay, khoa học rất tiến bộ, ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của sự cố gắng, nỗ lực của con người. Điều này làm tăng sự căng thẳng, và sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Đây là chứng bệnh rất phổ biến. Đó là lí do tại sao Thái Cực - một môn võ cổ xưa lại phổ biến và được tập luyện rộng rãi đến vậy. Thái Cực chẳng có gì là bí mật cả. Nó bình đẳng với tất cả mọi người cũng như không phân biệt người tập. Nhưng người tập thường mắc lỗi trong quá trình học. Người tập Thái Cực nên ghi nhớ những điều sau:
1. Tôn trọng người thầy và chấp nhận triết học “Đạo” của môn võ
2. Trung thực và không vụ lợi
3. Tỉ mỉ, nghiêm túc, suy nghĩ, quan sát, cảm nhận và thật chú ý khi tập
4. Hãy tiến từng bước một
5. Khiêm tốn và không ngừng luyện tập
6. Luyện tập theo tất cả những nguyên tắc đã đề cập ở trên
Bài dịch được chia sẻ nhiều trên mạng, theo mình được biết là do thầy Quân "liễu giai" chuyển ngữ khá lâu trên diễn đàn cũ, nay không tìm thấy link gốc nữa