Đại học không học đại
Bài viết chủ yếu là để chia sẻ cảm nhận cá nhân về những việc cần cân nhắc trước khi chọn học đại học hay không. Không phải lời khuyên về cách học đại học
Nội dung bài viết mình không đề cập đến việc đưa lời khuyên cho các bạn trẻ sẽ học thế nào, phân bổ thời gian, đưa ra lựa chọn ra sao trong quãng thời gian là sinh viên. Mình chỉ muốn chia sẻ câu chuyện nhỏ và quan điểm của mình về việc đưa ra quyết định khi bước qua cánh cổng Đại học nào đó.
Nội dung sẽ gồm 2 phần: Chuyện học Đại học ở nơi mình sống và Những cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn "bước tiếp hay dừng lại".
1. Làng nhỏ, suy nghĩ "nhỏ"
Mình lớn lên ở 1 làng nhỏ thuộc khu vực miền núi, Nghệ An. Người dân quê mình đa phần vất vả, Đại học với họ, là hy vọng con cái có cái chữ cái nghề, có cơ hội đổi đời chứ không cực như cha mẹ chúng. Cái này gọi là học gạo (học vì cái nghề nuôi sống bản thân, hơn là học hỏi để tiếp nhận kiến thức, theo đuổi đam mê). Mình vẫn nhớ tại thời điểm này 5 năm trước, mình và em gái song sinh nhận giấy báo đậu đại học, 1 cái là ĐH Y Dược Huế, 1 cái là Học viện Ngoại giao. Câu nói của dì hàng xóm đến tận bây giờ mình vẫn chưa quên, là "Rồi có tính đi học ĐH không?". Câu hỏi làm em mình chạnh lòng, nó vùng vằng bỏ vào nhà rồi lẩm bẩm "đi chứ sao không đi". Thực ra dì ấy không có ý xấu, câu hỏi đó là xuất phát từ thực tế tình hình kinh tế nhà mình: bố mẹ công việc không ổn định, cho đi học đồng nghĩa với việc đối mặt với áp lực về khoản tiền học phí, chi phí sinh hoạt, nặng nề hơn nữa là của 2 đứa cùng một lúc. Quay về hiện tại, nhà chú họ có thằng cu nhận được giấy mời nhập học trường ĐHLH, hình thức xét tuyển. Thế là bố mẹ mình được dịp rùm reng, góp ý chú không nên cho nó đi học. Về lí do bố mẹ mình phản đối, mình sẽ giải thích ở phần tới. Mẹ mình nói với lời lẽ khá nặng nề: "Nhìn con bé H nhà L-H đi kìa, người được 1 khúc, miệng câm như hến thấy ai cũng không chào một câu mà đòi đi học du lịch. Bố mẹ bắt nghỉ học thì khóc tru tréo không chịu về. Nuôi mấy năm đại học mất bầy bò gần cả trăm triệu". Đến đây, chắc hẳn một số bạn sẽ khó chịu với câu nói của mẹ mình lắm.
2. Cân nhắc trước khi "bước tiếp hay dừng lại"
2.1. Mình không thấy giận mẹ vì buông những lời như trên, vì mình biết mẹ mình có lí do để nói như vậy. Năm đó mẹ vẫn cho 2 chị em mình học đại học. Sau đó, là những lần gọi điện thoại xin tiền học phí, phí sinh hoạt cũng cần tránh nói chung một lần. Vì ba mẹ sẽ xoay không kịp. Một lần gọi về xin tiền nộp học phí hay phí sinh hoạt hàng tháng, mình cảm thấy cổ họng khô đắng, chẳng thốt nên lời. Mức sống ở Huế thấp, nên khoản sinh hoạt phí đủ để mình ăn ngon ngủ ẩm, miễn không đi chơi nhiều, không mua sắm đồ đạc gì mới (vì mỗi ly nước ở quán rẻ cũng 20k rồi :)). Còn em mình sống ở HN, nghiễm nhiên khoản đó không đủ sống được, nó đi làm thêm từ kỳ 2 năm nhất để trang trải, để tránh xin thêm ba mẹ.
Mình kể câu chuyện không phải để than vãn, mà là muốn nhắc nhở mấy em nhỏ hơn nên cân nhắc về áp lực tài chính mà bố mẹ các em sẽ phải đối mặt. Liệu nó có xứng đáng được bỏ ra khi các em chọn đại một trường, học hành cho có rồi ra trường lại mông lung vì không xin được việc không?
2.2. Chuyện con bé H với những mô tả của mẹ mà "đòi học Du lịch" mình không đồng tình. Ai cũng có thể thay đổi, vấn đề là họ có nhận thức để thay đổi, thích nghi và tiến lên hay không. Lúc ba mẹ mình cho tụi mình đi học, là tin tưởng vào năng lực học tập của tụi mình, tin vào việc tụi mình sẽ cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Vì tụi mình biết, học tập là cho chính bản thân chứ không phải cho ai khác. Ba mẹ chỉ là những nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào những start up như tụi mình và hy vọng tụi mình thành công, để tụi mình hạnh phúc chứ không phải để thu lời. Vậy điều thứ hai mình muốn nói là các bạn nhỏ tự xem xét vào năng lực của bản thân, liệu mình có đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, tinh thần tự học để phát triển trong môi trường mà mình chọn không nhé.
Ở câu chuyện thằng cu nhà chú họ, nó bình thường học hành chểnh mảng, nhận giấy báo theo hình thức xét tuyển. Nghe thì mỹ miều, nhưng chả khác gì các trường trung cấp, cao đẳng cò mồi cả. Ba mẹ mình đề xuất, cho nó đi học nghề mà đi làm, chứ đừng lãng phí thời gian...
Cuối cùng, bài viết chỉ là quan điểm cá nhân của mình, với mong muốn các bé trước khi đưa ra quyết định sẽ cân nhắc kỹ một chút. Cái mình đặt ra là tình huống, cách giải quyết sẽ khác nhau ở mỗi người. Mình xin nhận góp ý của các bạn, một cách thiện chí. Nếu có ý công kích, mình sẽ bỏ qua không bận tâm. Cảm ơn đã đọc đến những dòng cuối này.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất