Danh Nhân - Danh hiệu lớn nhất, vĩ đại nhất, tiếng tăm nhất của Shogi Nhật Bản
Danh Nhân có thể nói là vua của các kì thủ...
Xin chào các bạn, mình là The Power Club - Ngọc tới từ VMKF. Trong khuôn khổ bài Tổng quan về Bát đại danh hiệu của giới Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản, mình quyết định sẽ dành một bài riêng rẽ, cụ thể để nói về danh hiệu lớn nhất - Danh Nhân.
Như luật rừng, chúng ta lại rào trước với nhau vài điều.
- Bạn có thể đọc bài Tổng quan tại đây. Còn dành cho bạn nào vẫn chưa biết Shogi là gì:
- Mình đang nói về danh hiệu Danh Nhân của giới Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản, không phải là danh hiệu Danh Nhân cho giới nữ lưu kì sĩ, cho giới nghiệp dư hay là của cờ vây. Đừng nhầm lẫn nhé, mình nói rồi đấy.
I. Tổng quan về danh hiệu.
1. Lịch sử của danh hiệu Danh Nhân.
Danh Nhân (Meijin, dịch nôm na là người có tiếng tăm, KOL, kiểu thế) là danh hiệu lớn nhất của Shogi Nhật Bản, và có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Không nói đùa, danh hiệu Danh Nhân lần đầu tiên được trao vào năm 1612 vào thời Keicho, và tới nay vẫn là tâm điểm của rất nhiều ván đấu, bài báo và cuộc nói chuyện.
Ban đầu, danh hiệu này là một danh hiệu có tính thừa kế, tức là Danh Nhân sẽ truyền lại danh hiệu này qua 3 đời, trước khi nó hoặc là được bảo vệ thành công, hoặc là truyền sang một vị Danh Nhân khác, cứ như thế cho tới năm 1935, Liên hiệp Shogi Nhật Bản biến Danh Nhân thành một danh hiệu để tranh đấu, cũng là danh hiệu đầu tiên và duy nhất lúc đó; dẫn tới việc vào năm 1937, vị Vĩnh thế Danh Nhân thứ 13 Kinjiro Sekine tự nguyện trao trả danh hiệu này cho JSA, kết thúc thời kì cha truyền con nối của danh hiệu này.
Từ năm 1937 tới năm 1947, tức là khoảng mười kì Danh Nhân chiến đầu tiên, thể thức của giải đấu hoàn toàn là loại trực tiếp, và tới năm 1947, Japan Shogi Association - Liên hiệp (hay là Hiệp hội nhỉ?) Shogi Nhật Bản đã công bố thể thức mới của việc lựa chọn người thách đấu danh hiệu Danh Nhân - Thuận Vị chiến (Jun'isen, mình sẽ trình bày ở phần sau)
2. 3 loại Danh Nhân đặc biệt.
Loại thứ nhất, phổ biến nhất là Vĩnh thế Danh Nhân - 終生名人, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1952, được trao cho một kì thủ khi họ có danh hiệu Danh Nhân tổng cộng năm lần, nhưng sẽ chỉ được nhận vinh dự này, hoặc là sau khi giải nghệ, hoặc là có không may qua đời. Có 19 kì thủ đã đạt cảnh giới Vĩnh thế Danh Nhân, bao gồm:
- Sokei Ohashi đệ Nhất
- Soko Ohashi
- Sokan Ito đệ Nhất
- Sokei Ohashi đệ Tam
- Soin Ito đệ Nhất
- Soyo Ohashi đệ Nhị
- Sokan Ito đệ Nhị
- Sokei Ohashi đệ Tứ
- Soei Ohashi đệ Nhất
- Sokan Ito đệ Tam
- Soin Ito đệ Nhị
- Gohei Ono
- Kinjiro Sekine
- Yoshio Kimura (1952)
- Yasuharu Oyama (1976)
- Makoto Nakahara (2007)
- Koji Tanigawa, cựu chủ tịch của JSA (vẫn đang hoạt động)
- Toshiyuki Moriuchi (vẫn đang hoat động)
- Yoshiharu Habu (vẫn đang hoạt động)
Loại thứ hai, hiếm hơn là Danh Nhân Danh Dự - 名誉名人, bởi vì nó mới chỉ được trao cho hai người là Kensosuke Kosuke vào năm 1936 và Ichitaro Doi vào năm 1954.
Loại thứ ba, chỉ được trao cho duy nhất Sankichi Sakata vào năm 1955 là Danh Nhân Di Cảo (mình tạm dịch, bản gốc là 追贈名人), sau khi ông mất vào năm 1945.
3. Một vài điểm đáng chú ý của Danh Nhân chiến
Cho tới nay, tính từ khi Danh Nhân chiến trở thành danh hiệu tranh đấu được, có tổng cộng 14 kì thủ đã trở thành Danh Nhân, người mới nhất là Độ Biện Minh - Akira Watanabe.
Người lớn tuổi nhất dành được danh hiệu này là Kunio Yonenaga (1993, 49 tuổi 11 tháng), trẻ nhất là Koji Tanigawa (1983, 21 tuổi). Cố kì thủ huyền thoại - Yasuharu Oyama là người dành được nhiều lần danh hiệu Danh Nhân nhất, với 18 lần.
II. Thể thức của Danh Nhân chiến.
Danh Nhân chiến gồm hai giai đoạn, giai đoạn nào cũng đều thu hút sự chú ý rất lớn của báo chí: Thuận Vị chiến (Jun'isen) và Danh Nhân danh hiệu xác định (Meijin-sen).
1. Thuận Vị chiến - 順位戦 (Jun'isen)
Thuận Vị chiến về cơ bản là hệ thống lựa chọn ra người thách đấu danh hiệu Danh Nhân của vị đương kim Danh Nhân mỗi năm, sẽ thường kết thúc vào đầu năm và bắt đầu chu trình mới ngay sau khi trận tranh danh hiệu Danh Nhân kết thúc, để đảm bảo tính liên tục do độ dày đặc của số lượng ván đấu là tương đối. Và hơn nữa, chính vị trí của một kì thủ trong Thuận Vị chiến sẽ phần nào đó mô tả cho người xem về lực cờ của kì thủ trong năm đó, bởi một lý do khá dễ hiểu, do một khi đã đạt tới trạng thái chuyên nghiệp tại Nhật Bản, bạn không thể bị giáng hạng, nhưng tại Jun'isen thì đó là chuyện bình thường như cơm bữa, một kì thủ Cửu đẳng vẫn có thể đang lặn lội ở B2 hoặc C1, hoặc thậm chí như Shintaro Saito Bát đẳng hiện tại đang thống trị nhóm A, và được giới chuyên môn dự đoán sẽ tiếp tục trở thành khiêu chiến giả thách đấu Akira Watanabe.
Thuận Vị chiến có cấu trúc kim tự tháp (nếu bạn có theo dõi bóng đá nhiều thì bạn có thể liên tưởng tới thể thức của Ngoại hạng Anh - Hạng Nhất - Hạng Hai - Hạng Ba rồi nối chúng lại với nhau cũng được), gồm có 5 tầng với 5 nhóm nối liền nhau theo thứ tự: C2 - C1 - B2 - B1 và cao nhất là A. Mỗi nhóm sẽ chứa một số lượng kì thủ nhất định, với A và B1 thì luôn được cố định là 10 và 13, nhưng cơ bản là một kim tự tháp xuôi, càng xuống dưới càng nhiều kì thủ. Tại mỗi nhóm, các kì thủ sẽ đánh vòng tròn một lượt (nếu nhiều quá như B1 và các nhóm C thì sẽ đánh nửa lượt) và thông qua kết quả cuối cùng để quyết định.
Tất nhiên, do kể cả nếu hòa cờ thì cũng sẽ ngay lập tức đánh lại, nên chúng ta có thể dễ dàng chọn ra những kì thủ ưu tú của một nhóm và những kì thủ không tốt của nhóm đó, và ta giải quyết như sau:
- Đối với nhóm A, kì thủ xuất sắc nhất sẽ đường hoàng trở thành khiêu chiến giả - người thách đấu danh hiệu Danh Nhân. Với các nhóm B và C, các kì thủ tốt nhất của nhóm này sẽ được đôn lên nhóm cao hơn một bậc để thi đấu trong năm tiếp theo.
- Đối với các kì thủ không tốt, dĩ nhiên họ sẽ bị giáng hạng xuống nhóm thấp hơn một bậc vào năm sau.
2. Danh Nhân danh hiệu xác định - Tranh danh hiệu Danh Nhân.
Người chiến thắng trong nhóm A như đã nói ở phần 1., sẽ chính thức trở thành khiêu chiến giả, thách đấu để đoạt lấy danh hiệu Danh Nhân của vị đương kim Danh Nhân năm đó. Nếu khiêu chiến thành công, người đó sẽ trở thành đương kim Danh Nhân, vị cựu Danh Nhân sẽ được hưởng lại vị trí tại nhóm A mà khiêu chiến giả để lại trong năm tới; còn nếu thất bại, người thách đấu vẫn sẽ yên vị trong nhóm A, chờ cơ hội năm sau lại tiếp tục thách đấu Danh Nhân.
Trận đấu giữa người thách đấu và Danh Nhân là một cặp trận Best of 7, gồm tối đa 7 ván cờ, kì thủ nào chiến thắng 4 ván trước sẽ là người chiến thắng. Mỗi ván cờ diễn ra hai ngày, giống với thể thức của Long Vương chiến, chỉ khác rằng thời gian tổng cộng cho mỗi bên là 9 tiếng nên ván cờ sẽ thường kéo dài hơn rất nhiều, bạn có thể tham khảo qua tại đây:
III. Tổng kết
Danh Nhân là danh hiệu lớn nhất của Nhật Bản, thường được tổ chức trận tranh danh hiệu vào khoảng tháng 2-3-4, đối trọng lớn với Long Vương chiến vào cuối năm, và hiện tại thì Thuận Vị chiến các nhóm A-B-C đều đang bước vào giai đoạn cuối cùng, sẽ hoàn thành vào khoảng cuối tháng 1, có thể vào năm sau trên Spiderum mình sẽ làm một bài tổng kết các danh hiệu Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản để đưa đến tin tức cho các bạn. Còn bây giờ, xin chào, mình mất gần 12 tiếng để hoàn thành bài này, mình đi học đây, chào các bạn!
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất