Tóm Tắt

Bài nghiên cứu trình bày quan điểm của Marcel về con người và vấn đề đạo đức qua triết lý của ông về hiện hữu và chiếm hữu. Với ông, con người là một huyền nhiệm, một nhân vị hiện hữu. Ông phản bác việc coi con người là vấn đề và việc phân tách hai phạm trù cái “có” và cái “là” ra khỏi sự hợp nhất vốn có của nó. Con người huyền nhiệm của Marcel mang tính nhân văn cao. Trong đó, ông coi trọng nhân vị, tính hiện hữu của mỗi cá thể, điều mà con người ngày nay dường như xem nhẹ thậm chí chỉ coi đó là mớ lý thuyết viển vông. Ông đề cao tinh thần yêu thương, cảm thông, tương hỗ lẫn nhau. Ông nhấn mạnh sự bình đẳng và tự do đích thực nơi con người. Đặc biệt, mối tương quan giữa con người huyền nhiệm với Thiên Chúa là cứu cánh, qua sợi dây liên kết là tình yêu. Sau cùng, bài viết bàn về vấn đề đạo đức và con người huyền nhiệm trong thời đại khoa học, công nghệ hiện nay.
Từ khóa: Vấn đề, huyền nhiệm, con người, chiếm hữu, hiện hữu.

Dẫn nhập

Với nền tảng tinh thần là đức tin Kitô Giáo trong triết học hiện sinh của Marcel. Dẫu rằng, mãi đến năm 39 tuổi ông mới gia nhập đạo Công Giáo. Thế nhưng, ông đã triển khai tư tưởng trên cương vị như một triết gia hữu thần Công Giáo. Ông tin vào Thiên Chúa và tôn trọng nhân vị, sự hiện hữu của mỗi người. Nhận thức sự hữu hạn của con người và quyền năng vô hạn của Thiên Chúa, Marcel đã liên kết con người cá vị với tha nhân trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa và với nhau. Ông coi con người là một huyền nhiệm, một nhân vị hiện hữu bao gồm cả hai phạm trù “có” và “là”. Với ông, con người không phải là một vấn đề, một sự vật đơn thuần, nhưng là huyền nhiệm là hiện hữu. Con người chỉ là vấn đề khi coi con người là sự chiếm hữu. Ông đề cao tính hiện hữu hữu và lên án tinh thần chiếm hữu nơi con người. Vì thế, con người huyền nhiệm của Marcel là một con người rất người. Tuy yếu đuối, hữu hạn, nhưng lại rất độc đáo, nhân văn và triết lý về con người của ông là triết lý mang tinh thần đạo đức cao cả, hướng về sự thiện đích thực và tình yêu thương lẫn nhau. Trước khi đi vào tư tưởng của Macerl, việc nhìn lại bối cảnh xã hội chính trị trong thời đại ông sống và làm việc hẳn là điều cần thiết và hữu ích.

Bối cảnh xã hội chính trị trong thời đại của Gabriel Marcel

Gabriel Marcel sinh ngày 07/12/1889 tại thủ đô Paris nước Pháp. Ông mồ côi mẹ khi chưa đầy 4 tuổi. Cha ông từng là tín đồ Công giáo nhưng sau lại bỏ đạo. Ông được lớn lên và giáo dục trong nền tư tưởng với quan niệm bất khả tri. Biến cố trọng đại và là bước ngoặt trong cuộc đời ông là khi ông lãnh nhận bí tích Rửa tội năm 1929. Ông ghi lại trong nhật ký những cảm tưởng vào ngày ông chịu phép rửa rằng: “Trong một trạng thái nội tâm mà tôi chẳng dám mong có được, không hề có sự hứng khởi, nhưng một cảm giác bình an, thăng bằng, tin cậy, gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi đến chóng mặt. Vào lúc này tôi thấy phép lạ Kitô giáo như là điểm tạo sự tươi trẻ tuyệt đối và có thể là như suối nguồn vĩnh cửu hoặc thường hằng làm cho bất cứ ai cũng trẻ trung lại”[1].
Là người sống trong thời đại xảy ra biến cố với hai cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử nhân loại. Chắc hẳn, Marcel nhận ra sự mong manh của kiếp người và số phận nghiệt ngã khi con người muốn làm bá chủ thế giới và ảo tưởng về quyền năng lý trí đầy giới hạn của mình. Thời đại của ông con người tự biến thành Thượng Đế để cho mình quyền cai trị vũ trụ. Họ gạt Thượng Đế sang một bên, ngạo mạn coi mình là Đấng Cứu Thế. Khoa học phát triển khiến họ tưởng mình siêu việt vượt bậc và chẳng cần phải có một Thiên Chúa nào cả. Hậu quả tai hại là qua hai cuộc chiến với biết bao đau thương, chết chóc, con người mới giật mình tỉnh ngộ sẽ nghiệt ngã làm sao nếu không có Thượng Đế hay nói cách khác nếu con người là Thượng Đế. Sự băn khoăn về số phận và con người, về sự sống và cái chết, về tình yêu và hận thù, về ý nghĩa, lẽ sống và đạo đức trước những thực trạng thảm khốc của thời đại hẳn là vấn đề quan tâm của nhiều học giả, triết gia, các nhà khoa học hay nhiều người khác trong đó có Marcel.
Bối cảnh xã hội chính trị đầy biến động và sự phát triển của khoa học công nghệ đầy tính đột phá ấy đã làm nảy sinh một trào lưu triết học mới mẻ lan rộng toàn cõi Châu Âu. Một hiện tượng triết học xuống đường được gọi là triết học hiện sinh đã xâm nhập vào quần chúng và đời sống của giới trẻ qua những tác phẩm văn học, tiểu thuyết, báo chí. Xu hướng triết học ấy bàn về ý nghĩa, cảm nhận và lẽ sống của đời người. Marcel sống trong thời đại đầy thăng trầm này của lịch sử thể giới. Hẳn trước bối cảnh xã hội chính trị cùng những thực trạng và biến cố ông đã trải qua trong thời đại này đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến tư tưởng và quan điểm triết học của ông.

Chiếm hữu là vấn đề

Khi nói đến vấn đề, thường ý nghĩa của nó không mang lại sự thỏa mái, an nhiên. Bởi, có thể đó là chuyện chẳng lành, rắc rối. Gs Hoàng Phê cắt nghĩa từ vấn đề như sau: “đó là điều cần được xem xét, nghiên cứu, giải quyết”[2]. Vậy, điều cần được xem xét, giải quyết ấy là gì? Hẳn đó là một sự kiện. Sự kiện diễn ra nơi đời sống con người trong không gian và thời gian nhất định. Con người là chủ thể và cũng là đối tượng của sự kiện. Marcel đặt trọng tâm cho triết học hiện sinh của ông là hiện hữu. Đặc biệt là câu hỏi trong tâm của con người tôi thực sự là gì?. Ông phản đối việc coi con người là vấn đề. Bởi, vấn đề nếu đơn thuần chỉ là sự kiện, sự vật, tự nó sẽ bác bỏ sự hiện hữu của con người. Như vậy, nếu phủ nhận sự hiện hữu của con người, chỉ coi con người hay thân xác của nó như một vật thể, ta sẽ dễ dàng đi đến phá hủy khi thấy không cần thiết hoặc không mang lại lợi ích gì. Vì thế, con người sẽ coi thường, coi rẻ thân xác mình và người khác. Khi ấy chiếm hữu trở thành vấn đề. Hơn nữa, đó còn là vấn đề liên quan trực tiếp đến đạo đức và luân lý.
“Về hiện sinh, tư tưởng của Marcel xoay quanh hai chữ hiện hữu và chiếm hữu.”[3] Tức cái là và cái có. Tôi có thân xác và tôi cũng là xác. Con người bao gồm cả hai phạm trù ấy, bất khả phân chia, cả hai luôn hợp nhất với nhau. Vì thế, “không thể giản lược thành một vấn đề. Bởi vì, tôi không phải là một sự vật, một cái ấy. Mặc dù một cách nào đó, tôi cũng là một sự vật, vì có một thân xác, tồn tại của tôi là giữa chủ thể và khách thể, nhưng vì phần chủ quan của tôi không bao giờ có thể loại bỏ, nên tôi không thể bị giản lược thành một sự vật thuần túy”[4].
Thật nguy hại khi ta chỉ sống một trong hai phạm trù. Chẳng hạn, “có xác”. Tôi có xác và xác ấy là của tôi. Tôi sở hữu và là chủ của nó. Cũng giống như tôi có một chiếc xe, một chiếc máy tính hay một đồ vật nào đó. Vì tôi có, nên nó là của tôi. Vậy, tôi hoàn toàn có quyền quyết định trên nó. Ví dụ, tôi có một bào thai, bào thai ấy ngoài ý muốn của tôi. Tôi loại bỏ. Hay, tôi có một thân xác tật nguyền. Tôi thất vọng về thân xác ấy, tôi tự giết mình để hủy diệt nó là chính tôi. Cái có thuộc về quy chế của sự vật. Con người không thể là quy chế đơn thuần ấy. Tuy, con người cũng là sự vật, nhưng không chỉ là sự vật. Bởi, con người hiện hữu, con người sống, con người có lý trí, ý chí và tự do. Con người có thân xác, là thân xác của chính nó, nhưng không hoàn toàn là chủ của thân xác mình. Vậy nên, con người không có quyền quyết định tiêu diệt hay hủy hoại sự sống của mình. “Sự sống thánh thiêng là do Thiên Chúa ban tặng và phải được nuôi dưỡng bảo vệ. Hủy hoại mạng sống không phải là quyền của con người, nhưng là đặc quyền của Thiên Chúa”[5]. Và như vậy, “mạng sống của con người là tài sản tín thác, chứ không phải tài sản sở hữu thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của ta”[6]. Đó cũng là ba đặc tính của chiếm hữu được Marcel đề cập. Trong đó, tính sở hữu tức là cái tôi có. Quyền sử dụng cái tôi có và sau cùng là đặc tính hoàn toàn chiếm hữu, bảo thủ, cất giữ cái tôi sở hữu, nó mãi là của tôi, tôi gìn giữ nó và loại trừ nếu kẻ khác xâm phạm. Cũng vậy, với Marcel con người không đơn thuần chỉ là cái là. Tôi là tôi. Đúng, nhưng chưa đủ. Tôi là giáo sư, sinh viên, bác sĩ, tu sĩ hay là một điều gì đó. Tất cả đều đúng, nhưng cũng chưa đủ. Bởi, con người đâu chỉ là những danh từ, địa vị, chức vụ được gán cho. Con người là hữu thể tự do, có sự sống, có linh hồn, biết suy tưởng, cảm nhận, yêu thương, giận ghét…vv. Con người có khả năng tương tác, phản xạ mà không phải lập trình như robot. Bởi thế, với Marcel con người không chỉ là cái có hay cái là riêng lẻ. Con người bao gồm cả hai phạm trù ấy. Con người là một huyền nhiệm.

Hiện hữu là huyền nhiệm

Pascal cho rằng: “Con người chỉ là một cây sậy, thứ yếu nhất trong thiên nhiên, nhưng đó là cây sậy biết tư duy. Không cần thiết toàn bộ vũ trụ phải võ trang để nghiền nát anh ta. Hơi nước hay một giọt nước cũng đủ giết anh ta. Nhưng, nếu vũ trụ làm vậy, con người có lẽ vẫn cao quý hơn kẻ giết mình. Bởi, anh ta biết rằng anh ta chết và biết lợi thế mà vũ trụ có ưu trội hơn anh ta. Còn vũ trụ chẳng biết gì về điều đó”[7]. Con người yếu ớt, nhưng cũng thật độc đáo. Chính cái biết và cái suy tư ấy làm con người khác với cây sậy hay giọt nước. Đó là huyền nhiệm. Lạ thay, huyền nhiệm của con người lại nằm ngay nơi sự yếu đuối, hữu hạn của nó. Quả thế, chỉ khi con người ý thức được mình là bụi đất, nó mới hiểu được huyền nhiệm cao cả trong sự hiện hữu của bản thể mình. Như Marcel đã nói: “Chiếm hữu và sở hữu là hình thức suy đồi của hiện hữu. Một điều chắc chắn là chiếm hữu là thái độ của ta trước sự vật, còn hiện hữu là thái độ của những nhân vị, dầu với chính mình hay với người khác”[8]. Vì vậy, hiện sinh là hiện hữu, hiện sinh đối lập với chiếm hữu. Hiện sinh không phải là sở hữu. Hiện sinh là một huyền nhiệm. Vậy huyền nhiệm là gì?
Theo Marcel “huyền nhiệm có nghĩa là một số loại kinh nghiệm vĩnh viễn, không bao giờ có thể được chuyển thành những sự vật có đó ở bên ngoài”[9]. Bởi, “bản chất của con người là tồn tại và sống trong hoàn cảnh”[10]. Nghĩa là có tương quan liên nhân vị. Giữa người với người khác với người với vật hay giữa hai đồ vật với nhau. Cũng vậy, đối với Marcel, lời hứa là quan hệ độc đáo của con người và chỉ có nơi con người. Một quan hệ không thể có giữa hai đồ vật. Chiều kích này khiến Marcel tin và cho rằng “đặc tính cơ bản của mối quan hệ với con người bao gồm yếu tố trung thành.”[11] Nhờ đó, con người tiếp tục xây dựng đời sống mình và vươn đến con người chân chính, trách nhiệm. Như vậy, trung thành là chìa khóa để mở ra ba thực tại huyền nhiệm nơi con người mà Marcel bàn đến.
Thứ nhất là hiện sinh nhân vị. Marcel nhắc đi nhắc lại rằng: “Những cái tôi có là sở hữu của tôi. Như vậy, chúng không phải là tôi và tất nhiên tôi cũng không phải là chúng”[12]. Vì vậy, hiện hữu và chiếm hữu là hai thực tại đối lập nhau. Hiện hữu khác chiếm hữu. Con người khác sự vật. Nhưng khác ở điểm nào? Marcel nhấn mạnh, đó là tự do, bình đẳng và định mệnh. Tự do phải chăng là muốn làm gì thì làm? Hay ta có toàn quyền quyết định và sử dụng bản thân  mình? Marcel không chối bỏ điều này. Bởi, sự hữu hạn của con người luôn bị ràng buộc với những nhu cầu sinh lý, xã hội, tinh thần. Và cần được thỏa mãn. Thế nhưng, ông khẳng định đó mới chỉ là thứ tự do tiêu cực, kiểu tự do của một con người mới ra tù, bị thúc đẩy bởi những bản năng, hoàn cảnh và không được tự chủ, độc lập. Và như vậy, khi con người sử dụng bản thân, cuộc đời mình chỉ cho những nhu cầu bản năng, con người tự biến mình thành món hàng. Con người bỏ quên định mệnh, phản lại chính mình, mâu thuẫn với chính mình. Vì thế, con người chỉ lo chiếm hữu, quên đi tính hiện hữu của mình. Với Marcel, tự do đích thực là hành vi trung thành sáng tạo, một hành vi đạo đức và trách nhiệm. Đó là đặc tính của con người hiện sinh. Trung thành sáng tạo là chung tay, cộng tác với Đấng Tạo Hóa trong công trình của Ngài. Con người liên kết, hiệp thông với Tạo Hóa, để tìm tự do đích thực. Qua đó, con người nhận sự hữu hạn của mình và sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Cũng nhờ vậy, con người phát triển những khả năng của mình, hầu thể hiện cuộc hiện sinh cách tuyệt mỹ, hạnh phúc và biết yêu thương, bảo vệ, quý trọng sự sống của bản thân và tha nhân hơn.
Thứ hai là tha nhân. Đây là mối bận tâm đặc biệt của Marcel trong học thuyết về con người. Không như Thomas Hobbes coi “người với người là sói”. Ông nhìn nhận tha nhân là quà tặng từ Thiên Chúa, là anh em, là nhân vị để tôn trọng và yêu thương. “Bao lâu tôi còn coi tha nhân như một hắn thì tuy tha nhân đối diện với tôi, nhưng thực sự tôi coi tha nhân như một đơn vị người, không có anh ta thì đã có những người khác, họ đều là những người như nhau cả. Trong viễn tượng đó, tôi có thể lấy một người máy để thay thế tha nhân”[13]. Như vậy, Marcel tôn trọng và nâng cao phẩm giá con người. Ông không đồng hóa con người với máy móc, nhưng là một nhân vị hiện hữu, hiện sinh. Tư tưởng ấy thật nhân đạo, nhân bản. Ông hướng con người đến tình yêu và sự tương hỗ lẫn nhau. Ông khẳng định: “Mỗi người chúng ta là một độc đáo. Nói thế cũng như nói rằng, tôi không phải anh và tôi thiếu những cái mà tôi yêu mến nơi anh. Tình yêu bao giờ cũng có tính cách bổ túc”[14]. Chính vì vậy, với Marcel gặp gỡ giữa các nhân vị là một cuộc hội ngộ. Cuộc hội ngộ hướng ta đến tình yêu và lòng trung thành.
Đối với Thượng Đế, Marcel xác tín rằng, trong Thiên Chúa “hữu thể người” là một huyền nhiệm. Bởi lẽ, con người liên kết cách đặc biệt với Ngài qua tình yêu. Và qua chính Ngài, “huyền nhiệm tình yêu” nối kết con người với nhau, để hướng đến Thiên Chúa là điều Thiện Hảo. Trong tiếng lương tâm, Thiên Chúa đồng hành, nhắn nhủ và nhắc nhở con người biết tìm kiếm, khao khát chân lý. Cũng qua đó, giúp con người biết làm điều lành, tránh điều dữ. Thực vậy, nhờ nối kết với Thiên Chúa qua tình yêu, con người được hoán cải từ phạm vi chiếm hữu sang phạm vị hiện hữu, để biết yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Bởi, chỉ khi “đi vào hướng tình yêu, chúng ta chắc chắn sẽ gặp con người đích thực, ta sẽ cư xử với tha nhân một cách nhân đạo”[15]. Và vì thế, nơi Thiên Chúa là sự Thiện Tuyệt Đối, con người tìm thấy bản thân mình và hướng về con đường đạo đức, tình yêu đích thực nhất, viên mãn nhất. Cũng vậy, chỉ nơi Thiên Chúa và qua Thiên Chúa con người mới thực sự khám phá ra huyền nhiệm về hiện hữu của chính mình. Qua đó, hầu biết sống một cuộc đời hiện sinh nhân văn, ý nghĩa và thiện hảo hơn.

Thay lời kết: Đạo đức và con người huyền nhiệm

Carl Jung quan niệm, đời sống thực tế của người đời là tập hợp những điều mâu thuẫn giữa ngày và đêm, sinh và tử, sướng và khổ. Hơn thế nữa, ông cho rằng: “Cuộc đời là một bãi chiến trường. Ngày xưa đã thế, ngày nay cũng vẫn thế. Nếu không như thế, cuộc đời ngừng lại”[16]. Thực vậy, có thể nói dường như con người đang bị nhiễm độc tinh thần. Họ mê muội đến mức nghĩ rằng, mọi thứ muốn là được. Bởi thế, chiến trường của cuộc đời là những trận chiến của chiếm hữu, tham lam vô độ, thiếu trách nhiệm trong hành vi. Thậm chí thiếu đi tinh thần rường cột cốt lõi của nhân loại là đạo đức và những giá trị nhân văn đích thực. Trong đó, họ loại trừ Thiên Chúa, tha nhân ra khỏi cuộc đời. Họ khẳng định mình là gì, là ai qua cái mình có. Họ cho rằng, càng nhiều cái có, họ càng hạnh phúc và nghiễm nhiên như thế họ tự cho là mình có đạo đức hay chả cần phải đạo đức, miễn là họ “có” thật nhiều, chiếm hữu được thật nhiều. Điều đó thật tai hại nhường nào. Thực tế đã minh chứng điều ấy. Khoa học, kỹ thuật và đủ mọi phương tiện tối tân phát triển, nhằm phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của con người. Thế nhưng, nghịch lý là càng phát triển, càng vơ vét tích trữ, con người lại càng cảm thấy trống rỗng trong vô vọng. Họ tìm cách thỏa mãn như cầu, dục vọng của mình bằng mọi giá, để mong có được hạnh phúc, nhưng thay vì hạnh phúc họ dường như lại thấy đau khổ tuyệt vọng và lạc lõng hơn. Bởi, những ham muốn của họ, ngày một tăng, chứ không giảm. Thực vậy, trái tim con người, dù ở hoàn cảnh nào, cũng luôn tự vấn và thổn thức với chính mình về sự hiện hữu và ý nghĩa của cuộc đời nó đang sống. Tiếc thay, trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho bản thân, nhiều người lại lạc lối vì họ phớt lờ, coi thường giá trị đích thực của đời người là được hiện hữu là tinh thần đạo đức và biết yêu thương nhau. Họ yêu bản thân, đánh bật tha nhân ra khỏi cuộc đời, để mong mình hạnh phúc. Họ ngạo mãn, tự mãn về chính mình, để rồi lết đi cách mệt mỏi trong kiếp nhân sinh. Họ mù quáng, vì đã để dục vọng thay vì tình yêu dẫn lối. Thực vậy, đạo đức đích thực là hướng về sự Thiện Tuyệt Đối, sự Thiện ấy sẽ làm con người được cảm nhận được hạnh phúc và đời sống mới thực có ý nghĩa. Chẳng phải thế mà Pascal cho rằng: “Để được hạnh phúc, cần phải yêu Thiên Chúa và ghét một mình cái tôi, nhưng con người thường làm ngược lại”[17]. Hoặc như Bertrand Russell quan niệm: “Có lẽ, không có nguồn hạnh phúc nào lớn bằng yêu nhiều người một cách tự nhiên mà không phải gắng sức”[18]. Tiếc thay, chẳng mấy ai làm được, bởi hầu hết con người chỉ biết đến mình và yêu được cái tôi của chính nó. Và như thế, có thể nói con người coi thường đạo đức cũng là coi thường chính sự hiện hữu của mình.
Thực vậy, con người huyền nhiệm của Marcel hướng ta đến một tình yêu của sự trân trọng, cảm thông, liên kết và tương hỗ. Ông mời gọi cho đi thay vì ích kỉ, chỉ biết đến mình, yêu thương hơn là ghét bỏ và nối kết thay vì tách rời. Với ông, đó là một con người biết và tin vào Thiên Chúa, nhìn nhận sự hữu hạn của bản thân và quyền năng vô hạn của Người. Ông mời gọi con người hãy sống một cuộc sống cho thật đáng sống. Sống đúng với căn tính là một nhân vị hiện hữu thực thụ, hơn là chỉ biết chiếm hữu, vơ vét, để thỏa lòng dục. Con người huyền nhiệm của Marcel là con người nhân đạo, biết tôn trong sự sống của bản thân và tha nhân, hướng đến tình yêu xây dựng chứ không phá đổ, từ bỏ chứ không chiếm hữu. Và nhờ vậy, cuộc đời con người mới thực có ý nghĩa, biết yêu và được yêu, được sống và biết sống, biết hạnh phúc và được hạnh phúc hơn. Đó quả là một hành trình đạo đức để từ bỏ chiếm hữu và để đi từ chiếm hữu đến hiện hữu đích thực, hiện hữu của một con người huyền nhiệm.
- Hạ Sơn -

Tài liệu tham khảo

Gs Hoàng Phê. Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ Học. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018.
Blaise Pascal. Suy tưởng. Dịch giả: Quách Đình Đạt. Hồ Chí Minh: Nxb khoa học xã hội, 2019.
Bertrand Russell. Chinh phục hạnh phúc. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018.
Phạm Minh Lăng. Những chủ đề cở bản của triết học Phương Tây. Hà Nội: Nxb văn hóa thông tin, 2003.
Carl Gustav Jung. Thăm dò tiềm thức. Dịch giả: Vũ Đình Lưu. Hà Nội: Nxb tri thức, 2019.
UBGLĐT – HĐGMVN. Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: Nxb tôn giáo, 2012.
Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Hà Nội: Nxb văn học, 2012. Tái bản lần thứ 3.
Bertrand Russell. Những tiểu luận triết học. Dịch giả: Huỳnh Duy Thanh. Hồ Chí Minh: Nxb khoa học xã hội, 2019.
Lm. Trần Mạnh Hùng, STD. Phát triển nền văn hóa sự chết – Trợ tử, an tử. Hồ Chí Minh: Nxb Phương Đông, 2015.
Samuel Enoch Stumpf. Lịch sử triết học và các luận đề. Dịch giả: Đỗ Văn Thuấn – Lưu Văn Hy. Hà Nội: Nxb lao động, 2014.
Richard T.Schaefer. Xã hội học. Dịch giả: Huỳnh Văn Thanh. Hà Nội: Nxb thống kê, 2005.
ĐGH Gioan Phaolô II. Thông điệp đức tin và lý trí. Dịch giả: Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm. Hà Nội: Nxb tôn giáo, 2015.
Vũ Liên Minh, OFM. Giáo trình triết sử hiện đại. Học viện Phaxicô Đakao, 2019.
Thân Văn Tường. “Gabriel Marcel hay con người là một "huyền nhiệm"”. Tạp chí Đại học, số 18, năm 1960. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện. http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-nhan-hoc/gabriel-marcel-hay-con-nguoi-la-mot-huyen nhiem_207.html
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ, học viên triết học – Học viện Thánh Giuse Dòng Tên. “Vấn đề về huyền nhiệm của con người”. Báo điện tử Dòng Tên, 2015. https://dongten.net/2015/08/22/van-de-huyen-nhiem-cua-con-nguoi/.
Võ Công Liêm. “Gabriel Marcel Con người tự do là gì?”. Báo điện tử Văn Chương Việt, 2013.
Đặng Xuân Quỳnh, ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê – Khóa XIV. “Con người huyền nhiệm của sự khao khát hạnh phúc đích thực”. Báo điện tử ĐCV Phanxicô Xaviê, 2018. https://www.dcvphanxicoxavie.com/vn/Triet-Hoc/Con-nguoi-huyen-nhiem-cua-su-khao-khat-hanh-phuc-dich-thuc.html.

Trích dẫn:

[1] Vũ Liên Minh, OFM. Giáo trình triết sử hiện đại. Học viện Phaxicô Đakao, 2019. Trang 22.
[2] Gs Hoàng Phê. Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ Học. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018. Trang 140.
[3] Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Hà Nội: Nxb văn học, 2012. Tái bản lần thứ ba Trang 260.
[4] Samuel Enoch Stumpf. Lịch sử triết học và các luận đề. Dịch giả: Đỗ Văn Thuấn – Lưu Văn Hy. Hà Nội: Nxb lao động, 2014. Trang 395.
[5] UBGLĐT – HĐGMVN. Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: Nxb tôn giáo, 2009. Số 2258.
[6] Lm. Trần Mạnh Hùng, STD. Phát triển nền văn hóa sự chết – Trợ tử, an tử. Hồ Chí Minh: Nxb Phương Đông, 2015. Trang 84.
[7] Blaise Pascal. Suy tưởng. Dịch giả: Quách Đình Đạt. Hồ Chí Minh: Nxb khoa học xã hội, 2019. Trang 145.
[8] X. sđd. Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Trang 275.
[9] Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ, học viên triết học – Học viện Thánh Giuse Dòng Tên. “Vấn đề về huyền nhiệm của con người”. Báo điện tử Dòng Tên, 2015.
[10] X. sđd. Samuel Enoch Stumpf. Lịch sử triết học và các luận đề. Trang 395.
[11] X. Sđd. Samuel Enoch Stumpf. Lịch sử triết học và các luận đề. Trang 395.
[12] X. sđd. Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Trang 280.
[13] X. sđd. Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Trang 288.
[14] X. sđd. Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Trang 291.
[15] X. sđd. Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Trang 297.
[16] Carl Gustav Jung. Thăm dò tiềm thức. Dịch giả: Vũ Đình Lưu. Hà Nội: Nxb tri thức, 2019. Trang 121.
[17] X. sđd. Blaise Pascal. Suy tưởng. Dịch giả: Quách Đình Đạt. Trang 190.
[18] Bertrand Russell. Chinh phục hạnh phúc. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018. Trang 149.