*Mình của những năm về trước
Từ lúc nhen nhóm những nhận thức đầu tiên về bản thân, mình đã luôn dán một cái mác ‘hướng nội’ to đùng lên trán. Hai chữ này này vẫn chưa sai cho đến thời điểm hiện tại, nhưng nó đã trở thành lời biện minh cho sự lười giao tiếp, ngại kêt nối bạn bè đến độ anti-social trong một thời gian dài của mình.
Rất nhiều quyết định quan trọng được mình đưa ra với tâm thế này. Học xong cấp 3, dù đỗ vào FTU nhưng mình đã chọn đi du học, để trốn khỏi một môi trường quá năng động và hướng ngoại. Rồi mình chọn học kế toán, chỉ vì mình nghĩ việc này chẳng cần phải giao tiếp nhiều, quanh năm ôm đống giấy tờ và sổ sách thôi (sai quá sai mà!). Có những lúc mình đã bắt đầu unfriend với hầu hết bạn bè trên FB, hạn chế liên lạc và không đăng bất kỳ điều gì trên mạng xã hôi.
Đỉnh điểm là cuối năm Covid đầu tiên, khi bị dương tính và phải cách ly ở nhà, mình đã thực sự ‘được’ sống mà không phải giao tiếp vơí ai, không có trách nhiệm, nghĩa vụ gì cả, không còn phải lo lắng về mục tiêu nào hết. Mình đã tắt điện thoại đi bỏ mặc mọi thứ mà không sợ bị khiển trách hay la mắng. Nhưng, thời gian đó … thực sự … rất… rất… tệ… cực kỳ tệ! Một căn phòng nhỏ hẹp, không còn gì cả, không còn chính bản thân mình, chỉ chất đầy sự trống trải, lạc lõng và cô đơn. Khi nỗi cô đơn ấy tích tụ đủ nhiều, nó sẽ biến thành trầm cảm, kiệt quệ và dẫn đến khủng hoảng tinh thần. Không còn kết nối, mọi thứ chẳng cần phải tồn tại ở đó, mọi việc mình làm đều chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thật tệ hại!! Rốt cuộc, mình nhận ra rằng: sống trong thế giới như vậy, chẳng khác nào nằm trong một cỗ quan tài, chỉ còn chờ ngày hạ nguyệt là xong.
*Tâm trí cũng cần phải ăn
Nếu thân thể chúng ta cần nạp năng lượng bằng thức ăn, tâm trí chúng ta cũng cần phải ăn. Và thức ăn của nó chính là những tương tác có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày. Từ những câu chuyện phiếm đến một cái ôm thật chặt, từ vài dòng tin nhắn đến một comment bất ngờ; từ những group chat đầy người lạ đến những hôm ngồi thơ thẩn suy ngẫm về bản thân mình, và kể cả những tương tác với mấy em pet nữa… Tất cả những tương tác giữa mình với thế giới xung quanh đều nạp thêm năng lượng cho tâm trí.
Việc lười giao tiếp, thu mình lại cũng giống như việc một người nhịn ăn uống trong vài tuần, đến khi sắp ‘chết đói’ thì mình mới tìm đến người thân, bạn bè để than thở, tâm sự. Và mỗi khi bắt đầu thấy ổn hơn thì mình sẽ lại bắt đầu một chu kỳ mới và hy vọng cái tâm trí teo tóp, suy dinh dưỡng sẽ cố trụ đến vài tuần tiếp theo trong một vòng lặp mới. Tiếc là, cơ thể chúng ta không hoạt động như vậy được. Cơ thể và cả tâm trí đều sử dụng rất nhiều năng lượng hàng ngày, trong khi khả năng dự trữ là rất hạn chế. Vì thế, việc không nạp năng lượng thường xuyên sẽ đẩy tinh thần vào trạng thái báo động (chính là cảm giác cô đơn), và sẽ khiến tâm trí tự tiêu hóa chính nó, đến khi kiệt quệ không còn gì nữa cả.
Một điều mình từng dùng để tự huyễn bản thân, đó là các vị thiền sư hay triết gia, họ thường chọn ở một mình để đạt đến trạng thái thanh tinh cao nhất mà vẫn rất ổn. Cơ mà, mình đã lầm. Có thể họ ở một mình nhưng họ không cô đơn, họ xa lánh thị phi nhưng không hề mất kết nối với thế giới xung quanh. Họ chọn trạng thái cô độc (solitude) chứ không rơi vào nỗi cô đơn (loneliness). Và trên hết, mình còn rất lâu nữa mới tích lũy đủ trải nghiệm để có quyền chọn đó. Tương tác và kết nối là con đường bắt buộc mình phải đi.
Tuy nhiên, không phải tương tác nào cũng tốt cho tinh thần. Nhiều lúc, mình luôn thắc mắc tại sao có những ngày mình nói rất nhiều chuyện, tương tác với rất nhiều người mà vẫn cảm thấy trống rỗng. Một điều dễ nhận thấy là: xung quanh mình có quá nhiều tương tác lặt vặt mà thiếu những tương tác có ý nghĩa.
*Vậy thế nào mới là những tương tác có ý nghĩa?
Câu hỏi này tương tự như câu hỏi: ăn uống thế nào mới là tốt? Câu trả lời thì mỗi người một khác, tùy vào độ tuổi và chế độ sinh hoạt, nhưng chắc chắn nó phải giải quyết được nhu cầu thiết yếu của họ.
Nói đến nhu cầu ăn uống thì mình luôn nghĩ đến sự khác nhau giữa các thể hệ khác: thời ông bà mình thì là có cái ăn là được rồi, đến thời bố mẹ mình thì cần phải ăn no mặc ấm, rồi thời bọn mình lại muốn ăn ngon mặc đẹp. Đến các thế hệ sau thì còn lên đến ăn healthy, ăn sang chảnh, không những tốt cho sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường nữa.
Dựa theo những mức nhu cầu này mà mình chia ra làm 4 mức độ quan tâm đến sức khỏe tâm lý tương ứng là: bỏ ăn, đủ ăn, ăn ngon, ăn bổ dưỡng.
1. Bỏ ăn: hoàn toàn ko có tương tác với ai, thậm chí cả bản thân mình. Luôn trốn tránh thế giới thực tại bằng game, truyện hoặc những thức gây nghiện khác.
2. Đủ ăn: nhiều về số lượng và đa dạng trong phương thức, bao gồm tất cả những tương tác vui hay buồn, dài dòng hay qua loa, tự nguyện hoặc bắt buộc, chân thành hay ghen ghét, và cả chính những suy nghĩ không liền mạch trong đầu nữa.
3. Ăn ngon: Thường gồm những tương tác tích cực và vui vẻ, nhất là những câu chuyện hài hước, dí dỏm, lạc quan, dễ đón nhận và giúp nhanh chóng giảm bớt stress trong não.
4. Ăn bổ dưỡng: tương tác đủ cả lượng và chất, giải quyết được nhu cầu bền vững, lâu dài. Chỉ khi câu chuyện đạt đến một độ sâu nhất định, chạm đến những rung động cảm xúc và giải quyết được nhu cầu được thấu hiểu và yêu thương của mỗi người. Một ví dụ mà mình có thể tưởng tượng là những ngôn ngữ quan tâm trong tình yêu đôi lứa.
Theo mình, những tương tác có ý nghĩa phải thóat khỏi 1, được chắt lọc ở 2 và duy trì ở 3 và 4. Tuy nhiên, ở quá lâu trong cái tích cực của 3 sẽ khiến suy nghĩ trở nên lơ lửng, không thật; vì vậy cần phải về lại thực tại bằng sự thấu cảm ở 4.
Đạt đến độ sâu của một câu chuyện ở 4 là việc rất khó, không chỉ dừng lại ở biết cách ăn nói mà còn phải hiểu mình, hiểu người, hiểu cách tâm lý và cảm xúc vận hành nữa. Và gần như không có cách nào học những kỹ năng này bằng cách chủ động thực hành và tự chiêm nghiệm cả. Mỗi người có một tập nhu cầu khác nhau, và cách thể hiên ngôn ngữ quan tâm cũng khác nhau. Hiểu được cách thể hiện của bản thân và kết nối với một người cùng tần số sẽ chẳng dễ dàng. Không chỉ cần đúng người, mà còn phải đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, đúng thái độ và đúng kỳ vọng nữa. Cái giá để trả cho những tương tác ý nghĩa này không chỉ là thời gian, trí lực, tài lực, mà đôi khi còn cả sự thấst vọng và nghi ngờ chính bản thân nữa. Nhưng, mình khẳng định đấy là một cái giá rất đáng.
*Những mối thân quen và những mối thân sơ
Nếu như tương tác và giao tiếp là món ăn, thì các mối quan hệ chính là quán ăn của tâm trí. Từ khi được sinh ra thì chúng ta bắt đầu có liên kết với bố mẹ, ông bà, sau đó mở rộng ra với bạn bè, người yêu, rồi đồng nghiệp, đối tác. Những mqh này là những ‘hàng ăn’ chính nuôi sống tâm trí chúng ta trong suốt cuộc đời.
Có điều, chỉ những mối quan hệ thân thuộc khó có thể giúp chúng ta duy trì một tinh thần tốt liên tục được. Muốn có một chế độ dinh dưỡng thì không thể nào quanh năm chỉ ăn ở một nhà hàng hoặc ngày nào cũng ăn một món. Việc lặp lại cùng một món ăn trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ thừa một số chất và thiếu một số chất khác. Hơn nữa, những món ngon mà được ăn thường xuyên cũng sẽ trở nên tầm thường, vì cả vị giác lẫn tâm trí đều cần thời gian để làm mới cái ham muốn với món đó. Vì thế, đa dạng hóa bữa ăn là điều cần thiết, cũng như đa dạng hóa vòng tròn quan hệ của mình.
Ngoài bố mẹ, người thân, bạn học hay đồng nghiệp thì những mối quan hệ không thân nhưng đủ sâu cũng là một phần thiết yếu của một tâm hồn khỏe mạnh. Mình thường gọi những mối quan hệ kiểu này là ‘những mối thân sơ’. Họ là những người mà có thể chỉ vô tính bắt chuyện, hoặc chỉ liên hệ một vài lần, từ một bài post trên fb, một tin nhắn bất chợt hay một buổi networking với mentor. Nhưng họ luôn sẵn sàng chia sẻ một cách chân thành mà chẳng mưu cầu quá nhiều lợi ích, vì mỗi bên cũng không cần phải gánh trách nhiệm gì của nhau cả. Có lẽ vì vậy mà nhiều lúc mình thấy thoải mái hơn khi ‘tâm sự cùng người lạ’. Không ngạc nhiên khi mình đã thực sự tìm được rất nhiều câu chuyện thú vi, học được những thứ hay ho và có được kha khá cảm hứng sống từ những mối quen sơ này.
*Kết:
Mình, cũng như bao người khác, vẫn đang đi trên con đường tìm kiếm cái gọi là hạnh phúc, bình an, viên mãn, và thú thực, mình chưa hiểu gì về mấy khái niệm này. Có điều, mình dám chắc là những kết nối sâu sắc và các tương tác có ý nghĩ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mà mình mong muốn.
Đây là một nhận thức không mới, nhưng rất hữu ích với nhiều người trẻ giống như mình. Chúng ta luôn mơ về một cuộc sống tự lập, tự do, thoải mái làm mọi điều mình thích để theo đuổi những hoài bão vô tận. Nhưng nếu thiếu đi sự kết nối và chia sẻ, những điều đó sẽ chẳng còn lại mấy ý nghĩa.
Bởi, một tâm hồn trống vắng sẽ chẳng giữ được ánh sáng hạnh phúc mong manh. ‘Hạnh phúc chỉ thật sự tồn tại khi được chia sẻ’ (‘Happiness is only real, when shared’. – quoted from movie Into the Wild, 2007).
Vậy nên, dù đang sống độc thân hay đã có bồ, dù ở Việt Nam hay đi nước ngoài, vẫn mong các bạn hãy dành sự quan tâm đến các mối quan hệ của mình, và duy trì những tương tác có nghĩa một cách đều đặn. Đừng để tâm trí của mình trở nên ‘suy dinh dưỡng’