Dẫn

(Hình sưu tầm từ Internet)
(Hình sưu tầm từ Internet)
Con người ngày nay sống trong một thế giới nhiều thay đổi với vô vàn nỗi băn khoăn mang tính quyết định của thời đại. Chẳng hạn, tôi phải tin vào ai? Tin vào điều gì? Có thực là có Thiên Chúa không? Nếu có, Thiên Chúa ảnh hưởng gì đến cuộc đời tôi? Xét lại suốt chiều dài lịch sử, từ cổ chí kim các nhà nghiên cứu, những triết gia hay các nhà khoa học vẫn luôn đặt cho mình những câu hỏi tương tự như con  người và vũ trụ này đến từ đâu? Đi về đâu? Và rồi ra sẽ như thế nào? Hay, thế giới này có mục đích không? Hoặc phải chăng như nhận định của triết gia Bertrand Russell: “con người chỉ là một hại bụi yếu ớt bò lê trên hành tinh tầm thường bé nhỏ, chẳng có gì thi vị”[1]. Hẳn những câu hỏi ấy khiến con người nói chung và các học giả nhiều lần phải đau đầu nhức óc, miệt mài suy tư để tìm cho ra đáp án. Bởi, không thể dễ dàng lý giải chúng bằng những khảo nghiệm đơn thuần trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nói như vậy không phải là ngõ cụt trong hành trình tìm kiếm này. Bởi lẽ nó đã từng, nhiều lần nhiều cách, có rất nhiều những giả thuyết, đáp án thuyết phục, mang tính logic, hợp lý ra đời để giải quyết cho những khúc mắc trên cho con người về nguồn gốc của chính mình và vũ trụ. Trong đó, Big Bang hẳn là một giải thuyết đáng để quan tâm và bàn đến.

Học thuyết Big Bang giải thích thế nào về nguồn gốc vũ trụ và con người?

Truy tìm về nguồn gốc của sự sống và vũ trụ cũng như cách thức vận hành của nó, thực luôn là đề tài mang tính thời sự và cấp thiết cho mọi người trong mọi thời. Bằng chứng là các nhà khoa học vẫn hằng miệt mài thao thức để tìm ra đáp án cho câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản này, đâu là nguồn gốc của vũ trụ và con người? Học thuyết Big Bang được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Nó đóng góp không nhỏ trong kho tàng đáp án của vấn đề được nêu trên. Georges Lemaitre, một linh mục Công giáo, người đầu tiên khởi xướng và trình bày giả thuyết về vụ nổ Big Bang, nghĩa là vụ nổ lớn. Học thuyết Big Bang khi ấy, được ví như cuộc cách mạng nhận thức vĩ đại vì tưởng như đã phát hiện, tìm ra và giải đáp hợp lý được cho con người và vũ trụ về nguồn gốc của mình. Big Bang, câu chuyện về thế giới được hình thành trong một sự kiện rất lý thú cách đây khoảng 14 tỉ năm, điểm nhấn là một vụ nổ lớn. Sau vụ nổ mang tính vật lý ấy, vật chất, năng lượng, thời gian và không gian được khai sinh. “Khoảng 300.000 ngàn năm sau khi xuất hiện vụ nổ, vật chất và năng lượng bắt đầu hợp nhất tạo thành những cấu trúc phức tạp, gọi là những nguyên tử. Sau đó, chúng kết hợp thành những phân tử. Câu chuyện của các nguyên tử, phân tử và những tương tác giữa chúng được gọi là hóa học”[2]. Tiếp đó là câu chuyện về sinh học, khi hành tinh được gọi là trái đất xuất hiện vào khoảng 4 tỉ năm trước, nó tạo thành những cấu trúc đặc biệt lớn, phức tạp và gọi là các sinh vật. Quá trình ấy tiếp tục đến với gian đoạn của lịch sử vào khoảng 700.000 năm trước. Các sinh vật thuộc loài Homo Sapiens bắt đầu hình thành cấu trúc tinh vi hơn trước, thời kỳ này được gọi là thời kỳ văn hóa. Như vậy, loài người đã có mặt từ lâu trước khi có lịch sử. Động vật và con người hiện đại xuất hiện lần đầu khoảng 2.5 triệu năm trước. Thế giới cũng như các sinh vật không ngừng phát triển, hoàn thiện, tái tạo và được định hình với ba cuộc cách mạng vĩ đại mang tính sống còn. Đó là "cuộc cách mạng nhận thức đã khởi động lịch sử cách đây khoảng 70.000 năm, cuộc cách mạng nông nghiệp đã tăng tốc lịch sử vào khoảng 12.000 năm trước. Sau cùng là cuộc cách mạng khoa học cách đây khoảng 500 năm và biết đâu đây chính là điểm nhấn cuối cùng sẽ kết thúc lịch sử để bắt đầu với một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt”[3]. Cứ như vậy, sau cuộc cách mạng khoa học, con người bắt đầu vượt qua ranh giới trái đất với hàng loạt phát mình vĩ đại cùng những khám phá không tưởng về chính mình và thế giới, để mong đến với tương lai với bản thiết kế thông minh. Trong đó, con người làm chủ thế giới vạn vật, thay thế Thượng Đế, trở thành đấng tạo dựng với các dạng sống vi sinh vật hay Homo Sapiens được thay thế bằng các siêu nhân, rôbốt vô cùng tinh vi, khiến con người thành thần thánh và rôbốt máy móc thành con người. Cứ cho giả thuyết là bản thiết kế ấy thành công, thế rồi sau cùng mọi chuyện sẽ ra sao? Hồi kết của lịch sử sẽ thế nào? Điều đó không ai biết, nhưng chắc chắn rằng, con người hay những vị thần người ấy rồi cũng phải chết và biến mất. Như vậy, sau tất cả, con người lại trở về với xuất phát điểm bởi chính khả năng và trí tuệ giới hạn của mình. Con người không thể đi xa hơn với Big Bang. Vậy, vụ nổ lớn này chưa phải là câu trả lời thuyết phục, xác đáng để giải thích về nguồn gốc vũ trụ và con người. Big Bang là vụ nổ lớn, gọi là nổ thì hẳn phải nổ từ cái gì hay cái gì nổ? Nghĩa là tại sao nổ? Ai làm cho nổ? Hay, nổ ở đâu? Nổ từ đâu? Big Bang không giải quyết được những khúc mắc trên. Vậy, con người và vũ trụ đến từ đâu?

Nguồn gốc vũ trụ và con người theo quan điểm Kitô Giáo (Đức tin và Giáo lý Công giáo)

Nếu học thuyết Big Bang lúng túng trước hàng loạt những câu hỏi liên quan về vụ nổ nêu trên. Bởi không thể nổ cái mà nó không có, đã nổ hẳn phải nổ từ cái gì đó đã có. Và như vậy, nổ từ cái đã có tức cái có trước vụ nổ thì suy ra vụ nổ ấy vẫn chưa phải là nguồn gốc trước tiên của vũ trụ. Trong khi đó, theo đức tin và giáo lý Công giáo, vũ trụ được tạo dựng nên từ hư vô, tức từ cái mà chưa là cái gì và cũng không là cái gì bởi một Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, Đấng ấy là Thiên Chúa, là chủ tể của vạn vật muôn loài. “Ngài đã tạo nên cả vũ trụ bao la với những hệ thái dương của nó cũng như những phân tử nhỏ bé nhất trong cơ thể bạn. Khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ kinh nghiệm sự gần gũi của Thiên Chúa và biết rằng Ngài ở khắp mọi nơi, thậm chí cả nơi không gian sâu thẳm mà lý trí bạn không thể hiểu thấu”[4]. Cũng vậy, khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa đặc biệt chú ý đến việc tạo dựng nên loài người. Ngài tạo nên chúng ta là những thụ tạo theo hình ảnh chính Ngài. Hơn thế nữa, Thiên Chúa yêu con người và con người có thể yêu Ngài cũng như yêu người khác và chúng ta là anh chị em trong một gia đình, là con của Cha Trên Trời. Thiên Chúa đã giao vũ trụ này cho con người để thay Ngài cai quản, chăm sóc và đặt tên cho muôn vật trong đó. Con người thật hạnh phúc, thật vinh dự và con người cao trọng, trổi vượt hơn vũ trụ vì con người được nâng lên làm con của Đấng Tạo Dựng, được Đấng Tạo Dựng tín nhiệm, yêu thương. Chính vì vậy, con người phải có trách nhiệm, tôn trọng đồng loại và thế giới tạo thành. Kinh Thánh chép rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất”[5]. Vũ trụ được Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời Yêu Thương và quyền năng của Ngài. Cũng vậy, Ngài không sáng tạo đơn độc vì đó là công trình của Ba Ngôi, Ba Ngôi hiệp nhất trong yêu thương. Bởi thế, Thiên Chúa luôn yêu con người và mời gọi con người đáp lại tình yêu của Ngài. Theo Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 27 dạy: “Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm”. Như vậy, trong niềm tin Kitô Giáo, con người và vũ trụ được tạo dựng từ hư vô và có nguồn gốc nơi Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Vũ trụ và con người được tạo dựng có mục đích, có định hướng, có nguồn gốc cùng xuất phát điểm rõ ràng. Tất cả nhờ, bởi và trong tình yêu nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải sự ngẫu nhiên đến từ một vụ nổ không đầu không cuối như Big Bang. Vậy, xét lại, câu hỏi đặt ra là học thuyết Big Bang có bác bỏ niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành không? Cũng như khoa học và đức tin có mối liên hệ thế nào, liệu chúng có loại trừ nhau?

Thay lời kết: Học thuyết Big Bang và niềm tin vào Thiên Chúa Tạo Dựng?

Học thuyết Big Bang đã từng gặp không ít sự phản đối đến từ nhiều phía ngay cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Dẫu rằng, Big Bang chưa đủ để giải thích tường tận, xác đáng về nguồn gốc vũ trụ và con người. Hay không trực tiếp chứng minh công trình Tạo Dựng bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên, cách nào đó Big Bang lại tương hợp với câu chuyện Kinh Thánh về Tạo Dựng. Trong đó, Thiên Chúa đã phán trước tiên: “Hãy có ánh sáng”[6]. Chính vì vậy, có thể nói: “không có gì ngăn cản chúng ta nhìn Thiên Chúa như người đánh lửa que diêm cho vụ nổ này khoảng 14 tỉ năm trước”[7]. Như vậy, đức tin Công giáo không bác bỏ và loại trừ khoa học. Ngược lại, chính sự giới hạn của khoa học và lý trí con người gạt bỏ niềm tin vào chân lý đích thực là Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng. Vì không bị loại bỏ, nên khoa học chân chính hay lý trí tự nhiên của con người sẽ được tỏ bày trong đức tin. Thông điệp Đức tin và lý trí, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp cho trí khôn con người vươn lên chiếm ngắm chân lý. Thiên Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khao khát khát được biết chân lý. Tựu trung là được biết chính Người, ngõ hầu một khi đã biết và yêu mến Thiên Chúa, con người cũng có thể biết được sự thật trọn vẹn về chính mình”. Vì thế, có thể nói, nhận định sau của linh mục Michel Remery cách nào đó rất hợp lý, đáng tin và đáng suy gẫm: “Học thuyết Big Bang không bác bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Trái lại, nó được tin như là cách Thiên Chúa bắt đầu việc tạo dựng vũ trụ của Ngài”[8].
- Hạ Sơn-

Tài Liệu Tham Khảo

Harari, Yuval Noal. Sapiens lược sử loài người. Dịch giả: Nguyễn Thủy Chung. Nxb tri thức, Hà Nội, 2020. Tái bản có chỉnh sửa.
Remery, Michel. Tweets với Chúa. Dịch giả: Lm Lê Quang Việt và các bạn ban mục vụ giới trẻ. Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 2018.
ĐGH Gioan Phaolô II. Thông điệp đức tin và lý trí. Dịch giả: Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm. Nxb tôn giáo, Hà Nội, 2015.
Russell, Bertrand. Minh triết Phương Tây. Dịch giả: Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2020.
HĐGMVN - UBGLĐT. Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. Tái bản lần 1.

Trích dẫn:

[1] Russell, Bertrand. Minh triết Phương Tây. Dịch giả: Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2020. Trang 25.
[2] Harari, Yuval Noal. Sapiens lược sử loài người. Dịch giả: Nguyễn Thủy Chung. Nxb tri thức, Hà Nội, 2020. Tái bản có chỉnh sửa. Trang 14.
[3] X. Harari, Yuval Noal. Sapiens lược sử loài người. Sđd, trang 14.
[4] Remery, Michel. Tweets với Chúa. Dịch giả: Lm Lê Quang Việt và các bạn ban mục vụ giới trẻ. Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 2018. Trang 17.
[5] X. St 1, 1.
[6] X. St 1, 3.
[7] X. Remery, Michel. Tweets với Chúa. Sđd, trang 16.
[8] X. Remery, Michel. Tweets với Chúa. Sđd, trang 17.