Hôm trước, một người bạn đã gửi cho mình một video ngắn trên youtube với đoạn tin nhắn như sau “Về testing animal for cosmetics đấy. Rất là nhân văn. Rất là hợp với b😉😌”. Ừ thì xem. Đó là là một bộ phim ngắn stop-motion, mang tên Save Ralph, do Humane Society International – Tổ chức quốc tế về đối xử nhân đạo với động vật sản xuất với mục đích kêu gọi chấm dứt thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật ở quy mô toàn cầu. Đây là link video được lồng tiếng bởi hoa hậu H’Hen Nie và diễn viên Diễm My 9X: https://www.youtube.com/watch?v=VpWtu04WfMo
Mình là đứa có rất ít đồ skincare/mỹ phẩm. Không son, không kẻ mày, không kem nền, không che khuyết điểm… Hiện nay, mình chỉ có 4 món skincare tương ứng với 4 bước cơ bản: tẩy trang, sữa rửa mặt, kem dưỡng, kem chống nắng (ngoài ra còn có son dưỡng vào mùa đông). Mình mua đồ nhờ bạn bè recommend hoặc đọc thấy nhiều review tích cực trên các group skincare, làm đẹp mà không hề biết đọc bảng thành phần một chút nào. Nhưng sau khi xem xong video, mình thay đổi gần như hoàn toàn về quan điểm lựa chọn đồ mỹ phẩm, đồ skincare.
Có 2 luồng ý kiến trái chiều xảy ra ở đây, với 1 bên ủng hộ việc CẤM thí nghiệm ở động vật còn 1 bên ủng hộ việc thí nghiệm trên động vật:
- Với bên ủng hộ CẤM thí nghiệm trên động vật, họ đưa ra các số liệu công khai về tình trạng động vật bị ép ăn, sống trong điều kiện dơ bẩn, hoặc trải qua thí nghiệm đau đớn mà không có thuốc giảm đau. Bên cạnh vấn đề đạo đức, tính chính xác của các sản phẩm thí nghiệm là một vấn đề khác đáng cân nhắc. Sản phẩm phù hợp với cơ thể động vật không có nghĩa là sẽ thành công với cơ thể con người.
- Còn với những người ủng hộ nghiên cứu cho rằng: thí nghiệm trên động vật là vì lợi ích của con người. Sự hy sinh của một nhóm động vật là cần thiết cho xã hội loài người, trước khi khoa học phát minh ra một phương pháp khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, bản chất của thí nghiệm trên động vật không phải để minh chứng cho sự hiệu quả tuyệt đối của phương thuốc mới, mà để giảm rủi ro đến mức tối đa, loại trừ các phương thuốc không hiệu quả hoặc nguy hiểm.
Về mặt lý thuyết, thử nghiệm trên động vật nhằm kiểm tra độ an toàn của sản phẩm, nhưng theo báo cáo thực tế từ tổ chức Cruelty Free International, hành động này đã khiến ít nhất 192,1 triệu động vật bị giết vì mục đích khoa học trên toàn thế giới vào năm 2015. Như vậy, chưa xét đến hiệu quả thì những cuộc thí nghiệm này là vô cùng tàn nhẫn, đi ngược lại với những giá trị đạo đức của con người.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công các phương pháp thay thế việc thử nghiệm trên động vật như: phân tích dữ liệu có sẵn (in-silico), kiểm tra trong phòng thí nghiệm (in-Vitro Test), kiểm tra trên tình nguyện viên (in-Vivo Test), dùng cơ thể nhân tạo… Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng của các sản phẩm mà còn đề cao tính nhân đạo trong nền khoa học nói chung.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, chuyện “thử nghiệm trên động vật” vẫn là một bài toán đau đầu khi một thương hiệu nào đó cần phải cân đối giữa đạo đức và doanh thu. Cụ thể là nếu muốn được chính thức bán tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm mỹ phẩm bắt buộc phải trải qua quy trình thử nghiệm trên động vật. Để được cấp phép bán ở Trung Quốc, từng sản phẩm nhỏ đều phải trải qua rất nhiều quy trình xét duyệt với nhiều thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê, kéo dài từ 6 tháng đến cả năm trời. Trong đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu phải có một giấy phép liên quan đến vệ sinh, và đây là bước mà các hãng sẽ vừa phải nộp sản phẩm mẫu, vừa phải nộp phí để sản phẩm này “được” đưa vào thử nghiệm trên động vật trong các phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Chính phần “phí thí nghiệm” này là một nguồn thu lớn cho chính phủ Trung Quốc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, trong khi các bước thí nghiệm thì rất dã man. Theo báo cáo của PETA thì động vật trong các phòng thí nghiệm này thường bị bắt ăn mẫu mỹ phẩm, bị bôi mỹ phẩm lên da, mắt, thường thì con nào cũng chết. Kiểu thử nghiệm như thế này rõ ràng là phản khoa học, thậm chí đã bị cấm ở châu Âu vì nó chẳng đem lại bằng chứng cụ thể về độ an toàn của mỹ phẩm.
Nhưng do Trung Quốc là thị trường mỹ phẩm trị giá 30 tỷ đô la, nếu không quyết định tiến thân vào Trung Quốc thì nhiều thương hiệu sẽ bị thất thu khủng khiếp, nhất là khi sự có mặt của những quầy hàng phân phối chính hãng sẽ góp phần giảm sự bành trướng của mỹ phẩm nhái vốn là “đặc sản” tại quốc gia tỷ dân này. Vậy nên, quyết định “bỏ” hay “theo” của mỗi hãng mỹ phẩm giữa hai vấn đề “cruelty-free” và “kiếm lợi ở Trung Quốc” chắc chắn là một bài toán vô cùng cân não và đau đầu.
Bên cạnh thuật ngữ “Cruelty-free” – Không thử nghiệm trên động vật còn có thuật ngữ “Vegan” – không có chứa thành phần nào từ động vật hoặc thành phần có nguồn gốc từ động vật, như: mật ong, sáp ong, lanolin, collagen, albumen, carmine, cholesterol, gelatin và nhiều loại khác. Vegan hoàn toàn khác với Cruelty-free, thuật ngữ này đơn giản là chỉ nói đến sản phẩm không chứa các thành phần từ động vật. Do vậy, một số sản phẩm thử nghiệm trên động vật vẫn có thể bao gồm thuần chay. Sẽ có sản phẩm là Vegan nhưng không phải Cruelty-free, hoặc là Cruelty-free nhưng không phải Vegan.
Quay lại những món đồ skincare cơ bản của mình, vô tình một số sản phẩm mình đã/đang dùng lại là các sản phẩm Cruelty-free hoặc Vegan: - Các sản phẩm nhà Cocoon: nước tẩy trang, sữa rửa mặt, toner - Sữa rửa mặt Simple - Kem dưỡng/Serum The Ordinary - Toner Dear Klairs
Ngoài ra, mình cũng có dùng các sản phẩm không phải là sản phẩm Cruelty-free hoặc Vegan. Mình sẽ không cực đoan trong chuyện chọn các sản phẩm skincare/mỹ phẩm sẽ phải A, phải B… Nhưng bản thân là một gen Z – thế hệ được xã hội đánh giá là “người tiêu dùng thông minh”, hiệu quả của sản phẩm sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng nếu có cả tính bền vững, thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường trong bao bì và thành phần thì sẽ giúp các thương hiệu thu hút mình hơn. Ví như gần đây nhất, mình đã tậu chai nước tẩy trang bí đao Cocoon 500ml to chà bá dùng không biết khi nào mới hết (với một đứa không make up như mình) chỉ vì Cocoon là nhãn hàng mỹ phẩm Việt Nam (đầu tiên) được chứng nhận “không thử nghiệm trên động vật và thuần chay” bởi tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật toàn cầu PETA và chứng nhận thuần chay của The Vegan Society.
Cocoon với các cam kết của hãng được in nổi bật trên bao bì
Cocoon với các cam kết của hãng được in nổi bật trên bao bì
Kết lại bài viết bằng một đoạn kết của Vietcetera: “Quyền của động vật không chỉ là thứ gì đó mang “màu sắc” triết học, nó còn là phong trào thách thức quan điểm truyền thống của xã hội. Động vật sinh ra không phải chịu đau đớn vì con người và chúng cũng cần được sống cuộc đời chúng xứng đáng.”
Bên cạnh đó, mình xin chia sẻ lại một bộ phim tài liệu thuần chay mình đã từng share – bộ phim tài liệu của Úc kể về cách mà động vật tại đất nước này được sử dụng và bị ngược đãi bởi con người, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thịt, sữa, trứng, quần áo và giải trí – Dominion (2018): https://youtu.be/yEMddgXuSX4