Đánh giá Clock Tower 3 - Tái ngộ tại tháp đồng hồ (Rewrite)
Với sự sụp đổ của hãng Human Entertainment, hãng từng được biết đến với vai trò cha đẻ của Clock Tower series, vào năm 2000...
Với sự sụp đổ của hãng Human Entertainment, hãng từng được biết đến với vai trò cha đẻ của Clock Tower series, vào năm 2000 cùng với sự thất bại nặng nề của phiên bản Clock Tower II: The Struggle Within' khi vẫn giữ nguyên lối chơi point & click nhàm chán cùng cốt truyện không liền mạch. Chộp lấy thời cơ đó, hãng Capcom lúc này đang trên đà thành công nhờ thương hiệu đình đám Resident Evil nên đã nhanh tay quyết định mua bản quyền phát triển Clock Tower về tay mình. Phiên bản Clock Tower 3 chính thức được Capcom đưa vào giai đoạn phát triển từ đây. Tuy nhiên, có lẽ với quyết định "bảo thủ" là giữ lấy lối chơi Point & Click truyền thống từng thất bại sấp mặt, Capcom đã phải ăn trái đắng với thương hiệu Clock Tower huyền thoại này.
Lối chơi lột xác mới mẻ nhưng…
Tại thời kì vàng son của thế hệ PS2, khi mà hãng Capcom được biết như một trong những hãng game chuyên về thể loại đối kháng, hành động, bắn súng… thì khi nhận về con game Clock Tower 3 với lối chơi Point & Click khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng thành công của game cũng như việc giữ lại cách chơi truyền thống. Và thật vậy, ngay lập tức Clock Tower 3 đã được chuyển ngay sang lối chơi hành động góc nhìn thứ 3 để bắt kịp xu hướng thời bấy giờ. Thay vì tay cầm chai Pepsi, tay kia click click click lia lịa để nhân vật tự hành động trong mọi tình huống ở lối chơi point and click quen thuộc thì Clock Tower 3 đã đem tới sự đi lại tự do trong việc khám phá môi trường và tự thân vận động hết mình trong những màn rượt đuổi. Tất cả những thay đổi trên sẽ là một lối chơi hoàn toàn mới và tăng phần thử thách cho game, điều này làm cho các fan hâm mộ của Clock Tower hy vọng vào một cuộc lột xác ngoạn mục.
Chính vì không bị bó hẹp phạm vi khám phá ở quanh quẩn vài tòa lâu đài như Clock Tower cũ nữa, đồng thời với phần cứng mạnh mẽ của chiếc PS2 hiện tại đủ sức để tạo ra một game thế giới mở, Clock Tower 3 mang đến cho người chơi một chuyến du hành thời gian, khám phá các địa điểm từ trung cổ tới hiện đại như khu biệt thự riêng của gia đình, thành phố hoang toàn, phòng hòa nhạc, nhà máy ngầm, nghĩa trang, cống ngầm… và dĩ nhiên không thể thiếu đi địa điểm quen thuộc là lâu đài cùng tòa tháp đồng hồ của series Clock Tower. Tất cả những địa điểm trên được xây dựng để mang tới một trải nghiệm độc nhất nhằm tránh để người chơi phải đi tới đi lui một khu vực quen thuộc.
Thế nhưng, việc thay đổi lối chơi đã đem đến cho Clock Tower 3 một loạt các khuyết điểm như hệ thống truy đuổi đáng chán cũng như nét kinh dị mờ nhạt dần.
Phố vắng đêm mưa
Điều gây đáng tiếc nhất phải kể đến ở phiên bản lần này chính là mức độ truy đuổi của bọn quái không còn được sắp xếp với một thời lượng hợp lí để người chơi có đủ thời gian mò đường, giải đố như các phiên bản cũ nữa. Sự tự do khám phá đã bị kìm hãm lại khi không ít lần người chơi sẽ phải ức chế khi cứ tầm 3 phút là bọn phản diện lại bỗng dưng xuất hiện từ đâu đó ra và phá hỏng màn giải đố của mình. Để rồi sau khi chạy tá hỏa mọi nơi tìm vật dụng ném chúng hay đặt bẫy để giữ chân chúng tạm thời mới có thể trở về cùng câu đố dang dở được, nhưng mà đến lúc đó thì chả còn nhớ được mình đang giải tới đâu. Và chúng ta cũng chưa thể mừng vội khi chúng liên tục đội mồ sống dậy trở lại dù cho chúng ta có cắt được đuôi của chúng hàng chục lần. Tiêu điểm nổi trội của dòng game Clock Tower chính là những pha rượt đuổi nhưng phiên bản thứ 3 này đã phát triển trong tình trạng vô cùng hấp tấp mà bỏ đi sự tỉ mỉ trong cách sắp xếp bố cục lúc nào nên cho người chơi tự do giải đố, phần nào thuộc về những màn rượt đuổi. Thay vì hiểu rõ tâm lí người chơi thì họ lại quyết định dùng việc sắp đặt tự động cho đám quái xuất hiện 3 phút một lần, có lẽ lập trình như vậy sẽ dễ hơn việc lập trình xuất hiện ngẫu nhiên chăng? Dù độ khó trong những màn rượt đuổi không cao nhưng sự "hăng say" rượt đuổi quá đà mà không hề cho người chơi nghỉ ngơi của Capcom là một cú vấp ngã khó coi.
Mức độ xuất hiện của lũ boss nhiều đến mức chóng mặt
Điều đáng tiếc thứ hai thuộc về hệ thống chiến đấu mà ở đây là bắn cung. Với sự thành công của Resident Evil, Capcom không buông tha cho Clock Tower khi họ quyết định sau những pha rượt đuổi căng thẳng cùng boss, việc cuối cùng bạn cần làm là một màn chiến đấu tay đôi với chúng bằng cung thay vì súng. Những trận đấu boss bị đánh giá là như loạt màn chơi ngớ ngẩn không đáng có và cố tình chọc cười cho người chơi. Khi những màn truy đuổi đáng sợ biết bao nhiêu thì cuối cùng họ lại cho chúng ta kết thúc sinh mạng boss bằng một màn đấu cung hài hước đậm chất Sailor Moon bấy nhiêu. Nó cũng góp phần phá vỡ bầu không khí kinh dị mà trò chơi đã cất công tạo dựng.
Lật lại lịch sử Clock Tower thì trước đó người chơi dùng những mánh khóe, những cạm bẫy tinh vi để hạ boss theo phương thức "nhanh não thì sống, chậm thì chết!". Nhưng tới lượt Clock Tower 3 thì lại có dấu hiệu ỷ lại vào vũ khí, làm mất đi cái bản chất hạ boss chỉ với bàn tay trắng và trận đấu boss ở Clock Tower 3 thì diễn ra cứ như trò hề mèo vờn chuột chứ đừng mong có những pha hành động kinh điển như Resident Evil.
1 trận đấu boss của Clock Tower 3
Lạy hồn nhìn bảo sao quen quen
Sẽ không còn cơ hội tái ngộ một Scissorman kinh điển
Trong các tựa game Clock Tower trước đó, dù Scissorman không phải là nhân vật phản diện duy nhất nhưng lại thuộc về nhóm phản diện chủ lực, là biểu tượng của cả dòng game. Sự hiện diện của Scissorman ở các phiên bản trước luôn là cơn ác mộng lớn với bất kì người chơi nào, thì Clock Tower 3 lại bổ sung một số lượng đông đủ và nguy hiểm hơn: tận 5 nhân vật phản diện sẽ thi nhau truy đuổi ngươi chơi. Không rõ ý đồ của Capcom là không muốn lạm dụng quá nhiều hình tượng Scissorman hay sao nhưng Scissorman cũ đã không còn mà thay vào một cặp Scissorman Ralph và Scissorwoman Jemima đã vô tình đi trái ngược hẳn với phong cách của con boss ngày xưa.
Làm thế nào cô nàng nữ sinh của chúng ta có thể chống lại đám phản diện này?
Trong khi hình tượng Scissorman đã luôn đi kèm cùng thanh kéo quá khổ và bộ trang phục tối màu, biết giữ im lặng cùng sự kín đáo, rồi lẫn mình trong bóng đêm để chờ trực săn mục tiêu. Thì ở Clock Tower 3 lại nhét cho chúng ta một cặp phản diện mới với bộ gươm nhìn chả ăn nhập gì, đã thế mồm miệng còn luôn lép bép, khoa trương cười nhạo như những chú hề để khiêu khích đối thủ cộng với bộ trang phục thì lòe loẹt hết chỗ nói. Đây là một điểm thất vọng khi Capcom không còn giữ hình tượng Scissorman năm xưa nhưng đừng quên chúng ta còn tận 3 phản diện khác, số lượng bù chất lượng mà.
Ngoại hình Scissorman mới nhìn như Kefka từ Final Fantasy VI vậy
Cốt truyện nhân văn gỡ gạc được phần nào…
Để chuẩn bị cho màn hồi sinh hoành tráng của Clock Tower 3, Capcom đã chơi sang thuê hẳn một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng là Kinji Fukasaku để hỗ trợ phần chỉ đạo dự án. Vốn dĩ là một đạo diễn chuyên về dòng phim hành động, chiến tranh và sử thi, Kinji đã thổi hồn vào cốt truyện của Clock Tower 3 một nét rất lạ lùng, thấm đẫm tình người.
Lấy bối cảnh ở London vào thời hiện đại, Clock Tower 3 xoay quanh câu chuyện của cô bé Alyssa Hamilton nhận được một lá thư từ mẹ mình khi đang ở trường vào giờ ra chơi. Nội dung đơn giản chỉ là cảnh báo Alyssa đừng về nhà mà hãy ở lại trường nội trú vài ngày trong khi bà phải đi vắng, vì cho rằng đó là "nơi an toàn". Dĩ nhiên với một nội dung lờ mờ, bí ẩn như thế thì Alyssa không thể nào làm ngơ được. Theo bản năng cô lập tức trên đường về nhà để xem chuyện gì đã xảy ra với mẹ mình.
Khi đặt chân vào biệt thự, bầu không khí im ắng và cô quạnh đến đáng sợ khi cô không còn thấy mẹ mình ở đây. Sau đó Alyssa vô tình đụng mặt một người đàn ông mặc đồ đen, trùm kín không rõ mặt. Đồng thời ông ta nhắn nhủ rằng ông đã đi tìm cô từ bấy lâu nay rồi và buông lời đe dọa rằng mẹ cô sẽ không bao giờ trở về. Tiếp diễn câu chuyện, Alyssa bắt đầu tự mình khám phá các phòng ốc bị niêm phong từ trước đến nay tại biệt thự để tìm hiểu thêm chuyện gì đang diễn ra. Và từ từ những bí mật lớn về dòng dõi của cô dần dần hé lộ. Kể từ đây Alyssa sử dụng siêu năng lực của mình để du hành mọi nơi nhằm tìm kiếm thêm những manh mối về mẹ, về người đàn ông đồ đen bí ẩn cũng như những bí mật mà gia đình đã luôn giấu với cô. Trong quá trình tìm kiếm đó, không biết bao lần cô phải đụng độ với biết bao kẻ phản diện, sát nhân khét tiếng, những chú hề điên loạn.
Cuộc tái hẹn ở tháp đồng hồ
Một điểm sáng tạo trong cách dẫn dắt câu chuyện là chúng không hoàn toàn chỉ xoay quanh Alyssa mà còn lồng ghép thêm những câu chuyện phụ bên lề về những thường dân, về những hồn ma không thể siêu thoát, về những mảnh đời bất hạnh khi bị những kẻ phản diện tàn phá nặng nề. Để rồi mỗi địa điểm mà cô du hành luôn để lại vương vấn chút tình người. Qua những bài học quý báu đó, Alyssa ngày càng trưởng thành hơn, mục đích ban đầu của cô vốn chỉ là tìm kiếm người mẹ mất tích của mình, nhưng dần rồi tấm lòng cũng được mở rộng ra nhiều hơn khi cô không chỉ muốn cứu mẹ mình, cô muốn cứu tất cả những số phận thương tâm đang bị đày đọa.
Alyssa giúp đỡ một nạn nhân yên lòng siêu thoát thay vì mỏi mòn chờ đợi người cha đã tử trận ngoài chiến trường trở về
Tổng kết:
Đánh giá Clock Tower 3 là phiên bản đầu tiên không đưa ra nhiều kết thúc như các phần chơi trước đây. Bất kể người chơi làm gì cũng đều không tác động đến kết thúc vì nó chỉ có một. Điều này cũng gây giảm đi giá trị chơi lại cực lớn. Mặt khác, có lẽ Capcom tính trước Clock Tower 3 sẽ là phiên bản cuối cùng của series nên quyết cố định sẵn luôn một happy ending. Điều này nghe cũng dễ thông cảm và hợp lí khi tương tự BioShock 1 đang là một game đang có nhiều kết thúc nhưng vào phiên bản cuối BioShock Infinite lại chỉ có một kết thúc mà thôi.
Với sự nỗ lực ngày đó của Capcom về việc hồi sinh Clock Tower 3, mặc dù tựa game còn chứa đựng vô số điểm bất hợp lí nhưng tổng thể Clock Tower 3 không tệ, nó đủ hay để sưởi ấm trái tim của người hâm mộ Clock Tower thêm lần nữa. Tựa game không hề tệ mà chỉ là do nó đang cố đưa nhiều công thức mới lạ vào và có thể xem đây là món quà chia tay mà Capcom dành cho người hâm mộ.
Nếu câu chuyện chỉ xoay quanh những điều về bản thân nhân vật Alyssa thì Clock Tower 3 sẽ trở nên quá tầm thường, nhưng tựa game đã làm tốt hơn khi tinh ý đưa những câu chuyện bên lề mang tính nhân văn vào để tăng cường giá trị kịch bản. Bạn đã nghe tới những lời nhận xét về việc các nhiệm vụ phụ làm hay ngang cả nhiệm vụ chính chưa? Thế thì bạn hiểu ý tôi rồi đấy. Dù series này đã rời xa thế giới quá lâu rồi nhưng với phong trào làm lại game cũ hiện nay, liệu Capcom có quyết định reboot/remake lại Clock Tower series hay không? Chúng ta hãy cứ chờ đợi xem sao nhé!
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất