Dành cả thanh xuân để giải phương trình
Thanh xuân ta còn có nhau... phương trình và giáo viên Toán (à nhầm, học sinh tụi tui :)))
Đọc bài viết gốc trên WordPress của mình.
Có lẽ lần đầu tiên mà ta được tiếp xúc với cái khái niệm "phương trình" oái oăm này là thời cấp 2. Hồi đó có biết gì đâu, vì trước đó chúng ta mới được học về nào là số, rồi cộng trừ nhân chia các kiểu, chứ đâu giống như thằng phương trình này đâu, blah blah blah rồi bằng bleh bleh bleh...
Và đương nhiên, mình là đứa khác biệt với đa số mấy đứa cùng lớp (cũng có đối thủ đáng gờm đó nhe). Nhìn vào những con số, thằng ẩn số x, rồi hai cái gạch ngang của dấu bằng, đẹp kinh khủng. Và dĩ nhiên hồi đầu thì đẹp lắm, đơn giản lắm, vì chỉ có những phương trình đơn giản đại loại như vầy: x-1=4.
Lớn hơn, não bộ phát triển, đương nhiên cái trình nó phải khác. Không còn chuyện đơn giản như chuyển vế đổi dấu nữa, mà phải kết hợp nhiều phương pháp hơn để giải ra x. Nấc thang tiếp theo chính là phương trình có mẫu số, nên phải đặt điều kiện, nhân chéo... nói chung là cần nhiều bí thuật hơn.
Lớn hơn nữa, phương trình dần lột xác đến một lé-vồ cực kì cao: nó kêu thêm thằng bạn (cái thằng này cũng na ná giống nó), và theo đó, hai đứa hợp lực, duo với nhau tung chiêu chưởng mọi học sinh bay khỏi ghế, khói lửa nồng nặc tung bay khắp nơi. Và đó chính là nội lực của bọn hệ phương trình.
Lớn lớn hơn nữa, khi chúng ta đã nhốt mình trong phòng, miệt mài luyện công, võ thuật đã đến đẳng cấp thượng hạng rồi, thì một trở ngại mới xuất hiện: logarit. Cái thằng này về cơ bản cũng như bọn trước thôi, nhưng muốn giải ta phải "thuộc lòng" (như những người lái đò năm xưa luôn không ngừng nhắc nhở chúng ta) những công thức logarit.
Phương trình dù thế nào cũng chỉ đưa về một mục đích duy nhất: tìm ẩn.
Tùy bài mà chúng ta sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau để tìm ra cái ẩn này. Phương pháp chung nhất của mình, cho mọi bài giải phương trình, là quy tắc ĐS. Không phải Đại số, cũng chẳng là Đặc sắc, mà là Đọc sách (trước đó mình có nghĩ đến phương án đặt tên là quy tắc CV-chọn vợ, hay CNY, nhưng thôi). Không nhất thiết phải là ĐS như mình đâu, các bạn có thể thay chữ S thành A,B,C,... (hay V) cũng được, miễn đó là thứ bạn thích nhất.
Tại sao lại là Đọc sách? Đơn giản là: giải phương trình cũng giống như đọc sách...
- Đầu tiên, sắp xếp đội hình. Bước này giống như khi bạn lựa chọn thể loại sách. Ví dụ như mình chẳng hạn, mình phát cuồng với mấy cuốn kỳ bí (Mystery) pha kịch tính (Thriller), thậm chí thêm chút kinh dị (Horror) cũng không sao. Tương tự, bạn chọn "sách" (con số) mà quăng qua vế hợp lý hơn, và dĩ nhiên cũng đừng quên đổi dấu (cộng<->trừ, nhân<->chia, mũ<->log...). Bước này tưởng dễ mà khó (theo mình là khó nhất). Nó đòi hỏi bạn phải tung tuyệt chiêu sắc sảo vẹn toàn của Thúy Kiều và kỹ năng Critical Thinking (này dịch qua Tiếng Việt nghe củ chuối quá nên thôi) để cân nhắc nên đặt số qua phía nào của dấu bằng. Sau đó, bạn hốt sách về và ngấu nghiến.
- Tiếp theo, con mắt nghệ thuật. Nói cách khác, đến bước này, khi các con số đã nằm đúng vị trí của nó, các bước làm nên được vạch ra sẵn. Đây là lúc cô ấy gặp anh ấy, mắt gặp não, kết hợp giữa tuyệt chiêu tia nhìn chết người với tư duy sắc bén để vạch ra kế hoạch công thành thật hoàn hảo. Bạn sẽ dùng phép toán nào để biến đổi? Sẽ sắp xếp các con số thế nào để chúng triệt tiêu lẫn nhau? Bạn hùng vĩ như Napoleon Bonapart, bạn trên thông thiên văn dưới tường địa lý như Gia Cát Lượng. Có kế hoạch rồi thì đến bước cuối cùng thôi nào.
- Cuối cùng, công phá thành trì. Lấy ví dụ bạn đang đọc một cuốn trinh thám của Agatha Christie. Khi dòng suy luận của bạn đưa đến ngõ cụt, bạn sẽ làm gì? Đương nhiên là sẽ suy nghĩ theo hướng khác rồi, đúng không? Giải phương trình cũng na ná thế. Khi bạn biến đổi, chuyển vế và bài toán bí lù, bạn phải nhìn nhận vấn đề theo cách khác, đồng nghĩa với việc phải quay lại bước một. Lặp lại, lặp lại... Cứ như vậy, xong! Hmm... không đơn giản như thế... nhưng xong! Đừng quên câu nói của Sherlock Holmes:
"Khi ta đã loại được tất cả giả thiết khác, thì cái cuối cùng, dù vô lý hay khó tin đến đâu thì cũng là sự thật."
Sao, giống khi bạn đọc sách không? Tất nhiên, không hẳn vậy, chỉ là tựa tựa như vậy... Bạn hiểu mà phải không?
Tất nhiên, đây chỉ là cách tưởng tượng của mình. Các bạn có thể lựa chọn và biến tấu câu chuyện sao cho phù hợp (đá banh, hoặc thậm chí đi chọn người yêu cũng được nha).
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất