Gần hai tiếng rưỡi gần như không chớp mắt với từng khung cảnh, từng câu thoại. Có khi chỉ một ánh mắt cũng như cứa thật sắc vào trái tim mình và mình tin mỗi người khi xem phim đều sẽ nhìn thấy bản thân, thấy bố, thấy mẹ, thấy anh trai, thấy em gái, thấy dì hàng xóm,... đâu đó trong những cảnh phim tĩnh, thật đến trần trụi. Mình đọc qua nhiều bài review, 70% là nói về A Hào, chàng trai theo mọi người nói là "A Sun" của bộ phim. Mình không nghĩ như vậy, dù chính cậu hoặc qua những câu thoại của bố, của Hiển Trân, của A Hòa có lẽ mọi người đều mặc định A Hào chính là "Mặt trời" - vĩnh viễn công bằng, vĩnh viễn chói sáng. Thật buồn, dù cậu ra đi lặng lẽ trong một đêm không thể bình thường hơn, người ta vẫn nhắc đến cậu như vậy khi màn ảnh đã khép lại.
Rất đáng (để yêu) thương
Rất đáng (để yêu) thương
Sau đây là một số chia sẻ của mình về một số cảnh phim đặc sắc và những nhân vật trong phim, qua đó mình đã hiểu và cảm nhận những thông điệp như nào. Có spoil nên bạn có thể dừng để đi coi phim trước. Song với một bộ phim như này mình nghĩ dù có spoil hay không, bạn cũng nên xem một lần để có những chiêm nghiệm của riêng mình.
1. Cảnh đầu phim : nhanh, gãy gọn, sốc. Rất giống với phong cách kể chuyện của Haruki Murakami “Thỉnh thoảng, em hay đi đốt nhà kho" (Haruki Murakami,Barn Burning). Thái Đầu hỏi A Hòa :
- Thằng đó ngồi đâu
- Gần nhà bếp
(Ảnh từ video của Phê Phim)
(Ảnh từ video của Phê Phim)
Chưa đến 30s, cuộc sống của gần một chục người hoàn toàn thay đổi, hay vốn dĩ nó đã được sắp đặt để đi vào đó, hay nồi lẩu hôm đó chỉ là để mọi chuyện đến sớm hơn. Mình tin Thái Đầu cũng chẳng thể ngờ được, mà cũng chẳng để tâm nhiều đến thế sau cú chém "rất nhanh" "rất gọn" (Hoắc Luân sau này miêu tả lại). Ta nhìn thấy gì qua một phân đoạn không dài bằng một MV. Sự ngỗ nghịch, bốc đồng hay sự uất ức đè nén, hay sự cô đơn, yếu ớt đang kêu gào từ một tuổi thơ bất hạnh, từ những nỗi sợ mình không có ai thương, không ai thấu hiểu. Những đứa trẻ vị thành niên chưa tròn 18.
2. Bảng cửu chương : Cậu bạn hầm hố trong lớp ngồi cạo râu, vì muốn can ngăn đánh nhau nên "lỡ" kẹp cổ A Hòa hơi chặt. Qua ánh mắt đầu phim của A Hòa, đến việc chỉ cần nghe cậu bạn nhẩm bảng cửu chương, và những chi tiết sau nữa (sẽ nói sau) mình nhận thấy cậu có con mắt nhìn cuộc sống thật ra là vô cùng lương thiện. Dù thoại và cảnh đều ít, lại không trực tiếp.
3. Người mẹ : Bà thậm chí còn không có tên, chỉ được gọi bằng danh xưng "mẹ". Người mẹ lúc nào cũng "mọi chuyện đều ổn" để gồng gánh một gia đình đầy những vết nứt. Bà làm việc ở hộp đêm, chưa một lần mắng con, hay cãi nhau với chồng. Chúng ta phải tự vẽ bà bằng những đồ ăn bà mang đến cho A Hòa, cái xoa đầu đầy bao dung cho Tiểu Ngọc, bằng đôi mắt buồn như trăm thu đi qua, những vết chân chim, đồi mồi lầm lũi. Người phụ nữ đã không để đáp nổi một câu khi đc hỏi "Bà ko có gì muốn nói sao" đã giữ cô bé nhỏ lại, cho cô một nơi trốn, sau này là một công việc. Đã đều đặn đến thăm đứa con trai trong trại giam, đã yên lặng lắng nghe, đã giữ vào lòng tất cả. Dù bà cũng vẫn không thể hiểu hết các con và chồng mình, nhưng mình tin, bà đã cố gắng hết sức bằng tất cả sự bao dung và vị tha bà có thể.
(Ảnh từ video của Phê Phim)
(Ảnh từ video của Phê Phim)
4. A Hào : Chàng trai có ánh mắt vô cùng dịu dàng, được gọi là "Mặt trời" của bộ phim. Chàng trai ưu tú ấy đã thi trượt. Không phải đây là một sự thật không thể trần trụi hơn sao? Những người mà chúng ta luôn cho rằng họ sẽ ổn thôi, có gì đâu mà không ổn, đẹp trai, ai cũng yêu quý, ưu tú vậy còn có cái gì để mà bất mãn? Nhưng từ câu hỏi cậu hỏi thầy giáo "Thầy có tin những điều Tư Mã Quang nói không", việc cậu rất yêu động vật (trong phòng đầy tranh ảnh động vật, rủ Hiển Trân đi sở thú, ko hề sợ con tinh tinh to) nhưng mẹ cậu ko hề biết, cậu chủ động nói chuyện với Hiển Trân vì cô hỏi "tại sao hôm nay cậu ăn ít vậy, có chuyện gì". Đó là những chi tiết nhỏ mình cho rằng vô cùng quan trọng bên cạnh câu chuyện ẩn dụ khá rõ ràng về cái chum hay qua câu chuyện Hiển Trân kể và trực tiếp hơn nữa qua việc A Hòa nói "không ai quan tâm cảm xúc thực sự của anh là gì cả". Ngày ra đi, trong bóng tối, không có mặt trời, ko một dòng thư để lại. Mình mong rằng bạn đừng nghĩ mình là mặt trời nữa, bạn không cần mà cũng ko thể là mặt trời của ai hết. Có thể đoạn này sẽ vô cùng tranh cãi nhưng sự thật trong phim đã cho chúng ta thấy dù có chói chang đến như vậy, cậu cũng không thể chiếu sáng đến gia đình, cũng không thể chiếu sáng đến những người xung quanh, cuối cùng, cậu bỏ cuộc. Mình nghĩ áp lực phải là một mặt trời, áp lực phải là một "người tốt" theo các hệ giá trị xã hội đã khiến thứ ánh sáng mà chúng ta vẫn nhìn thấy đó thực tế chỉ là ảo ảnh, cũng như thứ cậu nghĩ mình phải theo đuổi. Giá mà cậu được thành thật với những "bóng râm" trong lòng mình, với sự hoài nghi và bất an như cách cậu đặt câu hỏi, giá mà cậu được lắng nghe, được nói ra, giá mà cậu biết rằng trước mặt trời, cậu cũng nhỏ bé, cũng được sai lầm được thất bại. A Hòa nói "Điều này ko còn quan trọng nữa", mình lại thấy nó vô cùng quan trọng là đằng khác để dẫn đến cảnh thứ năm.
(Ảnh từ video của Phê Phim)
(Ảnh từ video của Phê Phim)
5. Ông Văn phát biểu trước học sinh ở trường lái : Sự ra đi của "đứa con duy nhất" đã khiến ông lờ mờ hiểu được từ "chấp nhận", để ông để mắt đến việc mình còn một đứa con trai nữa, rằng việc mình áp đặt thứ ảo ảnh sáng chói mà chẳng hề ấm áp ấy lên đứa con trai cả là vô nghĩa. Người cha đầy tâm tư, sau một đêm mà bạc nửa đầu ấy, người cha không bao giờ nói ra những gì mình đã làm, những nỗi khổ mà cuộc sống mà xã hội cũng đã áp đặt lên ông, việc ông cũng biết buồn biết tủi thân vì sự vô tâm của vợ, sự xa cách của các con. Người cha này cũng như người mẹ, vô cùng vô cùng đáng thương và cũng đáng trân trọng, cũng đáng được giải phóng, thành thật, tha thứ và đáng được yêu thương nhiều hơn.
P/s: Chưa gì đã rất dài nhưng mình còn quá nhiều điều để viết nên sẽ có part 2. Đầu óc mình cũng nghỉ ngơi một chút. Như mọi khi, nếu ai đọc đến tận đây, mình rất cảm ơn. Mọi người có thể đi coi phim, thật sự rất tuyệt. Chúc mọi người một buổi tối tốt lành ^^