ĐIỀU KỲ DIỆU LỚN: TA CÓ THỂ BỎ QUA NỖI ĐAU MÀ SÁNG TẠO
Khi nỗi đau người nghệ sĩ trải qua càng lớn, tác phẩm nghệ thuật họ tạo ra càng vĩ đại. Khái niệm Người Nghệ Sĩ Giày Vò được sinh ra từ đó.
*Warning: Bài viết có đề cập đến trầm cảm, chứng nghiện các chất kích thích, hội chứng tự ngược đãi bản thân. Cân nhắc trước khi đọc.
Nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven đã tạo nên nhiều tuyệt tác bất hủ trong giai đoạn bệnh điếc trở nên trầm trọng nhất. Ông sáng tác một vở opera, sáu bản giao hưởng cùng vô số bản hòa nhạc khác trong tình trạng gần như không nghe được gì.
Nhà văn - thi sĩ đoạt giải Pulitzer Sylvia Plath tự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 30 sau nhiều lần tự sát bất thành, chỉ một tháng trước khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Quả chuông ác mộng của bà được xuất bản.
Heath Ledger, một trong những diễn viên tài năng nhất của Hollywood được cho là đã tự sát sau một thời gian đấu tranh với căn bệnh trầm cảm và chứng mất ngủ. Nhiều người cho rằng Joker - vai diễn mang lại cho anh tượng vàng Oscar đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp - cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch này.
Đời thật là vậy. Mà phim ảnh như đời. Khi nhìn vào những bộ phim nổi tiếng nhất về chủ đề đời sống sáng tạo, ta cũng thường bắt gặp màu sắc tăm tối, sự ám ảnh cực đoan và u ám của người nghệ sĩ: Black Swan (2010); Whiplash (2014); Phantom Thread (2017); Bohemian Rhapsody (2018); I, Tonya (2018);... Danh sách này còn có thể kéo dài mãi.
Cuộc đời sáng tạo càng ngắn ngủi thì càng cháy bỏng. Những câu chuyện càng bi kịch thì càng có sức lay động và truyền cảm hứng lớn. Sau nhiều thập kỷ chứng kiến các biểu tượng văn hóa đại chúng liên tiếp gục ngã và ra đi nhân danh “cống hiến vì nghệ thuật”, người ta bắt đầu tin rằng:
Great art comes from great pain.
Khi nỗi đau người nghệ sĩ trải qua càng lớn, tác phẩm nghệ thuật họ tạo ra càng vĩ đại. Khái niệm The Tortured Artist được sinh ra từ đó.
Bài viết sẽ đi sâu vào việc giải mã khái niệm Tortured Artist này (tạm dịch là Nghệ Sĩ Giày Vò - theo bản dịch cuốn sách Điều kỳ diệu lớn của dịch giả Trần Phương Phúc Hạnh), tìm cách chứng minh mức độ đáng tin cậy của nó - Rằng ta có nên tin vào và sáng tạo theo cách đầy giày vò như vậy không?
NGƯỜI NGHỆ SĨ GIÀY VÒ.
Theo website Medium, ý niệm Nghệ Sĩ Giày Vò là khi bạn tin rằng để trở thành nghệ sĩ chân chính, một người nhất định phải trải qua nỗi đau bị giằng xé khôn cùng. Những người như vậy bắt buộc phải liên tục đối mặt với những cảm xúc tiêu cực hoặc luôn ở trong trạng thái sức khỏe tinh thần không ổn định trong quá trình sáng tạo.
Ví dụ điển hình nhất là Vincent Van Gogh. Dù xuất thân từ gia đình trung lưu, Van Gogh đã phải trải qua một cuộc đời nghệ sĩ chật vật vì những tác phẩm của ông không có ai đón nhận. Ông thường xuyên nhịn ăn để mua họa cụ, uống rượu triền miên và sớm gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Sau một lần cãi vã với người bạn thân Paul Gauguin, ông đã dùng dao cạo cắt đứt một phần tai trái của mình (Điều mà sau nay đã trở thành một phần quan trọng trong bức Chân dung tự họa nổi tiếng năm 1889). Vào những năm cuối đời, ông dành phần lớn thời gian của mình trong bệnh viện tâm thần chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. (Đây cũng là nơi ông tạo ra tác phẩm nổi tiếng nhất của mình - Bầu trời đầy sao). Cuối cùng, Van Gogh được cho là đã dùng súng bắn vào ngực mình và kết thúc cuộc đời mình vào năm 37 tuổi.
Nếu như câu chuyện về cuộc đời Van Gogh chưa đủ trực quan để bạn hình dung về một Nghệ Sĩ Giày Vò, bạn có thể tham khảo thêm cách Elizabeth Gilbert (tác giả của cuốn tiểu thuyết ăn khách Ăn, Cầu nguyện, Yêu) định nghĩa khái niệm này một cách trào phúng trong cuốn sách Điều kỳ diệu lớn như sau:
“Nếu bạn chọn việc ký kết một hợp đồng sáng tạo đau khổ, thì bạn nên cố hết sức để sống cuộc đời mình theo mẫu hình Nghệ Sĩ Giày Vò. Sẽ không thiếu hình mẫu cho bạn đâu. Để tôn vinh tấm gương của họ, bạn hãy tuân theo những quy luật cơ bản này: Uống bia rượu nhiều hết mức có thể; tàn phá tất cả các mối quan hệ của mình; vật lộn kịch liệt với bản thân, để bước ra khỏi mỗi trận đấu với máu me đầy mình; thể hiện sự bất mãn thường trực với kết quả của mình; ghen ghét tranh đấu với bạn bè; ganh tị với chiến thắng của bất kỳ ai khác; tuyên bố rằng tài năng của bạn chính là một sự nguyền rủa (chứ không phải phước lành); gắn liền cảm giác về giá trị của bản thân mình với những phần thưởng từ bên ngoài; kiêu ngạo khi thành công và tủi thân khi thất bại; tôn vinh bóng tối trên cả ánh sáng; chết trẻ; đổ lỗi cho sự sáng tạo vì đã giết chết bạn.”
Hình mẫu về những Nghệ Sĩ giày vò nhiều nhan nhản đến mức người ta nghĩ rằng đây là điều đương nhiên, đến mức chính những người nghệ sĩ cũng tin vào điều đó. Cây bút tài hoa Oscar Wilde gọi sự tồn tại của nghệ thuật là “một cuộc tự vẫn kéo dài, nên thơ.” Nhà văn Nam Cao cũng từng viết, “Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.” Nhạc sĩ Rufus Wainwright đã từng thừa nhận là anh sợ phải ổn định cuộc sống trong một mối quan hệ hạnh phúc, bởi nếu không có những bi kịch cảm xúc xuất phát từ những cuộc tình trái ngang đó, anh e rằng mình sẽ chẳng thể tiếp cận được với cái “hồ nước đen kịt của nỗi đau” mà với anh là vô cùng quan trọng cho âm nhạc của mình nữa.
NỖI ĐAU CÀNG LỚN, TÁC PHẨM CÀNG VĨ ĐẠI.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều đồng ý rằng đã là nghệ sĩ thì phải bay, phải có tí điên trong người. Nhưng điều này có thật sự đúng không?
May mắn cho chúng ta là đã có nhiều thế hệ nghệ sĩ (và thậm chí là nhà khoa học) từ chối tin vào suy nghĩ khổ đau và kiệt quệ đến chết là một nguồn cảm hứng chính đáng để sáng tạo.
Theo những nghiên cứu của nhà tâm lý học John Mathews, khái niệm Nghệ Sĩ Giày Vò đã xuất hiện từ rất lâu về trước, trước cả khi Van Gogh, Beethoven, Heath Ledger hay bất kì người nghệ sĩ mà bạn cho là nổi tiếng nhất thời đại chào đời. Vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại, cụm từ điên dùng để mô tả một trạng thái không có tên gọi, mô tả tình trạng xuất thần, gần như là bị nhập. Người Hy Lạp tin rằng nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của một người có nguồn gốc từ những thế lực siêu nhiên, họ tin và thấy những vị thần ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nhà triết học vĩ đại Plato từng viết rằng, việc nói một người đang lên cơn điên siêu nhiên là một cách diễn tả khác cho việc họ đang tạo nên một tác phẩm thực sự xuất sắc, họ đang thực sự đắm chìm vào quá trình tạo thành nghệ thuật đến mức trong mắt người ngoài, họ dường như đang bị điều khiển bởi một thế lực siêu nhiên. Qua thời gian, khi ngôn ngữ phát triển và cách sử dụng chúng thay đổi, từ điên không còn được nhìn nhận một cách hướng thần và lạc quan như vậy nữa. Khoa học hiện đại định nghĩa những biểu hiện trên là dấu hiệu của các căn bệnh tâm thần trầm trọng cần được chữa trị. Điều này cũng là một phần trong nhiều lý do khiến lầm tưởng cực đoan về đời sống sáng tạo của người nghệ sĩ ngày càng ăn sâu vào tiềm thức của công chúng.
Trọng điểm ở đây là, ta cần phân biệt điểm khác biệt rõ ràng giữa việc Được điên lên với một nguồn cảm hứng trong hành trình sáng tạo với Phát điên vì sự ám ảnh với mục đích tạo nên một sản phẩm sáng tạo. Theo tờ Independent Anh Quốc, việc sáng tạo hay hành trình sáng tạo không tự tạo nên những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Tiến sĩ Victoria Tischler, chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật và sức khỏe tại Đại học West London cũng đã khẳng định rằng các căn bệnh tâm thần thường không đến từ chính bản thân nghệ sĩ, mà chúng thường được tạo ra trong những môi trường làm việc. Bởi lẽ các công việc sáng tạo (từ xưa đến nay) thường đi kèm với những điều kiện làm việc tồi tàn như áp lực cao, lương thấp, giờ làm việc kéo dài, tình hình việc làm không ổn định và bắt nạt ở cả trong và ngoài ngành. Tất cả những yếu tố này mới là lý do tạo nên các vấn đề về sức khỏe tinh thần ở người nghệ sĩ, nhưng lại thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, sau đó bị diễn giải một cách sai lệch. Chính vì vậy, khái niệm Nghệ Sĩ Dày Vò, hay nói cách khác là dùng nỗi đau để tạo nên những tác phẩm để đời dường như là phi lý và đi ngược lại những giá trị vốn có cơ bản của nghệ thuật - Giải thoát và Chữa lành.
Bên cạnh đó, sự tiêu cực cực đoan từ những áp lực từ bên ngoài có ảnh hưởng lớn tới nội tâm nhạy cảm của người nghệ sĩ. Trong cuốn sách Điều kỳ diệu lớn, Elizabeth dành ba trang để liệt kê (một cách hết sức đại khái) những nỗi sợ có thể tạo nên âu lo và căng thẳng bà hay gặp phải:
"Bạn sợ mình không có tài năng Bạn sợ mình sẽ bị từ chối, chỉ trích, nhạo báng, hiểu nhầm hoặc - tệ nhất là - bị phớt lờ. Bạn sợ sự sáng tạo của mình sẽ chẳng được đón nhận, và vì thế dù có theo đuổi nó đi nữa thì cũng chẳng đem lại lợi lộc gì. Bạn sợ một ai đó khác đã làm việc này tốt hơn rồi. Bạn sợ mọi người khác đều đã làm việc này tốt hơn rồi. Bạn sợ rằng công việc của bạn sẽ chẳng đủ quan trọng về mặt chính trị, cảm xúc hay nghệ thuật, để thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai khác. Bạn sợ rằng bạn sẽ khiến cho gia đình mình thất vọng với những gì bạn có thể sẽ bộc lộ. Bạn sợ những điều mà bạn bè và đồng nghiệp sẽ nói khi bạn công khai bộc lộ sự thật về cá nhân mình. Bạn sợ mình quá già để bắt đầu. Bạn sợ mình quá trẻ để bắt đầu. Bạn sợ mình sẽ chỉ làm ra được mỗi một tác phẩm kiệt tác duy nhất trong đời này thôi. Bạn sợ mình sẽ chẳng làm ra nổi một kiệt tác nào trong cả đời cả…”
Chưa cần là một nhà văn, nhà soạn nhạc, họa sĩ hay nghệ sĩ, nếu manh nha mong muốn sáng tạo và có trong mình những ý tưởng đang chực chờ được thành hình, chắc hẳn đã có ít nhiều suy nghĩ tương tự những điều trên lướt qua trong đầu bạn. Trong trường hợp bạn thực sự là một người nghệ sĩ, vậy hẳn là những âu lo trên đã có lúc phải nhân lên gấp 10, gấp 100, hoặc nhiều hơn nữa. Để quên đi và tiếp tục có sức tập trung vào hành trình sáng tạo “đích thực”, nhiều người chọn cách phụ thuộc vào các chất kích thích. Cũng khó trách sao mà cánh nghệ sĩ ngày nay có nhiều người phát điên, theo nghĩa đen, đến vậy.
Nhưng ta cần phải hiểu rõ rằng, nghiện ngập không tạo ra một nghệ sĩ. Như nhà văn Raymond Carver đã từng nói, “Đối với bất kỳ nghệ sĩ nào nghiện rượu, thì họ là một nghệ sĩ mặc dù họ bị nghiện rượu, chứ họ không trở thành một nghệ sĩ nhờ vào việc nghiện rượu đó.” Nghiện ngập không tạo ra một nghệ sĩ, chỉ là ta đang có quá nhiều người chọn tin vào cách ngược lại. Họ sợ rằng nếu họ từ bỏ tất cả những nỗi đau kia, thì cả căn tính của họ cũng sẽ biến mất theo, bất chấp một sự thật hiển nhiên là: Không có ai được tạo nên chỉ bằng nỗi đau khổ cả. Còn rất nhiều những cảm xúc khác tạo nên cuộc đời và nguồn cảm hứng dồi dào của một con người. Niềm vui, lòng cảm mến, sự trung thành, lòng ngưỡng mộ, sự kết nối với thiên nhiên, sự hoài niệm, lòng nhớ thương, ước mơ, khát vọng chân chính, tình bạn, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình yêu. Không có điều gì mãnh liệt hơn tình yêu, kể cả sự đau khổ đi kèm với nó.
“Tôi tin rằng sáng tạo của chúng ta lớn lên như những cây cỏ dại mọc ven đường, xuyên qua những khe hở nằm giữa những căn bệnh của chúng ta - chứ không phải từ chính những căn bệnh đó.” Bạn có thể lựa chọn một cách sáng tạo hơn, bỏ qua giày vò và đớn đau, chỉ cần bạn tập trung vào những giá trị nội tại kỳ diệu bên trong bạn.
Bạn thân mến, đây chính khi Điều Kỳ Diệu Lớn thực sự bắt đầu.
MỘT CÁCH SÁNG TẠO KHÁC, KHÔNG GIÀY VÒ.
(Hoặc chí ít là ít giày vò hơn).
Đọc đến đây, có thể bạn đang dần dần nhận ra có gì đó sai sai với niềm tin sáng tạo của mình. Hoặc là từ trước đến nay bạn đã luôn chật vật trong quá trình sáng tạo, nhưng bạn cứ tiếp tục lầm lũi đi theo hướng đó vì bạn nghĩ: “Đâu còn cách nào khác để tạo nên một thứ hay ho?” Có lẽ những hướng dẫn sau đây của tác giả Elizabeth Gilbert sẽ giúp ích được cho bạn.
Vì ai cũng có những Điều Kỳ Diệu Lớn trong mình - một nguồn cảm hứng sáng tạo lành mạnh, xa rời khổ đau.
1. Bắt đầu từ niềm tin.
Tất cả những gì bạn cần làm là quay lại điểm khởi đầu của tất cả mọi chuyện - thần thoại Hy Lạp.
Trong Điều kỳ diệu lớn, Elizabeth Gilbert đã nói cụ thể hơn về nguồn gốc Hy Lạp của khái niệm này. Bà đề cập đến cụm từ Hy Lạp cổ eudaimonia, dịch ra cơ bản có nghĩa là có thần linh tốt. Cụm từ này thường được dùng để mô tả mức độ hạnh phúc cao nhất của loài người, khi bạn may mắn được dẫn lối bởi một vị thần linh sáng tạo bên ngoài nào đó. Khái niệm này được các nhà phê bình hiện đại (cụ thể như nhà tâm lý học John Mathews được trích dẫn ở Phần II bài viết này) - gọi là dòng chảy hoặc trong trạng thái xuất thần (devine). Tuy nhiên khi xưa, khi khoa học chưa phát triển hiện đại, thần linh có uy lực lớn hơn tất thảy. Cả người Hy Lạp lẫn người La Mã đều tin vào một vị thần linh sáng tạo ngoại tại. Họ sống ở bên trong mấy bức tường trong ngôi nhà của bạn, và thi thoảng lại hỗ trợ bạn trong công việc. Người La Mã có một thuật ngữ cụ thể dành cho chú gia tinh đắc lực đó. Họ gọi nó là thiên tài của bạn - vị thần hộ mệnh của bạn, người dẫn dắt nguồn cảm hứng của bạn. Nói thế tức là, người La Mã không tin rằng một người cực kỳ tài giỏi là một thiên tài; họ tin rằng một người cực kỳ tài giỏi có một thiên tài.
Elizabeth coi đây là một cách tiếp cận tuyệt vời, “Ý tưởng về một vị thiên tài ở bên ngoài sẽ giúp kiểm soát bản ngã của người nghệ sĩ, phần nào tách anh ta ra khỏi cái gánh nặng đến từ việc nhận hết lấy công trạng hay lỗi lầm từ kết quả công việc về phần mình. Hay nói cách khác là, nếu công việc của bạn có thành công, thì bạn có nghĩa vụ phải cảm tạ vị thiên tài bên ngoài đã hỗ trợ mình kia, nhờ đó mà giúp bạn không trở nên tự mãn tột độ. Còn nếu công việc của bạn có thất bại, thì lỗi đâu phải hoàn toàn do bạn cơ chứ. [...]
Dù là theo cách nào đi chăng nữa, cái bản ngã loài người vốn dễ bị tổn thương của bạn sẽ được bảo vệ. Được bảo vệ khỏi những tác động có tính hủy hoại của những lời tâng bốc. Được bảo vệ khỏi những tác động bào mòn của nỗi hổ thẹn."
2. Xem lại động lực của bạn.
Là một tiểu thuyết gia nổi tiếng với cuốn sách ăn khách bán hàng triệu bản đã tạo nên cơn sốt trên nhiều quốc gia trên thế giới, tác giả cuốn sách Ăn, Cầu Nguyện, Yêu có một lời khuyên chân thành cho bạn: Không ai yêu cầu bạn phải cứu rỗi thế giới bằng sự sáng tạo của mình đâu. Nghệ thuật của bạn không cần phải quan trọng đến thế.
Bản thân Elizabeth cũng không hề có ý định thay đổi cuộc đời ai - thậm chí là của chính mình - khi bắt đầu viết cuốn sách Ăn, Cầu Nguyện, Yêu. Bà chỉ đơn thuần bắt đầu với ý tưởng viết một cuốn hồi ký du lịch để hiểu được ý nghĩa hành trình và những bối rối cảm xúc của chính mình. Tình cờ, trong quá trình đó, bà đã viết nên một câu chuyện mà có vẻ như là đã giúp được cho rất nhiều người khác hiểu được chính bản thân họ - thật sự đây là một kết quả nằm ngoài dự kiến.
Nếu công việc sáng tạo khiến bạn vui vẻ, vậy thì tốt. Nếu những ý tưởng của bạn có tác dụng chữa lành cho bạn, hay đầy hấp dẫn đối với bạn, hay giúp cứu rỗi bạn, hay nếu nó chỉ là một sở thích giúp ngăn bạn khỏi phát điên, thì cũng tốt. Thậm chí cũng tốt thôi nếu sáng tạo với bạn hoàn toàn là một việc làm phù phiếm, bạn chỉ làm nó để thỏa mãn thói hư vinh của mình. Điều đó được cho phép. Tất cả đều được cho phép.
Người đang cản trở chúng chỉ là chính bạn thôi.
3. Mặc kệ tính độc đáo và tính chân thực.
Lý do nhiều người từ chối thực hiện những ý tưởng đến với mình là nỗi sợ. Họ sợ ý tưởng của mình tầm thường và tẻ nhạt, vì vậy nên chúng không xứng đáng được tạo ra. Hoặc họ sọ ý tưởng này đã được làm từ trước đó rồi, nên giờ có làm lại cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Nhưng hầu hết tất cả mọi thế trên thế giới này đều đã được làm cả rồi. Điểm mấu chốt ở đây là chúng chưa được bạn làm nên bao giờ.
Vào thời điểm mà Shakespeare hoàn tất chuyến việt dã của cuộc đời mình, ông đã gần như viết hết mọi cốt truyện có thể viết, nhưng điều này không ngăn cản những nhà văn của gần năm thế kỷ tiếp theo tiếp tục khai thác lại từ đầu những cốt truyện tương tự. Hoặc nếu ta nghĩ xa hơn, có lẽ Shakespeare cũng không phải là người đầu tiên tạo nên những diễn biến đó. Ông cũng chỉ là một cây bút viết lại những câu chuyện từng được nói đến hàng trăm năm trước rồi.
“Có sao đâu nếu bạn lặp lại cùng chủ đề? Có sao đâu nếu chúng ta cứ xoay vòng quanh cùng các ý tưởng đó, hết lần này qua lần khác, hết thế hệ này sang thế hệ khác? Có sao đâu nếu mỗi thế hệ mới đều cảm thấy cùng một sự thôi thúc và đặt ra cùng những câu hỏi mà loài người đã cảm thấy và đã hỏi bấy nhiêu năm rồi? Cuối cùng thì chúng ta đều có liên quan đến nhau cả, thế nên thể nào cũng sẽ có vài sự lặp lại trong bản năng sáng tạo. Mọi thứ đều gợi nhớ cho ta đến thứ gì đó. Nhưng một khi bạn đưa sự biểu đạt và niềm say mê của mình vào bên trong cái ý tưởng kia, nó sẽ trở thành của bạn.”
4. Bắt đầu sáng tạo không khổ đau.
Ở bước này, hãy “nhấc những nối bất an và sợ hãi của bạn lên, nắm lấy cổ chân chúng mà dốc ngược, rồi hãy rũ mình ra khỏi tất cả những ý tưởng kìm kẹp về những gì mình cần phải có (và số tiền mình cần phải trả) để có thể trở thành người sáng tạo một cách chính đáng đi.”
Thay vì phải vay mượn để có tiền đến trường học nghệ thuật hay các khóa học thực hành sáng tạo đắt đỏ, có lẽ bạn hãy cố tự đẩy mình vào sâu hơn bên trong thế giới, hoặc dũng cảm đi sâu vào bên trong chính mình hơn xem sao. Hãy thành thật xem xét lại những gì mà bạn đã được giáo dục - những năm tháng bạn đã sống, những gian nan bạn đã vượt qua, những kỹ năng bạn đã học được trên quãng đường đó.
Không quan trọng là bạn già hay trẻ, bạn sẽ luôn có một cách đặc biệt, của riêng mình, đầy tiềm năng, để tạo nên một thứ mới. Nếu bạn còn trẻ, hãy tin rằng luôn có những người muốn cảm nhận được tuổi trẻ của bạn - thứ cảm giác tươi mới của một người chỉ mới bước vào đời. Nếu bạn lớn tuổi hơn, nếu bạn vẫn còn đang ở đây, nếu bạn đã sống sót đủ lâu thế này - hãy tin là bạn đã biết đủ về một số thứ. Hãy chia sẻ những điều mà bạn biết, những bài học mà bạn đã đớn đau học được, những gì bạn đã nhìn thấy và đã cảm nhận. Cá là trong tất cả những điều giá trị đó, khổ đau và bất hạnh chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Thậm chí với một số người, những bài học quan trọng nhất trong cuộc đời họ chưa chắc đã gắn liền với bất hạnh và khổ đau.
Về bản chất, riêng việc bạn đang tồn tại nơi đây, ngay giữa vô vàn người khác, là bạn đã sáng tạo một cách chính đáng rồi. Không có lý do gì để bạn chật vật và đùn đẩy cuộc đời mình đến mức kiệt quệ để tạo nên những ý tưởng vốn có trong bạn cả.
5. Kỷ luật là sức mạnh.
Vậy, giờ khi ta từ chối dựa vào nguồn cảm hứng mãnh liệt mà những cảm xúc cực đoan mang lại, những tác phẩm sẽ thành hình bằng cách nào?
Câu trả lời là: Tính kỷ luật.
Bạn phải cố mà làm thôi. Bạn phải cố mỗi ngày.
Dù là một nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm mang tính siêu thực, Haruki Murakami là một người vô cùng lý trí và kỷ luật. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Paris Review mùa hè năm 2004, ông chia sẻ một ngày của mình khi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết như sau: Thức dậy lúc 4 giờ sáng và bắt đầu ngồi vào bàn làm việc liên tục từ 5 – 6 giờ. Vào buổi chiều, ông chạy bộ khoảng 10 km hoặc bơi 1500m, hoặc cả hai. Sau đó là thời gian để đọc sách và nghe nhạc. Ông lên giường đi ngủ vào lúc 21 giờ và tiếp tục thời gian biểu này vào ngày hôm sau. “Viết một cuốn tiểu thuyết dài giống như một bài luyện tập sống, sức mạnh thể chất cũng cần thiết như sự nhạy cảm về nghệ thuật”. Ông chia sẻ. Những thành công liên tiếp mà ông tạo ra từ thói quen này là không thể chối cãi.
Ngoài ra, dành cho những ai chưa biết, Haruki Murakami và người vợ Yoko đã kết hôn từ khi là sinh viên và đến giờ vẫn hạnh phúc. Đúng vậy, chính Murakami - người tạo nên “những người đàn ông không có đàn bà”, người viết nên những chuyện tình day dứt và thường không có kết cục có hậu - có một cuộc sống hôn nhân viên mãn ngoài đời.
Bạn thấy đấy, sự thành bại của một đời sống sáng tạo nhiều khi không thực sự liên quan gì đến khổ đau.
6. Một bí quyết
Vì vậy, hãy ngừng than vãn đi.
Dĩ nhiên là việc sáng tạo ra các thứ sẽ khó khăn rồi, nếu không thì ai cũng sẽ làm nó, và rồi nó sẽ chẳng còn là một thứ đặc biệt và thú vị nữa. Cứ mỗi lần bạn thốt ra một lời than phiền về việc sáng tạo khó khăn và mệt mỏi ra sao, cảm hứng sẽ bước ra xa bạn thêm một bước.
Thay vào đó, hãy dũng cảm nói lớn rằng bạn thích việc mình đang làm khi bạn thực sự cảm thấy thế. Điều đó sẽ kéo cảm hứng lại gần bạn hơn. Nó tương tự như việc manifest vậy. Hãy để những nguồn cảm hứng nghe được niềm vui sướng của bạn, để rồi nó sẵn lòng hợp tác, ở lại, và rủ thêm nhiều người bạn khác của mình đến thăm tâm trí bạn.
Lời kết
Suốt cả bài viết này, ta đã cùng nhau tìm hiểu tận gốc về một ý niệm trong sáng tạo. Có thể lý do khiến bạn bấm chọn bài viết này, và đọc đến tận đây, là bởi bạn tin rằng nghệ thuật là thứ quan trọng và nghiêm túc nhất (hoặc gần nhất) trên thế gian này.
Nhưng có khi, không phải đâu.
Bởi lẽ, một trong những bài học hay ho nhất mà Elizabeth muốn nói trong Điều Kỳ Diệu Lớn là: Nghệ thuật chỉ là thứ phi thiết yếu. Bà tin rằng bạn sẽ khó lòng tìm ra một cái nghề mà, khách quan mà nói, ít quan trọng đối với xã hội hơn là cái nghề nhà văn. Giáo viên, bác sĩ, lính cứu hỏa, nhân viên lau dọn, thợ sửa mái nhà, chủ trang trại, bảo vệ, người vận động hành lang, lao động tình dục... đều có vai trò thiết yếu trong việc giữ cho cộng đồng loài người được vận hành một cách trơn tru, nhiều hơn bất kỳ tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà soạn nhạc nào. Việc một người nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tạo những thứ mà ở một góc độ nào đó là hoàn toàn vô dụng, chỉ nhằm chứng tỏ một điều giản đơn: Chúng ta đang không sống trong một thế giới hoang tàn và đen tối. Chúng ta đang không bị trói buộc hoàn toàn vào việc phải cố gắng tồn tại một cách đầy tẻ nhạt. Có nghĩa là trong nền văn minh của chúng ta, vẫn còn có đủ chỗ cho những thứ xa xỉ là trí tưởng tượng, cái đẹp và cảm xúc - hay thậm chí là những thứ hoàn toàn phù phiếm như nghệ thuật.
Sự sáng tạo thuần khiết tuyệt diệu như vậy bởi nó là sự đối lập của tất thảy những gì thiết yếu hoặc không thể tránh được trong đời sống (như thức ăn, nơi trú ẩn, thuốc men, luật lệ, trật tự xã hội, trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, mất mát, chết chóc, thuế má,...). Chính vì vậy, sự sáng tạo thuần khiết là một món quà, chứ không phải là một sự giày vò tựa như trừng phạt. Nó là lớp kem phủ lên chiếc bánh kem.
Rốt cuộc thì mọi chuyện cũng chẳng quan trọng đến vậy. Như John Lennon nói về nhóm nhạc The Beatles đó, “Chúng tôi chỉ là một ban nhạc thôi mà!”
Rốt cuộc thì, nó cũng chỉ là sự sáng tạo thôi mà.
Đừng sợ hãi nó. Đừng để nó nhấn chìm bạn. Hãy đứng ngang bằng nó. Hãy đối xử với nó một cách vừa phải, nhẹ nhàng thôi.
Hãy tạo nên nghệ thuật mà không cần phải qua sự đau đớn nào nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất