-----------------------
Trò bắt nạt luôn có thằng đầu têu:
“Má tao nói nhà nó chết hết rồi ấy”.Má thằng đấy không bảo nó thế, nó nghe lỏm được khi đang chơi gần đó. Đáng nói là chẳng ai bảo nó phải làm gì với cái thông tin đó và nên có thái độ như nào. Họ coi con nít như người dưng, những kẻ ngoài cuộc, họ thậm chí còn chủ động làm thế.“Con nít không được xen vô chuyện người lớn”. Họ để mặc chúng tự giải quyết mớ thông tin mà chúng nhận được cả bằng cách cố ý lẫn vô thức. Vì “con nít thì biết cái gì?”.
“Ghê vậy, chắc nó bị nguyền rủa rồi”-Từ ngữ học được trên tivi.
“Hong có nha !”-Nó gắt.
“I! Đừng động vào tao, lây á! Ai động vào nó là bị nguyền rủa lây á nha!”. Dù nó chưa động vào đứa nào. Và tiếp tục là một mớ thứ học được trên tivi khác.
Trò bắt nạt đơn giản diễn ra như thế. Thực ra chỉ là trò đùa quá giới hạn của bọn con nít. Chúng nó không hiểu đùa như thế là xấu, chúng nó thậm chí còn chẳng biết mất cha mẹ là một nỗi đau, chũng nó chỉ coi đó là sự khác thường, chúng nó chưa được dạy để biết đến cái gọi là cảm thông. Cần phải dạy chúng nó những thứ như thế. Cơ mà người ta chỉ dạy chúng nó đạo đức, chẳng ai dạy lẽ đời. Chỉ dạy chúng nó phải làm gì, chẳng ai bảo chúng nó tại sao phải làm thế. Sự can thiệp của cô chỉ làm mọi thứ tệ hơn. Nó có thể sẽ qua đi như một trò đùa thông thường, nhưng không. Cô giáo, một thế lực lớn điều khiển cuộc sống chúng nó sau cha mẹ mắng, phạt roi, bảo chúng nó không được chọc, đánh bạn. Niềm vui chuyển thành bất mãn, hóa cô lập. Con nít có thể không hiểu hoàn toàn hay sâu sắc lẽ đời, nhưng cũng còn hơn là không biết gì, ngoài những cái bề mặt, quen với nó, lười phân tích, suy nghĩ, thậm chí cả sau này cũng thế, để rồi làm sai lệch hoàn toàn những gì được dạy. Không được đánh, chọc, chúng nó bắt nạt bằng cách cô lập. Giờ lại thêm bất mãn, chẳng cần đứa nào đầu têu, chẳng ai ưa được nó.
Thực ra với cô, vì cô coi thường con nít, như bao người, “con nít thì biết cái gì?”, và họ dạy chúng bằng cách đơn giản nhất: ra lệnh, bắt chúng nó tuân theo, không cần suy nghĩ. Vì con nít thì biết cái gì? Cô không biết phải xử lí như nào. Cô nghe rõ ràng tiếng chọc của bọn nó: “Lêu lêu cái thằng không cha không mẹ”. Cô cũng bất bình, cô cũng biết đấy là sự sai trái khó chấp nhận. Nhưng cô không biết phải làm gì, cô không biết phải dạy chúng nó ra sao. Cô chỉ có thể dùng cách quen thuộc nhất của nhà giáo: phạt roi, bảo chúng nó “không được làm như vậy, không được chọc như vậy nữa”. Để rồi bọn đấy vẫn không thật sự hiểu mình sai cái gì, và đi cô lập nó. Bởi rõ ràng, đấy không phải việc của cô.
Đấy không phải việc của giáo viên. Việc của giáo viên là dạy kiến thức và rèn luyện nhân cách cho học sinh, nhưng người ta đã quên rằng kiến thức không chỉ là mớ thứ trong sách giáo khoa được soạn sẵn, và nhân cách không chỉ bao gồm những quy tắc ứng xử hay còn gọi là đạo đức mà người ta tuân theo như luật giao thông chỉ để không bị công an phạt.
Nhưng suy cho cùng cô cũng chỉ có thể dạy người khác bằng những thứ mà cô biết, những thứ mà cô tin, những thứ mà như bao người, cô còn chẳng có thì giờ mà chiêm ngiệm về chúng, nghĩ sâu sắc về chúng, thật sự hiểu chúng. Rốt cuộc thì con người chẳng thể biến ai trở nên tốt đẹp hơn họ được. Sở dĩ cô không thể giải thích cho chúng nó hiểu vấn đề bởi cô cũng chẳng hiểu vấn đề nó từ đâu mà ra, vấn đề ở đây là gì, tại sao nó lại xấu, tại sao chọc như vậy là sai? Giáo dục nhưng lại đi trông chờ vào việc chúng nó sẽ tự nhận thức được khi lớn lên, đề rồi khi lớn lên thì nhận thức về vấn đề cũng chỉ y hệt người lớn, chỉ lờ mờ. Nhưng kể cả khi cô thật sự hiểu vấn đề thì cách dạy như thế nào cho phù hợp với mấy đứa con nít cấp một lại là chuyện khác. Những thứ đó cô phải tự tìm hiểu, học hỏi lấy để làm tròn trách nhiệm của một giáo viên thực thụ, bởi chẳng hề có khóa tập huấn nào dạy, và kể có dạy thì không thể chỉ học một hai buổi là có thể thực hành được. Nhưng đấy cũng lại là việc vượt quá khả năng.
Lương thì ba cọc ba đồng, bày đủ trò để dạy thêm cũng chả bõ bèn gì, lại còn mất thì giờ, thì học kiểu gì? Con người ta phải vượt lên trên hoàn cảnh? Cũng đúng. Nhưng còn con cô? Còn gia đình cô? Cô cũng chỉ là một con người làm công ăn lương bình thường trong xã hội. Giáo viên không phải nghệ sĩ. Nghệ sĩ cũng cần cơm để sống, nhưng họ không cần thịt. Giáo viên thì khác. Họ cũng cần những nhu cầu như bao người bình thường, dù báo đài xã hội có cố lừa rằng giáo viên là một nghề cao quý để giảm đòi hỏi của họ bao nhiêu cũng vô ích. Hình ảnh người thầy mẫu mực vượt khó chỉ có trên tivi, không phải cuộc sống.
(Còn tiếp)