Trận lụt toàn cầu đã được ghi chép lại với tư cách là một sự kiện lịch sử hoặc ít ra là “huyền thoại” của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Những nhà truyền giáo từ cổ chí kim đều kể lại rằng: họ đã rất kinh ngạc khi khám phá ra là nhiều dân tộc từ rất rất lâu đã truyền từ đời này sang đời khác “truyền thuyết” về một trận lũ lụt khủng khiếp trên quy mô toàn cầu, có rất nhiều điểm cực kỳ giống với những gì được ghi chép trong Kinh Thánh. H.S. Bellamy trong tác phẩm “Những Mặt trăng, Thần thoại và Con người” ước tính có gần 600 “huyền thoại” về Đại hồng thủy trên toàn thế giới. Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylonia, Lưỡng Hà, Sumeria, Peru, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, châu Mỹ, xứ Wales, Hawaii, Scandinavia, Sumatra, Polynesia, Việt Nam, vv… tất cả đều có các phiên bản riêng của họ về một trận Đại Hồng Thủy cực lớn toàn cầu. Điều này dẫn tới một giả thuyết rằng con người xa xưa có xuất phát cùng một gốc gác, mà trí huệ cổ xưa còn lưu dấu trong tiềm thức về cùng một trận lụt lớn kinh hoàng trong lịch sử.
Đại hồng thủy theo các truyền thuyết trên thế giới
Và dân tộc Mường cũng có cho mình một câu chuyện về đại hồng thủy, được diễn ca trong một bài mo Mường, với những chi tiết có đôi chút khác biệt nhưng cũng không khác nhiều so với câu chuyện của mọi dân tộc trên thế giới. Người Mường sinh ra ở cái nôi của người cổ đại tại Việt Nam mà chứng cứ xác thực nhất là nền văn hóa Hòa Bình. Cho thấy, dân tộc Mường đã trải qua hàng ngàn năm trên mảnh đất này từ thủa khai thiên lập địa. Tuy rằng chưa có chữ viết, nhưng những truyền thuyết của người Mường đã được truyền miệng thông qua những người mo, là những người thường có trí nhớ siêu phàm với khả năng nhớ hàng ngàn câu mo. Những bài mo được diễn xướng trong những dịp lễ quan trọng của người Mường.
Nói về đại hồng thủy của người Mường, chuyện kể rằng, một năm trời hạn hán, cây rừng đã chết hết cả, chết cả con cá, con cua, con cáy, “cháy lông lưng hổ, đổ vẩy tê tê, mẻ mai ba ba, rụng sừng hươu”. Người ta không tìm được lạch nước, đào hố cũng chẳng có nước, du mục khắp nơi tìm chỗ làm ruộng cũng không còn nơi nào có nước. Người ta đi ngựa được dưới đáy sông, đi ngựa được dưới đáy biển, lòng đầm. Biển và đầm cạn chỉ còn bằng miệng đĩa, miệng bát (nguyên văn).
Ở đây tạm dừng một chút để nêu lên ý kiến của cá nhân tôi, rõ ràng hiện nay vùng đất của người Mường sinh sống là những vùng cách biển cả trăm cây số. Tại sao họ lại đề cập đến biển ở trong truyền thuyết cổ, vùng người mường. Tuy thế, qua các sử liệu cho thấy, khi ấy đồng bằng sông Hồng chưa trải rộng như hiện nay mà chỉ là một vùng biển, đầm phá rộng khắp, có thể lúc bấy giờ, biển nằm rất gần với khu vực sinh sống của người Việt cổ (gồm có cả người Mường hiện nay), điều này được chứng minh bởi những sử liệu được ghi chép trên Wikipedia. Cũng như chúng ta từng nghe về cửa biển Thần Phù trong lịch sử, nay nằm sâu trong đất liền 50km, như vậy 2000-3000 năm trước, có lẽ Hà Nội chỉ là một vùng sát biển.
Tiếp về truyền thuyết, người Mường bấy giờ đã cúng tế thần linh với nhiều cách để mong có mưa, những hình thức cúng tế cũng rất sơ khai như nhận thức đơn giản của con người lúc bấy giờ như là: Bắt trẻ chăn trâu lấy rìu chém chuối, bắt cóc làm bò để cưỡi, bắt kỳ nhông làm ngựa, lấy trứng gà rừng cho vào tổ họa mi, tra và hang tắc kè; bảo con côi, gái góa xách bu gà dìm xuống nước, lấy váy rách làm cờ (nguyên văn). Tất cả đều không làm trời có mưa được.
Một người đi phát rừng làm nương gặp rùa đen gọt ván, rùa vàng làm thuyền, người này hỏi rùa, rùa trả lời “Bây giờ chim mát đã định lên ăn gan cái sao, chim tu hú đang định lên moi gan cái trăng, con khú trắng kéo lên cây si muốn lên ăn nửa mặt trời, ma mặt trời muốn làm nước lụt”. “Sao người biết hỡi anh rùa?” “Người anh tôi là ông vua khú, tôi là em vợ ông vua trời”. Người đi rừng vội về tâu với vua Dịt Dàng, vua Dịt Dàng cho người đi báo với làng trên xóm dưới, người Thái, người Xá, đến tận Kẻ Chợ (tên địa danh này bắt đầu có từ năm 1400? mà Mo Mường thì có từ trước đó rất lâu nên tôi đặt câu hỏi cho vấn đề này, có lẽ do truyền miệng nên có nhiều dị bản?).
Sau đó, thì mưa đến, nhiều đỉnh núi cao như núi Rạm, núi Thàng, núi Chù, núi Cái chỉ còn đỉnh núi bằng cái ang, cái bồ. Vua Dịt Dàng chạy nước lụt bỗng thấy chiếc nỏ đồng trôi từ mường con Rự, vua cho thuyền rồng ra kéo, mà 4 người không kéo nổi, vua vào nhà xách bu gà ra bói (có lẽ là bói chân gà). Thấy rằng phải thịt gà đen cầu ma dưới đất, thịt gà trắng cầu ma trên trời, khi ấy 4 người kéo nỏ mới được. Khi ấy cho người họ Chùa Ngao lên hang hao để bắn sao bắn trăng. Khi ấy 9 mặt trời còn ở 9 áng, 9 mặt trăng còn ở chín tinh, chín mường. Sau đó vua lại bói lần nữa, phải tế thêm gà để 9 mặt trời, mặt trăng chạy về một mường. 9 mặt trăng, mặt trời bắn 8 còn một. Nước vẫn chưa xuống, nhà vua tiếp tục bói, nghe rằng phải thịt trâu đen cầu ma dưới đất, trâu trắng khất ma trên trời. Khi ấy nước mới rút. Khi ấy ông thầy Theng Rẻ và Theng Rông chạy nước lụt nhặt được hai túi hạt giống, liền để bà Nhần đi trồng lại, từ ấy có các cây các cối.
Các chi tiết trong truyện này, rõ ràng ta thấy có nói đến nỏ đồng, có lẽ trận lụt xảy ra vào thời kỳ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc khi đó sự phát triển của nghề rèn vũ khí bằng đồng đã phát triển. Đồng thời, sự kiện trong cổ tích Sơn Tinh, Thủy Tinh cũng xảy ra vào thời điểm này, ở đây có những nét tương đồng khá lý thú.
Chi tiết thứ hai là việc bắn hạ mặt trời, nghe rất gần gũi với chuyện Hậu Nghệ bắn hạ mặt trời, tuy vậy, Hậu Nghệ bắn 9/10 mặt trời, Hậu Nghệ là một nhân vật có thực, tuy vậy lại sống tại thời điểm 2000 năm trước công nguyên và ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc hiện nay (nằm ở miền trung TQ).
Có lẽ trận đại hồng thủy này không có liên quan nhiều đến các trận đại hồng thủy trên khắp thế giới được các dân tộc ghi chép lại vì thời điểm và thời gian hầu hết không trùng khớp với nhau. Những có lẽ đúng thực rằng thời điểm đó, đã có một thời gian hạn hán lâu dài và có một trận lụt lội kinh hoàng đã xảy ra trên vùng đất của người Việt cổ.
Tài liệu cổ nhất trên internet có chỉ ra rằng thời nhà Chu vào khoảng năm 300 trước công nguyên đã có ghi nhận một đất nước phía nam tên Việt Thường. Chỉ có vậy, thì lịch sử của người Việt trước thời nhà nước Văn Lang hầu như đen kịt một màu truyền thuyết. Thời Văn Lang từ năm 800 trước Công Nguyên trở về trước, đó là thời bàng cổ mà chỉ còn lưu giấu vết lại trong câu chuyện của 18 đời Hùng Vương. Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh xảy ra vào đời vua Hùng cuối cùng là vua Hùng thứ 18.
Trong khi đó, truyện Đại Hồng Thủy của người Mường xảy ra có lẽ còn trước cả thời điểm Vua Hùng thứ 18, bởi vì lúc bấy giờ ông vua của Kẻ Chợ là Dịt Dàng. Dịt Dàng có phải một Hùng vương hay không? Theo cá nhân tôi cho là còn nhiều thắc mắc. Nhưng những truyền thuyết thì chỉ ra nhiều manh mối thế này.
Sử thi của dân tộc Mường kể về Chim đẻ trứng, trứng nở thành người đó là đẻ người. Hoàn toàn trùng khớp với chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân. Kế đó, Mường nước mời Dịt Dàng ra cầm binh, giữ mường. Dịt Dàng bị ma ếm. Dân làng mời Lang Tà Cái. Lang Tà Cái cũng bị ma ếm. Cuối cùng dân làng mời Lang Cun Cần ra cầm binh giữ mường. Lang Cun Cần lấy vợ, sinh con, chia đất cho các con, nhưng các con xích mích, hằn thù và đánh nhau. Khi thống nhất được bộ tộc, Lang Cun Khương (con trai Lang Cun Cần)  lại mời Dịt Dàng ra làm vua.
Vậy là Dịt Dàng hẳn là một vị vua của Mường nước, mà ở đây có lẽ là Kẻ Chợ (hay HN bây giờ). Như tôi đã phân tích ở tập trước, và cả sử liệu cho thấy thời điểm này biển còn rất gần với Hà Nội và người dân chưa biết đắp đê để lấn biển, những con đê cổ đại có lẽ từ thời của An Dương Vương – sau khi đắp thành Cổ Loa theo lời thần rùa.
Chi tiết nỏ đồng trong truyện Đại hồng thủy cho thấy một vật chế tác tinh xảo bằng đồng. Có lẽ đó là thời kỳ đồ đồng và đồ sắt mới nằm ở khoảng 1000 năm trước công nguyên, như vậy, có thể thấy rằng vua Dịt Dàng và Sơn Tinh Thủy Tinh không có liên quan gì tới nhau, có lẽ vua Dịt Dàng đã sống trước thời Sơn Tinh Thủy Tinh hàng trăm năm, và 02 câu chuyện đại Hồng Thủy này không có liên quan gì tới nhau.
Vua Dịt Dàng có lẽ là một vị vua từ thời Bàng Cổ trước Hùng Vương thứ 18 và sau thời Lạc Long Quân – Âu Cơ. 18 đời vua Hùng chỉ là sự áng chừng bởi họ nếu sống lâu vậy mỗi người phải hơn 150 tuổi. Có lẽ do thiếu thông tin, nên họ đã bỏ qua vua Dịt Dàng và gom tất cả các Tộc Trưởng lại thành một con số ước chừng là 18 đời Vua Hùng.
Trong truyền thuyết của người Mường, còn có nhiều truyền thuyết về sự tìm ra lửa, cách tạo ra lửa, hoàn toàn là được học hỏi từ Mường trời (có lẽ là các vùng đất xa hơn về phía núi cao) trong thời vua Dịt Dàng, có lẽ thế thì Dịt Dàng liệu có sống trước cả thời Hùng Vương hay không, chắc là đúng, vua có lẽ là một tộc trưởng trong thời xa xưa mà thôi.
Nếu nói về ngập lụt, chỉ có miền đồng bằng sông Hồng vào thời sơ khai đó có khái niệm ngập lụt, chứ vùng núi cao không có khái niệm lụt lội. Một trận lũ lớn trong huyền sử với có lẽ không liên quan gì đến sự tiêu diệt con người của các vị thần. Người Mường có tin vào thần linh, nhưng không cho trận lụt đó là do thần linh, mà chỉ cho đó là một sự kiện ngẫu nhiên do ma trời sắp đặt.
Vua khi biết tin mưa sẽ đến, thì giao báo cho mọi nơi chứ không chỉ lựa chọn những người tốt hay động vật tốt.. như vậy sử thi nhưng không phải đậm đặc tính truyền thuyết và ảnh hưởng của người sáng tạo ra, mà họ đang tường thuật lại sự thực mà thôi.
Việc bói của vua Dịt Dàng cũng được coi là một lẽ thường, không đề cao quá mức về khả năng của bói, hay cúng. Thậm chí đến vua Dịt Dàng cũng bị ma ám, chứ không có vị nào là thay mặt cho thần linh. Vua ở đây là người yêu thương đồng loại, mở mang dân trí, chịu khó học hỏi tìm tòi. Thể hiện trong việc đi tìm lửa trong một truyền thuyết khác.
Thông tin và sử liệu rời rạc làm cho bức tranh về vua Dịt Dàng còn chưa rõ nét, nhưng có lẽ các câu truyện khác trong sử thi của người Mường sẽ cho chúng ta những nhìn nhận rõ hơn về thời Bàng Cổ của người Việt. Tôi sẽ tiếp tục kể và nêu những ý tưởng của tôi về các truyền thuyết trong sử thi này trong các bài tiếp theo. 
(tham khảo truyền thuyết trong cuốn Mo Mường Hòa Bình – xb năm 2019).