Con người khi sinh ra không có đặc thù là chỉ có thiện hay ác mà sẽ có cả hai, tồn tại dưới những hạt giống mang tính thiện hoặc ác chôn sâu trong tâm thức của mỗi người. Tùy theo môi trường, hoàn cảnh sẽ thúc đẩy những hạt giống nào được nảy mầm, hạt giống nào mãi nằm yên.
Nếu có đủ duyên lành, các hạt giống thiện sẽ nảy nở khiến một người sở hữu phần nhiều là cái tốt và thường được xã hội đánh giá là "người tốt".
Còn nếu các duyên không lành hợp lại, những hạt giống ác được kích thích đâm trồi sẽ khiến phần đa trong người đó là xấu xa và sẽ bị xã hội gán mác là "kẻ ác".
Thêm vào quan điểm đó, trong ngôn từ Việt Nam có chữ "con-người" cũng thể hiện rằng, mỗi cá thể được cấu tạo có phần con và phần người. Phần "con" là những bản năng tự nhiên, hoang dã, có thể coi là xấu, còn phần “người” thể hiện ý chí hướng thượng và hướng thiện.
Bất kì ai cũng mang tính thiện lẫn ác.
Bất kì ai cũng mang tính thiện lẫn ác.
Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là, có gì đảm bảo một "người tốt" sẽ sống cả đời thiện lương và đạo đức, trong khi không có gì đảm bảo những hạt giống ác trong họ sẽ viễn viễn không nảy nở và gây ra tội lỗi.
Người ta có thể từ một "người tốt" trở thành ma quỷ trong nháy mắt.
Có gì giải thích cho việc, những chàng trai suốt đời hiền lành, làm bạn với con trâu thửa ruộng tại thôn quê, bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ.
Những anh chồng luôn thương vợ thương con, chỉ vì một phút điên dại ghen tuông đã giết vợ, giết con và đốt nhà.
Ngược lại, cũng đâu có gì đảm bảo một "kẻ ác" sẽ chỉ biết tạo nghiệp xấu cả đời, trong khi các hạt giống thiện trong anh ta vẫn cần điều kiện để nảy nở nếu được đặt ở trong môi trường tốt hơn, được xã hội quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn.
Một "kẻ ác" vẫn có thể hoàn lương, làm việc thiện nguyện, giúp đỡ chúng sinh, quy y cửa Phật, thực tế có một vị sư thầy nổi tiếng, truyền giảng Phật pháp đến đại chúng nhưng lại có một quá khứ tội lỗi, gây ra nhiều ai oán. (Nhưng mình lại không nhớ tên sư thầy, mong các bạn thông cảm).
Ấy vậy mà thực tế thì hoàn toàn trái ngược, những "kẻ ác" ấy thường bị xã hội với hệ thống luật pháp lên án rồi đẩy thẳng vào ngục giam, nơi những cái ác khác nhau tụ tập và càng nhân lên gấp bội những duyên xấu thúc đẩy cái ác nảy nở và lan rộng.
Còn những tôn giáo thì luôn rao rảo về việc cái ác sẽ bị đọa địa ngục, vĩnh viễn không thể lên thiên đường, nào là kẻ xấu là những tên ác quỷ với những tướng mạo hung tàn và bị mọi người căm phẫn, nào là những kẻ ác sẽ bị tra tấn và hành hạ man rợn.
Những "kẻ ác" sẽ bị đọa địa ngục, tù đày đau khổ cùng cực.
Những "kẻ ác" sẽ bị đọa địa ngục, tù đày đau khổ cùng cực.
Đáng lẽ xã hội và tôn giáo phải vận hành theo chiều ngược lại, nơi những "kẻ ác" cần được gặp những nhà tư vấn tâm lý, gặp những thánh nhân quan tâm, thấu hiểu và chăm sóc tinh thần, nơi họ được hồi hướng để những hạt giống tốt trong người có cơ hội chớm nở, họ sẽ cảm thấy ấm áp, yêu thương từ đó dễ cảm hóa và trở nên tốt đẹp, cái tốt trong họ nhân rộng và cái ác sẽ bị "cắt tỉa" dần.
Còn khi bị đày vào tù giam, nơi vô cùng tồi tệ với sự tự do và quyền công dân bị tước đi, họ chỉ có thể đối mặt với sự hành hạ tinh thần, bị thống khổ và dày vò khi chẳng ai thấu hiểu hay quan tâm, trừ những "kẻ ác" khác vì họ đều bị xã hội chối bỏ nên có sự đồng cảm với nhau.
Không những thế, bọn họ cũng sẽ chỉ dạy nhau những thủ thuật, những chiêu trò khôn lỏi, những cách thức lách luật để để sau này ra tù, có thể thực hiện những hành vi tội lỗi một cách khôn khéo và không dễ bị bắt.
Vì pháp luật sẽ luôn có kẻ khở và mỗi lần ra tù vào tội, họ sẽ học được thêm những món nghề cao cấp hơn từ các "sư phụ" trong tù, nhà tù chỉ sản sinh thêm những phiên bản xấu xa nâng cấp và là một trường học tuyệt vời để trang bị thêm kĩ năng lách luật.
Thậm chí khi mãn hạn tù, xã hội vẫn chưa dừng buông tha, người dân sẽ phân biệt và xa lánh với những người từng có tiền án, đặc biệt trong xã hội Hoa Kỳ cũng rất coi khinh và sẽ không nhận những người như vậy vào làm việc, để rồi những người có tiền án sẽ cảm thấy tủi nhục khi khó kiếm được kế sinh nhai, dễ "ngựa quen đường cũ" sa vào con đường tù tội lần nữa.
Chẳng còn cơ hội nào cho "kẻ ác"...
Chẳng còn cơ hội nào cho "kẻ ác"...
Đối với những kẻ ác, nhà tù mới là ngôi nhà thực sự, nhà tù như một đại gia đình, một cộng đồng, những "kẻ ác" cảm thấy như mình có nơi để thuộc về, được an ủi và sẻ chia.
Từ đó, dù "kẻ ác" được tái hòa nhập với cộng đồng nhưng lại chẳng thể tái hòa nhập mà còn thúc đẩy anh ta quay lại tù trại nhiều lần.
Có thể thấy việc đẩy một người vào tù chẳng khiến anh ta trở nên tốt đẹp hơn, nếu dân gian ta có câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" thì quả thực trong tù có điều kiện thuận lợi để những cái đen tối ngắm dần vào sâu trong tiềm thức con người, kích thích mọi hạt giống xấu được đâm hoa kết trái.
Từ đó tạo ra khoảng cách cực kì to lớn giữa xã hội bên ngoài và xã hội trong tù, một sự phân cực khủng khiếp giữa cái xấu và tốt.
P/S: Tất nhiên, bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, vẫn sẽ có những người cải tà quy chính, hòa nhập lại với xã hội dù ở trong môi trường xấu.
Hiện nay cũng có nhiều cải thiện tích cực khi các sư thầy vẫn thường tổ chức các buổi thuyết pháp tại các tù giam, thiết kế những gian sách về Phật pháp, Nhân quả, viết những câu trong kinh Phật lên tường, nhằm giúp hồi hướng cho những "kẻ ác" có được một cơ duyên thay đổi, được cảm hóa và chuyển mình.
Mình mong rằng, các hoạt động ấy được loa tỏa nhiều hơn nhằm giúp xã hội, người dân bớt khắt khe đối với những "kẻ ác", với mình họ là những con người gây nên lầm lỡ, nhưng dù thế nào vẫn là con người, vẫn cần được tôn trọng, chấp nhận và họ hoàn toàn có thể thay đổi.
Cùng chung tay gây dựng một xã hội đầy tình người và yêu thương, ấm áp và thực sự nhân văn.