Đánh ghen sao cho sang?
Chuyện đánh ghen vốn là đề tài đầy kịch tính từ xưa xửa xừa xưa. Ca dao có bài: Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé, bỏ bè con...
Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, nách cặp con dao.
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, nách cặp con dao.
Ngoại tình có nhiều nguyên nhân, tình nhân có nhiều thể loại, đánh ghen cũng nhiều phong cách. Vậy chớ bây giờ, bị phản bội thì cũng bị rồi, uất ức căm giận thì cũng khói lửa bốc hỏa ngùn ngụt rồi, vậy giờ đánh ghen sao cho vừa khiến đối phương đau khổ mà lại vừa sang chảnh ngời ngời khí chất?
Muốn xem những cảnh đánh ghen của vợ lớn ông hội đồng giàu sang ngất trời Nam ta cứ xem mấy phim địa chủ tá điền trên đài truyền hình Vĩnh Long là thấy. Hoặc mở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh ra đọc, chao ôi muôn hình vạn trạng, đa dạng sắc màu. Những bà hội đồng quần áo lụa là, ở nhà rộng, có ruộng đất thẳng cánh cò bay, luôn bày đủ mọi hình phạt để trừng trị kẻ giật chồng. Hồi xưa, bà cố (tức bà nội của mẹ tôi) từng kể với mẹ tôi về một chiêu thức đánh ghen của mấy bà hội đồng phong kiến hết sức rùng rợn. Khi xác định được đối tượng cần trừng trị, bà hội đồng kéo theo đàn em, tức đám người hầu kẻ hạ tay chân đắc lực, tìm đến chỗ tình địch. Đám người kéo đến bất ngờ, làm một phát xé đồ giật tóc, chửi bới om sòm khiến cô tình nhân trở tay không kịp, bị đánh đến không kháng cự nổi, nằm ra đất, quần áo tóc tai rũ rượi, ê chề giữa đám đông người người đứng xem. Tiếp theo, bà hội đồng sẽ sai người dùng muối ớt, hoặc đầu tư hơn thì là những mảnh chai thủy tinh đập thật nhỏ xát vào vùng kín của tình địch.
Chiêu thức đánh ghen vừa kể nghe drama hung tợn quá. Thôi bây giờ ta qua thưởng thức tranh cho tâm hồn thư thái một chút. Ở trên là bức "Đánh ghen", một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh Đông Hồ. Trong tranh thể hiện rõ 2 phe: Một bên là vợ và con, một bên là chồng và bồ. Khung cảnh diễn ra trận đánh ghen là một gia đình khá giả, có cổ thụ, có bình phong. Để chuẩn bị cho "trận chiến" này, người vợ đã thực sự bỏ bao tâm sức. Tóc thì búi cao gọn gàng, xắn váy quai cồng, tay lăm lăm cây kéo làm vũ khí. Phong thái hừng hực chí khí ngất trời, mặt không biến sắc, chị vợ cầm cây kéo xông vào cắt tóc cô kia. Cô tình nhân bên đây trắng trẻo đẫy đà, ăn mặc gợi tình, vẻ không khiếp sợ. Thường thì bồ vẫn luôn biết cách làm duyên làm dáng, làm mình làm mẩy, làm say đắm lòng người hơn vợ. Anh chồng đứng ở thế kẹt, dùng lời khuyên ngăn: “Thôi thôi nuốt giận làm lành. Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”. Khi mà vợ anh đùng đùng sát khí, quyết làm một trận long trời lở đất thì anh, một tay ngăn vợ, một tay không hiểu vô tình theo bản năng giới tính hay cố ý mà...... ý kìa....kìa cái tay cái tay...bắt lấy cái tay.....
Bàn chuyện đánh ghen, nếu không kể đến Hoạn Thư thì sẽ là một thiếu sót vô cùng to lớn. Đọc Truyện Kiều, sau anh Hải thì tôi thích chị Thư nhất. Dăm ba cái cô Thúy Kiều tuổi gì mà so với người đàn bà mưu cơ sâu sắc như chị Thư. Hoạn Thư thuộc một dòng họ danh giá, con quan Lại bộ, phong cách lịch sự, khôn ngoan. Tiểu thư lấy Thúc Sinh - một thanh niên theo cha làm quan ở phủ Lâm Tri. Thúc Sinh vốn là kẻ ham mê của lạ, ăn chơi "bốc trời". Nghe tiếng cô Kiều tài hoa tuyệt sắc, Thúc Sinh tìm đến lầu xanh, rồi "một tỉnh mười mê", quyết gắn bó với nàng. Hoạn Thư biết chồng có tình nhân nhưng vẫn cư xử hết sức chu đáo, vẫn đưa đón khi đi khi về, vẫn chăm sóc ân cần hết mực. Chị Thư chẳng những thông minh mà còn khéo che đậy cảm xúc, cố làm cho mọi người tưởng chị đã tin tưởng toàn tâm vào lòng thủy chung của Thúc Sinh. Thủ hạ đứa nào báo tin Thúc Sinh trăng hoa bên ngoài, đều bị Hoạn Thư sai vả miệng bẻ răng.
Thời ấy trai năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, vậy nếu Thúc Sinh nạp Kiều làm thiếp thì cũng chẳng có gì đáng lên án, Hoạn Thư cũng không lý gì mà lại đi ngăn cản, ghen tuông. Xuất thân danh giá, khét tiếng là người "ở vào khuôn phép nói ra mối giường", lẽ nào chị Thư không hiểu chuyện đàn ông mặc nhiên được cái quyền có nhiều vợ hay sao? Thư hiểu hết, còn hiểu rất rõ, vậy tại sao Thư lại đánh ghen?
Luật lệ phong kiến cho phép đàn ông cưới nhiều vợ. Nhưng những bà thiếp tức vợ bé thì phải do bà vợ lớn đứng ra cưới về cho chồng. Hoạn Thư đánh ghen không phải vì sợ mất chồng, mà bởi Thúc Sinh kia chưa được phép của vợ cả mà đã giở trò thăm ván bán thuyền. Hoạn Thư đánh ghen vì Thúc Sinh và Thúy Kiều đã xâm phạm, làm tổn hại cái quyền uy vợ cả của Hoạn Thư, dám coi thường tôn ti trật tự trong gia đình họ Hoạn. Kiều có khuyên Thúc Sinh về kể lại sự tình, xin phép vợ lớn; Thư có mở lời cho Thúc Sinh nếu chàng ta thật thà thú nhận thì nàng cũng chẳng hẹp hòi "ví bằng thú thật cùng ta, cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên". Nhưng cái cha nội Thúc Sinh này, lại mắc bệnh nhu nhược quá mức. Đành rằng "sợ vợ hơn sợ cha" thì đừng lăng nhăng trăng hoa làm gì. Tội cho chàng Thúc Kỳ Tâm, biết kinh hồn khi nghĩ về thái độ của vợ khi biết chuyện mình ngoại tình, nhưng lại không biết cắt đứt với tình nhân chỉ bởi đã lỡ quá si mê đắm đuối.
"Thì ra... Chàng chọn cái chết" - Thư said. Thế là Thúc Sinh không còn đường lui nữa rồi. Đầu tiên, Hoạn Thư mớm ý cho Thúc Sinh nên về Lâm Tri thăm cha cho phải đạo làm con. Khi Thúc Sinh vừa ra khỏi nhà, Hoạn Thư liền về bàn với mẹ sai hai tên Khuyển và Ưng đi đường sông cho nhanh hơn, đến nhà Kiều bắt cóc cô nàng, rồi đốt nhà, vứt một cái xác vô chủ nhặt bên sông vào đám cháy. Thúc Sinh khi về thăm cha, thấy Kiều bị thiệt mạng vì nhà cháy, buồn rầu, than khóc buồn đau lung lắm, rồi sau đó trở về quê. Gặp lại chồng, Hoạn Thư lúc này vồn vã đón Thúc Sinh vào nhà. Vợ chồng hàn huyên xong, Hoạn Thư cho gọi Hoa Nô ra chào ông chủ. Kiều sửng sốt, có dè đâu lại gặp Thúc Sinh trong tình cảnh này, biết ngay mình đã bị sa vào tròng rồi. Sực nhớ đến lời dặn của mụ quản gia, Kiều đành phải cúi đầu quỳ xuống thi lễ. Thúc Sinh nhìn thấy Kiều thì phách lạc hồn xiêu, thấy mình đã bị mắc mưu Hoạn Thư, biết làm sao mà cứu nhau được, quá đớn đau nước mắt tuôn ra tràn trề. Thôi phen này xong, còn gì nữa đâu mà khóc với sầu...
Thúc Sinh thấy không sao chịu nổi, muốn xô bàn rượu mà ôm lấy Kiều để khóc rống lên, nhưng... sợ vợ, nên nào dám. Hoạn Thư thì cứ ngọt ngào mời mọc, mà chàng thì một mực cứ chối từ. Hoạn Thư biểu Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh. Tiếng đàn của Kiều thảm thiết "như khóc như than".
Hoạn Thư đau khổ suốt hai năm trời, nay chỉ đứng đạo diễn tấn bi hài kịch này chưa trọn một đêm mà đã hả lòng. Nhưng nàng lại thấy rằng để Thúc Sinh và Kiều ở gần nhau mãi cũng rắc rối. Cuộc sống như vậy giữa ba người chẳng ổn. Phải làm thế nào cho Kiều tự ý bỏ đi, không đợi nàng mở miệng xua đuổi. Thế rồi, thường thấy đôi mắt Kiều sưng và đầy nước mắt, Hoạn Thư bảo Thúc Sinh tra khảo vì nguồn cơn gì ? Kiều viết tờ khai, đại ý nói quê nàng ở xa, vì cha bị oan khiên, phải bán mình và bị lừa vào thanh lâu, có người chuộc ra làm vợ, rồi chồng đi vắng, bị bắt đưa vào cửa nhà quan... buồn khổ, mong được vào chùa tu cho nhẹ nợ trần. Lý do vậy cũng ổn, Hoạn Thư cho Kiều ra Quan Âm Các, Kiều đổi tên là Trạc Tuyền, mặc nâu sồng, sớm khuya đèn hương niệm Phật. Một hôm, nhân Hoạn Thư nói về thăm mẹ, vắng nhà, ông Thúc Sinh ổng vội lẻn ra vườn gặp cô Kiều. Hai má này đang than khóc thì chợt chị Thư bước tới, bắt quả tang. Thúc Sinh tìm cách chối quanh, Hoạn Thư lúc này cười cười nói nói như không. Trời đất ơi tôi tưởng tượng khúc này, trái tim chị Thư chắc trăm ngàn lần vỡ vụn, đau khổ đến dường nào mà ngoài mặt vẫn có thể tỉnh như không. Phần Kiều, nàng lo sợ nếu mình ở lại nơi miệng hùm nọc rắn này thì nguy hiểm khôn lường. Vậy là nàng liều bỏ trốn.
Hoạn Thư có người chồng ngoại tình, địch thủ lại tài hoa, nhan sắc hơn người, cha chồng và quan trên tác hợp, còn mình, vợ cả, lại bị luật lệ "thất xuất", lễ tục "phụ quyền" kiềm cặp, ràng buộc. Tưởng không có nỗi đau khổ, uất ức, nhục nhã nào hơn! Thật ra, từ khi Kiều bước chân vào nhà Hoạn Thư cho đến khi bỏ trốn, Hoạn Thư không hề đánh Kiều một roi nào. Cách hành hạ trả thù của Hoạn Thư không phải là làm cho Kiều phải đau đớn mà là làm cho Kiều phải nhục nhã, không phải làm cho Thúc Sinh thêm xót xa quyến luyến người tình mà là làm cho Thúc Sinh phải lộ chân tướng hèn nhát, bội bạc:
"Liệu mà xa chạy cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi"
Đánh ghen khôn khéo như Hoạn Thư thì sang và thâm hơn đánh ghen kiểu túm đầu nắm tóc tình địch chăng? Tôi không đánh giá được. Tôi chỉ biết chắc một điều, dẫu chọn cách nào, thì trái tim người vợ đã như trăm ngàn vết dao xuyên thấu. Đánh ghen có thể hả hê lúc đó, cơn giận được trút ra ngay khi ấy, nhưng dư âm của nỗi đau bị phản bội chắc chắn vẫn còn rất dài. Không cần xem các video clip đánh ghen, ta cũng đủ hình dung ra khung cảnh mọi cuộc đánh ghen với motip quen thuộc. Người vợ hung hăng, chửi bới, khóc lóc, xông vào cào cấu, nắm tóc, đấm đá túi bụi. Cô tình nhân yếu ớt bỗng chốc thành nạn nhân, bị lôi đi xềnh xệch. Anh chồng ra sức can ngăn, vai trò anh hùng cứu mỹ nhân, bảo vệ cô bồ khỏi nanh vuốt của vợ. Có anh chồng còn động thủ với vợ, ra tay bóp cổ, vung tay tát vào mặt vợ. Ngẫm thấy, dẫu người vợ có "đi đường quyền", hay chọn cách mưu kế thâm sâu như Hoạn Thư, thì với người chồng, bồ vẫn ở thế yếu, vẫn là người tình tội nghiệp, đáng được chở che mà thôi. Trong lòng Thúc Sinh, Kiều vẫn rất chi là đáng thương, rất cần được che chở cho dù Thúc lực bất tòng tâm.
Nhiều người nói: "Đánh ghen ư, để làm gì? Để bêu rếu với thiên hạ, vạch áo cho người xem lưng hay sao?". "Sao không dành thời gian đó mà đi gặp luật sư". "Đánh ghen chỉ là hành động ngu ngốc"... "Đến bao giờ phụ nữ mới thôi ngốc nghếch?". "Đánh ghen ư, để làm gì?... Để dành giật người đàn ông phụ bạc hay sao?".
Người ngoài cuộc vẫn dễ ung dung phán xét hơn người trong cuộc mà. Ngay cả đứa chưa trải đời nhiều, đối với chuyện chồng con luôn xem là vấn đề quá xa vời như tôi, ngồi gõ mấy dòng này cũng với tâm thế nhí nha nhí nhảnh, bà tám ham nói viết đủ thứ chuyện chứ tôi nào hiểu hết được. Tôi chỉ nghĩ một điều, rõ ràng người vợ mới là nạn nhân, mới là người gánh chịu nỗi đau bị phản bội, nhưng cô bồ lại trở thành nạn nhân trong mắt người chồng. Tôi chỉ nghĩ được đến như thế. Và rồi tôi tự dưng thấy buồn...
Sáng nay tôi đọc được một bài viết ví chuyện order giày với chuyện có chồng ngoại tình của chị Trần Thu Hà khiến tôi suy nghĩ. Chị nói về việc chân chị mang giày size 37, nhưng chị lại mua đôi giày dường như size 36.5. Chị tìm mọi cách để nong giày ra, hì hục bó chân cố nhét chân vào cho vừa, đi được vài giờ, nhưng đau quá. Chị ước gì chân mình bé lại một tí, trách giày sao không lớn thêm một tí.
"Hãy công bằng nào, lúc này đây, biết đâu cũng có 1 người size 36.5 nào đó đang bị thiếu giày. Và đôi giày cũng tội nghiệp, khi mà nó không được tự hào, sung sướng để mà mang lại hạnh phúc cho 1 đôi chân vừa vặn với nó .... Bạn than thở chồng có người khác, biết đâu cô bồ không cướp chồng của bạn, mà là 5 năm trước bạn đã lỡ lấy nhầm chồng của họ, và giờ họ tới và lấy lại thôi".
Nếu nhìn sự việc theo góc độ này, ta sẽ thấy chuyện đánh ghen dường như trở nên vô nghĩa. Chân bạn to hay nhỏ, mập hay ốm, dài hay ngắn đều không có lỗi, nếu bạn order một đôi đúng size.
WTF
/wtf
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất