Đằng sau, cũng như nối dài thêm câu chuyện Máy hơi nước tiếng Việt (tôi viết, Spiderum). Gồm 3 câu hỏi.

GIĂNG BUỒM

En mars, fusils brisés là một dịp may để bạn đọc tiếng Pháp (nhất là các bạn trẻ Việt Nam không thạo tiếng Việt) tiếp cận một tác giả, và qua đó, văn học Việt Nam đương đại. (tôi gạch chân; gốc: https://www.diendan.org/dich-thuat/thang-ba-gay-sung-cua-cao-xuan-huy-duoc-dich-ra-tieng-phap)
Câu trích nhắc rằng, con người vẫn phần nào có quyền được chọn chân trời ngôn ngữ - thế giới quan cho mình, sau khi đã qua giai đoạn thuở nhỏ bắt chước tiếng nói một cách tự nhiên và đã bắt đầu có chính kiến. Mặc cho phổ niệm ngôn ngữ, hai tiếng Pháp và Việt là hai hãng kính mắt lọc màu khác nhau. Nó lại nhắc rằng, quốc tịch không đảm bảo ngữ lực, cũng không miễn cho ai cả cái bổn phận trau dồi tiếng nếu có liên đới giữa họ và tiếng.
Tôi hỏi bạn bè, mai mốt có con, chuyện tiếng nói của các em các bạn tính sao; tôi được đáp hai kiểu: (1) Tự nó sống, lớn, rồi sẽ thụ đắc tiếng. (2) Giáo dục đa ngữ, hướng đến tìm tri thức ở các tiếng có thể đi tìm. Trước mắt, những chân trời Anh, Pháp, Đức mạnh mẽ khoa, kĩ, triết, lí; thì cái việc nặng nhọc tự rèn ngữ lực với tiếng Việt hiện tại chẳng đi về đâu. Tự sống, lớn một cách lạc lõng về mặt ngữ học, không có ai làm mẫu mực trực tiếp hay gián tiếp truyền thụ cho, cũng chết đi về đâu. Trường hợp em ấy tự sáng cái sáng dạ chăm học trong lòng thì tốt, miễn bàn. Tức là hai kiểu đáp trên quy về việc: hoặc là không nên không thành gì trong lời nói câu văn, hoặc là sẽ nên sẽ thành ở một chân trời tiếng nào khác tiếng Việt cho đỡ nhọc.
Người ta lên thuyền rời khỏi tiếng Việt, đôi khi có giữ lại chỉ chút ít để đảm bảo cái bản thể cảm xúc sâu thẳm (l'identité émotionale la plus profonde) mà chỉ có những "ơi!" với người yêu dấu, những "đầu cha mày!" với người mặt trông như gấu mới thể hiện được hiệu năng truyền cảm thứ thiệt. Quả thật vậy, tôi đoan chắc rất nhiều người học ngoại ngữ đã không/ chưa đi tìm song trùng của những tiểu tố tình thái tiếng Việt. Không tìm hoặc tìm không ra. Có người sẽ vẫn thấy "what?" giọng cà chớn không đã cái miệng bằng "ng sao?" *hất cằm*, cái tiếng mà Suboi đặt tựa cho một bài rap. Những cái nhỏ nhặt ấy bỏ thụi mang đi, còn cái thân thể này đi tìm thiên đường. Nếu biết có một thiên đường, không ai ở lại với phàm cõi, huống chi địa ngục đầy rác ngôn từ mà công ti bảo vệ môi trường ngôn ngữ phân ra được rác từ pháp, rác cú pháp, rác logic, v.v.
1. Chừng nào có thể thôi giăng buồm chút để còn ở lại mà sống đời với chất liệu tiếng nói bản địa?

MUÔNG NGƯỜI

Không có thuyền nào chở được hết người. Có người ở lại chèo trong địa ngục ngôn từ. Tự chèo. Chèo như kharon: vui thì chèo lại cho sống, mà cũng vui thì chèo thẳng về u minh. Bất lực và tự thấy mình vô nghĩa, có người đi làm mạnh bà. Tự chuốc mình mê, hoặc chuốc cho người. Chưa kể có mấy con quỷ không xẻ thịt ai, chỉ gieo rắc sợ hãi vào tai người. Có những kharon muốn chở người đến với sự giáo dục ngôn ngữ, để nâng cao mặt bằng logic và tư duy.
Tôi cho đó là tốt. Chỉ một cái là, bến bờ thì có khuôn khổ. Một ngày đẹp trời, bạn hãy thử giống như tôi lật quyển sách bài tập nọ, thấy một câu hỏi chọn một trong hai kiểu này:
Thuở đầu chỉ có ____ , chim chóc và núi sông, chưa có con người. (muôn thú hay muông thú ?)
Phóng tác nhân một bài tập trong một quyển sách bài tập Ngữ Văn nào đó hiện có trên Việt Nam.
Đi kèm ở đây là sự khuôn mẫu hóa trong giáo dục xét với ngôn ngữ, với hệ quả của nó: Người ta biết đến và lấy dùng những mẫu <từ ngữ A-định nghĩa B> đang sẵn có lưu hành, nhiều hơn là biết mổ xẻ, tân tạo và tái tạo những bình từ ngữ của mình sử dụng. Việc rót lại trong chừng mực vẫn có thể giao tiếp được với người mà ta cần giao tiếp, là khả dĩ. (Máy hơi nước tiếng Việt)
Từ điển và mẫu mực sách vở buộc ta chọn đáp án muông thú, hoặc nhẹ nhàng hơn buộc là khuyên. Hỏi một kiểu đủ thứ như Elsa hỏi Julien, chỉ một câu hỏi "tại sao muôn loài nhưng không thể muôn thú, muôn chim, muôn hoa và muôn cỏ?" hẳn sẽ làm thầy cô mệt mỏi, ba mẹ anh chị cô dì mệt mỏi, em thắc mắc cũng mệt mỏi, vui vui thì sẽ có luận án tiến sĩ nhân đó. Ban tác giả chắc chắn không mệt mỏi. Họ trên tinh thần giáo dục bá đạo. Tôi cho đó là tốt cho sự quy phạm. Tôi chỉ xin một chút vương đạo:
Rằng thêm hoa thị nho nhỏ "muôn thú tuy có kết cấu nghĩa nhưng ít ai dùng ở ngữ cảnh này, em hãy cẩn trọng và tự biết giải thích cách dùng.". Hướng này chắc không ổn, vì nó hơi cầu kì và hàn lâm. Xét trong thời buổi mà có người nhìn nhận bản dịch Hoàng Tử Bé của Bùi Giáng như văn cổ đại, đành mua các bản dịch mới hơn cho con em vì nó dễ đọc hơn. Tôi tự hỏi, ai dẫn dắt, truyền thụ các mẫu của tiếng Việt cho em, và theo cách nào? Để em sẽ không thể đủ sức nhìn ra con cừu tí hon giữa những lời văn mạch nha đặc sệt của Bùi Giáng, mà phải đi nhìn những con cừu thô ráp giữa những câu dịch rất phù hợp để làm trạm trung chuyển học thẳng sang tiếng Âu lấy quốc tịch luôn cho tiện công đôi việc.
Hoặc đừng bắt các em chạm trán nó theo cái khuôn khổ gặp tình đầu và crush thì phải chọn ai. Phải tội cho lòng ai thấy nổi lên cái sự song song ray rứt tình đầu, "đoạn trường" trước crush. Tội cho đầu ai nhìn thấy cái bản lề chiết từ muôn thú, muông thú mà suy xét. Kẻ ấy, với sự tò mò lắp lắp ghép ghép, mổ mổ xẻ xẻ của mình, liệu mai sau có nên nghiệp viết, có để lại nguyên mẫu câu từ tốt (good lexical prototypes) cho người đời sau mua vui một vài trống canh hay không, tôi không rõ. Tôi chỉ biết, đó là ngọn lửa ngữ tuệ sao đó đã tự cháy, ít nhiều khác với ngữ trí của ngọn nến thắp bằng lửa nến. Như những tia sét - đầu tiên, nếu nó để lại nguyên mẫu - giáng lửa cho loài người. Hay là hiện nay, cộng đồng sử dụng tiếng Việt cho rằng họ đã ở thời kì chế ra được rồi thứ "lửa" công nghiệp muốn có là có, không cần thiên xuống lửa rơm nữa? Hay là phúc cho ai không thấy?
Quả đáng hãi hùng: Một ngày cao xanh vời vợi nào đó, những ngữ tuệ ấy chiêm bao thấy sự đốn ngộ, viết xuống bốn chữ có bề dày triết học: Người trong muông người. Tiếng thứ ba ấy tụt không phanh một vực thẳm mà chắc Descartes chỉ biết nghĩ đến bằng khái niệm tiệm cận. Vì đó một mực thước sâu vô tận ang-tu-sáp-lơ (intouchable) của phẩm chất. Những sự vĩ đại khác nhau một dấu cộng trừ. Loài người sẽ lại nghi ngờ về độ tiến hóa trí tuệ và cách ứng xử của mình.
Tôi cho rằng ở tôi không có thứ ngữ tuệ đang bàn. Bởi nếu có thì, cái cuộc thị phi đầy hân hoan và thấu cảm lần nọ, hẳn tôi đã sớm dấy lên từ thuở còn ngồi ghế trung học, chứ không phải sau khi đã đọc vài ba quyển ngữ học ế hẩm hiu và không thấy được dùng làm học liệu dạy trong giảng đường ngôn ngữ học bậc đại học.
Cuộc thị phi bởi tôi, 2021.
https://www.facebook.com/groups/1928719334071361/posts/2960515757558375
Cuộc thị phi bởi tôi, 2021. https://www.facebook.com/groups/1928719334071361/posts/2960515757558375
Cuộc ấy, tôi đã được nhiều người phản hồi, nhẹ nhàng hoặc trìu mến. Bầu không khí vẫn còn trong chuỗi bình luận ấy làm tôi cảm giác mình là sinh viên ngôn ngữ học nhưng đi nhầm khoa, nhầm lớp. Tất nhiên, cuộc vui ấy là để nói chuyện giữa những người tiên phong, sáng tạo nói với nhau. Không dành cho ai chưa đủ vững chính kiến về ngôn ngữ.
2. Thời hiện đại có còn cần giáng lửa theo kiểu hồng hoang, không?

RÓT NƯỚC BÌNH NÔM

Ý tưởng viết bài Máy hơi nước nảy sinh trong khi tôi đọc bài Tôn vinh tiếng Việt không có nghĩa là tâng bốc nó dựa trên dối trá (Tornad, Spiderum), cộng với điều băn khoăn mà lòng tôi vẫn còn bảo lưu về chữ vuông. Tôi gọi vậy, do không thích cái lưỡng phân chữ Hán và chữ Nôm. Phần nào đó nó làm người ta dè dặt, bảo thủ, bỏ nguồn, bất sản. Những lời sau đây, cũng là phần cuối bài Spiderum này, tôi viết, lòng thầm nguyện sẽ không (sớm) có cái ngày mà sự tôn vinh tiếng Việt chỉ còn trên hình thức thờ vọng không còn biết mồ mả ở đâu nữa.
Nhắc lại những bến bờ kharon nâng cao ngữ trí. Trong những điểm đến như vậy, có một bến là dạy từ Hán Việt, đôi khi còn thấy bến vắng đề biển tên là dạy chữ Nôm. Mục đích nhìn chung có hai: (1) Để khu biệt trong nói năng, giúp lời-văn và suy nghĩ của người nói không gà bay chó chạy với nhau, "hoàn thiện thêm" (cải thiện thêm). (2) Để suy nghĩ được sâu sắc, bộ óc có (vây) cánh cứu (rỗi) để đến với (tận) cứu cánh (chung) sứ mệnh vì phúc lợi, vì kiến thức, vì dân sinh. Tôi thấy chưa đủ. Cốt yếu không nằm ở đó. Và những liều thuốc công phạt kéo dài sinh mệnh ngôn ngữ như vậy sẽ đẻ thêm nhiều chuyện, nếu không từ cốt lõi. Một thứ tiếng làm phát ngôn viên cho một lịch sử kí ức, tất phải có lúc bị bầm dập tới nỗi đột quỵ, tạm quáng quên mất chính mình. Chỉ sợ, các dược liệu đủ kiểu sẽ làm đột quỵ chuyển hẳn thành di chứng.
Giữa bầu trời mây gió cuồn cuộn của lịch sử ngôn ngữ tiếng Việt, tôi mời những ai còn đang ấm êm, hãy cởi mền ra dành một hai tiếng bị cảm hàn (chẳng hạn, trước hai cơn gió lạ học thuật này, với chú giới thiệu của tôi, [1], [2]). Cơn thập tử nhất sinh hứa hẹn một góc nhìn khác, tuy có phần trăm thành công tùy thể trạng và cơ địa đầu óc. Tiếng Việt có cái quang cảnh lí lịch vũ tuyết phi phi chứ không dương liễu y y. Với mấy dự kiến như giăng buồmmuông người, tôi thấy cái phi phi đó không phải mưa tuyết hứa hẹn sắp xuân, mà là tro tang cuối đời. Một đại cuộc khiến nhiều người thấy bất lực. Việc dạy Hán Việt hay chữ Nôm, trong số những đề đạt cục bộ tương tự - thú thật - là hòn đá của Nicolas Flamel. Cái xác ngôn ngữ được cố làm cho sống (殅) vẫn chưa tự đập từng xung nhịp bởi chính nó.
Giống như rừng già qua nhiều thời đại diễn tiến, đã hình thành nguồn chất liệu quý giá từ gene đến cấu trúc mạch ngầm; giá trị của ngữ trạng ngôn ngữ không phải chỉ ở chuyện bàn tay những ai đã vun nên nó, mà ở kí ức về tất cả những hoàn cảnh sống mà người ta đã trải qua. Sinh hoạt buộc người ta phải phát minh câu cú và từ ngữ. Toàn bộ thế phân chia các <đơn vị ngôn ngữ A - ý nghĩa, sắc thái đặc trưng của A> là cái kho thừa kế. Cũng như tiền của được thừa kế, dùng tốt thì lợi sản, dùng tào lao thì tiêu sản. Chất liệu kí ức ngôn ngữ cần cải tạo, và máy hơi nước không phải chặng duy nhất trên giấc mơ phù phiếm hưng dựng ngôn ngữ. (Máy hơi nước tiếng Việt)
Nhược điểm của đà quốc tế hóa tiếng Việt hiện nay là hầu như (?) nó chỉ đi trước đón đầu. Những thành quả ngôn ngữ học có ở dòng dõi hiện đại của ngữ hệ Latin, của Nhật - Trung thời kì canh tân Âu hóa, được tiếng Việt nhập cảng. Có những công trình khoa, kĩ, triết, lí của nội địa viết bằng tựa lực nhiều hơn tự lực. Một xứ sở của những thương buôn kẻ mối ngôn ngữ thì nhiều, mà thợ thầy kĩ nghệ tạo tác ngôn ngữ thì ít. Những gì các tác giả ngoại bang đã sinh nên sự, không ít người tựa vào đó mà khơi dựng. Công trình dựng xong có dột, có bền không, tôi không thực rõ, nhưng cũng dễ dàng đọc và rút ra nhận xét.
Tôi cho cái việc tựa ấy là phù phiếm, phù phiếm không hơn kém với độ phù phiếm của ngôn ngữ học, theo cái nghĩa mà Máy hơi nước nhắc đến. Bởi nó là đóa hồng ngoại nở rất đẹp trên trụ giá tầm xuân. Tầm xuân không có cũng được, bởi ở bản xứ loại hồng ấy vẫn nở rất đều đóa. Mang nó về đây chỉ là cuộc mời mọc ban ơn cho đời được đẹp thêm thứ đẹp phù du sớm tàn. Một bản chất của ngôn ngữ là cách cuộc đối vị (thế cuộc lớn của những sự khác nhau tương ứng sự tồn tại của ý nghĩa). Chỉ trong một văn bản - "bản" thì hoàn chỉnh - mới hiện lên thế đối vị, do đó sự dày công xây dựng ngôn ngữ của tác giả mới có giá trị và có thể tiếp thụ. Văn bản dịch đáp ứng điều ấy, nhưng nó không đảm bảo giá trị đó tương thích với xung năng ngôn ngữ bản địa. Tận mắt thấy hoa của tầm xuân, là cảm giác khác hẳn với thấy qua các media. Tôi thường thấy những câu (dịch) tiếng Việt mà phải biết nó ứng với câu nào tiếng Âu, mới có thể hiểu được. Tôi không có hàm ý bóng gió gì để làm phật lòng một số bạn husky về xứ nóng này phải có một chế độ sống, không ít thì nhiều, mang tính cải tạo tiểu khí hậu; hay những hiện tượng tương tự. Tôi đang ví von để nói ngôn ngữ. Đơn giản và thuần túy, tôi thấy ngôn ngữ chịu sự rút ruột nền tảng. Đem bán cũng có giá, mua được cả đoàn containers mà sau đây đề cập.
Vội vàng mà nói: Cái kho thừa kế kí ức ngôn ngữ tiếng Việt đã sắp hết thời hiệu mà không thấy ai đệ đơn giành. Nó chưa phải đã thành đống bỏ hoang, mà là đống tạm thải công trình gồm xi măng sắt thép dây nhợ mà chiều chiều thấy nằm dưới ban công tôi phơi đồ. Cần, mới ra kiếm còn ống nước nào không lượm về xài đỡ, mới lật lấy mấy cục gạch đá kê chân. Cần, mới kiếm từ lạ lạ trong từ điển để rót những nội hàm mang tính neologiste hoặc xenologiste từ sách vở nước ngoài; bù đắp cho cái đà vội vàng trút hết nước mưa của xứ này hứng vào các bình câu từ mang kí ức bản địa, nhập một đoàn containers nước khái niệm của chân trời tiếng nói khác đổ vào - thông qua cuộc đối dịch tái lập (one-one enforcing translation) quy mô lớn. Đơn cử có chuyện oan gia hai họ: Cả culture văn hóa đều dần mất cái nghĩa khu biệt của nó, lần lượt là "thứ mà được gầy dựng" (nôm na hơn, "đất đai tinh thần") và "thứ mà được chuyển biến bằng cái đẹp"; thứ gì cũng gọi tên được là (sub-)culture(tiểu) văn hóa, xét phương diện nghĩa hay thái độ. Tôi thấy một chứng quên bị mắc trên diện rộng, về hai từ norms lề thói. Ta có thể dùng các khái niệm "công nghiệp tiêu thụ", "rập khuôn công nghiệp" để nói về ngôn ngữ vậy.
Tôi tự vấn, phải chăng mình đang ủng hộ lời lập trường rằng bản tính người Giao Chỉ, người Đại Việt, người Đại Nam, người Việt Nam, v.v giỏi dung hòa hơn sáng tạo. Không dưới một lần tôi hay nhiều người khác xóa các thư mục conlang (tiếng nhân tạo) của mình. Quan trọng là, điều ấy tiền giả định việc có làm conlang. Mỗi khi rót lại thứ nước vào bình câu từ sẵn có, thời khắc ấy vẫn còn kịp để nhớ ra bản thể, danh tính của cái bình sắp trút đi rót khác. Chọn rót rượu ngon vào những thứ bình gần gũi với ta trong sinh hoạt, hay là vào thứ mà ít dùng chỉ trưng trên kệ; chọn không liếc mắt cho kĩ thứ nước hiện có trong bình do chỉ đơn giản cần một cái bình rỗng để chứa nước khác: Đều, vừa là quyền, vừa là xung năng vô thức của mỗi cá nhân ngôn ngữ, vì tôi quan niệm con người là mảnh ghép nên cõi người [3]. Ừ thì quyền giăng buồm cũng tùy mỗi người. Khi culture không còn nội hàm cultivated nữa, người ta chán, không ở lại cày cấy gì. Tôi hi vọng, ở ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng, cũng sẽ có cái xu hướng giống như xu hướng "xét lại nông nghiệp", nhìn lại tính chất và sự liên kết bản địa, nhìn kĩ chuỗi cung ứng sản phẩm chuyên canh lớn về số lượng và quy mô.
Không dưới một lần, trên thế giới, có cả loạt những bình trong một xưởng, một kho lớn bị vỡ tan tành, lẫn hết vào đất không thể lọc lại. Những đợt thanh trừng, diệt chủng, xóa sổ. Sau đó, người ta lại sống, gốm lại thành bình, từng ngày rót vào đó cảm tính, kí ức, kinh nghiệm sống. Ý tôi là có cái khả năng một hội nào đó được thành lập và - nhẹ nhàng thôi - thay hết cả loạt bình hiện có. Tôi chỉ sợ sức người không bì được với số cây số mà lịch sử đã lăn qua và hằn lên kho kí ức những câu và từ phát minh từ nhu cầu thực tiễn. Không đủ sức nhập vai tất cả các thể loại cuộc đời mà đến văn chương đồ sộ còn chừa đáy tảng băng. Nhưng vai của chính mình thì có thể đem rót bình, rót một thứ nội hàm chính chủ.
3. Chúng ta chủ động bắt chước Nguyễn Du đi gọt đẽo ra dáng ngọc câu từ - trước cho mình; sau, nếu mát tính, cho người - hay chúng ta chọn chờ sự thể ấy xảy đến bởi Ngẫu Nhiên?
CHÚ THÍCH:
[1] Từ Hán Việt là từ thuần Việt. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=81&rb=06
[2] Số lượng lớn các ô trong bảng từ cơ bản tiếng Việt không phải gốc Nôm.
[3] Phần B.II.2.