Hồi đầu những năm 2000, khi không phải ai cũng biết dùng máy tính và không phải ai cũng coi máy tính là công cụ cần thiết trong cuộc sống như bây giờ, mình nhớ cứ cuối kỳ là một số cô giáo lại dành một tiết để chia điểm trung bình. Nói đúng hơn là các cô dành một tiết để bắt học sinh chia điểm trung bình học kỳ để các cô đỡ phải làm. Các cô đầu tiết dạy cho học sinh cách chia, xong đọc cho mỗi đứa các đầu điểm của bọn nó trong năm. Đoạn cô giáo bắt bọn nó chia xong kiểm tra chéo nhau xem đứa nào làm sai ăn bớt ăn xén không. Cuối cùng cô gọi tên đứa nào thì đứa ấy xướng điểm của hắn. Học sinh sướng vì không phải học, giáo viên sướng vì không phải làm. Nếu các cô mà đi bấm máy tính tay thì rất lâu, nhưng làm thế này -- thuật ngữ chiên môn gọi là tính toán phân tán -- thì rất nhanh.

Ngày xưa, nếu có ai hỏi ý kiến mình học sinh sinh viên cần biết cái gì liên quan đến máy tính để có ích nhất trong cuộc sống, mình có lẽ sẽ trả lời nên biết về lập trình. Dần dần mình nhận ra có lẽ việc đó không phải ai cũng nhằn được, mặc dù nhằn được thì đúng là một điều rất tốt. Nếu bây giờ hỏi, thì mình sẽ trả lời là biết dùng Excel. Nếu biết được Excel tốt thì cùng lắm chỉ mất 5 phút để điều chế ra công thức tính điểm trung bình học kỳ, và sau đó có 5 học sinh, 50 học sinh, hay có 50,000 học sinh thì cũng mất thêm một giây nữa để copy paste.

Dank spreadsheet
Cuộc sống có rất nhiều lúc khi dùng trực giác của mình nhìn vào góc nhỏ thì sẽ ra kết luận sai lầm. Nhưng một khi dùng bảng tính, vẽ đồ thị, phân tích số liệu, thì việc đi đến kết luận chính xác dễ dàng hơn nhiều. Người nào chỉ cần biết Excel và một số kiến thức căn bản về thống kê thôi thì đã hơn đứt rất nhiều người khác ở khả năng phân tích và trả lời những câu hỏi tương đối phức tạp. Đó là cái mà không chỉ người làm khoa học nghiên cứu, người làm sổ sách kế toán cần biết, mà già trẻ lớn bé, người làm công tác xã hội, người làm kỹ sư, người giáo viên, người quản lý, người viết báo đều cần biết để tránh những việc kết luận tưởng chừng như đúng ở tầm vi mô nhưng sai vĩ mô.

Excel còn hay ở chỗ nếu ai làm chủ được nó thì sẽ biết làm cách nào tư duy theo bước, làm cách nào viết được công thức mà máy tính hiểu được. Biết được những kỹ năng đó, người ta sẽ tư duy mạch lạc hơn. Biết Excel tốt, về sau nếu muốn học về lập trình cũng đơn giản. Và ngược lại, nếu ai thấy Excel dễ hiểu thì đó là một dấu hiệu tốt để nhận ra mình có thể làm được những việc như điều khiển máy móc, lập trình, tính toán. Excel lại có điểm tốt là trực quan và dễ hiểu hơn lập trình rất nhiều. Mỗi bước khi thấy sai cái là biết mình sai ở đâu. Hồi trước mình có làm chơi xem có bao nhiêu bài toán khó trên leetcode không phải ngồi lập trình gì hết để trả lời mà chỉ dùng Excel là đủ. Hoá ra có một đống vấn đề chỉ cần làm bằng Excel là ra.

Excel làm được rất nhiều việc nhưng nó không làm được hết. Mình nghĩ nếu là người chuyên môn nghiên cứu, xử lý số liệu thời đại này mà chỉ biết một công cụ là Excel thì cũng sẽ hạn chế về những gì mình làm được. Sinh viên học sau đại học thì không nên chỉ biết Excel, như vậy là tự mình hạn chế mình. Nhưng mình nghĩ ai làm được tốt Excel thì cũng đã làm được 80-90% những việc của tất cả các công cụ khác rồi. Và cái làm một người làm tốt hơn người khác, được trả lương cao hơn người khác, là cái phần 10-20% người bình thường dùng Excel không làm được. Với kinh nghiệm của mình, 90% trong cái 20% còn lại đó là có thể giải quyết được bằng các công cụ mát-xa dữ liệu rồi lại cho vào trong Excel như kiểu sed, cut, grep trên dòng lệnh Linux.

Mình nghĩ Excel xứng đáng là một trong những công cụ tốt nhất và quan trọng nhất của máy tính trong 50 năm qua. Bình thường nếu ai ghi vào hồ sơ xin việc là biết Microsoft Office thì mình sẽ bảo là nên bỏ đi, ai chẳng biết. Nhưng nếu ai ghi vào hồ sơ là người ta làm tốt Excel thì mình nghĩ cứ nên để đấy. Nhưng khi khoe Excel thì nên chuẩn bị tinh thần khi nhà tuyển dụng hỏi mình xem mình ghi thế là gạch đầu dòng hay là biết thật.