DÁM SỐNG HẠNH PHÚC
Thời dịch Covid, mình ngồi nhà và đăng ký các khóa học Online. Hôm trước mình đã đăng ký một khóa học như vậy của Cherry Vũ , về...
Thời dịch Covid, mình ngồi nhà và đăng ký các khóa học Online.
Hôm trước mình đã đăng ký một khóa học như vậy của Cherry Vũ, về "Ứng dụng Quản lý Linh hoạt cho Cha mẹ trong Giáo dục Gia đình".
Giáo dục Gia đình là chủ đề mình quan tâm.
Ngoài việc nội dung của buổi học rất thú vị và hữu ích, điều ấn tượng đọng lại với mình là về diễn giả, cô Cherry Vũ, một người phụ nữ tươi tắn, đầy sức sống. Có thể cảm nhận được hạnh phúc, sự bình yên, sự tự tin tỏa sáng từ bên trong của cô.
Trong buổi học, qua các ví dụ thực tế của chính mình, cô cho mọi người biết cô đang sống với gia đình mình, gồm chồng của cô, anh Rob England, cùng 4 đứa con, trong đó 2 của riêng cô và 2 của riêng anh, tại Wellington. Cô và chồng cùng điều hành một công ty tư vấn, Teal Unicorn, tại thành phố mình ở. Những bức ảnh minh họa cũng chỉ ra hình ảnh của người chồng hạnh phúc và những đứa trẻ cá tính, độc lập tự tin và thật vui vẻ.
Khỏi phải nói thì ai cũng có thể hiểu rằng, để có hiện tại như hôm nay, chắc hẳn cô ấy đã phải trải qua không ít khó khăn, không ít đau đớn, khi hôn nhân tan vỡ, khi vật vã trên con đường học hành đầy cam go để đạt tới những chuẩn mực “toàn cầu”, và như vậy mới có cơ hội gặp gỡ kết nối, rồi trở thành cặp đôi với người bạn đời hạnh phúc như bây giờ. Ngoài những phẩm chất như sự nỗ lực, tính chăm chỉ, tình yêu thương con cái vô bờ bến… dường như là phẩm chất “truyền đời” của những người phụ nữ Việt Nam, mình nghĩ rằng trong cô ấy có một đặc tính nữa, đó là sự quyết liệt, “dám” chọn sống hạnh phúc, “dám” thương mình. Đây là điều mà nhiều khi, có thể bị lu mờ bởi một phẩm chất khác, cũng cao quý không kém. Đó là “đức hy sinh” của người phụ nữ, vốn được tụng ca thật nhiều, bởi đã góp phần làm nên những kỳ tích lẫy lừng trong lịch sử các cuộc chiến tranh của người Việt Nam, khi những người vợ làm lụng cần cù, chịu thương chịu khó, chung thủy chờ chồng trong cuộc chiến và thờ chồng sau đó, dồn hết tình yêu cho con, chọn lẽ sống của mình là chỉ sống vì con cái, vì gia đình, tạo cho những người đàn ông sự yên tâm, nâng lên ở họ lòng kiêu hãnh và cả sự dũng cảm, để họ tận trung sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Điều đó thực sự có vẻ đẹp của nó, đã làm nên một phần rất đẹp trong văn hóa và lịch sử của người Việt Nam.
Song, khi sống trong thời bình, đức hy sinh đó có còn là sống còn không?
Con người có nhất thiết phải hy sinh hạnh phúc của mình, những nỗi niềm sâu kín của mình, để sống cho vừa một không gian, một trật tự có sẵn không? Không còn vẻ đẹp của sự hy sinh vì nhữngđiều lớn lao, nó có thể đơn giản là sự cam chịu, sự thuần phục một cách thụ động. Và điều này có thể xảy ra không chỉ ở phụ nữ, mà cả ở đàn ông, ở tất cả mọi người, trong nhiều tình huống của cuộc sống.
Cherry Vũ đã nói với mình:
“Để hạnh phúc với em là cả một quá trình chến đấu với cả gia đình và xã hội. Em đã không cho phép người ta đặt lên đầu em chiếc vòng kim cô thâm căn cố đế, coi phụ nữ bỏ chồng là phụ nữ không ra gì”
Chuyện ly hôn bây giờ có thể đã không còn nặng nề quá, song cũng vẫn không phải là “không là gì”, và hơn chục năm trước đây, những định kiến còn lớn hơn rất nhiều, nhất là đối với phụ nữ.
Lại nhớ gần đây, mình mới đọc một cuốn sách, “Lên núi học tiếng Anh” cuốn tự truyện của bạn Đào Thị Hằng. Đây không chỉ là câu chuyện của một người học tiếng Anh vất vả và thành công ra sao, và bây giờ là người dậy tiếng Anh nhiệt thành và hiệu quả thế nào. Hơn thế, đây là câu chuyện về cuộc đời, cuộc đời học hỏi, học để sống, sống là học. Điều thú vị nhất với mình là khi cô ấy viết về động lực của việc học tập, đã “chạm” đến một điều sâu thẳm, điều cốt lõi: “học vì thương mình”. Cô ấy biết rằng sẽ không thể hạnh phúc nếu cứ quanh quẩn ở vùng quê đó, gội đầu, làm móng tay hay gì đó khác, để kiếm cơm và sống hết cuộc đời, trong khi, có biết bao điều thú vị đâu đó ngoài kia. Rồi sau này, câu chuyện cô từ bỏ học bổng tiến sĩ để quay về quê hương làm mắm, hay bỏ thị thành để lên núi lập làng, kéo các em mình từ bỏ trường đại học bước vào con đường tự học.. cũng xuất phá từ sự “dám” đó, dám nghe theo những nỗi lòng sâu thẳm phía trong mình, đấu tranh vì nó, từ bỏ hay lựa chọn cũng vì nó, để có thể hạnh phúc.
Dám lựa chọn, dám thương mình, học hỏi không ngừng...
Để rồi giờ đây, cô ấy thật tự do và hạnh phúc, được làm những điều mình tin tưởng, mình vui, và ý nghĩa.
Lại nhớ câu chuyện thời xa xưa của mình. Thời mới vào đại học ở nước Nga xa xôi, khờ khạo ngây thơ và thật ngoan, kiểu con ngoan trò giỏi điển hình. Ngoan đến mức khi các anh năm trên mời đi xem ca nhạc, lúc đó có đoàn ca nhạc của Việt Nam sang biểu diễn, hiếm hoi lắm, các anh cũng quan tâm, mua vé lên rủ cô em út ít đi xem, thế mà một mực từ chối, khăng khăng “em còn phải làm bài”, không đếm xỉa đến việc mình có thích hay không, hay các anh sẽ thấy không vui thế nào. Trong sự từ chối đó có cả “tinh thần cảnh giác cao độ” của một cô gái mới lớn, sợ bị các anh cưa kéo hihi. Sau này nghĩ lại cứ thấy thật buồn cười. Đó là câu chuyện lúc đó về cái sự “ngoan”, sự tuân thủ những chuẩn mực vô hình nào đó của một đứa học sinh mẫu mực ở thời bấy giờ.
Song rất may trong những quyết định quan trọng thì mình cũng “dám” lắng nghe tiếng lòng sâu thẳm bên trong.
Chuyện là hồi đó có một anh ở trường khác, hay sang chơi bên mình, cũng cả một hội khá đông, rồi có các các cô gái sang lao động cũng chơi cùng. Anh này hát hay, cũng đẹp trai. Điều đặc biệt nhất là khi nói chuyện, anh chàng làm cho người đối diện có cảm giác là anh ta rất hiểu mình, là mình được đối xử một cách đặc biệt, cứ như chỉ mình mới được thế, chí ít đó là cảm giác của mình lúc bấy giờ. Chắc anh ta có kỹ năng giao tiếp bẩm sinh vượt trội, và đa tình. Chẳng biết có phải thế không hay vì nhều điều khác nữa, anh này có rất nhiều “fan”. Có những cô được coi là xinh đẹp, sắc sảo. Có những cô thông mình, hoạt bát… Và mình, dù nhút nhát, cũng không là ngoại lệ, cũng “cảm nắng” khi bên cạnh anh ta. Làm thế nào được, anh ta nói chuyện với mình dường như mình là ai đó thật đặc biệt. Nhưng rồi, mình quan sát xung quanh và nhận ra rằng, không chỉ mình mình, quanh anh ta có rất nhiều người con gái khác. Và mình nhớ là đã nhận ra rằng, tình yêu không phải là bánh mì, để có thể chia sẻ. Tình yêu thì không thể chia sẻ. Và mình quyết không chịu cảnh đó. Lúc đó mình đã viết trong nhật ký là sẽ phải quên anh ta đi, dù lúc viết xuống vẫn nghi ngờ liệu mình có làm được không đây. Bởi trước đó cũng đã viết vào nhật ký, một câu rất lãng mạn của thưở ban đầu rung động:
“Em hái một ngôi sao xanh, nở đầu tiên giữa lòng vũ trụ. Em bảo đấy chính là hình anh. Lần đầu tiên in giữa lòng thiếu nữ”.
Cái thời đó bọn mình khờ khạo thật, đến tận vào đại học mới biết rung động. Chắc các bạn trẻ giờ đây không tưởng tượng được. (Mà cũng lạ là cái câu thơ khá phổ biến của thời đó, mình vừa search để tìm nguồn thì thấy anh Goodle đầu hàng, không đưa ra được cái gì liên quan cả). Thế mà rồi mình cũng quên được. Cái hay là khi thấy mình kiên quyết tách ra khỏi đám fan ấy, anh chàng cũng phải sửa mình hơn, không còn kiểu “vô tư” “vờn cá nhiều tay” nữa, dần dần dần thu gọn các mối quan hệ lại. Cũng đã có chút dùng dằng, chút níu giữ, … nhưng mình đã thoát ra được. Và sau này, khi hạnh phúc với tình yêu mới, tình yêu thực sự của mình và mình tin tưởng, quay nhìn lại mình biết rằng, mình đã làm được, đã đúng đắn khi dám dứt bỏ. Có thể nói rằng, khi đó, chính vì yếu đuối và mình trở nên mạnh mẽ, và cả vì “mình thực sự thương mình” ;)
Rồi sau này, cho đến khi tốt nghiệp đại học, mình vẫn là người “ngoan”, nhìn lại thì thấy mình như là “cừu” vậy. Một thế hệ được coi là tinh hoa của thời đó đã là như vậy. Học tập ra trường. Đi làm. Làm cái người ta bảo mình làm. Và vẫn trung thành với việc học tập. May mắn một cơ hội học tập đã cho mình có được tư duy phản biện. Và nó như đánh thức và làm vững vàng lên trong mình những gì sâu thẳm nhất. Để khi quay về làm việc, mình đã dám lựa chọn. Lựa chọn con đường không thỏa hiệp với những gì đi ngược lại với những giá trị của mình. Ở một khía cạnh nào đó, cũng như câu chuyện tình yêu-bánh mì kia, mình đã không thỏa hiệp. Vì không thỏa hiệp, mà lại không có một môi trường có sẵn phù hợp, mình đã từng bước tạo ra một “sân chơi” mới, cho chính mình và những người như mình, nơi mà ở đó, niềm tin vào những điều tốt đẹp được nuôi dưỡng và phát triển, và mọi người có được cảm giác hạnh phúc khi được thử thách, được cống hiến, được sống với những giá trị mà mình tin tưởng. Và rồi, được hưởng thành quả của sự nỗ lực theo đuổi những điều đó. Mình đã có một chặng đường nhiều năm làm việc hạnh phúc, với những câu chuyện thú vị đầy cảm hứng, để có thể sống lại lần thứ hai khi về già [1]
Thông thường người ta hay nghĩ "phải thành công thì mới hạnh phúc". Nhưng không hẳn như vậy.
Thành công là đích đến, nhưng hạnh phúc là cả quá trình.
Vậy, bạn có dám ưu tiên chọn Hạnh phúc không?
Không nói đến những thành công vang dội, hãy nói đến sự thành công bình thường nhất: một người có một công việc ổn định, sống được bằng chuyên môn của mình, một gia đình êm ấm, nghĩa là có con cái, nếp tẻ đầy đủ càng tốt, rồi con cái lấy vợ lấy chồng và có cháu nội ngoại. Khi đó người ta nói rằng, ông ấy, bà ấy thật viên mãn. Nghĩa là thành công và hạnh phúc. Song, thực tế là không phải ai có được cái kết đó cũng đều là những người hạnh phúc. Có những người phụ nữ đã phải ép mình lại trong vai trò làm vợ nấp bóng tùng quân và làm mẹ chỉn chu, chăm chú làm tròn bổn phận của mình mà bỏ qua khao khát vươn lên, có được những cơ hội khác phù hợp với mình hơn. Có những người đàn ông từ bỏ chí tang bồng, như con chim cảnh lựa chọn đậu trên cành cây trong lồng son. Nếu họ đi được đến cùng với sự lựa chọn của mình thì có thể đó cũng là lựa chọn không tồi. Con người nhiều lúc phải hy sinh những niềm vui hay hạnh phúc trước mắt cho điều gì đó lớn lao hơn. Nhưng e là không phải ai cũng đi trọn được con đường ấy, khi bản thân họ không có niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày, để nâng họ vượt qua những gian nan thử thách trong cuộc sống tuy không quá dài song cũng đủ bộn bề những khó khăn.
Mình có một cô em. Cô ấy cũng bỏ chồng. Sự thể là, cô ấy luôn học hỏi và vươn tới, còn chồng thì không. Việc đồng hành là điều không còn có thể. Cô ấy được học bổng đi học nước ngoài, làm thêm mải miết, và cũng mải miết tiêu tiền cho những trải nghiệm học tập, thay cho việc tiết kiệm mang tiền về, bởi cơ hội học hỏi ở chính nơi đó đối với cô ấy là không hề dễ có. Về nhà, muốn kiếm tiền, cô ấy cũng đầu tư. Nhưng tin bạn mất tiền. Cô ấy có một trung tâm đào tạo nhỏ, làm điều mà cô ấy tâm huyết, khác với những gì mà thị trường đông đảo kia đang đi. Và bây giờ, cái trung tâm ấy đang đứng trướ sự khuynh đảo của đại dịch covid. Gặp mình, cô ấy nói, bây giờ em như người thất bại, bỏ chồng, đầu tư thất thoát, công việc khó khăn, con đang phải nhờ ông bà nuôi. Tuy nhiên, cô ấy vẫn hết sức hào hứng nói về những hướng đi mới, cho phương cách mới thích hợp với tình hình dịch giã. Trong cô ấy vẫn tràn đầy sức sống, sức sống của một người có niềm tin vào hạnh phúc. Cô ấy ấy nói “đơn giản em là người dám sống, và happy với những quyết định của mình”. Và mình biết rằng, dù muốn vàn khó khăn, cô ấy sẽ luôn có niềm có niềm hạnh phúc giản dị của một người đang đau đáu làm và nghĩ, làm thế nào để đem lại hạnh phúc cho những hoc trò của cô ấy.
Trong bài giảng của Cherry Vũ, cô ấy luôn nhắc rằng:
“Bạn không thể đem lại hạnh phúc cho ai, nếu chính bạn cũng không hạnh phúc!”
Ngược lại, có thể chính sự thôi thúc muốn mang đến hạnh phúc cho ai đó, sẽ làm bạn phải dấn thân để tìm được hạnh phúc cho chính mình.
Phải chăng đó là sự trung thực với chính bản thân mình, sự thôi thúc về trách nhiệm đối với giá trị của bản thân, nhất là đối với những người thân yêu của mình, sẽ làm bạn vượt lên tất cả trở ngại để “chiến đấu” cho hạnh phúc của bản thân, để không thỏa hiệp với những gì không xứng đáng. Để rồi bạn sẽ dám dấn thân cho hành trình khám phá, học hỏi và nỗ lực không ngừng, cho một quá trình hoàn thiện để trở nên hạnh phúc.
Cuộc sống của một người dám tìm hạnh phúc cho chính mình để có thể đem hạnh phúc cho người khác quả một cuộc đời thật thú vị, đầy màu sắc và thật ý nghĩa. Và mình cho rằng, mỗi con người đều xứng đáng có một cuộc sống như vậy.
Chỉ là bạn có dám lựa chọn nó hay không?
[1] "Nếu bạn sống một cuộc đời lương thiện, bạn sẽ được sống lại với nó lần thứ hai khi về già" –Nguyễn Trần Bạt
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất