Được đề cử trong cả hai hạng mục phim hay nhất và phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, đạo diễn Ryûsuke Hamaguchi đã tạo nên một khoảnh khắc chữa lành thú vị, mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy mình trong đó.

KỊCH BẢN ĐỘC ĐÁO

          Giành giải kịch bản xuất sắc nhất ở LHP Cannes trước đó, Drive my car được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn nổi tiếng người Nhật, Haruki Murakami trong tập truyện Những người đàn ông không có đàn bà. Với độ dài chỉ hơn 40 trang sách, đạo diễn Hamaguchi cùng biên kịch Takamasa Oe đã liên kết thêm những phần khác trong hai truyện ngắn Scheherazade và Kino cũng trong tập truyện ấy; để làm nên một tổng thể gần 3 giờ phim.
          Drive my car vẫn là câu chuyện thường thấy của Haruki Murakami khi vẫn bám sát theo những đặc trưng cơ bản của ông, với mèo, nhạc jazz, những người đàn ông yếm thế và sự mất kết nối giữa người với người. Nhân vật chính, Yūsuke Kafuku (do Hidetoshi Nishijima thủ vai) – một diễn viên kịch, trong một lần bất ngờ đã phát hiện vợ mình, Oto (do Reika Kirishima thủ vai) có quan hệ với những người đàn ông khác. Thế nhưng anh vẫn vờ như không có chuyện gì, tiếp tục sống, và chính những rạn nứt không thể thốt thành lời ấy đã dằn vặt hai người họ từ bên trong.
          Trong một lần lái xe do tai nạn, Kafuku vô tình chạm mặt Misaki (do  Toko Miura thủ vai) – nữ tài xế hầu như im lặng đưa đón anh trong suốt thời gian tham gia liên hoan kịch. Trong tác phẩm gốc, Haruki Murakami miêu tả Misaki với những tính cách như cọc cằn, ương ngạnh và kiệm lời, thế nhưng không phải không có lý do mà một cô gái 23 tuổi lại tách biệt như thế. Chịu sự bạo hành từ nhỏ bởi người mẹ đa nhân cách, Misaki đã thừa nhận rằng mình ghét bà, và thấy vui khi bà chết đi. Trong trận đổ núi, cô đã không cứu bà mặc cho có thể, và sau này, cũng như Kafuku, trở thành sự day dứt thường trực trong tâm hồn mình.
          Trên chiếc SAAB màu đỏ đấy, họ đã kể cho nhau nghe và tự chữa lành cho mình. Đạo diễn Hamaguchi dường như có đôi lúc trung thành tuyệt đối với văn bản của Murakami, nhưng ông đồng thời cũng mở rộng biên độ kịch bản, phóng chiếu những thước phim của mình thành một đối trọng thứ hai, chạy song song với văn bản gốc bằng những câu chuyện còn nhiều bí ẩn của Oto, Kafuku, Takatsuki; cũng như nội dung của vở Bác Vanya của văn hào Chekov mà Murakami chỉ thoáng ẩn ý trong truyện ngắn.

NHỮNG NGOẠI BIÊN MỞ RỘNG

          Điểm khác biệt lớn nhất mà Hamaguchi đã chuyển đổi so với văn bản gốc của Murakami nằm ở sự chữa lành đồng thời với Takatsuki – người cũng là tình nhân trước đó của Oto, và bị Kafuku bắt gặp. Sau hơn hai năm người vợ qua đời, Kafuku gặp lại người tình nhân trẻ trong vở chuyển thể Bác Vanya mà mình làm đạo diễn, và ngay lập tức, vai chính Vanya đã được chuyển giao cho anh.
          Thói quen tập thoại trong xe hơi bằng giọng đọc ghi âm của vợ đã trở thành một phần không thể thiếu, và nó dường như ám ảnh. Vở kịch ấy đối với Kafuku dường như không thể chịu được, khi nó dường như nói thay cho những trải nghiệm của anh, về nỗi đau, sự dối lừa và sự mất kết nối: “Cô ta chung thủy. Nhưng là chung thủy với muôn vàn lời dối trá”.
          Việc giao vai Vanya cho Takatsuki vừa là lời trả đũa, vừa là lần nhìn lại cuộc đời anh dưới vai diễn của người khác. Khi Takatsuki hiểu được những gì mình đang vướng vào, anh liền thoát khỏi đó, bằng cách đầy cực đoan, để rồi bị tống giam vì phạm tội giết người. Kafuku đưa Takatsuki vào một tình trạng không thể chịu nổi, để rồi anh ta giải thoát bản thân đồng thời trả đũa, hoặc cũng có thể là giúp Kafuku nhìn lại hiện thực; bằng cách một lần nữa ép anh ta diễn lại vai bác Vanya, người bị bội phản và đầy bắc trắc. Việt đổi mạch giữa Kafuku và Takatsuki cho thấy đạo diễn Hamaguchi cũng đang tạo ra một phiên bản khác song song với câu chuyện của Murakami, làm nên một chuỗi những sự kiện phân rã, bị uốn gãy và liên tục đảo chiều trong những ám ảnh của người chịu tổn thương.
          Các nhân vật trong bộ phim này có thể mất kết nối với câu chuyện bản thân, nhưng dường như họ dễ dàng thuật lại nỗi đau của mình cho người khác. Kể ra cũng là giải thoát, do đó những cuộc nói chuyện tay đôi, tay ba hoặc thậm chí tay tư diễn ra phần lớn thời gian, để ta thấy quá trình chữa lành dần dần làm mờ vết xẹo, và liền da là khi ta nhìn lại mình. Kafuku, Takatsuki hay Misaki chính là những con cá mút đá, những người cố chấp với quá khứ của mình, bám vào tảng đá rong rêu bao phủ với vẻ kiêu hãnh, để rồi sau đó chết đi vì đói, vì chính sự cứng đầu và trong thẳm sâu hồi ức.
          *
          Các thước phim của Hamaguchi đầy ngập những hầm đường bộ, như một ẩn dụ cho đáy sâu tâm hồn của các nhân vật. Thế nhưng cuối hầm sẽ thấy ánh sáng, và đó là khi họ tìm thấy và đối mặt với nhau. Thông điệp duy nhất mà toàn bộ phim mong muốn truyền tải đã được nói lên như câu thoại của vở bác Vanya: “Phải chịu đựng, phải kiên tâm. Phải sống sao cho khi chết đi, chúng ta có quyền nói rằng mình đã đau khổ, đã than khóc, đã biết thế nào là cay đắng”. Với kịch bản sáng tạo cũng như nội dung chứa nhiều đồng cảm, Drive my car bằng cách kể chuyện tuyến tính, đơn giản, không cao trào; nhưng đã thể hiện được tinh thần Murakami cũng như hành trình chữa lành cho những thân phận lạc loài.
_______________________
Bài viết được đăng trên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 25/3/2022