Capcom là một trong những nhà phát triển Game lớn nhất của Nhật Bản, và cũng phần nào định hình thị trường Game của thế giới. Đã có rất nhiều biểu tượng của làng Game đã trở thành một phần của văn hoá đại chúng mà bất cứ ai dù có chơi Game hay không cũng đều sẽ nhận ra. Đối với Nintendo, chúng ta có anh thợ sửa ống nước Mario. Với Sega, thì đó là chú nhím màu xanh chạy siêu nhanh Sonic. Còn đối với Capcom, đó là một Robot có khẩu súng gắn vào cánh tay, Megaman. Tuy vậy, series được yêu thích nhất lại là một dòng phụ bản của Megaman, có tên là Megaman X. Tuy vậy, đã 18 năm trôi qua kể từ phiên bản chính thức cuối cùng được ra mắt, người chơi khắp cả thế giới vẫn chưa được chứng kiến sự khai sinh của phần tiếp theo. Vậy chuyện gì đã xảy ra đối với dòng Game Megaman X ?
Khởi nguồn của Megaman X 
Ngược dòng một chút về quá khứ. Cũng như hầu hết các nhà phát triển Game khác, Capcom xuất phát điểm là một công ty chuyên sản xuất Arcade Game, tức là những tựa Game máy thùng mà bạn chỉ có thể chơi tại các trung tâm giải trí. Một trong những tựa Game thành công trong khoảng thời gian đầu thành lập công ty là một tựa Game bắn máy bay, tên là “1942”. Thành công của tựa Game này đã giúp Capcom có khả năng để mở rộng thị trường và bắt đầu các dự án mới. Và một trong những quyết định mang tính định hình thành công của Capcom là thuê được Keiji Inafune. 
Keiji Inafune vốn là một sinh viên của Đại Học Thiết Kế Osaka. Ngày sau khi tốt nghiệp và nhận được bằng Thiết Kế Đồ Hoạ vào năm 1987, anh đã gia nhập Capcom với vai trò như một hoạ sĩ minh hoạ. Mặc dù mong muốn của ông là được làm việc cho Konami, nhưng đối với một sinh viên mới ra trường, Capcom rõ ràng là một mục tiêu dễ với hơn. Nhưng trong rủi lại có may, 2 dự án đầu tiên mà Keiju Inafune tham gia vào cũng chính là khởi nguồn của 2 dòng Game nổi tiếng bậc nhất thế giới ngày nay. Đó là Street Fighter, và Megaman. 
Keiji mặc dù được biết tới như là cha đẻ của hình mẫu Megaman, nhưng thiết kế của chú robot màu xanh đã được định hình bởi Akira Kitamura, người phụ trách hướng dẫn Keiji lúc đó, và cũng chính là đạo diễn của phần Megaman đầu tiên. “Những gì tôi làm là thiết kế dựa trên ý tưởng của anh Akira Kitamura, nên nếu tính ra, tôi chỉ đóng góp một nửa công sức trong việc tạo ra Megaman”, Keiji chia sẻ trong một bài phỏng vấn. Phần Megaman đầu tiên được ra mắt toàn thế giới vào tháng 12 năm 1987 và trở thành một thành công lớn vượt ngoài mong đợi của đội ngũ phát triển. Vì vậy mà không mất nhiều thời gian để Megaman 2 và 3 được ra mắt chỉ trong 5 năm. 
Với sự thành công không ngừng của dòng Game Megaman, Capcom muốn tiếp cận với nhiều người chơi hơn. Megaman X, hay còn gọi là Rock Man X tại Nhật được phát triển và được phát hành năm 1993 trên hệ máy SNES. Với cốt truyện lấy mốc thời gian 100 năm sau series gốc. Câu chuyện của Megaman X có phần đen tối và phức tạp hơn để tiếp cận với các người chơi thuộc độ tuổi thanh niên và trưởng thành. Về mặt lối chơi, Capcom muốn Megaman X là một sự mở rộng đối với dòng Game gốc mà không bị mất đi những yếu tố quen thuộc. Người chơi vẫn sẽ phải hoàn thành 8 màn chơi cùng những con Boss theo bất cứ thứ tự nào để có thể mở khóa được màn chơi cuối trước khi phá đảo Game. Trong mỗi màn chơi sẽ có các vật phẩm tăng cường sức mạnh được giấu kín một cách khéo léo, như là các Heart Tank để tăng cây máu cho X, Sub-Tanks để trữ năng lượng sử dụng các vũ khí đặc biệt, và các mảnh giáp có sức mạnh nâng cấp. Nhân vật X nay có thêm nhiều hành động mới để tạo sự cơ động cho người chơi, như là khả năng lướt trên mặt đất, hay là bám được trên tường. Những cải tiến này được công chúng và giới chuyên môn tích cực đón nhận, khiến Megaman X trở thành một trong những tựa Game thành công nhất mọi thời đại. Bán được ~ 1,165 triệu bản tính đến năm 2001, một số lượng khá lớn vào thời điểm đó.
Thời kì Hoàng Kim với Megaman X4
Sau sự thành công quá lớn, không lạ lắm khi ngay trong 2 năm tiếp theo, Megaman X2 và X3 được sản xuất với cùng công thức và có thêm những cải tiến không quá đáng kể. Phải cho tới năm 1997 cùng với sự ra đời của chiếc Console PS1 thì dòng Game Megaman X mới có sự tiến triển vượt bậc về mọi mặt, mở ra thời cực thịnh cho series Spin-off này. Lần đầu tiên, người chơi được phép lựa chọn 1 trong 2 nhân vật chính để bắt đầu cuộc hành trình của mình. X, hoặc là một Maverick Hunter rất được yêu thích tên là Zero. Đối với Zero, Keiji Inafune từ lúc tạo ra anh trong Megaman X1 đã mong muốn đây là một nhân vật “dù chỉ là thứ chính nhưng sẽ chiếm hết spotlight của nhân vật chính”. Đúng như mục đích ban đầu, Zero chiếm được cảm tình của hầu hết Fan của dòng Game. Mặc dù đây không phải lần đầu người chơi được trực tiếp điều khiển Zero. Ở Megaman X3, Zero cũng là một nhân vật chơi được, nhưng chỉ ở một phần chơi ngắn với vai trò là hỗ trợ cho nhân vật chính X. Việc biến Zero trở thành một nhân vật chơi được với tuyến cốt truyện riêng độc lập trở thành một phần tất yếu tạo nên sự thành công đột phá cho Megaman X4. 
Một phần khác khiến phiên bản này hấp dẫn hơn so với các phiên bản tiền nhiệm trước là ở cách thức triển khai cốt truyện. Theo như Keiji Inafune, Megaman X vẫn luôn là trận chiến giữa Repliforce muốn huỷ diệt nhân loại và các Maverick Hunter muốn ngăn chặn điều đó. Ý tưởng về 2 phe đối đầu vẫn luôn được vạch định rõ ràng giữa trắng và đen, bởi vậy mà các biên kịch muốn vạch ra một đường xám đạo đức, trong tốt có xấu và ngược lại. Đây cũng là phiên bản đầu tiên mà Keiji tập trung nhiều hơn trong vai trò là nhà sản xuất và để lại vai trò thiết kế nhân vật cho các thành viên khác. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến Hitoshi Ariga bởi chính anh đã thiết kế nên bộ giáp huyền thoại “Ultimate Armor” cho X, chỉ có thể được mở khoá thông qua việc nhập một đoạn mã bí mật trong màn hình chọn nhân vật. Ngay cả nhân vật Zero cũng sẽ có cho mình một bộ giáp Ultimate riêng, nhưng đội ngũ sau cùng lại không hoàn thành nó, và để bộ giáp ấy trở thành Black Zero như chúng ta vẫn biết. 
Ban đầu, Megaman X4 được định sẵn là một tựa Game độc quyền cho hệ máy Sega Saturn. Nhưng sự ra mắt của PS1 đã khiến Capcom hoãn ngày phát hành từ tháng 6 sang tháng 8/1997 ở thị trường Nhật Bản. Còn đối với thị trường phương Tây, Sony America không cho phép Capcom phát hành Megaman X4 tại thị trường Hoa Kỳ vì vi phạm một vài điều luật. Sau một khoảng thời gian ngắn, cuối cùng Capcom cũng đạt được thỏa thuận để đưa sản phẩm của mình ra ngoài Nhật Bản. Mọi nỗ lực của Capcom đã đạt được kết quả. Tựa Game được đón nhận tích cực bởi giới chuyên môn và đại chúng. Chỉ thua một huyền thoại khác đến từ nhà Konami là Castlevania: Symphony of the Night cho vị trí tựa Game Side Scroller của năm. Đặc biệt, đây cũng là phiên bản mà tôi tin chắc rằng là tuyệt vời nhất với đa số người dân Việt Nam. Với đà thành công này, Megaman X5 đã ngay lập tức được đưa lên bảng kế hoạch các dự án tiềm năng của Capcom. 
Phần Game cuối cùng của chuỗi, chắc là thế
Đối với nhà sản xuất Keiji Inafune, Megaman X5 được dự định là phần Game cuối cùng của chuỗi Spin-off này. Có lẽ một phần bản thân anh cũng đã dần nhận ra được sự hụt hơi của dòng Game. Bởi vậy mà Megaman X5 có một cốt truyện thực sự đen tối với một cái kết vô cùng bi tráng và trọn vẹn, chứ không hề có một cái kết mở cho những sự kiện tiếp theo nếu dòng Game có tiếp tục. 
Sigma, con trùm cuối của tất cả các phiên bản lại một lần nữa được hồi sinh. Lần này, hắn muốn mở khoá sức mạnh tối thượng của Zero để tiêu diệt X. Đồng thời, hắn làm một con tàu vũ trụ siêu to khổng lồ đâm vào Trái Đất để tiêu diệt hết tất cả. Còn 16 giờ trước vụ va chạm, X và Zero lần này phải tiêu diệt Sigma và ngăn chặn thảm họa chuẩn bị giáng xuống. Tại sao tôi lại mô tả cốt truyện của phần Game này mà không phải tất cả cả phần Game trước ? Bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sự thay đổi trong lối chơi. Vẫn sẽ có 8 màn chơi và 8 con trùm mà người chơi có thể hoàn thành theo bất cứ thứ tự nào. Theo kế hoạch ban đầu, X và Zero sẽ thu thập 4 bộ phận của một khẩu đại bác lớn tên là Enigma để bắn nổ con tàu vũ trụ trước khi nó đâm vào Trái Đất. Nhưng phát bắn này có cơ hội thất bại. Nếu kế hoạch Enigma không thành công, nhóm Maverick Hunter phải xây một con tàu vũ trụ khác và lái nó đâm nổ con tàu đang hướng về Địa Cầu. Cơ hội thành công của cả 2 kế hoạch đều là ngẫu nhiên. Đối với Enigma thì phần trăm là rất thấp, còn kế hoạch phóng tên lửa thì cao hơn rất nhiều, đã tính đến trường hợp Zero và X đã thu thập được tất cả các bộ phận cần thiết cho cả 2 kế hoạch. Mỗi bộ phận sẽ được giữ bởi 1 con trùm trong Game. Sự thành công của kế hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cái kết của Megaman X5. 
Đây cũng là phần Game đầu tiên có nhiều cái kết tuỳ vào quá trình hoàn thành của người chơi. Tuy vậy, giờ người chơi có thể chọn điều khiển X hoặc Zero giữa các màn chơi chứ không còn là 2 tuyến cốt truyện độc lập như phiên bản trước nữa. Về cơ bản, cách triển khai của Game vẫn như các phần Game trước. Tuy nhiên vẫn sẽ có một vài giới hạn nhất định. Nếu người chơi chọn nhân vật nào trước để chơi màn chơi mở đầu, thì nhân vật còn lại sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Đối với X là mất đi bộ giáp từ X4, đối với Zero thì sẽ bị mất súng. Zero nay có thể lấy các mảnh giáp hộ cho X. Có tổng 4 bộ giáp mà X có thể dùng, nhưng tất nhiên là nhân vật này không thể sử dụng lẻ được các mảnh giáp, phải lấy đủ tất cả các bộ phận. 
Những thay đổi và cải tiến về cả lối chơi lẫn cốt truyện đã phần nào khiến chất lượng của Megaman X5 là phiên bản tuyệt vời nhất của cả dòng Game. Nhưng tiên đoán của Keiji cũng đã chính xác phần nào khi nó không còn được đón nhận nhiệt liệt như các tiền bản trước. Hầu hết các phê bình đều cho rằng Megaman X5 chỉ là cải tiến nhất thời của một cốt lõi đã dần cũ mèm và tụt hậu với thời đại, chỉ trích Capcom đang “vắt sữa” thương hiệu Megaman X như cách họ vẫn làm với tất cả các thương hiệu khác của hãng. Mặc dù vậy, Megaman X5 vẫn sẽ là một cái kết viên mãn cho dòng Game. Cho đến khi ….. 
Megaman X6 và chìm sâu vào khủng hoảng 
Megaman X5 dù nhận về nhiều đánh giá tiêu cực, nhưng số lượng bán ra của tựa Game vẫn rất tốt. Tốt tới mức Capcom sẵn sàng bỏ ngoài tai mọi lời phê phán để một lần nữa đưa hậu bản X6 lên giai đoạn sản xuất với sự phụ trách bởi nhà sản xuất Tatsuya Minami.
Nhà sản xuất Keiji Inafune hoàn toàn bị gạt bỏ ra khỏi dự án. Trong thời điểm này, anh đang trong quá trình phát triển một dự án thành công khác là Onimusha. Anh trần thuật lại: “Tôi đã cho Zero một cái kết đẹp trong Megaman X5 để giúp anh ta tiếp tục cuộc hành trình với một series Spin-off hoàn toàn mới là Megaman Zero. Nhưng Megaman X6 được phát triển bởi một đội ngũ hoàn toàn khác, họ đưa Zero trở lại và phá huỷ kế hoạch của tôi. Lúc tôi biết tin, tôi kiểu, “cái quái gì thế này”. Zero đã được hồi sinh 2 lần rồi và nó không hợp lí chút nào cả.” 
Keiji Inafune cũng bày tỏ rằng anh nợ Fan của Megaman X một lời xin lỗi vì sự tồn tại của X6, dù rằng series đã đi theo hướng nằm ngoài sự kiểm soát của anh ở thời điểm đó. 
Cốt truyện của Megaman X6 trở thành một thảm hoạ với đa số các Fan của dòng Game. Một điểm gây tranh cãi khác là Gameplay của phần Game này. Nhiều người cho rằng cốt lõi của nó vẫn là một tựa Game Megaman X mà họ từng yêu quý. Nhưng một số khác cho rằng phần Game đang trở nên quá phức tạp, và độ khó thì vượt tầm của đại đa số người chơi đại chúng. Những chỉ trích này hoàn toàn có cơ sở khi mà Megaman X6 được đánh giá là phiên bản khó nhất toàn bộ Series. Phần Game này được phát hành độc quyền trên hệ máy PS1 tại thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Trong đó, phiên bản PC lại được Capcom ưu ái phát hành cho thị trường Hàn Quốc và Đài Loan, khiến những người chơi khác trên thế giới muốn thưởng thức Megaman X6 trên PC buộc phải sử dụng một bản patch tiếng Anh của cộng đồng. 
Đến hết năm 2001, Megaman X6 chỉ bán được khoảng 107 ngàn copy tại Nhật Bản, một con số quá khiêm tốn. Nhưng vẫn chưa đủ khiêm tốn để Capcom một lần nữa nhấn series Megaman X chìm sâu hơn xuống vũng bùn cùng với Megaman X7. 
Năm 2003 chứng kiến cái chết của một trong những dòng Game con cưng của rất nhiều người. Tới nay, rất nhiều người chơi trên thế giới cho rằng sự ra đời của Megaman X7 là một tội ác chỉ sau sự ra đời của Adolf Hitler. Cốt lõi dẫn tới sự thất bại thảm hại này là do nỗ lực đưa Megaman X từ một tựa Game side-scrolling 2D thành một tựa Game hành động Platform 3D. Còn nhiều vấn đề khác như việc camera trên nền 3D gây khó khăn cho người chơi trong việc đi màn, các nhân vật sử dụng vũ khí tầm xa bao gồm X và nhân vật mới Axl hữu dụng hơn hẳn so với Zero. Theo như nhận định của trang tin GameSpy, “tôi không thể đổ lỗi cho Capcom khi họ đang cố gắng để thổi một làn gió mới vào dòng Game, nhưng rõ ràng là họ đang lạc lối. Các màn chơi 2D không tốt bằng các tiền bản, các phân đoạn 3D không quá đặc sắc.” Trong khi đó, IGN lại đưa ra những nhận định căng thẳng hơn hẳn “Megaman X7 sẽ tốt hơn nên ở lại với lối chơi 2D truyền thống.” Số điểm đánh giá chỉ dừng lại ở 5 điểm trở xuống trên 10. 
Quyết định sai lầm của Capcom trong giai đoạn này đồng thời đã đưa rất nhiều thương hiệu của hãng tới mốc thấp nhất, mất hẳn đi vị thế vốn có của một trong số những nhà làm Game xuất sắc nhất Nhật Bản. Không chỉ Megaman X chịu đòn, mà bên cạnh đó còn có cả Devil May Cry 2, và sau đó là Resident Evil 5. Để sửa chữa lại sai lầm, Capcom đã giao dự án hậu bản Megaman X tiếp theo lên cho đội 1, chuyên phụ trách các dòn Game mũi nhọn để hướng tới các thị trường quốc tế, chứ không còn là đội 3 chỉ chuyên phụ trách các tựa Game tập trung vào tính Co-op như Street Fighter, Dragon’s Dogma, … Và quyết định này đã thắp lên một tia hy vọng dành cho các Fan của X, Zero và Axl. 
Tia hy vọng và tiềm năng vào tương lai
Capcom quyết định tiếp tục với dòng Game Megaman X kể cả khi không có sự đồng hành của Keiji Inafune. Nhưng theo như lời khuyên của anh tới đội ngũ thực hiện Megaman X8, dòng Game này nên ở lại với lối chơi 2D truyền thống. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, đồ hoạ 3D mới là xu hướng. Vì vậy, nhóm phát triển đã đưa ra một giải pháp hợp lý, là phát triển Megaman X8 theo phong cách 2.5D, tức là sử dụng model 3D cho gameplay 2D để tạo nên một trải nghiệm hoàn mỹ kể cả về mặt thị giác và lối chơi. 
Bên cạnh việc loại bỏ những gì là khuyết điểm trong các phiên bản X6 và X7, đội ngũ vẫn giữ lại những cải tiến hợp lý. Như giữ lại khả năng mang 2 nhân vật để có thể thay đổi ngay trong màn chơi, thêm cơ chế phá giáp của kẻ địch, thêm cơ chế Double Attack, … có thể nói, Megaman X8 là một hậu bản đúng nghĩa nhất kể từ sau sự ra đời của X5. Tuy nhiên, đó vẫn là chưa đủ để dòng Game Megaman X trở lại với thời hoàng kim vốn có của nó. 
Tới nay, đã 17 năm trôi qua kể từ khi người chơi trên toàn thế giới được thấy After Credit để ngỏ ở phần kết của X8. Những lời đồn đoán về Megaman X9 vẫn luôn được cộng đồng truyền tai nhau. Vào năm 2010, hy vọng của các Fan gần như đã bị đập vỡ khi Keiji Inafune, cha đẻ của Megaman rời Capcom để bắt đầu một công ty riêng của mình, tên là Comcept. Công ty này không trực tiếp phát triển Game mà chỉ dừng lại ở việc thiết kế và sản xuất. Tuy nhiên, Comcept rất hay hợp tác với các Studio khác để phát triển dự án. Năm 2013, Keiji khởi xướng một dự án Kickstarter được cho là hậu duệ của Megaman cũng như Megaman X, dự án này có tên là Mighty No.9. 
Dự án gọi vốn thành công và Mighty No.9 được phát hành vào năm 2016, và nó cũng không gặt hái được thành công như mong đợi. Chỉ đạt được điểm trung bình 50/100 đối với tất cả hệ máy theo như trang tin tổng hợp Metacritic. Tương lai về một tựa Game mang đúng tinh thần của một robot màu xanh, cũng như Megaman X theo đó cũng dần trôi vào quên lãng. 
Có còn đó cơ hội được thấy Megaman X9
Ngày 04/12/2017, Capcom bất ngờ thông báo Mega Man 11 vào Livestream kỉ niệm 30 năm của dòng Game. Phiên bản mới nhất của dòng Game Mega Man Classic nhận được sự đánh giá cao của người chơi và giới chuyên môn. Đây là một phản ứng tích cực để phần nào nuôi thêm hy vọng vào sự tồn tại của một hậu bản mới cho loạt Game Megaman X. 
Capcom dạo gần đây đang bay cao với liên tiếp các dự án thành công. Và họ đang dần muốn trở lại và thực hiện các tựa Game thành công trong quá khứ và đưa nó trở lại đỉnh cao. Bên cạnh đó, Capcom thường có thói quen phát hành lại các tựa Game cũ nhằm đánh giá phản hồi của người chơi. Trước khi thông báo Devil May Cry 5 năm 2019, Devil May Cry 4 Special Edition đã được phát hành lại vào năm 2015. Onimusha: Warlords, phiên bản Remaster được phát hành lại trên các hệ máy thế hệ mới vào năm 2019. Thông tin về một hậu bản của Onimusha cũng đã được lan truyền dựa theo những dự án bị rò rỉ vào năm 2020. Mới đây, Megaman X Legacy Collection cũng đã được phát hành lại trên các hệ máy mới vào năm 2018, có lẽ đây cũng là một động thái thăm dò trước khi Capcom đưa hậu bản Megaman X9 lên quá trình phát triển. 
Hy vọng vẫn chưa hết và chúng ta, những người chơi dù là Fan hoặc không phải Fan, hoàn toàn có khả năng để nhìn thấy và được chơi Megaman X9 trong khoảng thời gian tới.