“Nửa đời ngơ ngác” là một trong những vở kịch được dựng đầu tiên của sân khấu Hoàng Thái Thanh, dựa trên truyện ngắn “Chiều vắng” của Nguyễn Ngọc Tư. Cùng với chất đặc trưng rất “Nam Bộ”, “Nửa đời ngơ ngác” đã khắc hoạ lại câu chuyện với một góc nhìn rất mới, rất khác so với nguyên tác. Nếu như truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đem lại nhiều nỗi niềm, sự tiếc nuối, bâng khuâng cho người đọc, thì khi chuyển thể tác phẩm kịch, sự sáng tạo đã làm cho vở kịch đầy đặn, chất nhân văn được đẩy lên gấp nhiều lần, cùng nhiều tầng nghĩa làm cho giá trị của vở kịch tăng lên gấp bội. Đây là vở kịch đầu tiên, và cũng là vở kịch tuyệt vời nhất, tâm đắc nhất mà tôi được xem từ trước tới giờ.
Nguồn ảnh: Cosmolife
Câu chuyện diễn ra tại một xứ miệt vườn Nam Bộ (mà trong truyện tên là xứ “Rạch Ruộng”). Hoàn cảnh câu chuyện lại rất giống, là điển hình của nhiều hoàn cảnh vùng quê miền Tây: câu chuyện về đứa con gái dám bỏ nhà đi theo một thằng con trai. Anh con trai trong câu chuyện này nghèo, cù bơ cù bất, tứ cố vô thân nên không được nhà cô gái đồng ý. Mà xưa nay người ta cũng thấy, cũng biết, những chuyện như vậy, khi chúng nó thương quá, mê quá rồi, thì ai nói gì cũng không nghe; tía má nó dù cho cản cỡ nào, làm cái gì thì chúng cũng nhất quyết tìm tới nhau cho bằng được. Thương, mê tới nỗi, dù má cấm cản, cô Hai Lê vẫn dám canh nửa đêm má ngủ, gom đồ lén đi theo anh Tư Nhớ. Rồi thì một hai năm sau, hai vợ chồng đùm về dắt theo đứa con nhỏ. Ông bà già chỉ còn biết tặc lưỡi chứ làm sao bây giờ! Thằng con rể còn xách theo vài xị rượu. Vợ nó vô bếp làm mồi cho chồng ra sau hè nhậu với ông già vợ. Rồi coi như huề!
Đó là chuyện ngoài đời. Mà đó cũng lại là dự tính của vợ chồng Tư Nhớ: có con, rồi sau đó mang con về xin má tha thứ! Cái khác là trong kịch thì không có ông già vợ, chỉ có bà Hai chủ vườn cây ăn trái sum suê, má cô Hai Lê, và bà lại tự có cách giải quyết của riêng mình.

“Có bắt con gái tao đâu mà tao bàng hoàng”

Vợ chồng Tư Nhớ kiếm sống bằng nghề chở ghe mướn. Út Lý là em gái cô Hai Lê, vẫn thường ghé thăm chị mình, khi thì đem theo xấp vải, khi thì con cá, yêu thương chị mình dù chị có lầm lỗi với má. Hai vợ chồng cất cái chòi, ở cùng làng với nhà Bà Hai – má cô Lê. Hằng ngày, Bà Hai đi qua đi lại, nhìn vô cái nhà, có đứa con gái “ngu dại” của bà, cùng cái thằng mà bà oán trách nó lại cướp đi đứa con mà bà đứt ruột đẻ ra.
Trong bụng hai vợ chồng vẫn hiểu, vẫn biết là mình làm sai, mình có lỗi. Lúc bà Hai vô tận trong nhà nom con gái, hai người hớt hải tìm chỗ trốn chui, trốn nhủi tránh mặt bà. Sợ gặp má, không phải sợ má đánh đòn hay rầy la. Đơn giản là mình biết mình làm sai, mình có lỗi, mình phải trốn. Chứ không có lỗi thì có gì đâu phải sợ!
Cô Hai Lê là cô con gái mà bà vốn quý trọng, vì đẹp người, lại nết na, đằm thắm, giỏi giang. Lúc trước, cô là đứa con gái ngoan ngoãn, ở trong nhà vẫn luôn nghe lời má. Ai có ngờ đâu cô dám làm chuyện tày trời đó. Giờ biết mình lỡ làm vậy là có lỗi với bà, cô vẫn khóc, vẫn thương, nhưng khi Út Lý hỏi, rằng nếu được quay lại từ đầu để lựa chọn, thì liệu cô có làm như vậy hay không? Cô không ngần ngại trả lời, giờ dù có quay lại, thì vẫn “trốn nhà đi nữa, đi luôn”! Nói vậy mới thấy, dù trong lòng cô thương mẹ là một chuyện, nhưng tình yêu và ý muốn thúc giục sống với anh Tư Nhớ lại còn lớn hơn, mạnh hơn nữa. Có chọn lại thì cô cũng làm vậy hà, chứ không hề hối tiếc chi đâu!
Vậy nên ngay sau đó, cô mới bị phạt!
Cái cách bà Hai chọn đối phó, là vu cho thằng “cướp” con gái của bà tội buôn lậu để tố lên công an xã. Nghe tin anh Tư Nhớ bị bắt, cô Lê hớt hải chạy lên đồn công an xin tha cho chồng. Còn bà Hai, khi làm vậy, bà vẫn biết là đứa con gái sẽ tự động “dẫn xác” nó về nhà bà, vì bà là người tố anh Tư, thì chỉ có bà mới xin bãi nại được! Để rồi, cô phải chọn lựa điều kiện của bà đặt ra, là chịu gả cưới cho một nhà giàu khác thì bà mới đi xin bãi nại cho. Bà đâu biết rằng, con gái mình đã lỡ có thai từ trước đó với Tư Nhớ rồi. Bi kịch xảy ra, khi đứa con trong bụng con gái bà đã không giữ được. Đau đớn hơn là bà đã gián tiếp làm nên chuyện này, con gái bà phải chạy sấp chạy ngửa lên công an, đến độ phải sẩy thai! Mọi chuyện là nối tiếp những sai lầm, những lỡ làng mà những con người gặp phải…
Nguồn ảnh: Cosmolife
Nếu như 15 năm sau, anh Tư Nhớ vẫn oán hận, ấm ức vì mình mất vợ, mất con, đau đớn nhung nhớ về một mối tình tan vỡ, thì bên kia, bà Hai vẫn còn khắc khoải vì mọi chuyện xảy ra. Cô Lê đi lấy chồng theo ý bà, đi tận sang bên kia nửa vòng trái đất, lâu lắc mới gửi thư về. Có phải, bà ân hận vì mọi chuyện? Hay còn một Hai Lê vẫn đau đáu nơi xứ người, vừa thương vừa giận người đã sinh ra mình, vẫn còn thường hay mất ngủ vì nỗi đau vùi trong quá khứ?
Và còn tội nghiệp cho Út Lý, một tình yêu thương dành trọn cho anh Tư, lại phải chịu ruồng rẫy, hắt hủi vì những lỗi lầm mà không phải do mình gây ra!

Chậu hoa quỳnh

Khi cô Hai Lê về nhà xin má tha cho anh Tư, bà Hai có nói: “Quỳnh hoa trồng mà không có tưới nước bón phân thì đâu thể trổ bông”.
Người con gái xinh đẹp, nết na lớn lên, thì phải được sống trong nhà đàng hoàng tử tế, hay gửi trao thì cũng phải cho bề êm ấm, môn đăng hộ đối. Có như vậy, thì mới tốt, mới theo ý của bà Hai.
Nhưng cây quỳnh trong nhà bà trồng hoài mà không có ra bông. Như Út Lý nói với bà, hoa quỳnh này trồng muốn được là phải có duyên! Út Lý đem chậu quỳnh qua nhà anh Tư, thì chậu quỳnh lại ra bông tới mấy lần, dù trồng ở nhà bà Hai bón phân tưới nước đầy đủ mà tuyệt nhiên không ra cái nào.
Đâu phải quỳnh bón phân tưới nước đầy đủ là ra bông đâu. Cũng như bà Hai, muốn gả con gái mình cho nhà giàu sang, nhưng giờ đây, sau khi mất đứa con đầu, cô Lê đâu còn sinh nở gì được nữa!
Đoá hoa quỳnh kia, như có sự sắp xếp của số phận, chỉ nở ra đúng nơi, đúng chỗ mà nó thuộc về. Cô Lê bỏ nhà, bỏ má mình “theo trai”, thì là cổ sai, là một chuyện. Nhưng cổ lại đúng, cái đúng của người trong cuộc. Là duyên, là nghiệp của cổ, thôi thúc, ràng buộc cổ phải làm vậy, phải theo người tình đến độ bỏ tất cả. Giống như là những buộc ràng từ nhiều kiếp mà những con người gặp nhau kiếp này buộc phải làm theo. Nếu như ngày xưa, không phải bà Hai bắt ép con gái mình gả cho nhà khác, có khi “chậu quỳnh” đã trổ bông nhiều lần, như chính ở nơi mà nó thuộc về.
Nguồn ảnh: XomNhiepAnh.com
Bà Hai, dù cay nghiệt, ác độc, nhưng bà vẫn có cái lý của bà. Như anh Hết, bạn anh Tư trong kịch có hỏi anh, là anh Tư đem thằng Lượm từ ngoài bãi về, nuôi 14 15 năm giờ nói tìm đem trả cho ba mẹ ruột nó thì anh còn tiếc. Huống hồ gì con gái người ta đẻ ra, nuôi cho trắng da, dài tóc rồi tự nhiên nhào vô hốt mang đi, lại không cưới xin, không kèn trống, một tiếng nói phải quấy với người ta anh còn không nói… hỏi sao mà người ta không tức, không oán?
Trong vườn trái cây nhà bà Hai, có người ăn cắp “Lê” của bà. Hôm đó, sáng mở mắt ra thấy con gái bà bị bắt mất rồi, chắc là bà bàng hoàng, ngơ ngác. Bất nhân quá mà! Hỏi sao giờ bà làm bất nhân lại! Vì oán trách thằng đã “cướp” con gái mình đứt ruột đẻ ra nuôi, bà Hai mới đi tố cáo công an cho người ta bắt “thằng ăn cướp” đó. Còn về phần con gái mình, cũng có lỗi, dám bỏ nhà bỏ má đi theo thằng đó, thì cũng phải chịu phạt nghe theo sự sắp đặt của bà. Bà làm là có lý, nhưng rồi sao lại lỡ làng, lại ngơ ngác… như đoá quỳnh hương, dù cho tưới nước bón phân theo ý bà mà vẫn không trổ bông được. Cũng là duyên, là nghiệp của con, bà đem nó về theo ý bà, nhưng rồi cô Lê chắc cũng đâu sống hạnh phúc, sung sướng gì nữa…

Nồi cá kho

15 năm qua, Út Lý vẫn thường hay qua nhà thăm nom anh Tư Nhớ với thằng Lượm – đứa con nuôi anh mang từ bãi về. Vì một tình yêu Út Lý dành cho anh, thương con người, thương tánh tình, cách sống của anh, một tình yêu thương chân thật. Nhưng bởi những lỗi lầm không phải do mình gây ra, mà Út Lý bị người mình yêu chối từ, hắt hủi.
Chất miền Tây của vở kịch y như cái mà nó vốn có. Vẫn là tình yêu thương, thiết tha, mà người ta đâu bao giờ nói mấy ra lời đó. Người Nam Bộ vốn thật thà chân chất, người ta không nói “tôi thương mình quá”, mà “tôi” đi lợp lại cái mái nhà cho “mình”. Người ta không nói “con yêu tía má quá”, mà “con” nấu cho tía má nồi canh chua! Cái tình nó dung dị, nó chân thật như chính những việc làm, những hành động mà không cần phải nói thành lời!
Anh Tư Nhớ cũng biết Út Lý thương anh chứ. Thấy người ta qua lại phụ giúp nhà anh nhiều, anh nấu nồi cá kho để dành cho người ta, muốn người ta vui. Nhưng một bên, anh còn nỗi hận thù chất chồng dai dẳng về “nhà bên đó”, mà chấp nhận yêu thương Út Lý, không lẽ là chấp nhận phủi sạch trơn mọi “món nợ” đối với anh mà “nhà bên đó” đang mắc hay sao? Đâu có dễ như vậy được! Vậy thì không cần, nên anh không bỏ qua, anh quăng bỏ nồi cá kho xuống đất, quăng bỏ tình cảm mà Út Lý dành cho anh. Chậu quỳnh đang ra bông trước nhà mà Út Lý mang qua, lẽ nào anh cũng muốn quăng bỏ, muốn vùi dập, không thương tiếc cho cái mong manh, cái tươi thắm của nụ hoa vừa hé nở?
Út Lý không cho anh làm chuyện đó! Cô giữ lại, thương tiếc, trân trọng cho cái trong trắng, cái quý giá của nụ hoa còn giấu mùi hương đó. Nồi cá kho bị quăng bỏ, cô lượm lại, rồi sau đó, lại tự mình đổ đi, như mảnh tình mà cô bị hắt hủi. Tình cảnh đau khổ của cô và cay đắng như chén nước pha dầu gió mà anh Tư dùng để xông cảm lạnh!

Cái giếng 15 năm…

15 năm, ngơ ngác… Bà Hai phải nhờ Út Lý đánh điện tín sang bên kia cho cô Lê, nói dối rằng má chết rồi. Bấy lâu nay, cô Lê không về thăm nhà, còn bà Hai muốn gặp lại con gái mình lúc cuối đời. Bà vẫn đinh ninh cho cái sự đã rồi, rằng con gái oán bà, vì bà làm chết con nó, nó đâu có muốn về nữa.
15 năm chất chứa nỗi đau đớn, hận thù, thương nhớ của anh Tư cho tình yêu dang dở. Út Lý phải nhờ thằng Lượm, về nói với tía nó, là Út trượt chân xuống giếng vườn nhà chết rồi. Có làm vậy, cô mới có được câu trả lời cho tình yêu của mình.
Cô Lê lật đật đi máy bay về nhà. Anh Tư Nhớ cũng hớt hải chạy qua. Đúng lúc cả hai gặp lại, nhìn nhau… Rồi ngỡ ngàng, vì lúc đó tình cảnh đã khác lắm với những gì người ta còn nhung nhớ.
Nhận ra tình cảm của mình dành cho Út Lý, anh cũng nhảy xuống theo cô. Út Lý bất ngờ, phải cùng cô Lê kéo anh lên. Cảnh cô chị, kéo cô em, rồi cô em kéo anh Tư thoát khỏi cái giếng, là cảnh ẩn dụ cho lớp kịch. Nhìn lại, 15 năm trước, tình yêu anh Tư dành cho cô chị, nay anh dành cho cô em rồi. Bằng mối tình chuyền lại từ người chị, Út Lý đem tình yêu của mình kéo anh thoát khỏi cái giếng, thoát khỏi hận thù, nơi mà sâu thẳm, tăm tối đó chắc là hút người đàn ông cho tới chết.
Không còn ngỡ ngàng, tiếc nuối, cô Lê cũng tỉnh ra, hết ngơ ngác như người vừa tỉnh cơn mê. Trong truyện gốc của Nguyễn Ngọc Tư, anh Tư Nhớ cũng gặp lại người vợ cũ sau mười mấy năm xa cách. Nhưng những mộng tưởng, những nhớ nhung của người đàn ông sao mà xa cách với thực tế, lại phũ phàng khi hình ảnh người vợ trẻ đẹp anh vốn yêu thương và ấp ủ không còn nữa. Còn trong Nửa đời ngơ ngác, cô Lê về không có “già”, “không có mập ú ù u” như trong truyện, mà tích cực và an ủi hơn, hình ảnh cô Lê của mười lăm năm sau không thay đổi mấy, thậm chí còn đẹp hơn trước vì ít nhiều có sự xa hoa, đẹp đẽ của trời Tây. Cũng có thể, vì cái xa hoa, đẹp đẽ đó, cùng với cuộc sống và công việc nơi xứ người, cô cũng đã thay đổi, phải thích nghi. Cô Hai Lê của mười lăm năm trước đã được thay thế bởi một người phụ nữ Việt kiều sang trọng, ngẩn ngơ, lạ lẫm với khung cảnh làng quê cũ. Hai Lê ngày xưa cùng kí ức lỗi lầm, giờ đã trở thành vết tối, vết đen trong cảm xúc người phụ nữ mỗi khi nghĩ lại.
Còn anh Tư Nhớ, những suy nghĩ, hoài vọng về một quá khứ yêu thương đã xa lắm, giờ chỉ còn là ảo tưởng.  Giờ đây anh có yêu thương, biết nhận ra lỗi lầm và có “một nửa” cuộc đời khác.

Vườn trái cây nhà bà Hai

Vở kịch sáng tạo ra một chuỗi theo đuổi của các nhân vật: cô Hoài bán tạp hoá yêu anh Hết; anh Hết lại thương Út Lý; Út Lý thương anh Tư, còn anh Tư cứ mãi hoài niệm về hình bóng cũ của cô Lê.
Nhân vật anh Hết là điển hình của một người con trai sống hết lòng hết dạ với tía, với bạn bè, và với gia đình. Cũng là một nhân vật lấy những chi tiết, đặc điểm và hoàn cảnh từ một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, anh Hết được ráp vào hết sức khéo léo, ngoài việc tạo ra những câu chuyện nhỏ đan xen trong mạch kịch, lại làm duyên cớ đưa đẩy những sự việc nối tiếp nhau.
Cuối vở kịch, các nhân vật nhận ra mình phải làm gì, phải đáp lại cái tình dành cho nhau, hết ngơ ngác như chính cô Hai Lê chợt tỉnh, khi thấy tình yêu xưa giờ đây đã là dành cho cô em. Anh Hết biết rằng, dù có làm cách mấy cũng không chối bỏ được sự thật là Út Lý thương anh Tư, biết rằng mình cưới cô Hoài là phải chăm lo, làm cho vợ mình hạnh phúc. Anh Tư Nhớ đáp lại tình cảm của Út Lý, còn cô Lê nhìn nhận hình bóng người đã sinh ra mình, khóc cho những lỗi lầm và tình thương yêu với má.
Nguồn ảnh: Cosmolife
Sự việc thành ra đã như vậy rồi, thì người ta chỉ cần nghe một câu xin lỗi, để cho thấm lòng thấm dạ. Một câu xin lỗi mà chờ đợi 15 năm!
“Tư Nhớ, dẫn con Út đi trồng răng đi!” Cái cách mà bà Hai nói chấp nhận tha lỗi, nó rất Nam Bộ, rất sâu sắc. Má không tha lỗi cho anh Tư, thì sao má kêu anh Tư dẫn Út Lý đi trồng răng? Còn con gái bà, vô tình bà đã làm cho nó mất đứa con. Thực lòng, bà đâu muốn sự việc thành ra như vậy đâu! Bà mong con gái thôi oán trách bà.
Xin lỗi nhau cho hàn gắn, bù đắp lại những lỗi lầm đã qua và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Câu chuyện mở ra bằng tiếng dương cầm chầm chậm, bâng khuâng, khắc khoải vì những nỗi buồn, của những lỗi lầm. Nếu biết tránh lỗi, kĩ lưỡng, sớm nhận ra lỗi lầm và khắc phục, có lẽ con người ta sẽ không có đau khổ!
Cũng là bài hát về đoá quỳnh hương, khi man mác kể một câu chuyện buồn, khi cao trào cảm xúc bằng giọng nam ca sĩ lúc anh Tư nghe Út Lý chết, lúc lại đẹp đẽ bằng giọng nữ ca sĩ sau lời xin lỗi của người mẹ dành cho con gái mình.
Cả tác phẩm kịch là một sự hoàn hảo về tổng thể.
Đường dây nối chuyền của câu chuyện về tình cảm các nhân vật dành cho nhau, sau đó lại biết quay về thành những cặp tương xứng. Bà Hai phải nói dối mình chết để con gái quay về. Út Lý phải nói dối mình chết để anh Tư trả lời cho một câu hỏi. Để rồi ai cũng bừng tỉnh ngộ. Lời xin lỗi của anh Tư dành cho má, rồi má dành cho cô Lê. Một mối tình của chị chuyền sang em để kéo người xưa ra khỏi bóng tối hận thù.
Khi có lỗi lầm, biết lỗi và nhận lỗi, chắc chắn tinh thần người ta sẽ vững hơn bao giờ hết, vui vẻ, và may mắn sẽ tới như chính anh Tư, người nhận được sự ngọt ngào trong vườn trái cây của bà Hai.