Cốc nguyệt san (P1) - Ưu nhược song hành
Phụ nữ là tặng phẩm tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông chúng ta nói riêng và thế giới này nói chung. Họ được nhào nặn từ...
Phụ nữ là tặng phẩm tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông các bạn nói riêng và thế giới này nói chung. Họ được nhào nặn từ những giá trị đẹp đẽ về tinh thần cũng như thể chất. Ấy vậy, tự nhiên cũng đã khảm trong họ một khả năng chịu đựng bền bỉ được rèn luyện bởi những cơn đau bụng kinh nguyệt mà đàn ông các bạn khó lòng hiểu thấu. Do đó, đàn ông cũng phải đóng góp một chút công sức để khiến phái đẹp của họ giảm nhẹ cơn đau và giảm sự phiền phức trong những ngày đèn đỏ. Thật vậy, loại bỏ hoài nghi về yếu tố thương mại thì sản phẩm băng vệ sinh đầu tiên được sáng chế đến từ một người đàn ông. Ở Việt Nam, băng vệ sinh sớm đã xâm nhập thị trường và cắm rễ trong tâm thức hành vi tiêu dùng của phụ nữ Việt. Chính vì vậy, những sản phẩm bảo hộ kinh nguyệt mới cải tiến, an toàn và tiện lợi hơn đều bị loại bỏ bởi nhiều nhân tố như văn hóa, cạnh tranh, giá thành. Điều này gây phương hại lớn tới mục đích chung, nhân đạo của sản phẩm, đó là vì con người mà cụ thể là bảo vệ phụ nữ.
Hiện nay, sản phẩm cốc nguyệt san đã dần chứng minh hiệu quả hơn trong việc thay thế cho băng vệ sinh ở nhiều quốc gia phát triển. Sản phẩm ấy khi được du nhập vào Việt Nam thì gặp rất nhiều khó khăn về thông tin, định kiến ý thức. Trên cơ sở đó, bài viết này của mình sẽ cung cấp thông tin đa đạng, tổng quát về sản phẩm cốc nguyệt san nhằm phá bỏ rào cản định kiến của phụ nữ Việt.
1. Cốc nguyệt san là gì?
Theo trang cocnguyetsan.com(1), cốc nguyệt san là sản phẩm thay thế băng vệ sinh và tampon cho phụ nữ, được cho vào vùng kín để hứng lấy kinh nguyệt trong những ngày phụ nữ đến chu kỳ kinh nguyệt. Về hình dáng và chất liệu, đúng như tên gọi cốc nguyệt san chính là một chiếc cốc :)). Tuy nhiên, chiếc cốc này có hình dạng như cái chuông nhỏ và thường được làm bằng silicon y tế ( ngoài ra cốc còn được làm bằng chất liệu khác như cao su Laxte, nhựa y tế,...)
Về cơ chế hoạt động, khi đến chu kỳ kinh nguyệt chúng ta sẽ đưa cốc nguyệt san vào bên trong âm đạo để đựng máu kinh nguyệt. Cốc nguyệt san khi đó sẽ hoạt động như một giác hút vì thế trong quá trình sử dụng sẽ không bị rớt cốc ra bên ngoài. Bên cạnh đó, chất liệu làm ra cốc cũng rất mềm nên khi đưa vào bên trong ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
2. Lịch sử hình thành cốc nguyệt san:
Cốc nguyệt san đã có một lịch sử phát triển lâu đời, cụ thể vào năm 1932, nhóm nhân viên hộ sinh của McGlasson và Perkins đã được cấp bằng sáng chế đầu tiên cho chiếc cốc nguyệt san. khi đó, cốc nguyệt san được làm bằng cao su cứng và có hình dạng như một chiếc chuông.
Vào năm 1937, Leona W. Chalmers được cấp bằng sáng chế thương mại cho cốc kinh nguyệt tại Mỹ. Như vậy, kể khi đó cốc nguyệt san chính thức được bán trên thị trường như một trong những sản phẩm bảo hộ kinh nguyệt dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, vào thời điểm mới được bán cốc nguyệt san đã không thu được thành công vì hai lý do. Thứ nhất, về chất liệu làm cốc vẫn là cao su cứng nên gây bất tiện khi sử dụng. Thứ hai, vào thời điểm đó tại Mỹ hầu hết phụ nữ đều chán ghét chu kỳ kinh nguyệt cho nên họ muốn sử dụng nên họ chỉ muốn sử dụng sản phẩm đơn giản để loại bỏ kinh nguyệt và chỉ dùng một lần. Vì vậy, băng vệ sinh đã chiếm được ưu thế hơn.
Sau nhiều lần cải tiến và đổi mới về chất liệu, hình dáng và kích cỡ. Cốc nguyệt san The Kepper (Mỹ)được thay bằng cao su Laxte có thể tái sử dụng lần đầu tiên được thương mại hoá vào năm 1987. Cho đến năm 2001, chất liệu của cốc nguyệt san được sản xuất bằng silocone y tế cao cấp do hãng Mooncup (Anh)sản xuất. Về sau, sự cải tiến này của cốc nguyệt san được công nhận và sử dụng rộng rãi bằng silicon y tế vì đây là chất liệu bền và an toàn nhất so với các chất liệu khác và bảo vệ sức khoẻ hơn cho người dùng(2).
Mặc dù cốc nguyệt san có trải qua nhiều lần "thay da đổi thịt" để phù hợp với người tiêu dùng. Nhưng về mặt thương mại thì cốc nguyệt san hoàn toàn thất bại trong thời gian dài, do không có nhiều người biết và sử dụng sản phẩm trên. Trong khoảng thời gian đầu khi cốc nguyệt san được bán trên thị trường, bản thân cốc nguyệt san đã gặp phải nhiều định kiến như phụ nữ phương Tây khi đó ngại nói về vấn đề kinh nguyệt nơi công cộng và họ không muốn đưa bất kỳ thứ gì vào bên trong âm đạo của mình vì họ cảm thấy những ngày đèn đỏ thật phiền phức. Bên cạnh đó, cách quảng cáo và tiếp thị về cốc nguyệt san còn gặp nhiều hạn chế khiến người tiêu dùng càng khó cởi mở trong vấn đề kinh nguyệt hơn.
Đã từng có khoảng thời gian thăng trầm là thế, nhưng bây giờ cốc nguyệt san đang dần được nhiều phụ nữ biết và sử dụng nhiều hơn. Đơn giản vì nhận thức của phụ nữ về vấn đề kinh nguyệt đã cởi mở hơn, và sự phát triển của internet giúp hội chị em có thể tiếp cận những sản phẩm bảo hộ kinh nguyệt cải tiến và an toàn hơn, một trong số đó chính là cốc nguyệt san.
3. Ưu và nhược của cốc nguyệt san
Ưu điểm và nhược điểm mình đưa ra dựa trên việc tìm hiểu thông qua các tài liệu và trải nghiệm bản thân. Với mong muốn giúp những bạn nữ chưa sử dụng cốc nguyệt san có cái nhìn toàn thể hơn về những vấn đề khi sử dụng cốc nguyệt san.
a. Ưu điểm:
Thứ nhất, cốc nguyệt san là sản phẩm phù hợp dùng cho mọi độ tuổi. Đây là điều mà cả băng vệ sinh cũng có những ưu điểm này. Nhưng tại sao mình lại đề cập đến việc cốc nguyệt san sử dụng được ở mọi độ tuổi kể cả khi là những bạn học sinh mới trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thật ra, lúc đầu sẽ có khá nhiều người nghĩ việc sử dụng cốc nguyệt san chỉ phù hợp với những người phụ nữ đã quan hệ và đã đi làm. Một phần nguyên nhân đến từ việc có những niềm tin rằng việc đặt một chiếc cốc vào trong âm đạo của phụ nữ nhất là những bạn học sinh sẽ làm hủy hoại "sự trong trắng" của các bạn ấy. Theo như tìm hiểu, mình biết rằng những bạn có màng trinh vẫn có thể sử dụng cốc bình thường, nhưng độ co dãn màng trinh của mỗi người là mỗi khác. Nghĩa là, nếu màng trinh bạn co dãn đủ tốt để sử dụng cốc nguyệt san thì không sao cả, ngược lại nếu màng trinh không hoặc ít co dãn hơn có thể gây ra tình trạng rách màng trinh. Tuy nhiên, "màng trinh" và "trinh tiết" lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà chúng ta không nên nhầm lẫm hoặc nghĩ hai khái niệm trên là một. Việc sử dụng cốc nguyệt san ở mọi độ tuổi trong đó có cả học sinh đã được chứng minh ở bài báo nghiên cứu nước ngoài tên là "Menstrual cup use, leakage, acceptability, safety, and availability: a systematic review and meta – analysis". Theo kết quả khảo sát dựa trên 43 nghiên cứu đủ điều kiện, với sự tham gia của 3319 người sử dụng và được hỏi về cốc nguyệt san. Đã có 7 nghiên cứu được hoàn thành ở các nữ sinh (từ 12-19 tuổi) ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (647 người tham gia)"(3). Như vậy, có thể khẳng định cốc nguyệt san là sản phẩm mà học sinh có thể sử dụng và đã được nghiên cứu cho ra kết quả.
Thứ hai, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng hay viêm nhiễm. Vì nguyên lý hoạt động của cốc nguyệt san là hứng máu cho nên theo nghiên cứu, khi sử dụng cốc nguyệt san không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí sử dụng cốc còn giảm nguy cơ nhiễm trùng. Một nghiên cứu ở Kenya đã chỉ ra rằng những người sử dụng cốc nguyệt san có khả năng nhiễm khuẩn âm đạo thấp hơn so với những người sử dụng băng vệ sinh(4). Không những thế, việc sử dụng cốc nguyệt san trong nhiều chu kỳ kinh nguyệt liên tục không ảnh hưởng đến các vi sinh vật trong âm đạo, vì thế môi trường âm đạo trong những ngày đèn đỏ vẫn được đảm bảo an toàn. Một nguyên nhân tiếp theo khiến cốc nguyệt san giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm là vì khi sử dụng cốc, lượng máu sẽ được giữ trong cốc và không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Điều này khiến vi khuẩn không thể sinh sôi, gây mùi khó chịu và ngứa ngáy.
Thứ ba, sử dụng cốc nguyệt san giúp cải thiện vấn đề về kinh tế và xã hội ở những nước đang phát triển. Để có thể hình dung rõ hơn tại sao việc sử dụng cốc nguyệt san lại cải thiện kinh tế hơn ( băng vệ sinh), chúng ta sẽ có một sự so sánh nhỏ giả dụ, một phụ nữ trung bình có 2220 ngày đèn đỏ trong suốt 37 năm kể từ khi bắt đầu có kinh nguyệt và kết thúc chu kỳ hoàn toàn. Và họ trải qua có 4 ngày đèn đỏ trong mỗi chu kỳ, và sử dụng 5 miếng băng vệ sinh/ ngày. Như vậy, vị chi phụ nữ đã sử dụng hết 8880 miếng băng vệ sinh trong suốt cuộc đời của mình. Vậy, chi phí mà phái nữ phải bỏ ra cả đời để mua băng vệ sinh trung bình là 31.000.000 VNĐ (5). Thế nhưng nếu sử dụng cốc nguyệt san thì sao? Một chiếc cốc nguyệt san có thể tái sử dụng lên đến 10 năm, như vậy trong 37 năm chúng ta sẽ sử dụng ít nhất là từ 4 đến 10 chiếc cốc trong suốt cuộc đời mình. Mặc dù chi phí ban đầu để mua được cốc nguyệt san lớn hơn băng vệ sinh nhưng số tiền ban đầu bỏ ra để mua cốc cộng lại vẫn không nhiều bằng băng vệ sinh (cốc nguyệt san có giá từ 500.000 - 700.000 VNĐ tùy từng hãng và thời điểm săn sale :v) Như vậy, có thể thấy việc sử dụng cốc nguyệt san tiết kiệm hơn việc mua băng vệ sinh.
Bên cạnh đó, khi sử dụng cốc nguyệt san vì cơ chế không tràn, nên người sử dụng không phải tốn chi phí để mua các sản phẩm xà phòng để giặt xả, từ đó vấn đề nước sinh hoạt cũng được cải thiện phần nào. Không những thế, ở những nước kém phát triển việc không đủ tiền để mua những sản phẩm bảo hộ kinh nguyệt như băng vệ sinh, có thể khiến các vấn đề xã hội nảy sinh. Ở khu vực Châu phi, người dân ở các nước nghèo có xu hướng phải thực hiện các giao dịch tình dục không mong muốn để mua những sản phẩm kinh nguyệt cho mình. Điều này ảnh hưởng cực lớn tới vấn đề nhân quyền mà cốc nguyệt san là giải pháp tối ưu có thể được áp dụng.
Thứ tư, cốc nguyệt san bảo vệ môi trường hơn các sản phẩm khác cùng loại. Mỗi tháng, có gần 500 triệu băng vệ sinh trên thế giới thải ra môi trường. Với lượng băng vệ sinh lớn như vậy, nhưng mỗi chiếc băng vệ sinh lại mất từ 400 - 500 năm để phân hủy. Chưa kể bản thân băng vệ sinh sau khi sử dụng cũng đã có một lượng vi khuẩn đáng kể. Cho nên, nếu không xử lý băng vệ sinh đúng cách mà còn trộn lẫn băng vệ sinh với chất thải khô và ướt sẽ gây ảnh hưởng đến người thu gom rác và môi trường rất nghiêm trọng.
So với băng vệ sinh, cốc nguyệt san được đánh giá là thân thiệt với môi trường hơn vì có thể tái sử dụng và dễ dàng vệ sinh chất thải trong cốc. Đại thể nếu sử dụng cốc nguyệt san lâu dài thì lượng cốc thải ra môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, chất liệu silicon y tế cũng không thân thiện với môi trường lắm cho nên vấn đề tái chế hay phân hủy cốc nguyệt san như thế nào để bảo vệ môi trường cũng là khía cạnh chúng ta nên nghiên cứu thêm.
Thứ năm, cốc nguyệt san có khả năng đựng được nhiều máu kinh nguyệt hơn băng vệ sinh. Số lần thay cốc cũng ít hơn tối thiểu là 2 lần/ ngày. Một cốc kinh nguyệt có thể chứa khoảng 10 - 38ml máu kinh nguyệt. Mặt khác, băng vệ sinh chỉ có thể chứa một lượng máu kinh ít hơn và cứ 4 tiếng phải thay băng một lần. Vì vậy, người sử dụng ít khả năng tiếp xúc và tránh được nguy cơ bị tràn một cách đầy bất ngờ. Hơn nữa, việc sử dụng đưa vật thể vào bên trong cũng khiến vùng kín không bị bí bách mà trở nên thoáng mát, “dễ thở”.
b. Nhược điểm:
Thứ nhất, sử dụng cốc nguyệt san vẫn gây rò rỉ tương đương các sản phẩm bảo hộ kinh nguyệt khác. Thông qua những nghiên cứu về việc sử dụng cốc nguyệt san, tình trạng rò rỉ vẫn xảy ra và lên đến 31% ở những người đã trải nghiệm sử dụng cốc nguyệt san. Như vậy, giống như những sản phẩm bảo hộ kinh nguyệt khác, việc sử dụng cốc nguyệt san cũng không tránh khỏi khả năng rò rỉ máu bất chấp những gì các hãng cốc nguyệt san đã quảng cáo. Những lý do cho việc cốc nguyệt san rò rỉ bao gồm: đặt sai cách, cốc chưa bung hẳn, kích cỡ cốc nguyệt san không phù hợp và quên không lấy cốc ra làm cốc bị tràn,...
Thứ hai, sử dụng cốc nguyệt san cần thời gian thích nghi và cần nguồn nước sạch. Như bạn đã biết, việc rò rỉ cốc nguyệt san thường gặp phải ở những người lần đầu sử dụng cốc. Trong thời gian mới sử dụng cốc đây không phải là một trải nghiệm tuyệt vời. Trung bình, phụ nữ mất từ 1 - 2 chu kỳ kinh nguyệt để làm quen với cốc nguyệt san. Điều này gây tốn thời gian, và cũng ảnh hưởng đến tâm trạng phụ nữ khá nhiều trong thời gian thích nghi. Ngoài ra, kể cả khi bạn đã sử dụng cốc nguyệt san thành thạo, thì bạn vẫn có thể gặp trường hợp có một hoặc một vài chu kỳ bạn không thể sử dụng được cốc nguyệt san do vấn đề cơ địa hoặc cảm xúc. Cho nên, việc sử dụng cốc nguyệt san cũng không hoàn toàn tiện lợi.
Ngoài ra, mỗi lần đến thời gian thay cốc nguyệt san, bạn phải đảm bảo việc có đủ nguồn nước sạch để phục vụ việc rửa ta, rửa vùng kín và rửa qua cốc trước khi đưa cốc vào lại âm đạo. Nếu không vệ sinh cốc sạch sẽ sẽ tăng khả năng gây viêm nhiễm hơn. Việc khó đảm bảo có nguồn nước sạch thường xảy ra ở các nước đang và kém phát triển.
Thứ ba, những rủi ro bạn có thể gặp phải khi sử dụng cốc. Mặc dù cốc nguyệt san sạch sẽ hơn và giảm thiểu được khả năng viêm nhiễm vì chất liệu làm ra cốc an toàn hơn băng vệ sinh. Nhưng vẫn có những báo cáo chứng minh việc sử dụng cốc nguyệt san vẫn gây ra hội chứng sốc độc nhưng ở băng vệ sinh (trong 3319 người) có 5 trường hợp mắc hội chứng sốc độc. Bên cạnh đó, có 9 trường hợp gặp vấn đề về đường tiết niệu sau sử dụng cốc nguyệt san, 13 phụ nữ gặp trường hợp bị bung vòng thai. Ngoài ra vẫn có những trường hợp bị dị ứng hoặc phát ban, thậm chí đau dữ dội khi sử dụng cốc nguyệt san. Mặc dù những rủi ro trên chỉ chiếm một phần không lớn trong số lượng người được khảo sát. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể xảy ra với bất kì ai dù xác suất là nhỏ. Cho nên, mình nghĩ việc cung cấp những rủi ro ngoài ý muốn có thể xảy ra khi sử dụng cốc nguyệt san là cần thiết.
Cuối cùng, sử dụng cốc nguyệt san vẫn phải sử dụng kết hợp với băng vệ sinh. Đây là một nhược điểm cho thấy sử dụng cốc nguyệt san không mang lại hiệu quả tối ưu. Trong quá trình sử dụng cốc nguyệt san, phụ nữ sẽ phải kết hợp dùng với băng vệ sinh ( thường là băng vệ sinh hàng ngày) vì nguy cơ rò rỉ khi sử dụng cốc nguyệt san. Trong những ngày đầu khi lượng máu kinh nguyệt lớn, việc canh thời gian của cốc nguyệt san thường khó chính xác. Vì vậy, việc phải dùng kèm băng vệ sinh để tránh trường hợp máu rỉ ra quần lót là cần thiết. Không những vậy, trong những ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu không còn nhiều thì việc sử dụng băng vệ sinh hàng ngày là phổ biến. Rõ ràng, mình nhận thấy sử dụng cốc nguyệt san không hoàn toàn hiệu quả khi phụ nữ vẫn bị phụ thuộc vào việc dùng băng vệ sinh.
Những nguồn tham khảo cho bài viết:
(1) Review Cốc nguyệt san, (2018), “Lịch sử về cốc nguyệt san”, https://cocnguyetsan.com/lich-su-coc-nguyet-san-p1069.html
(2) Suprejenie.com, (2017), “The Evolution of Menstrual Cups: Who Invented It and When Did It Started”, https://www.superjennie.com/blogs/posts/evolution-of-menstrual-cups
(3) AM Van Eijk – G. Zulaika, “Menstrual cup use, leakage, acceptability, safety, and availability: a systematic review and meta – analysis”, Journal public health, voluma 4 , Issue 8, August 2019, pg 376 – 293.
(4) PA Phillips-Howard - E Nyothach - FO Ter Kuile - et al, “Menstrual cups and sanitary pads to reduce school attrition, and sexually transmitted and reproductive tract infections: a cluster randomised controlled feasibility study in rural Western Kenya”, BMJ Open, 6 (2016), Article e013229
(5) Tu Ha An, (2020), “5 giải pháp cho kỳ nguyệt san an toàn, xanh, kinh tế”, https://www.youtube.com/watch?v=fpeyGKw60ME&t=71s
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất