Q: Điều đáng sợ nhất thú cưng của bạn từng làm?
A: Tom Kehoe
Link: https://qr.ae/TWrjKO
______________
Trong hình ảnh có thể có: mèo

Sau khi kết hôn vài năm, vợ tôi cho tôi một con mèo Xiêm (lynx-point Siamese) khá giống trong hình. 
Tôi đặt tên nó là Hồng Hi Quan, theo tên một cao thủ võ thuật nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa. Đó quả thật là một sai lầm vì dường như thằng mèo tâm đắc với cái tên của nó đến nỗi nó dành suốt 10 năm cuộc đời để đi săn, oánh lộn và tiêu diệt bật cứ thứ gì trong tầm móng vuốt của nó. Vợ tôi chỉ gọi nó là “Mèo”. Một bà hàng xóm thì gọi nó là “đồ quỷ sứ đến từ địa ngục” vì nó khủng bố mấy con chó của bả.

Mèo chỉ cam chịu bị “nựng” trong một chốc một lát. Nếu nó đã hết hứng thú mà bạn còn cố vuốt ve nó, thì bạn chính là người gặp nguy hiểm. Nó cắn. Nó cào. Nó sẽ cho tay bạn biết thế nào là nghệ thuật cắt tỉa. Chỉ có 2 người được nó coi trọng: tôi và bố vợ, một ông già đơn thuần yêu động vật. Pap có thể lật ngửa Mèo và để nó lủng lẳng, còn Mèo dường như không bao giờ cáu tiết với ổng.

Có lần vợ tôi mắng: “Tất nhiên là anh yêu thằng Mèo rồi – nó giống hệt anh. Nó chỉ âu yếm và dịu dàng khi nào nó vui vẻ, còn hễ mà anh nhìn nó không đúng cách thì nó vặt đầu anh ngay.” Tôi nghĩ thằng Mèo cảm thấy xúc phạm khi bị so sánh như thế.

Tiếng xấu đồn xa. Tính phá hoại của thằng Mèo đã trở thành huyền thoại trong khu phố. Nó có thể kết liễu bất cứ thứ gì kể cả những con vật không cùng kích cỡ với nó như chuột, thỏ, thậm chí một con chim ưng ngu đến nỗi đậu lên cái thuyền cạnh nhà tôi. Chó nhìn thấy nó là tránh xa. Có lần nó còn ăn một vị khách trong buổi tiệc tối.

Nhưng nó chẳng bao giờ tìm ra cách kết liễu mấy con rắn. Đôi khi thằng Mèo lôi mấy con rắn quằn quại vào nhà, chơi với chúng, rồi thả chúng đi khi nó đã chán. Vợ tôi chẳng vui nổi mỗi lần tìm thấy một con rắn còn sống đang giận giữ nằm trong tủ quần áo, hoặc trong phòng khách, trong nhà tắm…

Có lần thằng Mèo đi đâu mất cả mấy ngày trời. Khi nó quay về thì mất 1 tai, gãy một chân trước. Bác sĩ thú y băng bó cho nó lần thứ n. Tôi nghĩ cuối cùng nó đã gặp được trận chiến của cuộc đời mình.

Nếu mà để an ủi”, bác sĩ bảo, “thì thằng này nó oánh thắng đấy.”
Làm sao cô biết?” Tôi hỏi.

Cô bác sĩ vừa cười vừa lật người thằng Mèo lại. “Tất cả vết thương của nó đều nằm phía trước. Khi mèo đực đánh nhau, con nào thua con đó sẽ bỏ chạy. Con mèo kia chắc hẳn bị cào lưng trầy trụa khi bỏ chạy rồi. Còn thằng này không có vết thương nào sau lưng cả.”

Tôi hoang mang Hồ Quỳnh Hương: “Vậy nếu tôi thấy một thằng mèo mù 3 chân ngồi xe lăn đi vòng vòng trong khu phố…

Phải, đó là thằng oánh thua đấy.”

Một buổi sáng chúng tôi để ý thấy trên đầu thằng Mèo dính một cục kẹo cao su trăng trắng cưng cứng. Vợ tôi, khôn ngoan như những sinh vật quỷ nhập thể, quấn khăn tắm quanh thằng Mèo trước khi kiểm tra xem cái vật đó là gì. Cổ khều khều vài cái rồi vật đó rớt ra. Đó là một cái răng nanh dài 0.75 inch (1,9 cm) của một con nào đó cố cắn thật mạnh vào đầu thằng Mèo, đến nỗi mà rụng cả răng ra.

OK, đó là phần mở bài. Đây là phần “đáng sợ”. À, 2 phần “đáng sợ”.

Tôi thường để cặp bên ngoài phòng ngủ, và đóng cửa phòng mỗi tối. Theo định kỳ, thằng Mèo sẽ để dành cho tôi một con chuột chết qua đêm bên cạnh cái cặp, để tôi có thể nhìn thấy ngay khi tôi ngủ dậy. Còn nó sẽ ngồi trên ghế, quan sát và chờ tôi ngủ dậy, thấy con chuột, và nhận quà.

Có rất nhiều lời giải thích về hành vi này của nó. Người thì bảo đó là dấu hiệu của sự tôn trọng; người thì khăng khăng đó là hành động của những con mèo cái đang cố chăm sóc người mà nó cho rằng không thể nuôi nổi thân mình. “Nhưng nó là mèo đực”, tôi chỉ ra. Cô ấy nhăn nhó rồi bảo “mèo không làm thế”.

Bản thân tôi thì cho rằng thằng Mèo chỉ nghĩ chuột là một món ăn nhẹ nhàng giúp cho cuộc họp buổi sáng diễn ra suôn sẻ.

Điều kỳ lạ là: Thằng Mèo luôn tạo dáng cho mấy con chuột theo cách mà những tên giết người hàng loạt làm với nạn nhân nhằm gợi ra các phản ứng từ bất cứ ai tìm thấy họ. Nó luôn đặt mấy con động vật gặm nhấm nằm ngửa ra, chân co quắp và chỉ lên trời. Còn mắt chúng thì luôn nhắm chặt (thằng Mèo không thể vuốt cho mắt chúng nhắm lại, phải không?), và, lạ nhất là, lúc nào cũng không còn cái đuôi. Thế quái nào nó lại nhai mất cái đuôi? Nó giữ phần ngon nhất cho riêng nó ư? Hay nó sợ cái đuôi sẽ giắt vào răng tôi khi tôi đi họp? Mấy câu hỏi này có thể khiến bạn mất ngủ cả đêm.

Vậy là một buổi sáng nọ, tôi thức dậy, đi qua cái cặp, và để ý thấy thằng Mèo đã ngồi sẵn trên ghế. Tôi pha cà phê, rồi quay trở lại chỗ cái ghế, chắc mẩm sẽ nhìn thấy một con chuột chết. Nhưng cái mà tôi thấy khiến tôi cạn lời. Cả một gia đình chuột chết bên cạnh cái cặp của tôi. Chúng đều nằm ngửa. Mất đuôi. Và được sắp xếp theo thứ tự từ con to nhất đến con nhỏ nhất: chuột bố, chuột mẹ, và mấy con chuột con.

Thằng Mèo chỉ ngồi đó nhìn chằm chằm, như thể đang nói: “Có nhìn thấy những gì trẫm làm cho khanh không?" Còn tôi thì lấy cho nó một đĩa kem rồi đi tìm cái xẻng.

Mèo không làm thế,” bác sĩ thú y bảo.

Và chuyện tiếp theo xảy ra…

Một hôm tôi về nhà khá muộn. Vợ tôi và đứa con út đang học tiểu học đã đi ngủ. Chúng tôi có một cái máy tính bàn ở phòng khách, tôi ngồi xuống đăng nhập vào UNIX box và hoàn thành vài việc còn dang dở ở công ty. Khi tôi đang ngồi gõ phím, đột nhiên tôi phát hiện thằng Mèo đang ngồi trên bàn, nhìn tôi chằm chằm. Điều này cho tôi thấy nó đang đòi hỏi gì đó. Nhưng tôi đang mệt mỏi, chỉ mong có vài giờ để ngủ và đang cố gắng cày cho xong dự án.

Tôi lèm bèm “không phải bây giờ nhé”. Thằng Mèo tiếp tục nhìn tôi vài phút nữa, nó vươn vai, rồi đặt bàn chân nhỏ bé mềm mại của nó lên tay tôi khi tôi đang gõ phím. Cái quái gì vậy? Có lẽ việc thất bại nhất của tôi khi làm một con người đó là để bị cuốn vào công việc mà không nhận ra – hoặc cứ phớt lờ - nhu cầu của những người tôi yêu quý. Tôi mắng thằng Mèo rồi tiếp tục gõ phím. Nó thu chân về, đứng dậy đi 2 bước về phía tôi, thế là nó đứng ngay cạnh bàn phím. Khi tôi tiếp tục gõ, nó thò chân bấm vào một phím trên bàn phím. Hả? “Không có vui đâu. Đi chỗ khác. Tao đang bận.

Tôi cứ gõ. Và nó lại làm thế. Giờ tôi đã cáu tiết lắm rồi. “1 giờ sáng rồi đấy nhé. Tao cần làm cho xong cái đống này rồi đi ngủ. Biến đi chỗ khác.” Khi tôi bắt đầu gõ tiếp thì nó lại thò tay qua và gõ mấy phím nữa làm sai lỗi chính tả tùm lum. Tôi gầm gừ, đẩy ghế ra và nó thu chân lại. Nhưng nó nhìn tôi đầy thất vọng.

Ngày hôm sau và hôm sau nữa tôi không thấy nó đâu. Ba ngày sau lúc tôi đang thay quần áo thì nhìn thấy nó. Làm sao nó chui vào đó được? Nó đang ngủ, tôi cúi xuống gãi gãi vào tai nó, và nó mở mắt nhưng mất khá nhiều sức. Tôi gọi cho bệnh viện và đưa nó tới thú y.

Bệnh án: Suy thận. Bác sĩ thú y nói “Nó bị một thời gian rồi”. Cô ấy rút chất lỏng, kê vài loại thuốc. “Cái này sẽ giúp nó đi lại được.” và cổ bảo: “Mọi thứ sẽ dần dần tốt hơn, dù chỉ một chút thôi.” Thằng Mèo cũng khá hơn. Chúng tôi đã dành ngày hôm đó cùng nhau, và ngày hôm sau nữa, nhưng đến cuối ngày, nó hầu như không thể đứng vững.

Bác sĩ thú y bảo rằng chúng tôi đã hết sự lựa chọn. “Anh biết nó thế nào mà”, cô ấy bảo “hẳn là nó sẽ chọn cách ra đi nhanh chóng”. Cô ấy cho tôi một liều thuốc, và tôi để nó nằm ở nhà, trên một cái gối, trong tia nắng ấm áp mà nó yêu thích. Tôi ngồi chờ cùng nó, trấn an nó rằng không có gì phải sợ, rằng tất cả chúng ta rồi sẽ phải trải qua hành trình này. Khi thằng Mèo yếu dần, nó đặt chân lên tay tôi, và nhìn tôi một lúc trước khi nhắm mắt lần cuối.

Một tảng đá nặng 40 pound đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của nó ở sân trước, một trong những nơi ngủ trưa yêu thích của nó. Đây là nơi yên nghỉ của Vua Mèo.