Nguồn: Sưu tầm từ sách của tác giả Trần Thị Thìn.
Đề 1: Viết bài văn trao đổi về luận điểm sau: Chỉ có vào Đại học thì mới có tương lai.
Dàn ý
1. Mở bài:
- Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời.
- Xã hội trân trọng và tôn vinh những người học cao hiểu rộng, dành cho họ những chức danh đẹp đẽ, coi họ là hiền tài, là nguyên khí quốc gia.
- Trước ngưỡng cửa cuộc đời, xu hướng chung của thế hệ trẻ ngày nay là lựa chọn cho mình con đường vào Đại học. Nhiều người cho rằng: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai.
- Tuy vậy, không phải ai cũng nhất thiết phải vào Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong sự nghiệp.
2. Thân bài:
+ Tầm quan trọng của bậc Đại học.
- Khoảng 800 năm trước, ở Việt Nam đã có trường Đại học đầu tiên là Văn Miếu Quốc Tử Giám đặt tại kinh thành Thăng Long, là nơi đào tạo ra các bậc hiền tài nổi tiếng, có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
- Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc phát triển bậc Đại học. Mấy chục trường Đại học đã đào tạo, cung cấp hàng triệu kĩ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo viên, các nhà khoa học, sĩ quan cao cấp,... đóng góp đáng kể vào thắng lợi rực rỡ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
- Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của các trường Đại học lại càng quan trọng vì đó là nguồn cung cấp lực lượng cán bộ, chuyên gia nòng cốt trong các lĩnh vực.
+ Thế nào là cuộc sống có tương lai?
- Ai cũng muốn cuộc sống của mình sẽ có một tương lai rạng rỡ. Đó là có việc làm ổn định, phù hợp với sở thích và sở trường, có thu nhập cao, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến được nhiều cho xã hội; có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp riêng và chung.
- Đó là nền tảng để bản thân có thể phấn đấu trở thành nhà quản lí tài năng hoặc nhà khoa học nổi tiếng, nhà lãnh đạo kiệt xuất.
+ Ngoài bậc Đại học, mọi người vẫn có thể thực hiện ước mơ tạo dựng tương lai cho bản thân bằng những con đường khác nhau.
- Nhu cầu của cuộc sống phát triển ngày càng cao, đòi hỏi xã hội phải có một đội ngũ lao động đông đảo, đa nghề, đa trình độ.
- Các nhóm làm việc gồm nhiều người với nhiều trình độ khác nhau nhưng nếu hòa hợp, ăn ý sẽ bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao trong công việc.
- Mỗi cá nhân có thể thực hiện ước mơ vào Đại học bằng nhiều con đường khác nhau (qua Trung cấp, Cao đẳng, lên Đại học), nếu hoàn cảnh không cho phép vào ngay Đại học chính quy.
- Không phải ai tốt nghiệp Đại học cũng có tương lai rực rỡ. Vấn đề tự học là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại trong sự nghiệp của mỗi người. Ngoài việc học ở trường, chúng ta còn phải không ngừng học hỏi trong cuộc sống, hay còn gọi là trường đời.
3. Kết bài:
- Trong xã hội có rất nhiều nghề. Người xưa đã dạy: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
- Mỗi người cần kiên trì tự học để nắm vững chuyên môn ngành nghề của mình. Nếu có quyết tâm và nghị lực vươn lên thì nhất định tương lai của bản thân sẽ tươi sáng và cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc.