Dựa theo phản ứng tích cực từ bài viết Cuộc sống nơi "giời Tây" - Hay và Dở, mình sẽ cố gắng làm một series đi cụ thể về cuộc sống ở Úc, cụ thể là thành phố Melbourne dựa vào trải nghiệm 7 năm ở nơi đây nhé. Để đi cho đúng mạch thời gian thì mình sẽ bắt đầu bằng quãng thời gian mình làm du học sinh bậc đại học ở đây trước.

Các Loại Trường

Ở đây người ta thường chia trường đại học thành 4 cấp. Các trường tốt nhất được gọi là G8 (Group 8) là nhóm 8 trường đại học tốt nhất nước Úc. Đứng thứ hai là các trường đứng tầm giữa như RMIT, La Trobe, Swinburne, Deakin. Đứng thứ ba là các trường với học phí rẻ hơn như Victoria University. Dù ngầm phân chia là vậy nhưng chủ yếu khác nhau về cơ sở vật chất. Còn về chất lượng giảng dạy thì phần lớn các giáo viên ở Úc, nhất là ở bậc ĐH đều có kiến thức chuyên sâu vững chắc, cũng như nhiệt tình giúp đỡ học sinh. Nếu bạn lười học, học ở trường top đầu cũng vẫn kém. Nếu bạn chăm chỉ học, học ở trường hạng 3 cũng có thể kiếm được việc tốt hơn trường top đầu. Và cuối cùng là các trường rẻ tiền được lập ra với mục đích kiếm tiền từ du học sinh chứ chất lượng giảng dạy hầu như không có. Cá biệt, một số trường còn không có giấy đăng ký trên CRICOS (trang web liệt kê các trường được phép cung cấp khóa học cho sinh viên quốc tế hợp lệ ở Úc), nói nôm na là làm chui. Nói chung các bạn sinh viên thường được khuyên chọn những trường có tên tuổi, dù là từ hạng 3 cũng sẽ an tâm hơn là trường không tên tuổi. Rẻ mà bằng cấp không được công nhận, hoặc không học được gì thì cũng là phí tiền. Và phải nhắc lại là hạng 3 không có nghĩa là tệ hơn rất nhiều so với hạng 2 và hạng 1 đâu nhé. Nếu bạn biết chủ động trong việc học thì không cần phải học trường top vẫn có thể thành công như bình thường.

Học Ở Trường

Khi đó là tháng 2 năm 2013, mình lên kế hoạch sang đây trước ngày nhập học 2 tuần để làm quen với cuộc sống nơi đây trước, mở các tài khoản/thẻ cần thiết, và chí ít là biết cách đi từ nhà tới trường và ngược lại bằng phương tiện công cộng để không bị trễ giờ học. Mình khuyên các bạn nên sang sớm trước ngày nhập trường ít nhất 1 tuần với lý do tương tự. 
Melbourne's bus stops to nowhere - Waking up in Geelong
Chỗ chờ xe buýt. Google Maps có chỉ rõ bạn phải chờ ở đâu, bắt chuyến nào. Rất tiện
Tâm lý mới sang lo bỡ ngỡ nên mình ở chung nhà với người quen của bố mẹ mình để có gì được giúp đỡ, ngược lại thì nhà đó ở khá xa trường. Phải đi 1 chuyến bus, 1 chuyến tàu, rồi lại 1 chuyến bus nữa thì mới tới được trường, trung bình mỗi lần đi mất khoảng 45-50'.
Nói tới việc ở chung với người quen thì đây cũng là một sự lựa chọn khá phổ biến của những bạn sinh viên khi mới đi du học lần đầu. Mình may mắn ở được cùng với chủ nhà khá tốt và dễ tính, nên không có vấn đề gì. Nhưng nhiều bạn phải ở chung với họ hàng khó tính hoặc khắc tính nên nhiều lúc rơi vào cảnh oái oăm. Đa phần "họ hàng" ở đây là những người đã sang đây nhiều năm, thậm chí là những người vượt biên - những người lớn tuổi có ý thức hệ khác hoàn toàn ngay cả với những người bằng tuổi ở VN. Vì vậy, mâu thuẫn về quan điểm sống, lối sống là không tránh khỏi: mất tự do, nhiều lúc mất cả tiếng nói. Ở chung như vậy thì cứ hở tí là bị mách về cho bố mẹ ở VN, mà chuyển ra ngoài thì lại khiến bố mẹ khó ăn nói, rồi còn bị chê trách này nọ. Khổ nhất là những em sang để học cấp 3, dưới 18 tuổi nên phải ở chung với guardian, không được ở riêng. Vì vậy từ trải nghiệm của mình cũng như của các bạn khác, những bạn nào chuẩn bị sang, hãy cố gắng tìm hiểu nhiều hết mức có thể trước khi sang, sau đó hãy tự thuê phòng ở riêng (nếu đủ tuổi). Đừng ở chung với họ hàng, ngay cả khi họ có những lời hứa hẹn rất mát tai trước đó (trường hợp mà người quen cách nhau không quá xa về tuổi thì có thể đỡ hơn). Khi sang rồi mà bạn gặp bất cứ thắc mắc gì mà không biết tìm hiểu ở đâu, hãy đăng bài lên hội sinh viên VN tại Melbourne trên facebook tại VASA hoặc VSM. Mọi người trên đó đều chỉ dẫn bạn rất tận tình, không còn phải lo bỡ ngỡ nữa. 
Trường ĐH mình học đầu tiên là La Trobe University. Trường được mệnh danh là trường đại học rộng nhất Melbourne. Có nhiều tuyến xe bus trong trường để học sinh tiện đi lại giữa các tòa nhà.
La Trobe University | Study Options
Agora - tên gọi của sảnh chung (đại khái giống khu vực căng tin của VN)
Orientation Day (Tạm dịch: ngày nhập trường) là ngày mà bất kì trường nào cũng phải có để hướng dẫn các tân sinh viên làm quen với ngôi trường mới và cách thức học mới. Quan trọng nhất của ngày này là hướng dẫn tân sinh viên làm quen với Hệ Thống Quản Lý Học tập (Learning Management System - LMS). Đây là hệ thống nằm trong Cổng Sinh Viên, chứa đựng mọi thông tin về khóa học, các môn học, các tài liệu phải đọc, các bài tập phải làm, điểm số, ai dạy môn gì, thông tin liên lạc với họ v..v...... Cổng Sinh Viên là trang chứa đựng nhiều thông tin khác như tiền học, tin tức từ nhà trường, chọn môn tự chọn. Nói chung nếu không có vấn đề gì to tát thì sinh viên ở đây chỉ dùng tới Cổng Sinh Viên 2-3 lần/năm, còn lại chủ yếu xoay quanh LMS. Hệ thống này dù ở mỗi trường có một giao diện khác nhau, nhưng tất cả các trường đều gọi chung nó là LMS với cùng các chức năng, nên dù bạn có chuyển trường thì cũng có thể dễ dàng thích ứng. (Nếu bạn có không tới được Orientation Day thì nhà trường cũng sẽ gửi email bao gồm mọi thông tin cần thiết cho bạn, nên cũng không phải lo)
LMS 101 - That's what SHE said
LMS chỉ hiện các môn học bạn sẽ phải học ở kì đó để tránh bị loạn
CB - Learning online LMS feature, Study support and resources, La Trobe  University
Các thông tin cụ thể trong từng môn học bao gồm thời gian các lớp, tài liệu học thuật phải đọc, video ghi lại bài giảng nếu có v....v...
Ở đây mỗi môn học sẽ có lớp Lecture và lớp Tutorial. Đây cũng là hình thức học phổ biến có mặt ở hầu hết các trường đại học cũng như các ngành học ở đây. (một số ngành chuyên biệt thì sẽ khác). Lecture là khi tất cả các sinh viên đăng ký cùng môn đó sẽ tập trung tại giảng đường lắng nghe bài giảng của giáo sư phụ trách môn đó. Hiểu nôm na thì đây là buổi để học lý thuyết. 
The future of learning, News, La Trobe University
1 buổi lecture ở La Trobe
Còn Tutorial là lớp học thực hành, nơi các sinh viên được chia thành các lớp nhỏ khoảng dưới 20 người/lớp và ứng dụng những gì đã học ở Lecture để giải bài tập. Đây cũng là nơi các bạn sinh viên có cơ hội trao đổi với nhau về môn học, lập nhóm cho assignment và giúp đỡ nhau trong môn học. 
***Tip: nếu phải làm bài tập nhóm, chọn ĐÚNG người cùng nhóm là vô cùng quan trọng. Chỉ cần 1 trong số họ không đưa phần bài đúng hạn, hoặc copy and paste y nguyên trên google vào, thì bạn sẽ gặp rắc rối. Ngay cả khi bạn có giải trình và đưa ra được bằng chứng rằng bạn đã là đúng, thì quy trình sau đó cũng sẽ đem lại khá nhiều phiền phức. Điều này đã từng xảy ra với mình khi ở chung nhóm với 1 bạn người Ấn Độ. Khi giao tiếp trên lớp mình đã biết tiếng Anh của bạn ấy không tốt lắm, nhưng tới khi bạn ấy đưa phần bài của bạn ấy, mình đọc qua thấy tiếng Anh thậm chí còn tốt hơn cả mình. Nghi ngờ nên mình copy 1 câu trong bài của bạn ấy lên google và y như rằng, bạn ấy bê y nguyên trên đó về. Nếu mình không kiểm tra thì hẳn sẽ rất mệt cho mình.
Inaugural Yellowfin – La Trobe Business Analytics Challenge award presented  at 2016 Symposium | Yellowfin BI
1 buổi tutorial ở La Trobe
Tutorial thường có nhiều lớp và thời gian để các sinh viên thoải mái lựa chọn lớp cho phù hợp thời gian biểu của mình. Một tuần, mỗi môn, sinh viên sẽ phải dự 1 lecture và 1 tutorial. Sau mỗi lecture, giáo sư sẽ upload file Powerpoint và recordings (nếu có) của buổi học ngày hôm đó lên LMS cho các sinh viên nghỉ hôm đó, cũng phục vụ cho mục đích ôn luyện sau này. Sinh viên không được nghỉ quá 20% số buổi của môn học đó trong kì đó, tương đương với việc bạn chỉ được nghỉ tối đa 1 buổi của môn đó trong cả 1 kì (luật này được áp dụng ở hầu hết các trường và các khóa học). Còn buổi ở đây là buổi lecture hay tutorial thì tùy môn. Nếu bạn nghỉ quá số buổi cho phép, hoặc không thể tới buổi final exam vì lý do sức khỏe thì phải gửi giấy Medical certificiate (tạm dịch: Chứng nhận y tế) cho trường làm bằng chứng, nếu không sẽ bị coi là fail môn đó. Vì vậy, vào những ngày đầu tiên của kỳ học, hãy đọc thật kỹ những thông tin của các môn trên LMS để không nghỉ quá số buổi nhé. 
Sẽ rất tốt nếu bạn biết khai thác triệt để LMS mà nhà trường cung cấp, bởi sinh viên ở đây tự học là nhiều. Như đã nói ở bài viết trước, bên đây người ta không có kiểu ra đề đánh đố. Mọi thứ trong các bài tiểu luận (assignments) hay kiểm tra cuối kì (final exams) đều nằm trong những gì mà các thầy/cô giáo đã dạy. Tùy vào thầy cô giáo mà họ thậm chí có thể còn khoanh vùng học cho các bạn trước khi thi. Vậy nên chỉ cần bạn có tiếng Anh đủ tốt để hiểu bài giảng và làm theo hướng dẫn thì việc qua môn không hề khó, còn để qua môn với điểm số cao thì bạn lại phải bỏ ra nhiều công sức hơn :D 
Mặt khác, các giáo viên ở đây đa phần đều rất nhiệt tình trong việc trả lời email, nên hầu hết các thắc mắc cũng được giải quyết trong vòng 24h. Họ cũng luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên qua môn. Nếu bạn được 49/100 cho một môn nào đó, 50 là qua môn, thì có nghĩa là giáo viên đó đã cố hết sức để cho bạn thêm điểm, và 49 là số điểm tối đa họ có thể cho. Đương nhiên bạn vẫn có thể cố bới móc và tranh luận lại với họ để được thêm 1 điểm nữa, nhưng bạn phải đưa ra được lý do hợp lý và logic dựa trên bài của bạn, chứ không phải "Thôi thầy cho em xin thêm 1 điểm nữa, có một điểm thôi mà thầy...." hay "Em bị ốm suốt cả tuần nay nên đầu óc không được minh mẫn". Giáo viên ở La Trobe, dù là giáo sư ở lớp lecture hay trợ giảng ở lớp tutorial, đều có kiến thức khá chuyên sâu về lĩnh vực họ dạy. Mình hay có thói quen hỏi vặn mà họ thường trả lời được ngay lập tức. 
***Tip: hãy hỏi và phát biểu thật nhiều ở các lớp lecture và tutorial. Điều này giúp giáo viên nhớ được mặt bạn và có thiện cảm với bạn. Điều này có ích ít nhiều khi họ chấm bài bạn, và RẤT nhiều nếu sau này bạn muốn xin thư giới thiệu để xin việc từ họ.
Thư viện của La Trobe mới được cải tổ gần đây, và mình đánh giá là đẹp nhất trong những trường mình học. Số đầu sách nhiều, đủ nhiều để có lần họ phải đóng 1 góc thư viện cả tháng để di chuyển hết đống sách sang 1 tầng khác. Cổng thư viện online cũng cho phép bạn, ngoài việc đặt mượn sách, truy cập hàng trăm nghìn bài báo học thuật để bạn tham khảo trong quá trình làm assignment.
Lims La Trobe University Molecular Science Building Lyons Architects «  Inhabitat – Green Design, Innovation, Architecture, Green Building
1 góc thư viện La trobe - Bundoora Campus
Mạng Internet ở đây khá khỏe, sinh viên đôi khi vẫn hay chơi LOL hay DOTA ở khu vực được nói chuyện. Điều thú vị là tất cả các trường đại học ở Melbourne dùng 1 mạng internet chung gọi là Eduroam. Đây là mạng chung của khối Giáo Dục do chính phủ tài trợ. Chỉ cần bạn là sinh viên của trường có tham gia mạng lưới Eduroam, bạn đều có thể sử dụng mạng này khi tới bất cứ trường nào chỉ với tài khoản mà trường bạn cung cấp, thay vì phải đi mượn tài khoản của sinh viên trường đó. Khá là tiện nếu bạn muốn ngồi học ở thư viện cùng bạn mình ở trường khác.
Ở đây không có "đi thầy" nên phải học thật thi thật. Tuy nhiên thì trên mạng  vẫn có một số trang facebook công khai mở dịch vụ làm bài (assignments) hộ. Những môn nào cho nộp final exam online thì cũng nhận làm hộ cho luôn.
Quảng cáo trong HSV
Giá cả thế nào thì mình không rõ vì chả bao giờ dùng tới, chỉ biết là có không ít bạn du học sinh do mải đi làm mà không có thời gian học nên vẫn cần tới những dịch vụ đó. Trong khi đó, vấn đề đạo văn ở đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Nếu người làm dịch vụ mà làm kiểu đại trà, chỉ chỉnh sửa mỗi chút cho mỗi khách hàng thì sẽ gây ra hậu quả cực kỳ lớn cho người dùng. Bạn phải học cách làm reference theo đúng chuẩn quốc tế ở mỗi bài assignment (có hướng dẫn đầy đủ ở LMS). Nhiều giáo sư trừ hẳn 1/3 điểm nếu thiếu reference hoặc reference sai chuẩn. Đây cũng là điều mà mình cảm thấy lạ nhất khi bắt đầu kỳ học đầu tiên, nhưng cứ làm theo hướng dẫn thì cũng ok, làm dần lại quen.
Khi đạo văn bị phát hiện.
Orientation Day còn là ngày để giới thiệu các CLB mà trường đó có. Trường La Trobe University là một trong những trường có nhiều CLB nhất Melbourne, và hoạt động của những CLB này cũng khá mạnh mẽ. Ngay cả khi bạn không nhớ được hết các CLB này thì cũng đừng lo, họ luôn có những poster của các clb ấy dán khắp nơi trong thư viện cũng như trong sảnh chung:
University Poster Design for La Trobe University Badminton Club by ESolz  Technologies | Design #4092247
Poster CLB Cầu Lông
Cá nhân mình thì không hề tham gia vào bất cứ clb nào trong suốt quãng đời sinh viên của mình. Thời gian đầu thì là vì... tiếc tiền. Như bạn có thể thấy ở poster trên, mỗi lần tới chơi cầu lông là $5/người (tiền thuê sân). Với một đứa mới sang, chưa đi làm kiếm ra tiền, trong đầu vẫn còn thường xuyên đổi tiền Úc sang tiền Việt thì $1 cũng còn phải tính toán dùng vào đâu cho hợp lý, chứ đừng nói tới $5. Ngay cả khi bạn tham gia vào CLB nào đó không yêu cầu đóng phí, thì khi đi giao lưu với các bạn kiểu gì cũng phải đi ăn uống ở ngoài - điều mà mình khi đó chưa dám làm. Tới sau này khi kiếm được việc đi làm thêm rồi, có tiền rồi thì lại....chỉ thích đi làm kiếm tiền. Mãi sau nữa khi có chút thời gian rảnh mới quyết định tham gia thử 2 clb, một của Tây và một của Việt, đều cảm thấy không hợp nên cũng thôi. 
Vậy bạn có nên tham gia vào một CLB nào đó không? Nếu bạn có thời gian và điều kiện, có, vì nó liên quan tới việc xin việc sau này.

Xin Việc Làm Thêm

Tham gia vào 1 CLB tạo cho bạn mạng lưới quan hệ - một điều vô cùng quan trọng, lại đặc biệt quan trọng với một người đang bắt đầu từ số 0 như các bạn dhs mới sang. 
Ở Úc, việc chạy tiền để có việc hầu như không có <= nói từ trải nghiệm của chính bản thân và các bạn bè xung quanh (còn nói "hầu như" là vì ai dám chắc chắn điều gì đâu ^^). Vì vậy, điều làm bạn có lợi hơn những ứng viên khác có cùng năng lực (hoặc hơn) khi đi xin việc là việc bạn quen ai đó có thể giúp bạn vào được vòng phỏng vấn. Có thể là bạn quen nhà tuyển dụng, hoặc nhân viên của nhà tuyển dụng đó, người biết về vị trí tuyển dụng ngay cả trước khi nó được quảng cáo ra ngoài. Điều này đúng từ những vị trí không đòi hỏi cao siêu như làm ở McDonalds, bán trà sữa cho tới những vị trí cao như nhân viên ngân hàng, làm sales, hay giáo viên. Đương nhiên, bạn phải đảm bảo là bạn có đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc trước khi ứng tuyển, nhưng việc biết ai đó có thể giúp bạn tới phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng sẽ giúp cơ hội việc làm tới với bạn nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu không có điều này thì việc được nhận sẽ rất hên xui, vì ngoài kia có rất nhiều người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn, hồ sơ xin việc sáng sủa hơn bạn, hoặc chỉ đơn giản là nộp đơn vào đó sớm hơn bạn. Lưu ý là nếu nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không phù hợp thì bạn vẫn có thể trượt như thường, chứ không nể nang quen biết mà nhận bừa - một điều khá công bằng mà mình rất thích nơi đây. Người quen mấy cũng chỉ giúp được bạn tới vòng phỏng vấn thôi.
Mẩu tin tìm người thường thấy 
Cá nhân mình thì mình không tạo mối quan hệ qua các CLB, mà bắt đầu từ những người cùng nhà, rồi quen với người quen của bạn cùng nhà. Công việc làm thêm đầu tiên, thứ 2, thứ 3 mình có được đều là nhờ bạn cùng nhà giới thiệu. Và công việc giáo viên mà hiện giờ mình đang làm cũng là do mình chủ động làm quen với agent của bên giới thiệu việc làm, và họ chủ động gọi cho mình khi có cơ hội việc làm tới. 
Nói tóm lại, nếu bạn không biết cách chủ động tìm kiếm và tạo dựng các mối quan hệ nơi đất khách quê người, việc tham gia CLB thực sự có ích. Một số bạn dhs mới sang chưa kịp quen ai mà đã có nhu cầu đi làm thêm để gánh bớt chi phí sinh hoạt thì hay có chiêu ....bịa ra lịch sử làm việc để gọi là có kinh nghiệm, và nhờ chính các bạn cùng nhà làm reference (tạm dịch: Người giới thiệu), giả vờ là những chủ cũ của người đó để khi nhà tuyển dụng kia gọi và hỏi xem người này là một nhân viên thế nào thì buông lời có cánh cho nhau :D Nói chung nếu là mấy quán ăn/nước nhỏ thì họ thường không cần check reference. Một số doanh nghiệp tầm trung cho tới lớn mới có thủ tục ấy. Không phải lúc nào chiêu đó cũng có hiệu quả đâu nhé ^^
Việc làm thêm này mình cũng đã nói nhiều ở bài Những điều các trung tâm du học không nói khi du học Úc, các bạn có thể xem lại nhé.

 RMIT

Trường đại học thứ hai mình học ở đây là RMIT. Về trường này thì có lẽ các bạn ở VN ai cũng biết tới. Sau khi kết thúc khóa học Bachelor ở La Trobe thì mình học một khóa dịch thuật ở RMIT phục vụ mục đích định cư. Khóa học kéo dài 6 tháng thôi nên trải nghiệm của mình ở đây cũng không nhiều. Ngành học của mình phải học ở campus ở trung tâm thành phố. 
Melbourne City campus - RMIT University
Tòa nhà Công Tác Sinh Viên của trường RMIT - City Campus
Bạn có thể thấy trong hình, ngoài tòa nhà có mấy chi tiết màu xanh lá cây trang trí bên ngoài thì đằng sau còn có tòa nhà màu kem khác cũng treo biển RMIT. Sở dĩ có sự khác nhau về thiết kế như vậy là vì RMIT ở city campus không có khuôn viên. Hầu hết những tòa nhà sinh viên RMIT học ở city campus đều là do RMIT mua lại và cải tổ lại. Hiện tại RMIT có khoảng 68 tòa nhà trong khu vực thành phố cho city campus, chiếm khoảng 6% diện tích trung tâm thành phố. Vì là mua lại nên đa phần các tòa nhà này có kiến trúc bên ngoài khá cổ và đẹp. 
Chất lượng giáo viên ở RMIT cũng tương tự ở La Trobe. Đội ngũ hỗ trợ nhân viên (student support) cũng rất nhiệt tình và trả lời sớm nhất khi có thể. Nhìn chung về cách thức học với LMS thì cũng không khác gì La Trobe (vì nó giống với hầu hết các trường đại học khác ở Melbourne). Về môi trường thì cảm giác RMIT đem lại có tính hiện đại hơn, trẻ trung hơn. 
Vì thời gian học ngắn, mình cũng không có ấn tượng gì nhiều về RMIT nên xin dừng ở đây.

 University of Melbourne

Sau khi được định cư thì mình theo học ở trường University of Melbourne ngành Sư Phạm 2 năm để theo đuổi nghiệp dạy học. Trường thuộc nhóm G8 của Úc (8 trường đại học tốt nhất nước Úc), cũng là trường đại học lâu đời nhất Melbourne, nên không khó để mường tượng ra những tòa nhà cổ kính và đồ sộ ở đây
University of Melbourne - Wikiwand
1 góc trong khuôn viên trường
Postgraduate opportunities at University of Melbourne | CLEX
1 góc khác
No photo description available.
Lối vào cổng chính
Bên cạnh đó cũng có 1 số tòa nhà trông khá hiện đại
Arts West University of Melbourne | Architectus
Tòa nhà của khối Nghệ Thuật
Trường có khuôn viên cực rộng. Tuy không có xe buýt chạy trong trường như La Trobe nhưng luôn PHẢI có bản đồ ở hầu hết các góc đường, có cả app bản đồ của trường, nếu không sẽ rất dễ bị lạc. Có thể thấy, dù không rộng bằng La Trobe nhưng nơi đây có nhiều điểm nhấn, cũng là điểm để các bạn sinh viên có cơ hội sống ảo hơn La Trobe ^^ Thậm chí, một số cặp đôi còn vào đây để chụp ảnh cưới :D (có thu phí)
Có khoảng 74 tòa nhà ở campus chính (Parkville) và 101 tòa nhà nhỏ ở rìa campus chính. Vì ngành mình học nằm ở 1 trong 101 tòa nhà nhỏ kia nên trong 2 năm thạc sĩ mình rất ít khi vào khuôn viên này, nếu có cũng chủ yếu để chụp ảnh cho bạn bè là chính. 
Melbourne Graduate School of Education - University | Kwong Lee Dow Building,  234 Queensberry Street, Parkville VIC 3053, Australia
Đây là nơi mình học, tách biệt hẳn với khuôn viên chính. Trông có khác gì nhà tù không :(
Là một trong những trường danh giá nhất Melbourne và của cả nước Úc, nên trường đặt khá nặng lý thuyết. Cũng dễ hiểu thôi, vì xếp hạng của một trường thường được đánh giá dựa trên những nghiên cứu và công bố khoa học của trường đó, nên trường muốn đẩy sinh viên vào tâm thế của một nhà nghiên cứu hơn là của một người làm việc để giữ ranking cho trường. Đây là lý do mà những trường ở khúc giữa như RMIT hay Swinburne lại được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn về mặt nhân lực, do các trường đó đào tạo cho sinh viên có những kĩ năng thực tế hơn khi tốt nghiệp.
Cũng là trường có danh tiếng tốt nên mạng lưới của họ cũng rất khủng. Các giáo sư thường nổi tiếng ít nhất là trên cả nước. Những doanh nghiệp tới tham gia các talk show cũng từ cỡ vừa tới lớn. Ngành học nào có giai đoạn thực tập thì xin thực tập cũng dễ hơn
Các sinh viên ở đây thường nói, các trường G8 vào khó ra cũng khó. Được cái, nếu ra được thì tấm bằng của trường này nói riêng và các trường ở G8 nói chung ít nhiều cũng gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng. Sự ưu ái này tuy không rõ ràng nhưng cũng đủ để, ở một số nơi, người có bằng của G8 được ưu tiên gọi tới phỏng vấn trước. Còn phỏng vấn có được hay không thì không liên quan gì tới bằng. 
Một cái hay ho khác mà mình quên nói ở trên, đó là bằng tốt nghiệp ở đây, đại học hay thạc sĩ, trừ phi là bằng Honours (bằng danh dự), sẽ không ghi xếp loại tốt nghiệp trên bằng. Trông sẽ giống thế này:
Bằng khá đẹp nhỉ :D
Khi đi xin việc thì các nhà tuyển dụng cũng sẽ không hỏi điểm số của bạn mà chỉ xem xem bạn đã tốt nghiệp khóa học chưa. Có bằng Honours thì cũng chỉ thu hút sự chú ý thêm một chút chứ cũng không được thêm ưu đãi gì hơn so với bằng bình thường. Vì vậy sinh viên thường ít ai theo đuổi bằng Honours trừ phi họ muốn học cao hơn. 
Một điểm thú vị khác là, nếu cùng một vị trí công việc có 2 ứng cử viên, 1 có bằng Cử Nhân, 1 bằng Thạc sĩ, thì nhà tuyển dụng sẽ chọn người có bằng Cử nhân. Theo luật thì nhà tuyển dụng sẽ PHẢI trả lương cao hơn cho người có bằng cấp cao hơn. Nếu cùng giải quyết 1 công việc đó mà tôi phải trả ít hơn thì ngu gì tôi chọn người có bằng thạc sĩ, đúng không? Vì vậy, người có bằng thạc sĩ thường khó kiếm việc hơn so với người có bằng cử nhân, nhất là ở entry level (trừ phi công việc bắt buộc phải có bằng thạc sĩ).
Nói chung ngoài việc nặng lý thuyết ra thì mình không có gì phải chê ở trường đứng số 1 nước Úc cả :D

Kết

Mình tốt nghiệp từ UniMelb năm 2019, ngay trước khi dịch COVID bùng phát trên toàn thế giới, và ảnh hưởng nặng nề nước Úc nói riêng. Khi biên giới quốc tế bị đóng ở bang Victoria nơi mình sinh sống, các trường đại học nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh tế, bởi du học sinh là nguồn thu nhập chính của họ. Kinh phí bị giảm, từ đó các trường phải cắt bỏ nhân lực, đồng nghĩa với việc chất lượng khóa học cũng bị giảm sút. Một số trường đồng ý giảm học phí, nhưng một số trường khác, đặc biệt là các trường lớn bao gồm University of Melbourne, thì không. Điều này gây bức xúc rất nhiều với các du học sinh mới nhập học đầu năm 2020 vì học phí (rất đắt) thì đã đóng đủ, mà lại phải học online + thời lượng học ít đi. Muốn về học online cũng khó khăn được, mà về được cũng không biết bao giờ mới sang được. Một số bạn kịp về trước khi bang Victoria đóng cửa thì hiện tại đã xác định sẽ ở lại hẳn ở VN, mang theo một ấn tượng về một nước Úc vô cùng tẻ nhạt và xấu xí (do dịch COVID hoành hành). 
Mặc dù xin visa bây giờ rất dễ, nhưng bạn nào có ý định sang Úc du học, hãy chờ ít nhất là tới tầm tháng 4 năm 2021, xem tình hình dịch thế nào hẵng xin học cho kì nhập học vào tháng 7 2021. Hiện tại tình hình dịch ở bên đây vẫn đang diễn biến phức tạp. Về mặt số liệu ca bệnh thì nghe ổn, nhưng bên đây công tác phòng dịch không triệt để như ở VN nên chả biết sẽ bùng lại khi nào. Xin visa dễ là vì chính phủ đang cạn tiền vì thiếu đi thu nhập từ du học sinh, nên chả dại gì từ chối người sẽ đóng full tiền học phí mà lại không mất tiền cơ sở vật chất cho họ. Ai mà lỡ xin học và thậm chí có visa rồi thì hiện tại vẫn phải ở VN học online. Vậy là visa cứ dần hết hạn trong khi chưa ở Úc ngày nào, rất lãng phí. 
Sau khi học xong 2 năm ở Úc, bạn được quyền gia hạn thêm visa từ 18 tới 24 tháng để xin việc hoặc tìm đường định cư (xin visa gia hạn này rất dễ, đương nhiên có mất phí nhưng không nhiều). Tuy nhiên, visa này phải được xin khi bạn đang trên đất Úc, nên mong là 2021 sẽ là năm các bạn được sang Úc và xin thêm 2 năm nữa sau khi học xong để thực sự trải nghiệm được cuộc sống và một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới nơi đây.
Ai có câu hỏi gì xin đặt ở bên dưới nhé.
Kênh Youtube Đàn Ông Học: