Ta không thể hiểu trọn vẹn một cuốn sách nếu ta tách nó khỏi thời đại mà nó sinh ra

Gatsby vĩ đại đưa người đọc trở về những năm 20 của nước Mỹ, thời đại nhạc Jazz với bao mộng tưởng phù phiếm của những kẻ nhà giàu mới nổi đang cố gồng mình để chen chân vào giới thượng lưu, và thói ăn chơi xa xỉ của những kẻ giàu thâm căn cố đế. Jay Gatsby dù có khoác lên người bao nhiêu thứ đồ bóng bẩy hào nhoáng, có một lâu đài với “hơn bốn mươi mẫu Anh vườn và sân cỏ” thì vẫn chỉ là một thằng hề hèn kém và dơ bẩn trong mắt Tom Buchanan. 
“Dân Oxford quái gì!” Tom không tin, “Cái thằng trông như ma! Còn mặc cả com lê hồng kia kìa.”
Hay ngay khi ở bên nàng thơ Daisy của mình, Gatsby cũng chẳng thể hoà nhập vào cuộc trò chuyện “đầy những tiền” mà chính ông cũng phải thừa nhận với Nick.
Gatsby quay sang tôi, giọng cứng đơ:
“Tôi không nói năng gì được ở cái nhà này, ông bạn ạ.”
“Giọng cô ấy lộ liễu quá,” tôi nhận xét. “Nó đầy những…” tôi lưỡng lự.
“Giọng cô ấy đầy những tiền,” ông nói luôn.

Khoảng cách sinh ra vẻ đẹp và mộng tưởng tan vỡ khi ta khát cầu những thứ không thuộc về mình

Hình ảnh ánh sáng xanh bên bờ bên kia vịnh là chi tiết vô cùng đắt giá, bởi đó chính là vọng tưởng của Gatsby về tình yêu, danh vọng, tiền bạc. Nhưng khi đến gần thì dường như nó đã bị bớt cái vẻ mê hoặc đi ít nhiều. Khi gặp được Daisy rồi, giấc mộng thần tiên đã bị thay thế bởi sự thật trần trụi, xấu xa và đáng thất vọng.
“Chắc hản có những lúc ngay trong chiều hôm đó Daisy đã không đúng như ông vẫn mơ tưởng – không phải nó có lỗi gì, mà chỉ là vì ảo mộng của ông sinh động khủng khiếp quá. Nó vượt qua cả Daisy, vượt quá mọi thứ. Ông đã quăng mình vào nó với một say đắm đầy sáng tạo, lúc nào cũng trang hoàng thêm thắt, chẳng bỏ sót dù chỉ một vẩy lông chim sặc sỡ tình cờ vương trên lối ông đi. Thật không có lửa nào đủ nóng, cũng chẳng tươi mới nào đủ nồng so với những ám ảnh chứa chất trong lòng một kẻ nam nhi”.
Khi còn bé, Gatsby tự cho mình là con trai Đức Chúa Trời. Khi lớn lên, ông mơ tưởng Daisy, nàng công chúa lá ngọc cành vàng và khao khát có được nàng đến mức mù quáng. Vậy nhưng Gatsby không bao giờ nhận ra một điều cơ bản, rằng ông không phải con trai Đức Chúa Trời, và Daisy cũng chẳng bao giờ thuộc về ông. Những mộng tưởng tươi đẹp được ông thêm thắt ngày qua ngày, trở thành lối thoát cho ông trong một thời gian dài; “chúng khiến ông dễ chịu khi nhắc nhở ông rằng hiện thực đau khổ này không có thật, và hứa với ông rằng nền tảng của thế giới này vẫn còn tựa vững trên đôi cánh thần tiên”. Nhưng cuối cùng, chính giấc mộng hoang đường ấy đã giết chết Gatsby, cái chết đến cùng với sự sụp đổ của toà lâu đài giả tạo mà ông gây dựng dựa trên sự dối giá và phạm pháp. Cuối cùng thì điều thuộc về ông cũng chính là thứ ông chẳng thể ngờ tới: một người bạn mà ông chỉ kết thân để lợi dụng, và một người cha mà ông luôn cố gắng chối bỏ. 

Một thời kỳ hoang đường và số phận người phụ nữ 

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, nước Mỹ đánh dấu một thời kỳ của những thay đổi mới của những người phụ nữ. Họ sống tự do, phóng khoáng và không ràng buộc, nhưng đi cùng đó là những thói hư tật xấu mới như rượu thuốc, ngoại tình. Điều này được thể hiện rõ nét ở ngay cả một tiểu thư lá ngọc cành vàng như Daisy. Nàng yêu vật chất và lấy Tom vì hắn có thể đem đến cho nàng sự giàu sang vĩnh cửu. Nàng thà dứt tình đoạn nghĩa với Gatsby, không tham dự đám tang của người đàn ông yêu mình đến cuồng dại để ích kỷ bảo vệ cuộc sống bình yên và giàu có của mình. Tom và Daisy chính là một cặp trời sinh, nhưng liệu đó có phải là tất cả?
Daisy không hoàn toàn đáng trách mà ngược lại, nàng chính là một sản phẩm được tạo ra bởi thời thế loạn lạc lúc bấy giờ. Thật khó để yêu cầu ai đó từ bỏ cuộc sống thịnh vượng ấm êm của mình để đi theo một kẻ như Gatsby, nhất là khi đó là một người chưa từng chịu khổ, ít nhất là về vật chất như Daisy. Nếu nhìn nhân vật này từ chiều kích khác, ta sẽ thấy những mặt rất khác của nàng. Daisy không ham tiền và ngu ngốc, trái lại, nàng thông minh đến mức ích kỷ và chỉ nhìn những gì nàng muốn nhìn.
“Thế này nhé, nó mới chưa đầy một giờ tuổi mà Tom thì có trời biết là đang ở đâu. Em tỉnh dậy khi tan thuốc mê với một cảm giác hoàn toàn bị bỏ rơi, và hỏi ngay hộ lý xem nó là trai hay gái. Cô ta bảo nó là con gái, thế là em quay mặt đi và khóc. ‘Được rồi,’ em nói, ‘Mình mừng vì nó là con gái. Và hy vọng là nó sẽ ngu ngốc - cứ như vậy là tốt nhất đối với một đứa con gái trên đời này, một con ngốc xinh đẹp.’”
Và ngay cả khi là một cô tiêu thư xinh đẹp quyền quý, có một người chồng giàu có và cưng chiều hết mực cho những thói ăn chơi xa xỉ của mình thì sau cùng, Daisy cũng chỉ là một người vợ bị phản bội. Trớ trêu thay, nhân tình của Tom lại chẳng có “một nét hoặc vẻ gì gọi là đẹp”, thế nhưng người đàn bà gần bốn mươi tuổi đó lại “toát ra vẻ sinh động nhận thấy ngay lập tức”. Phải chăng đó chính là thứ mà Daisy, một con búp bê vô hồn luôn được cho trưng diện những bộ cánh lộng lẫy nhất, không có?
Dù là Daisy, Jordan Baker hay bà Wilson, phụ nữ cũng chỉ như những chiếc cúp, những chiến lợi phẩm mà đàn ông giành được trong những trận đấu, để chứng minh cho quyền lực, sự giàu có hay sức quyến rũ của họ. 
<i>Sách Đại gia Gatsby</i>
Sách Đại gia Gatsby