Với các bạn trẻ thuộc thế hệ Z (1996 - nay), và rất nhiều anh chị thuộc thế hệ Y (1980-1995), có lẽ mọi người đều đã từng nghe qua những bài học đạo đức được đúc kết từ kinh nghiệm của cha mẹ, ông bà về cuộc sống. Mình gần như chắc chắn rằng các bạn ở đây đều đã ít nhất một lần được “chỉ giáo” về triết lý sau đây, “Con hơn cha là nhà có phúc”. Bản thân mình khi lần đầu nghe câu thành ngữ này, đã tin răm rắp vào nó và đặt cho bản thân một mục tiêu cao cả, đó là phải vượt lên thành quả mà cha mẹ mình mất bao năm gây dựng để gia đình mình được “phúc”. Tuy nhiên, khi dần bước đến tuổi trưởng thành, đứng trước ngã ba cuộc đời, mình lại thấy hoài nghi về ý nghĩa của câu nói “khắc cốt ghi tâm” này. Vậy nên hôm nay, mình muốn bàn luận với các bạn về câu châm ngôn đã được lưu truyền rất sâu rộng trong nhân gian này.
    Khi mình bước vào giai đoạn chuẩn bị cho Đại Học, mình luôn tự hỏi, tính từ “hơn” mà mọi người thường dùng mang nghĩa gì ? Trong cuộc sống xã hội hiện nay, “hơn” là một khái niệm vô cùng trừu tượng. Chiếu theo những định nghĩa phổ biến của xã hội, “hơn” ở đây có thể là hơn về mặt tài sản, tức là nhiều tiền hơn, hoặc hơn có thể là hơn về mặt học thuật, tức là biết nhiều hơn, hoặc hơn có thể là hơn về điều kiện sống. Nếu xét về mặt tài sản của thế hệ Z chúng ta, mức lương trung bình khi ra trường của sinh viên rơi vào tầm từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng một tháng (theo số liệu thống kê của tổng cục thống kê). Trong khi đó, mức lương cơ bản của sinh viên ra trường vào đầu thập niên 1990 (thế hệ của cha mẹ chúng ta), là ở vào tầm 150.000 đồng đến 350.000 đồng (theo như số liệu từ Tạp chí Tổ chức Nhà nước). Dù có thêm cả tính toán về mức lạm phát 3% của năm 2019 và mức lạm phát 16% của năm 1993, trung bình số lượng tiền mà sinh viên ra trường bây giờ kiếm được vẫn nhiều hơn hẳn các bậc tiền bối của họ lúc ra trường. Như vậy có phải là hơn không ? Nếu đúng là hơn, thì phần đông các gia đình phải có “phúc” chứ ? Tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Giả định là câu châm ngôn cổ truyền kia vẫn có giá trị thực tiễn, ta xét đến khía cạnh thứ hai của việc “hơn”, đó là hơn về mặt học thuật. Vào những năm 1990, thời cha mẹ chúng ta còn đang trên ghế nhà trường, số lượng sinh viên đại học trên tổng số 100.000 dân là ít hơn 200 người (số liệu từ Bộ GDĐT), ít hơn rất nhiều so với các nước láng giềng trong khu vực. Vào thời hiện đại, nước ta có khoảng 2 triệu sinh viên đại học (số liệu của Bộ GDĐT), trong tổng số 96 triệu người dân, tức là trung bình khoảng 2000 sinh viên trên 100.000 dân. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất Đông Nam Á. Những con số này nói lên sự vượt bậc về mặt học thức của thế hệ Z so với cha mẹ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, thế hệ ngày nay được hưởng lợi từ cuộc sống đầy đủ hơn rất nhiều so với trước kia. Điều này dẫn đến yếu tố thứ ba của việc “hơn”, đó là môi trường sống. Học sinh, sinh viên ngày nay được tiếp cận với các thiết bị công nghệ thông tin, Internet cùng mạng xã hội từ sớm. Chính nhờ những tiếp xúc đó, cộng hưởng với sự bùng nổ của Internet mà giới trẻ giờ đây có khả năng thu thập và xử lý thông tin đáng kinh ngạc. Nhìn nhận một cách tổng quan hai yếu tố trên, rõ ràng là thế hệ chúng ta đã hơn thế hệ của cha ông chúng ta, phải không ? Tất nhiên cuộc sống còn rất nhiều khía cạnh có thể đem ra so sánh hơn thua, trên đây chỉ là những chú giải nổi bật nhất về quan niệm “hơn” mà thôi. Tóm tắt lại, mình chỉ thắc mắc, nếu như thế hệ Z đã hơn thế hệ cha mẹ đi trước, vậy tại sao thực trạng cuộc sống cho thấy con trẻ trong các gia đình giờ đây chịu nhiều áp lực hơn trước, thường xuyên mâu thuẫn với cha mẹ, một điều mà không được “phúc” cho lắm ?
Sự bất đồng quan điểm một cách gay gắt vẫn thường xảy ra trong các gia đình ngày nay
    Những lý lẽ và số liệu trên dẫn dắt mình đến suy ngẫm tiếp theo, đó là ý nghĩa thực sự của “phúc”. Không biết mọi người có giống mình không, nhưng mình thật sự không hiểu phúc ở đây là gì. Nó mang hàm ý là gia đình hạnh phúc, hay hãnh diện, hay sung sướng ? Cũng như từ “hơn”, phúc mang rất nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, do truyền thống của cha ông chúng ta là tin vào tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo, mình sẽ nêu cách diễn giải từ “phúc” từ các văn hoá trên. Theo như nguyên bản chữ Nho, chữ Phúc là “là hình tượng hai bàn tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ. Như vậy, chữ “Phúc” vốn được xem là điều tốt lành do cầu cúng mà có được” (theo như Tản mạn về chữ Phúc). Thêm vào đó, theo quan niệm Nho giáo thời xưa, phúc là thuận lợi, không gặp trở ngại. Nói sâu xa hơn, “phúc” ám chỉ việc trên thuận dưới hoà, âm dương thuận lý. Kế đến, sách Hồng Phạm của Trung Hoa cho rằng: “Ngũ phúc, nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang minh, tứ viết Du hảo đức, ngũ viết Khảo chung mệnh” (tức Năm phúc: sống thọ, giàu có, bình an, đức tốt, chết vào tuổi già). Đó là góc nhìn của Nho giáo từ xa xưa về chữ “Phúc”, còn Phật giáo thì sao ? Theo như Phật dạy, “phúc” là điều hay, điều thiện do con người tạo ra từ chính việc làm của mình. Cũng chính vì thế nên phúc thường hay đi đôi với đức, gọi là “phúc đức”. Nhà chùa cũng thường hàm ý điều này trong các bài kinh của mình, rằng phúc dày hay mỏng là do tự thân loài người. Do sự gắn liền giữa phúc và đức trong văn hoá Việt, các bậc hiền triết khi xưa thường quan niệm rằng muốn có đức phải có phúc và ngược lại. Nhìn một cách tổng quan, chữ Phúc là một từ Hán Việt mang nghĩa rất rộng và tinh tế trong văn hoá của cả người Việt và người Trung. Nhưng có một điểm chung giữa các văn hoá và tôn giáo, từ Tây sang Đông, đó là đều coi từ Phúc như một điều tốt lành mà con người được hưởng từ trời đất nhờ vào hành động của mình.
Chữ Phúc trong tiếng Trung Quốc
    Cuối cùng, nhìn nhận một cách tổng thể tất cả các sự kiện trên, chúng ta có thể kết nối được quy luật hệ quả nào từ việc “con hơn cha” và “nhà có phúc” không ? Hãy thử một vài trường hợp mà chúng ta đã kể ra, liệu “con giàu hơn cha” có khiến “gia đình hoà thuận” ? Trên thực tế, nếu câu châm ngôn kia là đúng, thì có lẽ Đặng Lê Nguyên Vũ đã chẳng phải đứng trước toà đôi co với vợ về khối tài sản nghìn tỷ của mình. Còn nếu câu thành ngữ kia được áp dụng trên tầm thế giới thì gia đình Bezos phải là gia đình hoà thuận nhất hành tinh này chứ ? Vậy mà vợ chồng Bezos sau cùng cũng đưa nhau ra tòa phân chia cổ phần của Amazon. Vô vàn các vụ tranh chấp giữa những cặp vợ chồng siêu giàu có đã xảy ra tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nếu ta tiếp tục giả định tính chuẩn xác của lời dạy kia đi, thì chữ “phúc” của những gia đình kia đâu mất rồi ? Còn nếu xét thử nghĩa khác của câu thành ngữ, rằng việc “con cái có học thức hơn cha mẹ” sẽ khiến “gia đình luôn bình an”, thì ta cần tính đến hàng nghìn cử nhân đại học đang thất nghiệp ngoài kia. Theo như số liệu từ Bộ GD-ĐT, có đến hơn 200.000 người với trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, hay nói theo dân gian là vẫn phải ngửa tay xin tiền, phần đông trong số đó có cha mẹ chưa từng học Đại học. Vậy những gia đình này liệu họ có bình an thật hay không khi cha mẹ già phải còng lưng nuôi nấng, chạy vạy cho những đứa con đã ngoài hai mươi ?
    Tổng kết, dù câu thành ngữ trên đã ăn sâu vào tâm trí của bao thế hệ trẻ Việt Nam, nhưng độ chính xác của nó vẫn cần phải kiểm chứng. Tất nhiên, suy cho cùng, đó chỉ là một câu thành ngữ truyền miệng, mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau về nó.