ĐẠI CƯƠNG CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ (P2): COUNTER-PRESS, GEGENPRESSING VÀ JURGEN KLOPP
Nhắc tới Jurgen Klopp là nhắc tới lối đá Gengepressing nổi danh từ khi ông còn dẫn Mainz 05, Dortmund và bây giờ là Liverpool ...
So với pressing thì counter-press là khái niệm ra đời sau đó khá lâu. Về cơ bản thì hai khái niệm này có sự tương đồng lớn bởi chúng có chung mục tiêu là gây áp lực lên đối phương nhằm giành lại quả bóng, tuy nhiên chúng được thực hiện ở hai giai đoạn khác nhau trong trận đấu: với pressing là khi đội không kiểm soát bóng (out of possession) còn counter-press là giai đoạn chuyển từ kiểm soát bóng sang không kiểm soát bóng (in possession to out of possession). 2 khái niệm này thường đi cùng với nhau nhưng không bắt buộc, tức là một đội bóng chơi pressing không nhất thiết phải chơi counter-press và ngược lại.
Gegenpressing hay counter-press ?
Như nhau cả, “Gegenpressing” là cụm từ trong tiếng Đức khi dịch ra tiếng Anh là “counter-press”. Cụm từ trong Tiếng Anh cho ta hình dung dễ hơn về bản chất khái niệm này, “counter” là phản công, “press” là gây áp lực, “counter-press” là việc press pha counter của đối phương tức gây áp lực nên pha phản công.
Để hiểu rõ hơn, ta cùng đến với lí thuyết về 4 giai đoạn chia bóng đá thành một vòng tuần hoàn bao gồm có bóng -> từ có bóng sang không có bóng -> không có bóng -> từ không có bóng sang có bóng, trong đó hai giai đoạn từ có bóng sang không có bóng và ngược lại là hai giai đoạn chuyển trạng thái, nó chỉ diễn ra trong khoảng 10s đổ xuống (Từ “Posseision” dịch chuẩn phải là “kiểm soát bóng” nhưng để ngắn gọn hơn mình dùng từ “có bóng” nhé). Hai giai đoạn có bóng và không có bóng là hai giai đoạn bền vững hơn, chúng không giới hạn về thời gian và ở đó các cầu thủ trên sân của đội bóng ấy thường tạo thành cấu trúc rõ rệt đó là cấu trúc khi có bóng và cấu trúc khi không có bóng, hay cũng có thể gọi cấu trúc khi tấn công và khi phòng ngự. Ở giai đoạn chuyển từ có bóng sang không có bóng, một đội bóng có thể lựa chọn một trong hai cách: Thứ nhất là counter-press, tức các cầu thủ sẽ ngay lập tức gây áp lực để dành lại quả bóng, nếu họ thành công họ sẽ quay trở lại giai đoạn có bóng còn nếu thất bại thì họ sẽ tiến vào giai đoạn không có bóng tức là lui đội hình về và thực hiện phòng ngự. Cách thứ hai đó là reshape nghĩa là tái cấu trúc, với lựa chọn này đội mất bóng sẽ cho các cầu thủ lui về thiết lập lại cấu trúc phòng ngự và họ sẽ tiến vào giai đoạn không có bóng.
Các cách thức thực hiện counter-press cũng giống với thực hiện pressing, bao gồm 3 cách chính là ball-oriented, man-oriented và space-oriented mà mình đã đề cập ở P1 của series này.
Sự hình thành của Counter-press trong thế giới bóng đá
Gegenpressing là cụm từ xuất phát từ tiếng Đức cho thấy anh hưởng của người Đức và Bundesliga lên chiến thuật này, tuy vậy cũng khó để khẳng định rằng người Đức đã phát minh ra gegenpressing hay counter-press. Cũng như pressing, counter-press cứ nhen nhóm, xuất hiện dần, được phát triển và trở nên thịnh hành trong giới túc cầu. Ở thời điểm việc gây áp lực bắt đầu được chú trọng bởi những người tiên phong như Viktor Maslov hay Rinus Michels chưa có ranh giới rõ rang giữa việc pressing hay counter-press, đơn giản chỉ là họ muốn gây áp lực để dành lại quả bóng. Nói cách khác tuy khái niệm counter-press chưa hình thành nhưng nền móng của nó cũng đã tồn tại từ thuở ấy.
Càng về sau, người ta càng chú trọng về việc chuyển trạng thái trong bóng đá. Phản công là một lối chơi mà ai xem bóng đá cũng đều biết đến. Một khi đội hình đối phương dâng lên tấn công thì thời điểm họ để mất bóng cũng là thời điểm mà hàng phòng ngự của họ dễ tổn thương nhất. Cũng dễ hiểu vì khi đó đội hình đội tấn công dâng lên quá cao và việc thiết lập lại cấu trúc phòng ngự trở nên vô cùng khó khăn.
Việc chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công của một đội bóng với những pha phản công càng trở nên thịnh hành thì việc chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự cũng dần được chú trọng. Đội tấn công cần phải có cách để ngăn chặn những pha phản công một cách hiệu quả hơn và do đó tư duy về counter-press được hình thành. “Thời điểm dễ nhất để lấy lại bóng là ngay khi bạn mất bóng” – Jurgen Klopp nói.
Bóng đá Đức vốn ưa thích những pha phản công và bóng đá Đức cũng là nơi mà gengepressing nở rộ. Thực tế thì người Đức tiếp cận với lối chơi pressing khá muộn. Khi mà cả thế giới đang dần chuyển sang chơi phòng ngự khu vực sau thành công của những Rinus Michel hay Arrigo Sachi ở những thập niên 70 và 80 của thế kỉ trước thì người Đức vẫn giữ nguyên lối phòng ngự kèm người cổ điển. Ralf Rangnick là huấn luyện viên ở Đức đầu tiên quan tâm đến pressing và counter-press, ông thực hiện những thử nghiệm của mình rất nhiều vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Tuy vậy Rangnick chỉ làm việc ở giải hạng nhất Đức và mãi đến năm 1998 khi ông xuất hiện trên một chương trình truyền hình và nói về hệ thống phòng ngự khu vực thì người Đức mới bắt đầu thay đổi. Như đã giải thích ở bài viết trước, chỉ có hệ thống phòng ngự khu vực mới có thể giúp cho một đội bóng chơi pressing hay counter-press một cách mãnh mẽ. Arrigo Sachi từng nói “Nếu chúng ta chơi với khoảng cách 25m từ hậu vệ cuối cùng tới tiền đạo, không một đội nào có thể đánh bại chúng ta”. Cự li giữa các tuyến là yếu tố vô cùng quan trọng, với tuyến đầu dâng lên gây áp lực thì hàng phòng ngự bắt buộc phải dâng cao theo. Khi đó đội bóng cần sử dụng bẫy việt vị và đó là điều chỉ hệ thống phòng ngự khu vực mới làm được. Sau khi loại bỏ lối phòng ngự kèm người cũ kĩ, pressing và counter-press dần trở nên thịnh hành với bóng đá Đức và người đưa cách tiếp cận này lên một tầm cao mới không ai khác là Jurgen Klopp.
Gengepressing cùng sự trái ngược trong triết lí Klopp và Guardiola
Nhắc tới Jurgen Klopp là nhắc tới lối đá Gengepressing nổi danh từ khi ông còn dẫn Mainz 05, Dortmund và bây giờ là Liverpool. Cụm từ Gegenpressing là gì thì ta đã làm rõ ở trên tuy nhiên từ này cũng được truyền thông sử dụng để nói về lối chơi mà Klopp gây dựng nên khi hiểu gengepressing với nghĩa là một lối đá thì lối chơi ấy không chỉ có counter-press mà còn nhiều thứ hay ho khác. Lấy đơn cử là một đội bóng hùng mạnh khác ở giai đoạn ấy là Barcelona của Pep Guardiola cũng chơi counter-press nhưng rõ ràng đội bóng xứ Catalan và đội bóng của Klopp thể hiện phong cách hoàn toàn khác nhau.
Klopp rất ngưỡng mộ Barcelona của Pep nhưng chỉ ở cái cách họ giành lại bóng nhanh chóng sau khi để mất. Ngược lại ông không cảm thấy hứng thứ với những pha triển khai bóng qua lại chậm rãi bằng những đường chuyền qua lại của thứ bóng đá mà người ta vẫn gọi là tiki-taka. Đây cũng là sự khác biệt lớn nhất trong triết lí của hai huấn luyện viên. Ở khoảng thời gian đầu của sự nghiệp, Pep cực đoan đến mức không cho phép đội bóng của mình thực hiện những pha phản công. Sau khi đội bóng của ông dành lại bóng, điều họ làm là thiết lập lại cấu trúc và triển khai bóng từ đầu. Hlv người Tây Ban Nha còn đặt ra quy tắc 15 đường chuyền, tức các cầu thủ phải thực hiện tối thiểu 15 đường chuyền trước khi tịnh tiến bóng lên để thực hiện tấn công. Lí do là vì ông tin rằng những đường chuyền ấy sẽ giúp các cầu thủ định hình được vị trí của mình trên sân và với việc chơi bóng ngắn thì vị trí của các cầu thủ sẽ gần với nhau. Khi thực hiện tấn công, nếu như mất bóng thì vị trí của các cầu thủ ngay thời điểm mất bóng chính là vị trí họ bắt đầu thực hiện counter-press, do đó với khối đội hình có cấu trúc và cự li gần nhau việc counter-press của họ trở nên dễ dàng hơn. Klopp thì khác, ông là người Đức và ông yêu thích những pha phản công. Ngay sau khi giành lại bóng, đội bóng của ông sẽ thực hiện những pha phản công đầy tốc độ và chớp nhoáng. Có thể thấy lối chơi của Jurgen Klopp phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chuyển trạng thái. Họ thực hiện counter-press rồi phản công, counter-press và rồi lại phản công. Đây là thứ bóng đá đòi hỏi thể lực và thể chất vô cùng khủng khiếp từ các cầu thủ, thứ bóng đá mà ông từng gọi là “heavy metal football".
Cùng là counter-press nhưng thể hiện hai tư duy hoàn toàn trái ngược của hai huấn luyện viên. “Chúng tôi cần quả bóng, bởi vì nếu không có nó chúng tôi là một tập thể vô cùng yếu ớt !” – một câu nói nổi tiếng khác của Guardiola. Thật vậy, các đội bóng của Pep sẽ dở tệ nếu phòng ngự lùi sâu truyền thống, lí do đơn giản là những con người mà ông sử dụng không phù hợp để làm việc ấy. Bởi vậy, các học trò của ông luôn cố gắng dành lại bóng nhanh nhất có thể sau khi mất, họ muốn khoảng thời gian mà họ ở giai đoạn không có bóng là ít nhất có thể. Những đường chuyền qua lại của Barcelona củng cố tư duy này của ông, họ cầm bóng nhiều nhưng không phải lúc nào cũng hướng bóng lên để tấn công. Đây là cách phòng ngự của họ, họ phòng ngự ngay cả khi có bóng. Với Klopp, ông mong muốn đội bóng của ông thực hiện phản công ngay sau khi dành lại bóng. Những pha phản công sẽ luôn rất nguy hiểm nhưng nó sẽ nguy hiểm gấp bội nếu được khởi nguồn ngay ở phần sân đối phương thay vì tại phần sân nhà. Việc thực hiện counter-press sẽ giúp họ làm được điều đó, khi mà vị trí giành lại bóng ở bên phần sân đối phương và cũng chính là vị trí họ thực hiện phản công. Đây là tư duy theo hướng tấn công. Nói cách khác đội bóng Pep phòng ngự khi họ có bóng còn đội bóng của Klopp tấn công ngay cả khi họ không có bóng.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất