#. Hành trình biết về Tự do tài chính…

Dạo gần đây, khi có thời gian sống chậm lại từng ngày. Tôi cũng tìm hiểu và lắng nghe được nhiều chia sẻ thú vị từ các anh chị đi trước. Những chuyên gia tài chính đã có thành tựu nhất định trong sự nghiệp và cuộc sống. Một trong những kênh thông tin hot hiện nay là HIEU.TV. Anh Hiếu là case study điển hình cho những cá nhân đã đạt được tự do tài chính. Tôi tin anh và được truyền cảm hứng rất nhiều cho hành trình của riêng mình (!).
Quả thật, vẻ đẹp của “tự do tài chính” gây xúc động cho nhiều người. Khi nghĩ và mơ đến cảm giác tự do đó, nó thật đến nỗi như có thể “nếm” được. Tôi quyết định mô hình hóa để tính toán mức độ khả thi. Ngoài ra, tôi cũng xin đưa ra một vài góc nhìn khác để anh chị có thể nhìn ở nhiều khía cạnh khác. Và tự thiết kế một hành trình phù hợp cho riêng mình.

#. Tự do tài chính là gì?

Tự do tài chính là trạng thái không quá phụ thuộc vào tiền bạc mà vẫn có thể tự do sống theo cách của mình. Nói cách khác, là anh chị vẫn có thể sống tốt mà không cần phải làm việc. Hoặc nếu có, đó sẽ là công việc yêu thích chứ không phải để tập trung kiếm tiền.
Điều này hoàn toàn là thật và có rất nhiều người đã làm được. Nhiều người không còn làm việc vì tiền nữa, mà họ làm việc vì những thứ cao hơn tiền bạc. Chẳng hạn như vì đam mê, muốn giúp đỡ cộng đồng hay vì muốn khẳng định mình. Hoặc vẫn muốn có mục tiêu để hướng đến. Tuy nhiên, khi đó gánh nặng tiền bạc sẽ không còn đè nặng trên vai nữa.

#. Tự do không nhất thiết phải có rất nhiều tiền 

Như vậy, độc lập tự do là thứ quý giá nhất mà tiền có thể mang lại. Độc lập trong cách nghĩ, tự do trong cách làm. Dĩ nhiên là tự do có tổ chức. Tiền cho phép bạn nói “không” với hầu hết mọi thứ cám dỗ vì tiền. Đỉnh cao của tự do không phải là được làm những gì mình thích. Mà là được tự do không làm những gì mình không thích.
Theo tôi nghĩ, đỉnh cao của khái niệm “tự do tài chính” là nằm ở chữ tự do. Chứ không phải “tự do tài chính” đồng nghĩa với “có rất nhiều tiền”. Mô hình ở phần sau sẽ chỉ rõ cho anh chị thấy điều đó. Cứ không phải có 1 hay 2 triệu đô thì mới có thể đạt được tự do tài chính.

#. Lên kế hoạch để đạt được Tự do tài chính

Các điểm quan trọng cần biết khi lên kế hoạch cho hành trình dài hơi này mà không lạc lối.

1. Điểm xuất phát khi bắt đầu kế hoạch

Chúng ta đang đứng ở xuất phát điểm nào khi bắt đầu? Xuất phát sau khi đi làm 2, 3 năm sẽ khác với xuất phát khi đã đi làm 10 năm.
Nếu ý thức về hành trình này sớm hơn, anh chị sẽ có kế hoạch tốt hơn. Chúng ta sẽ là người chi tiêu thông minh hơn. Trong tài chính có 1 khái niệm là “financial literacy” (đọc về định nghĩa ở đây). Đại khái đó là một người có hiểu biết về tài chính và đưa ra các quyết định “minh triết” về tài chính.
hocvecuocsong.com
hocvecuocsong.com

2. Hành động phù hợp theo hoàn cảnh của mình

Khi đã biết điểm xuất phát của mình ở đâu, hoàn cảnh hiện tại của mình là gì, các mục tiêu ngắn hạn như thế nào thì tiếp theo là hành động.
2.1. Thu nhập:
Để tăng thu nhập thì ngoài công việc chính thức, có thể nhận thêm công việc part-time. Hoặc nhận theo dự án vào thời gian rảnh buổi tối hoặc cuối tuần tùy theo sức của mình.
Cố gắng làm tốt công việc của mình để tốc độ tăng lương hàng năm ở mức ổn định 10%. Mức này là mức trung bình cao hơn tốc độ lạm phát ở nước ta chỉ vài phần trăm. Đây không phải là một tỷ lệ bất khả thi hoặc quá “aggressive”.
2.2. Chi tiêu:
Theo dõi chi tiêu, lập ngân sách và kiểm soát chi tiêu theo ngân sách vạch ra. Anh chị có thể đọc bài Đừng để tiền rơi để nắm rõ. Theo quan điểm cá nhân, tôi vẫn sẽ chọn cho mình một ngân sách chi tiêu tiêu chuẩn. Nghĩa là vẫn có những khoản chi tiêu “nice to have”. Cuộc sống trong hành trình tiết kiệm này vẫn phải là một cuộc đời đáng sống. Vì cuộc sống vẫn là hành trình. Tự do tài chính chỉ là một mục tiêu giúp cho hành trình này có ý nghĩa hơn. Chứ không phải “Save the best for last”. Chúng ta sống cho giây phút hiện tại chứ không phải trì hoãn để sống cho tương lai. 
Kiểm soát tốc độ tăng của chi tiêu thấp hơn tốc độ tăng của thu nhập. Cố gắng đặt ra mức ngân sách chi tiêu mỗi tháng hợp lý cho dù thu nhập đã tăng so với năm trước. Chỉ cần anh chị không để mình rơi vào cái bẫy ngọt ngào của “lạm phát trong lối sống”. Việc này cũng giúp gia tăng số tiền anh chị tích lũy cho việc tiết kiệm. Ví dụ tốc độ tăng lương mỗi năm tính trung bình ở mức 10% nhưng tốc độ tăng mức chi tiêu chỉ 7% thì rõ ràng tốc độ tiết kiệm sẽ tăng dần theo thời gian. Ví dụ cụ thể được trình bày ở bên dưới nhé.
Nguồn: Ảnh thiết kế từ Canva
Nguồn: Ảnh thiết kế từ Canva
2.3. Phân bổ dòng tiền
Phân bổ dòng tiền một cách hợp lý vào từng tài khoản theo mức độ ưu tiên:
+ Chỉ giữ lại số tiền đúng bằng ngân sách chi tiêu tiêu chuẩn ở tài khoản số 1 – Everyday account.
+ Phần thặng dư lần lượt phân bổ vào các tài khoản theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Ví dụ chảy vào tài khoản số 2 “Must pay first” cho các mục tiêu ưu tiên nhất. Ví dụ như trả nợ, tổ chức đám cưới, … Những việc phải thực hiện đầu tiên khi có dòng tiền dư ra.
+ Sau đó, đến các quỹ dự phòng như “Unplanned emergency” (nice to have but not happy to pay). Khi đã được hạn mức an toàn của từng loại quỹ thì để qua một bên ko đụng tới. Chỉ được sử dụng khi có sự vụ. Tham khảo bài Đừng để tiền rơi để nắm định nghĩa và hạn mức của từng loại.
+ Tiếp theo sẽ cân đối phân bổ giữa mua bảo hiểm và tài khoản đầu tư. Có thể cân nhắc mua bảo hiểm trong 10-15 năm, đến khi con 18 tuổi. Bảo hiểm cho mục đích đảm bảo con có tiền vào đại học, chẳng hạn. Còn lại là chảy hết vào tài khoản đầu tư.
hocvecuocsong.com
hocvecuocsong.com
2.4. Tăng trưởng của tài khoản đầu tư
Ví dụ bên dưới là so sánh giữa tổng giá trị khoản tiền trong tài khoản đầu tư trong 3 trường hợp:
+ Cộng dồn đơn thuần sau 10 năm (không tính yếu tố tăng trưởng). Nghĩa là tệ nhất là bỏ vào tài khoản ngân hàng không có lãi suất. Trường hợp này cho ta về con số cận dưới sau 10 năm, chứ chẳng ai dại để tiền nằm không như vậy.
+ Cộng dồn sau 10 năm tính trên hiệu ứng lãi kép của các món tiết kiệm hàng năm theo lãi suất tạm tính 1 năm là 6%. Chỉ vừa đủ cao hơn hoặc bằng đúng lạm phát trung bình trong 10 năm. Đây là cách tính bảo thủ nhất. Nghĩa là chỉ gửi theo lãi suất ngân hàng để loại trừ yếu tố mất giá theo thời gian. Nhưng nhiều khi lãi suất ngân hàng cũng không đủ bù lạm phát.
+ Cộng dồn sau 10 năm tính trên hiệu ứng lãi kép của các món đầu tư theo tốc độ tăng trưởng trung bình là 12%. Đây là mức gấp đôi so với lãi suất ngân hàng. Việc theo đuổi tốc độ tăng trưởng ở mức này trong 10 năm là điều hoàn toàn có thể làm được và cũng khá thận trọng. Giá trị cuối (Terminal value) chỉ cao hơn gửi ngân hàng tầm 21%. Anh chị hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu có kiến thức đầu tư và phân bổ danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình. Quan trọng là nên có cái nhìn đầu tư dài hạn, đừng chạy theo kiểu đầu cơ, lướt sóng.
hocvecuocsong.com
hocvecuocsong.com

#. Cần bao nhiêu tiền để đạt Tự do tài chính

Để tính khoản tiền này, tôi thấy được đề cập nhiều nhất là Quy luật 4%. Số tiền bạn có trước khi nghỉ hưu phải gấp 25 lần so với chi tiêu trung bình hàng năm. Mỗi năm sau đó sẽ chỉ rút ra 4% trong 25 năm.
Thật ra, quy luật này chỉ cho ta một công thức để ước lượng tương đối. Vì không nhất thiết ta phải rút 4% từ số tiền mà tại đó ta đạt được cột mốc Tự do tài chính. Và lại càng không nhất thiết rút trong 25 năm. Vì thế, nó chỉ là một công thức tương đối dùng để kiểm chứng cho tính toán trong mô hình.
Theo đó, quay lại ví dụ xuyên suốt từ ban đầu. Nếu tính 25 lần của chi tiêu một năm:
+ tính theo mức chi tiêu năm thứ 1 là gần 490 triệu thì số tiền cần đạt được là 12.2 tỷ
+ tính theo mức chi tiêu trung bình trong cả 10 năm đầu là 710 triệu thì cần 17.8 tỷ
Tuy nhiên, theo con số tạm tính trong ví dụ thì khi đạt ở con số 10.9 tỷ, gia đình trong ví dụ đã có thể đạt được tự do tài chính rồi.

Hãy nhìn 10 năm tiếp theo qua mô hình bên dưới để có câu trả lời.

Giả sử lúc này, không cần làm việc nữa, mà chi tiêu gia đình và tiền đóng bảo hiểm được rút từ tài khoản đầu tư. Chính vì thế sẽ là dòng tiền âm từ tài khoản đầu tư. Lưu ý rằng, mức chi tiêu được rút ra trong 10 năm tiếp theo này là mức chi tiêu tăng đều 7% mỗi năm. Chứ không phải là chi tiêu 490 triệu ở năm thứ nhất hay chi tiêu trung bình 710 triệu của 10 năm đầu tiên.
hocvecuocsong.com
hocvecuocsong.com
Bức tranh tài khoản đầu tư trong 10 năm tiếp theo này chỉ cần được tiếp tục duy trì ở mức lãi suất ngân hàng. Dù vậy, thì với sức mạnh của lãi kép thì tài khoản đầu tư vẫn tiếp tục nở ra và khoản chi tiêu rút ra vẫn không làm giảm số dư của tài khoản này một cách đáng kể được. Hãy xem sức mạnh của lãi kép kỳ diệu thế nào nhé.
hocvecuocsong.com
hocvecuocsong.com

#. Tổng kết

Như vậy tổng kết lại, các bước cần làm để thiết kế hành trình để đạt được tự do tài chính:
1. Biết điểm xuất phát của mình ở đâu, hoàn cảnh hiện tại của mình là gì, các mục tiêu ngắn hạn như thế nào.
2. Lên kế hoạch theo dõi chi tiêu và kiểm soát chi tiêu theo ngân sách để tăng cường tiết kiệm. 
3. Cố gắng duy trì mức tăng thu nhập cao hơn mức tăng chi tiêu hàng năm để nhờ hiệu ứng kép này gia tăng số tiền tiết kiệm. Hạn chế lâm vào “lạm phát lối sống”.
4. Tăng trưởng tích lũy đầu tư, phân bổ danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình. 
5. Không nhất thiết áp mình theo con số 25 lần mức chi tiêu hàng năm hay quy luật 4%. Biết đủ thì sẽ đủ.
6. Ngoài ra, nên áp dụng các Nguyên tắc vàng trong tài chính cá nhân.
Hy vọng, bài viết này cung cấp được những khía cạnh mới trong việc sử dụng mô hình tài chính để thiết kế hành trình tự do tài chính của mỗi người. 
Happy reading!
hocvecuocsong.com