Con ơi, hãy lắng nghe và hãy khôn ngoan, Hãy hướng lòng con vào con đường chính đáng. Đừng nhập bọn để say sưa với những bợm rượu; Đừng đi theo những kẻ ham ăn nhậu suốt ngày. Vì những kẻ say sưa và ăn nhậu sẽ chóng thành nghèo đói; Còn những kẻ cứ say rượu lừ đừ sẽ rách rưới tả tơi.
img_0
Thức ăn là dinh dưỡng để chúng ta sống và tận hưởng cuộc đời. Tuy nhiên, ăn đến mức nào thì là đủ? Khi ham muốn là cội nguồn của tội lỗi, chúng ta cần phải kiểm soát cái miệng, cái lưỡi, con mắt và cả dạ dày của mình. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có kẻ không thể ngậm được cái miệng?
Đó là câu chuyện của Tarrare, tội đồ phàm ăn.

Tarrare và Chiếc bụng “thần kỳ”

Tarrare sinh năm 1772 trong một gia đình nghèo tại vùng ngoại ô nước Pháp, Lyon. Khi còn nhỏ, Tarrare trưởng thành như bao người khác, tuy nhiên đến khi trở thành chàng thanh niên 17 tuổi thì câu chuyện xoay quanh Tarrare bắt đầu diễn ra. Cậu được mọi người dân trong vùng biết đến tên, và bất cứ ai khi được nghe tới danh cậu bé cũng đều tự biết rằng đó là “kẻ phàm ăn”.
Tarrare ăn nhiều đến mức có thể ăn hàng chục cân thịt bò mỗi ngày. Bất kỳ lúc nào, hay bất cứ chỗ nào, hắn đều cảm thấy đói.
Với sức ăn kinh khủng và có phần khác người đó, gia đình của hắn chẳng thể nào đáp ứng nổi nữa. Và cho đến một ngày, khi không còn gì để có thể lấp đầy chiếc bụng đó, Tarrare đã bị đuổi ra khỏi nhà vì không ai còn khả năng nuôi được cái miệng đó nữa.
Kể từ đây, những câu chuyện về một kẻ có cái bụng không đáy thật sự bắt đầu lan truyền mạnh mẽ.
Khi bị đuổi khỏi nhà, chàng trai ấy đã lang thang đi khắp nước Pháp. Và vì luôn trong tình trạng đói, Tarrare đã phải đào bới các đống rác để tìm thức ăn thừa trên suốt hành trình lang thang của mình. Nhưng lượng thức ăn thừa thì làm sao mà lấp đầy được cái bụng của chàng ta. Rồi thì “bần cùng sinh đạo tặc”, Tarrare kết giao với những thành phần cặn bã của xã hội như những tên cướp, kẻ hiếp dâm và những cô gái điếm, với mục đích là để được no nê cho cái bụng của hắn.
Sau khi kết thân với nhau một thời gian, Tarrare và đồng bọn đã lập nên một rạp xiếc di động và đi trình diễn khắp nước Pháp. Và tất nhiên, đây không hề là một rạp xiếc bình thường, trong các show diễn, những tên cướp sẽ giở trò móc túi của các vị khách khi họ tập trung vào màn biểu diễn. Người đảm nhận cho việc biểu diễn nhằm đánh lạc hướng khán giả chính là Tarrare.
Tarrare đã khiến cho bất cứ ai đến xem cũng không thể nào rời mắt vì những thứ mà hắn có thể cho vào cái dạ dày đó. Và có lẽ vì cái thói phàm ăn đã giúp Tarrare sở hữu phần hàm to đến mức có thể nhét hẳn một rổ đầy táo vào trong mồm, điều mà một người bình thường không thể làm được. Chưa hết kinh ngạc với cổ họng có thể chứa cả rổ táo của Tarrare, hắn bắt đầu nhét thêm hàng tá táo vào hai bên, trông như những con sóc chuột nhét mớ hạt dẻ để tích trữ lương thực. Và sự kịch tính bắt đầu tăng dần, Tarrare bắt đầu nuốt chửng đến những viên đá to đùng, thậm chí là nuốt cả động vật sống. Tất cả những trò này lấy đi sự chú ý của khán giả, giúp cho đồng bọn của hắn thực hiện phi vụ trót lọt.
Trong khi đó, nhờ vào khả năng lạ kỳ của Tarrare, đoàn xiếc dần trở nên nổi tiếng và được mời đến biểu diễn khắp nước Pháp. Dù đi diễn rất nhiều nhưng đoàn xiếc vẫn chẳng thể giàu nổi vì tiền kiếm được đã bị Tarrare nuốt hết theo đúng nghĩa đen.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, cả đoàn xiếc cũng chẳng thể chịu được nổi sức ăn của Tarrare. Chàng trai tội nghiệp lại một lần nữa bị đuổi đi. Sau đó, Tarrare đã đến Paris để biểu diễn, nhưng lần này, y chỉ có một mình.

Vật nghiên cứu

Đến Paris, Tarrare vẫn sử dụng ngón nghề cũ để kiếm ăn, nhưng thay vì khán giả phải trả tiền cho mỗi lần xem hắn nuốt những thứ lạ kỳ, thì chỉ cần cho đồ ăn là được. Tuy nhiên tại đây, món nghề của Tarrare không gây được nhiều ấn tượng lắm nên hắn buộc phải đổi “nghề” là đi làm ăn xin. Nhưng với sức ăn của mình, có vẻ như nghề này cũng không phù hợp cho lắm. Và thế là Tarrare nảy ra ý tưởng kết hợp cả hai nghề mà mình từng làm.
Cụ thể, với những ai cho hắn tiền không được hào phóng, Tarrare sẽ trở mặt là một tên cướp để lấy tiền của họ, rồi dùng số tiền đó để làm dịu cơn đói. Và dù đã phải đi ăn cướp nhưng hắn chẳng hôm nào có được một bữa ăn tử tế. Để có thể khỏa lấp cơn đói cào xé dạ dày, hắn tìm đến rác và “xơi” cả những con chuột cống để cho qua cơn.
Một lần, khi đang lục tìm thức ăn trong thùng rác gần bệnh viện, có một vị bác sĩ nhận ra Tarrare vì đã từng đến xem show của hắn và cảm thấy rất hứng thú với khả năng phi thường của cái dạ dày đó. Vị bác sĩ đó tên là Baron Percy.
Baron Percy lập tức mời Tarrare về nhà ăn một bữa thịnh soạn, đổi lại ông muốn được nghiên cứu về chiếc bụng không đáy của chàng trai phàm ăn này. Và tất nhiên vào lúc đang đói meo như vậy, Tarrare không thể nào từ chối một giao kèo quá hời. Sau khi có một bữa no nê tại nhà của vị bác sĩ, Tarrare đã chấp nhận giao kèo và để Percy nghiên cứu cơ thể mình. Từ đây, Percy đã ghi lại rất nhiều chi tiết thú vị về dị nhân phàm ăn.
“Da của Tarrare do phải thích nghi với khả năng ăn uống phi thường đó nên giờ đây chúng có thể co giãn một cách bất thường. Cơ thể của anh ta trong lúc đói, phần thịt ở má sẽ chảy ra như hai chiếc tai voi và phần thịt ở bụng cũng sẽ bị như vậy. Điều đặc biệt hơn nữa đó là sau khi đi vệ sinh thì gần như tất cả những gì vừa cho vào bụng của cậu ta sẽ đi ra ngoài hết. Bên cạnh đó, vì có một thân hình phát phì ngoại cỡ nên cơ thể của cậu luôn toả ra những mùi vô cùng khó chịu. Nguyên nhân có thể do những thứ mà anh ta cho vào cơ thể hoặc có lẽ bởi vì anh ta dễ tiết mồ hôi và nhiều hơn người bình thường. ”
Và vào thời điểm mà bác sĩ tìm được Tarrare cũng là lúc mà nước Pháp có chiến tranh. Vì thế mà sau khi nghiên cứu Tarrare xong, bác sĩ Percy đã liên hệ với tướng quân Alexandre de Beauharnais để có thể sử dụng khả năng phi thường của Tarrare. Một kẻ chỉ có ăn như Tarrare thì có ích gì cho quân đội?

“Đặc vụ” phàm ăn

Tarrare tham gia chiến sự Pháp và Phổ sau lời giới thiệu của tướng Alexandre. Tuy nhiên ở đây anh vẫn bị ghét bỏ vì mùi cơ thể và thói tranh ăn của mình. Dần dần, anh bị cô lập trong chính hàng ngũ của mình. Mặc dù vậy, anh không bị đuổi khỏi quân ngũ, lý do chính là bởi khả năng ăn lạ kỳ của mình.
Sau một thời gian nhập ngũ, tướng Alexnadre gọi Tarrare vào phòng và làm một thử nghiệm. Ông đã đưa cho “gã bụng đói” một hộp gỗ chứa đầy những xấp tài liệu và bảo anh nuốt vào. Sau khi ăn hết đống tài liệu đó, Tarrare sẽ phải đợi để có thể thải ra đống tài liệu đó bằng “cửa sau”. Lý do cho cuộc thử nghiệm này là vì tướng quân muốn sử dụng khả năng của Tarrare để vận chuyển những thông tin mật của quân đội Pháp đến chiến trường. Và sau khi dọn dẹp đống chất thải của hắn và tìm chiếc hộp, kết quả là họ đã tìm thấy những tập tài liệu vẫn được bảo quản và có thể đọc rõ nội dung trong đó. Từ đó, Tarrare chính thức trở thành một điệp viên chuyên vận chuyển thông tin mật cho quân đội Pháp.
Trong nhiệm vụ đầu tiên Tarrare đã cải trang thành một người nông dân Phổ rồi lẻn vào phòng tuyến của địch để giao lá thư cho một đại tá đang bị bắt giữ. Phương thức vận chuyển vẫn được diễn tả hệt như gì mà đã thử nghiệm. Thế nhưng, có một vấn đề mà vị tướng Pháp không hề lường trước được. Đó chính là mùi cơ thể của hắn.
Khi đang thực thi nhiệm vụ, Tarrare đã toát quá nhiều mồ hôi làm cho những người lính Phổ ngửi thấy mùi cơ thể của hắn dù ở khoảng cách rất xa. Họ bắt anh lại, tra khảo để tìm ra lý do Tarrare lại có mặt ở đây. Thế nhưng vì không biết tiếng Đức mà lại ở vùng của người Phổ nên Tarrare bị cho là người của quân Pháp nên ngay lập tức bị bắt. Chàng thiếu niên đáng thương đã bị treo lên và tra tấn một cách thậm tệ suốt một ngày dài. Và khi đến giới hạn của mình, y đã tiết lộ về lá thư nằm trong bụng.
Nắm được tình hình, những người Phổ liền trói Tarrare vào một chiếc bệ xí và đợi hắn giải quyết. Qua hàng tiếng đồng hồ, chiếc hộp cũng chịu đi ra ngoài. Lá thư lập tức được tìm thấy. Tuy nhiên, thông điệp này khiến tất cả đều phải ngạc nhiên.
Hãy cho tôi biết nếu Tarrare giao thành công.
Đây là một cuộc thử nghiệm và Tarrare là con chuột bạch. Tướng Alexandre đã không hoàn toàn tin tưởng Tarrare và muốn dùng anh như một lá bài trong trận chiến căng não này. Biết mình bị lừa, tướng Phổ đã vô cùng tức giận nên đã ra lệnh tiếp tục tra tấn Tarrare. Sau khi hành hạ đủ lâu, họ tha cho Tarrare về vì quả thực anh không có tác dụng gì và chỉ hôi thối vô cùng mà thôi.
Tuy nhiên, đây không phải là chặng cuối trên hành trình khổ đau của Tarrare.

Cái giá phải trả

Sau khi trở lại Pháp, Tarrare đã cầu xin tướng quân đừng bao giờ bắt hắn đi giao những bức thư mật nữa. Vì quá sợ và đau khổ với những gì đã trải qua, Tarrare tìm đến bác sĩ Percy và xin ông hãy biến mình thành người bình thường, nhưng mọi thứ không đơn giản như thế.
Percy đã thử mọi cách, từ việc giảm cân, cắt khẩu phần ăn, dùng những loại thuốc ông cho là tốt nhất ở thời điểm đó, thậm chí là dùng cả thuốc cấm, vẫn không có kết quả. Cơn đói của Tarrare chẳng thể nào ngừng. Và cứ thế, Tarrare để cơn đói chiếm lấy mình.
Trong một lần vật lộn với cơn đói, hắn thậm chí còn uống máu của những bệnh nhân khác. Chưa hết, Tarrare còn từng bị đuổi khỏi nhà xác vì có ý đồ ăn tử thi. Nhiều bác sĩ đòi tống tên điên này vào trại tâm thần song bác sĩ Percy kiên quyết bảo vệ bệnh nhân. Chỉ đến khi một đứa bé 14 tháng tuổi mất tích một cách bí ẩn, sự hoài nghi mới khiến Tarrare bị đuổi khỏi bệnh viện.
Sau sự kiện trên, Tarrare tự tách mình khỏi xã hội vì bản thân coi mình là một kẻ dị biệt. Bẵng đi một thời gian, hắn đột nhiên xuất hiện tại bệnh viện ở Versailles sau 4 năm không tin tức gì. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc bệnh lao kèm theo bệnh tiêu chảy nặng. Sau một khoảng thời gian cố gắng cứu chữa, Tarrare đã lìa đời vào năm 1798 khi mới chỉ 26 tuổi.
Khi khám nghiệm tử thi, các bác sĩ phát hiện ra rằng xác của anh đầy mủ, phần cổ họng của Tarrare thì khổng lồ một cách kỳ lạ. Ngoài ra, các bác sĩ còn thấy rằng nếu mở hàm và nhìn xuống, họ có thể nhìn thẳng vào dạ dày của người đàn ông này, các bộ phận như gan, túi mật và dạ dày của anh ta cũng lớn hơn bình thường. Thế nhưng, ruột của anh ta bị “thối rữa”, và tồi tệ nhất là dạ dày của anh ta bị loét ở nhiều chỗ.
Percy và nhóm bác sĩ của mình đã phải từ bỏ việc khám tử thi vì mùi của Tarrare quá khó chịu, khép lại hành trình đầy bi đát của kẻ phàm ăn.

Lời giải đáp

Theo trang Grunge, các nhà khoa học và sử gia hiện đại không cho rằng Tarrare là một kẻ quái dị, anh ta chỉ là một người bệnh. Họ đưa ra giả thuyết rằng anh ta phải ăn khối lượng lớn như vậy vì anh ta bị mắc chứng pica - một chứng rối loạn ăn uống hiếm, người bị bệnh sẽ tiêu thụ những thứ không phải là thức ăn.
Tarrare là một nhân vật khốn khổ và làm nô lệ cho cái miệng của mình. Anh không có lựa chọn, anh chỉ có thể cố gắng tồn tại cho đến khi căn bệnh đó tước đi mạng sống của mình. Nếu có điều ước gì, anh ta chắc chắn sẽ ước mình không mắc căn bệnh hiếm này.
Tuy nhiên, ngoài đời vẫn còn vô số những kẻ đang muốn được mắc chứng bệnh này, những kẻ phạm phải đại tội phàm ăn.
Hưởng lạc với miếng ăn, ăn thừa, ăn thãi, ăn đến không ngừng nghỉ chỉ vì thú vui đến từ cái miệng, để mọi thứ mình ăn rơi vào sự phí phạm, đây là một đại tội. Ăn mà không biết mình ăn gì, vị như thế nào, ăn vì mình được ăn, cũng là một đại tội. Dù Tarrare là một nạn nhân nhưng những thứ xảy ra với anh ta cũng diễn ra với những kẻ đứng ngoài, đang muốn nhảy vào đại tội phàm ăn.
Có những kẻ có những cơn đói không bao giờ ngừng, chúng đến bữa tiệc và vơ hết về đĩa mình. Ăn có hết không? Chưa chắc, nhưng chúng phải vơ về đã. Rồi sau đó sống chết, đánh đập nhau vì những miếng ăn hèn mọn. Cuối cùng, dù có lựa chọn làm một người văn minh, chúng lại chọn con đường của những kẻ man dợ.
Rồi sau đó cũng vì nghèo đói, chúng tìm đến con đường của cướp giật và những tội ác đen tối khác. Chúng nói rằng mình không có lựa chọn, chỉ là những nạn nhân của xã hội và có cuộc sống không lối thoát. Nhưng sự thật là thế nào chỉ họ mới biết. Còn những người lương thiện thực sự sẽ luôn biết hối lỗi trên những sai trái của mình.
Suy cho cùng, phàm ăn là một đại tội vì sự thiếu văn minh, thiếu kiểm soát và thiếu tỉnh táo trong lựa chọn. Những kẻ để cơn đói, cơn khát làm chủ mình là những kẻ mắc đại tội phàm ăn. Có lẽ Tarrare không phải kẻ gây ra đại tội nhưng anh là tấm gương về bài học cho những kẻ đứng ngoài đang chuẩn bị nhảy vào cái hố vô đáy của dạ dày.
Đói cho sạch, rách cho thơm, chúng ta được dạy điều này từ khi còn nhỏ. Nhưng khi lạc vào dòng xoáy xã hội hiện đại, những lời dạy xưa bị phai nhạt dần và nhiều người cố tình lãng quên nó để chuộc lợi cho mình.
Vậy chúng ta là ai?
Những người lương thiện hay những kẻ ví mình như Tarrare để bao che cho tội ác mình gây ra?