1. Mình viết kha khá nhiều bài về nghề tài chính, kế toán, kiểm toán trên Spiderum, thậm chí còn vinh dự có mặt trong 2 quyển sách của Spiderum là Người trong muôn nghềNgười trong muôn nghề - Ngành Kinh tế có gì. Tự mình quan sát thấy sinh viên trong ngành nghề này rất đông, thế nhưng không có nhiều thông tin về nghề này làm gì, con đường phát triển ra sao, những yêu cầu, kỹ năng cần thiết là gì...Mình thấy rằng điều này không chỉ cần thiết với sinh viên Việt Nam mà đâu đó cũng có thể áp dụng đối với sinh viên quốc tế nữa. Ngày hôm qua mình cũng được 1 bạn học trường Monash phỏng vấn về con đường sự nghiệp trong ngành này. Đây là 1 phần trong môn học ở kỳ cuối cùng (Current issue in Commerce) trước khi ra trường của các bạn ấy
Trong các bài viết của mình, mình luôn nói về ACCA như một chứng chỉ đem lại rất nhiều lợi thế cho người học ở những khía cạnh sau:
- Như mình đã nói trong bài viết về chứng chỉ ACCA, chương trình này bao gồm các môn học rất rộng từ Kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán, luật, thuế, quản trị tài chính. Vì được trang bị kiến thức rộng như này nên người học có thể làm đa dạng được ở các ngành khác ngoài kế toán, kiểm toán như quản trị tài chính, quỹ đầu tư, tư vấn...Tất cả những ngành này đều cần người làm có 1 kiến thức rộng và chắc liên quan tới bức tranh tài chính của 1 DN, và ACCA cung cấp được điều đó.
- Thứ hai, học xong có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Ở VN chưa đến 1500 người có chứng chỉ ACCA, trong khi nhân lực ngành này thì cần rất nhiều, trên rất nhiều mảng (kế toán, tài chính, kiểm toán). Đối với dân làm kiểm toán, việc có ACCA sẽ giúp các bạn có được kiến thức, và cả 1 CV khá đẹp để phỏng vấn vào Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới). Xét về góc độ khu vực, tỷ lệ kế toán viên chuyên nghiệp của Việt Nam thua xa Singapore, Malaysisa, có lẽ chỉ ngang với Philippines một chút.
- Thứ ba, đề thi ACCA về cơ bản là khá dài để thi trong vòng 180p, như vậy bạn cần tập làm quen với việc lập kế hoạch cụ thể và làm việc với cường độ cao trong 1 thời gian dài (3 tiếng). Đối với các bạn thi 2,3 môn/kỳ thi thì điều này còn cần các bạn ở 1 level cao hơn rất nhiều. Do đó, quá trình học ACCA giúp các bạn trong việc lên kế hoạch và làm việc tập trung, những thứ rất cần thiết sau này khi đi làm
Thật xịn phải không nào, tất nhiên đi kèm với nó là những vất vả mà bạn cũng phải bỏ ra để theo đuổi chứng chỉ này, thường là khoảng 3 năm. Không phải ai cũng quyết tâm để theo đuổi điều này. Một bằng chứng rất rõ ràng là mình nhận được kha khá tin nhắn, bình luận sau mỗi bài viết, nhưng sau đó rất ít bạn có đủ "commitment" để tiếp tục đi theo con đường này. Thế nên mình có viết trong bài viết này về vấn đề động lực và quyết tâm - thứ mà mình tin rằng rất quan trọng để có thể theo đuổi được nhiều mục tiêu trong cuộc sống.
2. Trong quá trình tham gia vào group chạy bộ đường dài, mình vẫn nhớ 1 câu chuyện của 1 chị đã hoàn thành IronMan tại Đà Nẵng. Đại ý chị ấy kể 1 câu chuyện khi bắt đầu có ý thích về việc chạy Marathon, chị ấy có nhắn tin cho anh Đinh Linh về ý thích đó cũng như mong muốn của chị về việc được huấn luyện trực tiếp bởi anh (anh Đinh Linh là một trong những thành viên rất nổi tiếng của group vì vừa là 1 bác sĩ tim mạch tại Bạch Mai, lại có thành tích khủng để tham dự 1 trong 6 giải danh giá nhất của làng chạy Marathon là giải Boston). Chị ấy có kể rằng 1-2 tuần sau mới nhận được tin nhắn trả lời của anh Đinh Linh, hỏi xem còn có quyết tâm đó không. Câu trả lời là có, và sau đó anh Đinh Linh chấp nhận huấn luyện trực tiếp cho chị ấy, và câu chuyện này được kể ngay sau khi chị hoàn thành IronMan.
Mình tin rằng 1-2 tuần của bác sĩ Linh đó đủ để chị ấy ngẫm nghĩ về việc có thực sự mong muốn trở thành 1 marathoner không.
3. Đầu năm nay sau khi đọc 1 series bài viết trên blog của mình có 1 bạn comment trên đó về việc quyết tâm theo đuổi ngành Kiểm toán, mặc dù bạn ấy đã ra trường được 2 năm và đang đi làm sales. Mình có tư vấn và có nói những khó khăn, thậm chí những đánh đổi về mặt thu nhập mà bạn ấy phải chấp nhận nếu bắt đầu lại từ đầu. Mình cũng có nói với bạn ấy về việc học ACCA khó khăn như thế nào, nhất là với một người không có một chút nền tảng nào về kế toán, tài chính cả. Sau 1 vài ngày nghĩ kỹ thì bạn ấy có nhắn cho mình như này:
Bước đầu tiên: Hạ quyết tâm (hay là tăng quyết tâm chứ nhỉ)
Bước đầu tiên: Hạ quyết tâm (hay là tăng quyết tâm chứ nhỉ)
Đến bây giờ thì bạn ấy vẫn đi đúng lộ trình, đã pass 3 môn ACCA với số điểm khá cao (trong đó với mỗi môn học, mình chỉ tư vấn, đưa ra lộ trình và giảng dạy trong 1 thời gian chỉ bằng khoảng 1/4 thời gian mà bình thường mỗi trung tâm sẽ dạy, còn lại là bạn ấy tự học là chủ yếu). Giờ thì bạn ấy đang apply vào intership năm nay của Big4 và đang chuẩn bị thi môn thứ 4 cho kỳ thi tháng 9 này. Tất nhiên mình sẽ kể câu chuyện kỹ về quá trình học của bạn ấy như thế nào ở 1 bài khác, nhưng một lần nữa mình lại thấy rằng, khoảng trống giữa cái mong muốn nhất thời và cái thực sự đạt được chỉ có thể bù đắp bằng một quyết tâm và một động lực cực kỳ lớn lao.
Nếu không, nó mãi chỉ là mơ ước của bạn thôi.